1. Lý Phục Man (? – 547)
Lý Phục Man là một danh tướng dưới thời Lý Nam Đế vào thế kỷ thứ 6 trong lịch sử Việt Nam. Vì ông có công thu phục được các bộ tộc thiểu số (người Man) vùng Đỗ Động – Đường Lâm (vùng Tây Bắc nước ta thời Lý Nam Đế) nên được suy tôn là “Phục Man Tướng Quân”. Ông cùng với Phạm Tu đánh tan quân Lâm Ấp xâm lược nên đã được vua cho mang họ “Lý”. Ông là người Làng Cổ Sở sau đổi là Làng Giá (gồm ba làng: Yên sở, Đắc Sở, Yên Thái thuộc huyện Hoài Đức,Hà Nội ngày nay). Ông nổi tiếng là người giỏi võ nghệ có tài thuần trị được voi, chẳng những thế mà khả năng cầm cung cũng được coi là thiên hạ vô địch.
Năm 545, nhà Lương cử mãnh tướng Trần Bá Tiên sang đánh nước ta. Lý Bý thua to ở Chu Diên, lão tướng Phạm Tu tử trận. Phục Man nghe tin, củng cố doanh đồn, phòng thủ những nơi trọng yếu rồi định tiến quân ra Bắc. Tuy nhiên đang đêm khuya thì bị quân Chiêm Thành đánh úp. Trước tình hình ấy ông cùng binh tướng đột phá vòng vây, mở đường máu rút lui. Do quân chủ lực đã tiến lên phía Bắc hết nên lực lượng phòng thủ của Phục Man ở đây khá mỏng nên ông không thể địch lại quân Chiêm Thành. Vừa hết lương thực lại không có viện binh, bất đắc dĩ, Lý Phục Man đành phải tự sát để khỏi rơi vào tay giặc. Ông là một trung thần, danh tướng có nhiều công lao, nên sau này dân chúng nhiều nơi lập đền thờ.
2. La Xuân Kiều (?)
Ông là một trong Tây Sơn Lục Kỳ Sỹ, người huyện Phù Cát, Bình Định. La Xuân Kiều, người cũng như tên, hết sức thanh tao và tài hoa phong nhã. Nhan sắc của ông không có thông tin lưu trữ, nhưng đây là đang nói tới nét đẹp nội hàm ở mặt tài năng. Ông là người am hiểu văn thơ chữ Nôm, chữ Hán. Đặc biệt ông còn cực giỏi cưỡi ngựa bắn cung.
Họ La có một cây cung đặc biệt, được gọi là Vĩ Mao Cung, là một trong Tứ Đại Thần Cung thời kỳ này. Sở dĩ có cái tên Vĩ Mao Cung là do dây cung được bện từ đuôi ngựa và thân cung được làm từ một loại gