Tại buổi họp báo kinh tế – xã hội chiều ngày 15/8, bà Lê Thiện Quỳnh Như – Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố.
Theo bà Như, về cơ bản TP.HCM vẫn đủ thuốc đáp ứng cho nhu cầu điều trị. Một số thuốc bị gián đoạn tạm thời đã được các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh mua sắm bổ sung bằng nguồn cung ứng khác hoặc sử dụng các phác đồ điều trị thay thế.
“Một số thời điểm, nguồn cung ứng thuốc bị ảnh hưởng của dịch bệnh và các cuộc xung đột trên thế giới. Do đó, việc thiếu hụt thuốc có thể xảy ra khi nhu cầu thuốc tăng đột biến như các đợt bệnh đau mắt đỏ, tay chân miệng…”, bà Như cho biết.
Đối với những nhu cầu điều trị đặc biệt, có thể xảy ra tình thiếu thuốc do: Thuốc không sẵn có trên thị trường và thường chưa có số đăng ký lưu hành trong khi nhu cầu thường phát sinh đột xuất; thuốc có nhu cầu sử dụng thấp, không thường xuyên nên ít được sản xuất; thuốc có giá thành rất cao, trong khi nhu cầu sử dụng thường rất thấp.
Thời gian qua, ngành y tế thành phố đã kịp thời xử lý một số tình huống khẩn cấp. Bà Như nêu ví dụ, trường hợp ngộ độc Botulinum Toxin vào tháng 5/2023, thành phố đã đề nghị Cục Quản lý Dược hỗ trợ nguồn cung ứng thuốc và tiếp nhận khẩn cấp 6 lọ thuốc BAT từ Tổ chức Y tế thế giới.
Sở Y tế TP.HCM cũng đã kiến nghị Bộ Y tế duyệt các đơn hàng nhập khẩu như Globulin và Phenobarbital điều trị bệnh tay chân miệng nặng; dung dịch cao phân tử Dextran điều trị sốc sốt xuất huyết.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, đơn vị đã triển khai chạy thử phần mềm tra cứu thuốc cấp cứu tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh với mục đích có thể tìm kiếm nhanh nhất các thuốc cấp cứu đang tồn kho tại các cơ sở y tế, từ đó điều chuyển ngay đến nơi đang cần thuốc.
TP.HCM vẫn còn tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế. Ảnh minh họa: D.V
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định cho phép TP.HCM có thẩm quyền quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
“Việc phân cấp này sẽ giúp rút ngắn thời gian tổng hợp nhu cầu thuốc của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn và thời gian chuẩn bị hồ sơ của cơ sở nhập khẩu”, bà Như phát biểu.
Trong khi chờ Bộ Y tế thành lập các Trung tâm dự trữ thuốc Quốc gia, Sở Y tế sẽ tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố về triển khai thí điểm dự trữ cơ số các nhóm thuốc cấp cứu, thuốc hiếm cho nhu cầu cấp bách để có thể điều tiết sử dụng ngay khi phát sinh ca bệnh cần điều trị.
UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 657/QĐ-UBND ngày 4/3/2024 phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp dược TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, dự kiến Khu công nghiệp chuyên ngành Y – Dược sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ sau năm 2031.