Trả lời cho câu hỏi “Trong lịch sử Nhật Bản có tồn tại khoa cử không?”


Việc khoa cử của Đại Hòa – Nhật Bản Quốc.

Trong chế độ luật lệnh nhà Yamato, ở kinh đô có đại học do nhà nước cai quản (như Quốc tử giám), có 9 thầy (kyôkan = giáo quan) và 400 trò (gakusei = học sinh), riêng khoa toán lại lấy thêm 30 người sanshô (toán sinh). Người vào học phải là con và cháu các quan ngũ phẩm trở lên hay con các quan bát phẩm trở lên, lứa tuổi 13 đến 16. Học tới cấp cao sẽ phải qua các kỳ thi từ shuusai (tú tài), myôkyô (minh kinh) đến shinshi (tiến sĩ), myôhô (minh pháp). Họ học kinh điển Nho gia: các đại kinh như Hiếu kinh, Luận ngữ, Lễ ký, Xuân thu Tả truyện, các trung kinh như Mao thi, Chu lễ, Nghi lễ, các tiểu kinh như Chu dịch, Thượng thư. Cách học là tụng độc rồi giảng nghĩa, cứ 10 ngày có tuần thí, mỗi năm có tuế thí kiểm tra trình độ. Ba năm thi không đỗ hay nghỉ học quá 100 ngày, 9 năm liên tục thành tích vẫn yếu đều phải thôi học. Ở địa phương thì có nhà kokugaku (quốc học) do quan trưởng kokushi (quốc ty) trông coi. Học trò cũng phải ở tuổi 13 đến 16 và con số khoảng 20 đến 50.

Thơ văn chữ Hán là cơ sở giáo dục của tầng lớp có địa vị cao trong xã hội nên lúc đầu chỉ có con cái quí tộc và quan lại mới được đi học. Họ phải học Hán thi và điển cổ Trung Quốc. Chương trình gồm có: văn chương (monjô, văn học chữ Hán), minh kinh (myôgyô, Nho học), toán đạo (sandô, toán học), minh pháp (myôhô, luật pháp) và kỷ truyện (kiden, lịch sử). Sinh viên gọi là gakusei (học sinh) ở ký túc xá ( = tào ty, sôji) trong làng đại học (daigakuruô = đại học liêu).

Sau này vì nhu cầu của gia đình mình, các quí tộc có thế lực lại mở các trường riêng như Kôbunkan (Hoằng văn quán) của họ Wake, Shôgakuin (Tưởng học viện) của họ Fujiwara, Gakukanin (Học quán viện) của họ Tachibana.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *