Du Xuân ngày Tết không chỉ đơn thuần là một chuyến đi nhân dịp đầu năm mới mà còn mang đậm giá trị văn hóa và tâm linh của người Việt. Trong những ngày đầu năm, người Việt Nam thường đến chùa chiền, đền miếu để thắp hương, cầu nguyện cho gia đình sức khỏe, may mắn và bình an. Hành trình này được xem như cách để khởi đầu một năm mới tràn đầy hy vọng, gạt bỏ mọi điều không may của năm cũ. Những lời khấn nguyện chân thành khi du xuân không chỉ hướng đến những điều tốt lành mà còn thể hiện lòng biết ơn, tôn kính với tổ tiên và các vị thần linh.
Du lịch tâm linh không còn xa lạ với nhiều du khách, hoạt động này có ý nghĩa về mặt tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời cũng có ý nghĩa về mặt tinh thần, thư giãn… Mỗi địa điểm văn hóa, du lịch tâm linh đều có ý nghĩa khác nhau giúp cho du khách có cơ hội được hiểu thêm về lịch sử cội nguồn, kiến trúc và những giá trị linh thiêng, cổ kính.
Địa điểm du lịch tâm linh: Hành trình tâm linh giữa thiên nhiên hùng vĩ
Chùa Hương không chỉ là nơi để tìm về cội nguồn tâm linh mà còn là dịp để hòa mình vào thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, thư thái. (Ảnh: Trung Hiếu)
Chùa Hương, một quần thể di tích lịch sử văn hóa tôn giáo nổi tiếng, là điểm đến tâm linh được nhiều người lựa chọn vào dịp đầu xuân. Chùa Hương, còn được biết đến với tên gọi khác như chùa Hương Tích. Địa chỉ chùa Hương nằm bên bờ sông Đáy, thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 55km.
Ngồi thuyền dọc theo dòng suối Yến thơ mộng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh núi non hùng vĩ, những ngôi chùa cổ kính ẩn mình trong rừng cây xanh mát. Lễ hội chùa Hương diễn ra từ tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, thu hút hàng ngàn du khách thập phương đến dâng hương, cầu may mắn cho năm mới.
Du khách quẹt vé cáp treo để lên động Hương Tích. (Ảnh: Trung Hiếu)
Ngoài việc tham gia lễ hội, du khách có thể khám phá các hang động kỳ vĩ như động Hương Tích, động Giải Oan, hay thưởng thức những món ăn chay đặc sắc của vùng.
Động Hương Tích còn có nhiều nhũ đá và măng đá tự nhiên. Sau nhiều năm, một số nhũ đá đã trở nên nhẵn nhụi. Một số người tin rằng nếu được sờ và xoa vào, những điều may mắn và phép màu sẽ đến với cuộc sống của họ. Có hai hình thức du khách có thể lựa chọn để đến Động Hương Tích là leo núi hoặc đi cáp treo. Hành trình leo núi đòi hỏi sức khỏe và thể lực tốt vì phải vượt qua hàng nghìn bậc đá có độ dốc cao, kéo dài một giờ đồng hồ.
Địa điểm du lịch tâm linh: Chốn bồng lai tiên cảnh ở mảnh đất Hà Nam khiến bất cứ ai từng ghé thăm đều không khỏi trầm trồ kinh ngạc
Những ngày đầu xuân, hàng vạn du khách đã về vãn cảnh, tham quan kết hợp đi lễ đầu năm tại ngôi chùa lớn nhất Việt Nam này. (Ảnh: Gia Khiêm)
Chùa Tam Chúc, tọa lạc tại huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, là một trong những ngôi chùa lớn nhất Việt Nam. Với kiến trúc đồ sộ, tráng lệ, chùa Tam Chúc không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là điểm du lịch hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng hữu tình. Ngôi chùa nằm giữa lòng hồ nước rộng lớn, sở hữu những dãy núi đá vôi hùng vĩ ở phía sau và các khu rừng tự nhiên bao quanh. Không gian thanh tịnh của chùa mang đến cho du khách cảm giác như đang đặt chân vào một thế giới bình yên, không có âu lo, muộn phiền.
Tam Quan là cổng chính để dẫn vào chùa, mang lối kiến trúc truyền thống của đình chùa Việt Nam với 3 cánh cổng vô cùng hoành tráng. Cổng mang ý niệm “ba cách nhìn” của Phật giáo gồm có hữu quan, không quan và trung quan, thể hiện cái sắc (giả), cái không (vô thường) và trung dung của cả hai.
