Bị viêm tai sau khi liên tục đi bơi giải nhiệt
Trong thời điểm TPHCM nắng nóng liên tục, ông H.V.D. (66 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) đi bơi ít nhất 3 lần/tuần. Gần đây, ông thấy tai phải ù và sưng đau, còn tai trái ngứa và chảy dịch nên đến bệnh viện kiểm tra.
Qua khai thác bệnh sử kết hợp khám và nội soi tai, các bác sĩ chẩn đoán người đàn ông bị viêm tai ngoài bên phải và nấm ống tai ngoài bên trái. Bệnh nhân cũng bị nhiễm trùng ống tai bởi các tác nhân vi khuẩn và vi nấm.
Còn bé M.Q.A. (8 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đi bơi khi đang viêm họng, sổ mũi. Sau 3 ngày, bé có biểu hiện sốt, đau đầu, nghẹt mũi, bứt rứt khó chịu ở tai.
Kết quả nội soi tai cho thấy, bé đã bị viêm tai giữa. Bác sĩ nhận định, bé bị sổ mũi trước đó nên khi đi bơi dịch mũi đi ngược lên tai, cùng với nước hồ bơi vào tai không được vệ sinh đúng cách khiến bé mắc bệnh.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Diệp Phúc Anh, chuyên khoa Tai Mũi Họng cho biết, một tháng gần đây, bệnh viện nơi vị này công tác tiếp nhận khoảng 50 người bệnh đến điều trị viêm tai do đi bơi giải nhiệt mùa nắng nóng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, viêm tai ngoài phổ biến ở người lớn, viêm tai giữa phổ biến ở trẻ em.
Coi chừng giảm thính lực, viêm não
Bác sĩ Phúc Anh nhận định, khi tắm người lớn thường có thói quen đưa tay bẩn mang mầm bệnh lên ngoáy tai. Trong khi đó, trẻ em có sức đề kháng yếu hơn, đồng thời cấu tạo của tai cũng dễ bị các tác nhân trong nguồn nước tắm nhiễm khuẩn dễ tấn công, nên nguy cơ viêm tai giữa nhiều hơn.
Đáng chú ý, nhiều người vì chưa hiểu rõ bệnh, nên xử trí ban đầu tại nhà không đúng cách, như tự dùng oxy già và thuốc tự mua nhỏ vào tai, hay cạo kháng sinh dạng viên rắc vào tai khi thấy dịch chảy ra ngoài. Điều này khiến lớp biểu bì bảo vệ trên ống tai sẽ bong ra, làm chậm quá trình lành thương.
Thậm chí, không ít trường hợp người bệnh bị hẹp ống tai ngoài khiến dịch viêm không được dẫn lưu ra ngoài, làm quá trình điều trị khó khăn, gây giảm sức nghe hoặc ảnh hưởng thính lực.
Cũng theo bác sĩ Diệp Phúc Anh, nhiều người không sử dụng nút bịt tai khi đi bơi, khiến nước chui vào trong tai và ứ đọng, thay đổi độ PH trong ống tai, tạo điều kiện cho vi khuẩn và nấm sinh sôi, gây viêm nhiễm. Với những người đã có tiền sử bị viêm tai, thủng màng nhĩ, có bất thường về giải phẫu ống tai càng dễ bị đọng nước bên trong và nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Song song đó, khi có nhiều người cùng bơi vào thời điểm nắng nóng sẽ khiến hồ bơi chứa nhiều vi khuẩn, virus. Một số người không vệ sinh cơ thể trước khi xuống hồ bơi, khạc nhổ, tiểu tiện trong hồ bơi, hoặc đi bơi khi đang mắc các bệnh ngoài da, bệnh viêm nhiễm cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh chung.
Ngoài ra, còn có các yếu tố gây viêm tai do bơi lội khác, như trầy xước da ống tai hoặc chấn thương ống tai do tăm bông, móng tay hoặc các dụng cụ đặt trong tai trước đó…
Bác sĩ Diệp Phúc Anh khuyến cáo, người dân nên đến bệnh viện điều trị nếu nhận thấy các dấu hiệu của viêm tai (như tai sưng đỏ, đau nhức, chảy dịch có mùi hôi, ngứa, sưng nề ống tai và ù tai, nghe kém…). Tuyệt đối không tự ý nhỏ các dung dịch, thuốc không rõ nguồn gốc vào tai, không ngoáy sâu bên trong tai gây trầy xước, khiến tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.
Các bệnh nhiễm trùng tai nếu không được chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, như gây thủng màng nhĩ dẫn đến giảm thính lực, thậm chí điếc; tổn thương xương và sụn tai; nhiễm trùng lan rộng; viêm não hoặc viêm màng não…
Với trẻ em, biến chứng có thể khiến bệnh nhi bị suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, gây chậm phát triển kỹ năng nói, giao tiếp xã hội.
Cách vệ sinh tai sau khi bơi
Nghiêng đầu sang từng bên, kéo dái tai theo các hướng khác nhau để nước chảy ra ngoài;
Sử dụng bông gòn đặt nhẹ vào ống tai ngoài, để yên trong khoảng 3-5 phút để bông thấm hút hết nước;
Nhẹ nhàng lau khô bằng các góc của khăn tắm, hoặc sử dụng máy sấy tóc ở mức nhiệt thấp nhất/chế độ làm mát để làm khô tai (lưu ý đặt máy sấy cách xa tai tối thiểu 30cm).
Dùng nước muối sinh lý vệ sinh mắt, mũi, họng để tránh viêm mũi họng.