Ngày 28/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, tuần 34 đơn vị ghi nhận 85 ca sốt phát ban nghi sởi sống tại TP.HCM. Trong đó, có 20 ca dương tính (23,5%), 44 ca không lấy mẫu (51,8%), 17 ca chưa có kết quả (20,0%) và 4 ca âm tính (4,7%).
Tổng số ca sốt phát ban nghi sởi tích lũy từ đầu năm đến tuần 34 là 525 ca, cụ thể có 209 ca dương tính (39,8%), 164 ca không lấy mẫu (31,2%), 02 ca có kết quả xét nghiệm không xác định (0,4%), 23 ca chưa có kết quả (4,4%) và 127 ca âm tính (24,2%).
Giải pháp quan trọng nhất, theo HCDC, các bậc phụ huynh hãy đưa con em đến cơ sở y tế tiêm đủ 2 mũi vaccine sởi theo lịch tiêm chủng để tạo miễn dịch cho trẻ.
Theo Trung tâm tiêm chủng VNVC, tiêm vaccine được đánh giá là phương pháp phòng chống dịch sởi hiệu quả nhất hiện nay. Tùy theo lịch sử chủng ngừa của trẻ, bác sĩ chỉ định phác đồ phù hợp với lứa tuổi của trẻ. Thông thường, trẻ sẽ tiêm mũi 1 khi tròn 9 tháng tuổi, tiêm mũi 2 khi được 12 tháng tuổi, cách mũi thứ nhất 3 tháng và tiêm mũi 3 lặp lại khi trẻ 4 – 6 tuổi.
Y, bác sĩ đang tiêm vaccine phòng dịch cho trẻ. UBND TP.HCM đã chỉ đạo khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm phòng bệnh sởi trên địa bàn TP. Ảnh: VNVC
Ngày 27/8 vừa qua, UBND TP.HCM đã chính thức công bố dịch sởi trong bối cảnh số ca mắc tăng nhanh và đáng chú ý là đã có 3 trường hợp tử vong. Được biết, đây là lần đầu TP.HCM công bố dịch sởi và là địa phương đầu tiên trong nhiều năm nay công bố dịch này.
Được biết, UBND TP.HCM yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, quận, huyện, TP.Thủ Đức, phường, xã, thị trấn. Sở Y tế TP.HCM thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM triển khai chiến dịch tiêm vaccine sởi để phòng, chống dịch, tổ chức rà soát, lập danh sách, rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên địa bàn.
Cụ thể: Khẩn trương tổ chức chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi không kể tiền sử tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế trên địa bàn thành phố. Đa dạng hóa hình thức triển khai như tiêm tại cơ sở giáo dục, tại cơ sở nuôi dưỡng, trạm y tế, bệnh viện,… Đảm bảo đầy đủ vaccine, thiết bị y tế để phục vụ chiến dịch tiêm bổ sung vaccine phòng bệnh sởi.
Vaccine sử dụng trong chiến dịch là vaccine phối hợp Sởi – Rubella (MR). Đây là vaccine đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng và cũng thuộc danh mục bắt buộc sử dụng đối với người có nguy cơ mắc bệnh theo quy định tại Thông tư số 10/2024/TT-BYT ngày 13/6/2024 của Bộ Y tế.
Tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức, vận động người dân đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được tiêm sớm nhất, đảm bảo hạn chế thấp nhất số trẻ bị bỏ sót chưa được tiêm trong chiến dịch. Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 932/KH-SYT ngày 1/2/2024 của Sở Y tế về việc triển khai tiêm bù các loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ trên địa bàn TP.HCM năm 2024.
Ngoài ra, để bảo đảm chiến dịch tiêm bổ sung vaccine đạt hiệu quả, các Trung tâm Y tế quận, huyện cần rà soát lập danh sách tất cả các trẻ từ 1 đến 5 tuổi hiện sinh sống trên địa bàn, chú ý các trẻ tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ. Khuyến khích các bệnh viện tổ chức tiêm vaccine cho nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân mắc sởi.
Các bệnh viện thực hiện lập danh sách trẻ bị bệnh mạn tính, bệnh nền đang được bệnh viện quản lý và tư vấn tiêm chủng tại bệnh viện cho trẻ nếu đủ điều kiện. Hiệu quả ngăn chặn đường lây truyền bệnh khi có miễn dịch cộng đồng cũng là giải pháp gián tiếp để bảo vệ những người mắc bệnh ác tính, suy giảm miễn dịch không thể tiêm vaccine.
Bên cạnh đó, thực hiện nhóm giải pháp bảo vệ trẻ thuộc nhóm nguy cơ: Cần đặc biệt quan tâm bảo vệ nhóm trẻ có bệnh lý tim mạch, phổi, thận chưa được tiêm chủng, nhóm bị các bệnh có suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính. Đây là những trường hợp có nguy cơ biến chứng nặng, tử vong khi nhiễm sởi.
Các cơ sở khám chữa bệnh cần tuân thủ nghiêm kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở y tế. Triển khai khám sàng lọc, phân luồng cách ly các trường hợp sốt phát ban nghi sởi ngay tại khoa khám bệnh, bố trí bàn khám riêng đối với các trường hợp này nhằm hạn chế lây nhiễm chéo cho người bệnh khác. Bố trí khu vực cách ly để điều trị người bệnh nghi/nhiễm sởi tại các khoa truyền nhiễm. Trường hợp người bệnh mắc sởi bắt buộc điều trị tại khoa lâm sàng khác, phải bố trí khu vực cách ly riêng biệt, không bố trí chung buồng bệnh với các trường hợp khác.
Nhân viên y tế, kể cả thân nhân người bệnh cần tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn như mang khẩu trang, vệ sinh tay khi chăm sóc các trẻ thuộc nhóm nguy cơ; khuyến khích tiêm vaccine phòng ngừa bệnh sởi theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với các trường hợp trẻ thuộc nhóm nguy cơ bị phơi nhiễm sởi trong thời gian nằm viện do có tiếp xúc với bệnh nhân sởi cần điều trị dự phòng sau phơi nhiễm ngay bằng Immune Globulin. Các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện phân tuyến điều trị và tuân thủ phác đồ chăm sóc điều trị theo Hướng dẫn của Bộ Y Tế tại Quyết định số 1327/QĐ-SYT ngày 18/4/2014 của Bộ Y tế.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, lấy mẫu huyết thanh gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và thực hiện báo cáo lên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế (phần mềm) trong vòng 24 giờ theo quy định…