Du xuân Tam Chúc, du khách có thể tham quan các công trình kiến trúc độc đáo như Điện Tam Chúc, Điện Pháp Chủ, Điện Quan Âm, hay chiêm bái các pho tượng Phật lớn. Ngoài ra, du khách còn có thể trải nghiệm các hoạt động như đi thuyền trên hồ, leo núi, hay thưởng thức các món ăn đặc sản của vùng.
Địa điểm du lịch tâm linh: Đền Bà Chúa Kho – chốn cầu tài lộc nổi tiếng miền Bắc
Sở hữu kiến trúc cổ kính, độc đáo và mang đậm dấu ấn thời nhà Lý, ngôi đền này không chỉ mang giá trị lịch sử, có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người dân mà còn tự hào nằm trong quần thể di tích Cô Mễ, bao gồm Đình – Chùa – Đền. (Ảnh: Khương Lực)
Được xây dựng từ thời nhà Lý, đền Bà Chúa Kho là một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Bắc Ninh. Đền nằm trên sườn núi Kho, thuộc địa phận thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đền có vị trí nằm cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 35km về phía Đông Bắc, và khoảng một giờ lái xe.
Theo tín ngưỡng của người Việt thì Bà Chúa Kho là một hình tượng độc đáo, vừa là một nhân vật lịch sử vừa là một huyền thoại. Hành động suy tôn Bà chính là sự hội tụ của phong tục sùng bái nữ thần. Đồng thời tôn vinh vị anh hùng có tầm quan trọng trong việc khai hoang đất đai, dựng xây cộng đồng, không tiếc hy sinh bản thân để bảo vệ Tổ quốc.
Tương truyền rằng Bà Chúa Kho có xuất thân từ một hộ gia đình nghèo ở làng Quả Cảm. Bà được mọi người nhận xét là xinh đẹp. Sau khi bà lấy vua Lý, được phong lên là Linh Từ Quốc Chế thì nhận thấy rằng ruộng đất ở Quả Cảm bị hoang hóa khá nhiều nên đã xin lệnh nhà vua trở về làng để lập ấp, chiêu dân, khai khẩn đất đai.
Cùng với sự linh thiêng được người dân truyền miệng nhau, đền Bà Chúa Kho mỗi ngày đều đón một lượng lớn du khách đổ về chiêm bái, dâng hương và hành lễ. Đối với nhiều người, đây là nơi để cầu xin bình an, tài lộc cho công việc thêm suôn sẻ. Không chỉ có thế, tại ngôi đền này còn gắn liền với một lời đồn ứng nghiệm về việc xin lễ “vay vốn âm” của Bà Chúa Kho nhằm nhận được lộc dương giúp cho công việc, làm ăn buôn bán dồi dào, thuận buồm xuôi gió.
Địa điểm du lịch tâm linh: Quần thể chùa Bái Đính nổi bật với nét đẹp riêng, tự hào xác lập nhiều kỷ lục trong khu vực và châu lục
Tại chùa Bái Đính sẽ diễn ra lễ hội xuân vào chiều mồng 1 Tết và chính thức được khai mạc vào ngày 6/1 Âm lịch. Lễ hội sẽ kéo dài đến tháng 3 Âm lịch. Với những hoạt động hấp dẫn, chùa Bái Đính chắc chắn sẽ là địa điểm du lịch tuyệt vời cho những ngày đầu năm mới. (Ảnh: TTBĐ)
Hơn 1000 năm về trước, ba triều đại phong kiến nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý đều rất quan tâm và coi đạo Phật là Quốc giáo nên cho xây rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính nằm trên dãy núi Tràng An. Chùa nằm ở cửa ngõ phía tây khu di tích cố đô Hoa Lư, bên quốc lộ 38B, thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách thành phố Ninh Bình 15km.
Chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh nhưng vẫn có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
Cho đến nay, quần thể chùa Bái Đính gồm có một khu chùa cổ và một khu chùa mới xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm sừng sững trên sườn núi, thấp thoáng mặt hồ xanh ngắt và những ngọn núi đá. Với độ tuổi hơn 1000 năm, kiến trúc chùa mang đậm những nét đẹp cổ kín đặc trưng từ thời xa xưa. Mặc dù có sự xuất hiện của khu chùa mới, được thiết kế và xây dựng hoành tráng, đồ sộ nhưng vẫn hài hòa với bản sắc truyền thống.
Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á… Đây là ngôi chùa lớn nhất và sở hữu nhiều kỷ lục nhất ở Việt Nam.
Khi đến đây, du khách thập phương sẽ cảm nhận được không gian vô cùng thanh tịnh thoáng mát. Bên trong chùa có nhiều khu vườn nhỏ trồng cây xanh, đặc biệt là cây bồ đề được mang về từ những ngôi chùa Ấn Độ.
Địa điểm du lịch tâm linh: Di tích lịch sử văn hóa với tuổi đời lên đến 10 thế kỷ trở thành địa điểm du lịch tâm linh hút khách xứ Cảng
Bốn góc của chân tháp có độ nghiêng khoảng 190 độ. Xung quanh chân tháp gồm ba dãy nhà cấp bốn là nơi thờ thần, lễ Phật, tiếp khách, sinh hoạt của các sư thầy… Đa phần du khách trước khi di chuyển đến chân tháp đều dừng chân vái lạy các vị thần trong từng ngôi chùa để thể hiện sự thành kính. (Ảnh: Huy Hoàng)
Tháp Tường Long, di tích lịch sử ngàn năm tuổi, tọa lạc trên đỉnh núi Long Sơn – ngọn núi cao nhất trong dãy Cửu Long thuộc bán đảo Đồ Sơn. Tháp Tường Long còn được biết đến với tên gọi khác là chùa tháp hoặc tháp Đồ Sơn, với độ cao 95.2m so với mực nước biển, tháp là nơi giao thoa giữa trời và đất, mang lại vẻ đẹp uy nghi và linh thiêng. Tháp thuộc địa phận phường Vạn Sơn, quận Đồ Sơn, Hải Phòng, cách trung tâm thành phố khoảng 22km.
Trên đường lên chùa Tháp Đồ Sơn, từ xa, du khách đã có thể chiêm ngưỡng sự đồ sộ của công trình nghệ thuật độc đáo này nhờ vị trí tọa lạc trên một khoảng đất lớn và tách biệt. Giữa một khoảng trời rộng lớn, tòa tháp đứng hiên ngang, sừng sững như một vị thần bề thế.
Tháp Tường Long sừng sững giữa mây trời được nhiều người dân Hải Phòng tới chiêm bái. (Ảnh: Huy Hoàng)
Nếu là người đam mê tìm hiểu về nét kiến trúc của thời nhà Lý cùng nghệ thuật Phật giáo đương thời, tháp Tường Long là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách. Nhìn từ xa, ngọn tháp như một cây sáo với nhiều cửa sổ phân tầng. Bên ngoài tháp được lát bằng gạch và đá hoa cương mang sắc đỏ cổ kính. Phần mái tháp trang trí những hoa văn như đóa sen, đóa cúc… được chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo. Những hình tượng này đều rất phổ biến vào triều đại nhà Lý và xuất hiện ở tất cả các công trình kiến trúc thời bấy giờ.
Tháp Tường Long ngoài sở hữu nét kiến trúc đặc sắc mang đậm tính văn hóa, lịch sử còn là chốn linh thiêng ngày đêm tỏa hương khói nghi ngút. Du khách đến đây để dân hương phụng cầu trước các vị thần linh, đặc biệt là pho tượng Phật A Di Đà linh thiêng được phỏng dựng bằng đá ngọc thạch nguyên khối đặt trong tầng một của tòa tháp.
Địa điểm du lịch tâm linh: Thiền viện thanh tịnh giữa biển trời Sơn Trà
Ngôi chùa tựa lưng vào bán đảo, hướng về phía biển Đông, xung quanh là đảo Cù Lao Chàm, xa xa là cảnh đẹp tuyệt vời của đèo Hải Vân. (Ảnh: Viết Niệm)
Tọa lạc trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), hướng ra vùng Biển Đông bao la, chùa Linh Ứng không chỉ mang đến sự an yên cho tâm hồn mà còn sở hữu khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục. Nơi đây nổi tiếng với tượng Phật Quan Âm cao nhất Việt Nam, sừng sững ở độ cao 67 m, như một biểu tượng linh thiêng che chở cho mọi người.
Mỗi dịp đầu năm mới, chùa Linh Ứng thường chào đón hàng ngàn du khách đến cầu mong bình an, sức khỏe và may mắn, đồng thời tận hưởng luồng gió biển mát lành cùng phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ.
Không gian tĩnh lặng hòa với tiếng sóng vỗ dịu êm mang đến bầu không khí thanh tịnh, phù hợp để cầu nguyện, tịnh tâm và tìm kiếm an lành trong tâm hồn. Đặc biệt, Lễ vía Đức Bồ Tát Quan Thế Âm diễn ra từ ngày 16-18/3 (tức ngày 17-19 tháng 2 âm lịch), với nhiều nghi lễ trang trọng thường thu hút đông đảo tín đồ Phật tử.
Địa điểm du lịch tâm linh: Ngôi cổ tự linh thiêng ở Hà Tĩnh
Chùa tọa lạc tại đỉnh Hương Tích thuộc dãy núi Hồng Lĩnh tuyệt đẹp, du khách nên đến chiêm bái. (Ảnh: Huy Hoàng)
Chùa Hương Tích còn có tên chữ là Hương Tích Cổ Tự, tên dân gian là chùa Thơm. Chùa tọa lạc tại đỉnh Hương Tích thuộc dãy núi Hồng Lĩnh tại xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích theo phái Phật Giáo Bắc Tông và đang thờ Quan Âm Bồ Tát. Chùa Hương Tích còn gắn liền với sự tích về công chúa Diệu Thiện được Thần Hổ che chở đưa đến núi Hồng Lĩnh dựng am tu hành rất nổi tiếng.
Theo tương truyền thì chùa Hương Tích được xây dựng vào thế kỷ 13, đến năm 1885 thì chùa bị hoả hoạn lớn, đến năm 1901 thì được trùng tu lại. Đến năm 1936, chùa được Vua Bảo Đại cho chạm khắc vào Anh Đỉnh – một trong 9 đỉnh đồng tại Đại Nội Huế. Đến năm 1990 chùa Hương Tích được công nhận là Di tích văn hoá – thắng cảnh cấp Quốc gia. Chùa liên tiếp được trùng tu vào các năm 2003, 2006 và cho đến ngày nay.
Chùa nằm ở độ cao 650m so với mực nước biển với xung quanh là khung cảnh núi non hùng vĩ, điều này sẽ khiến cho nhiều du khách cảm thấy cực kỳ thích thú. Đặc biệt đoạn đường di chuyển lên chùa có dốc thoải, thiết kế theo dạng bậc thang tuyệt đẹp. Nếu đi bằng cáp treo du khách chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh hoang sơ xinh đẹp huyền ảo của núi rừng Hồng Lĩnh. Còn với những ai thích trải nghiệm cảm giác chân thật khi hòa mình với thiên nhiên thì nên chọn cách đi bộ nha. Với bầu không khí trong lành mát mẻ, cảnh quanh đậm chất đại ngàn sẽ là cách tuyệt vời để tạm thời quên đi những mệt mỏi và áp lực của cuộc sống thường ngày.
Chùa Hương Tích có nhiều pho tượng cổ bằng gỗ quý với lịch sử hàng nghìn năm. (Ảnh: Huy Hoàng)
Chùa Hương Tích thực chất là một Quần thể di tích văn hóa tôn giáo với rất nhiều công trình và hạng mục khác nhau. Ngoài thờ Phật ra thì tại đây vẫn còn thờ rất nhiều vị Thần khác theo tín ngưỡng văn hóa Việt Nam. Chùa có 3 khu vực chính bao gồm Am Thánh Mẫu, Đền Thiên Vương và Thượng Điện. Trong số đó nổi bật nhất chắc chắn là Cung Tam Bảo, tại đây hiện đang đặt 54 pho tượng Phật bằng gỗ quý với lịch sử hàng nghìn năm.
Lễ hội tại chùa Hương Tích sẽ được tổ chức sau Tết Nguyên Đán, lễ hội sẽ được diễn ra từ đầu tháng Giêng kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch. Và ngày 18/2 sẽ là ngày chính của lễ hội tại chùa, và đây cũng chính là ngày mà nàng công chúa Diệu Thiện hóa thành Phật. Lễ hội chùa Hương Tích là cơ hội cho mọi du khách thử khám phá văn hóa tín ngưỡng và cũng như trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa dân gian của người dân bản địa.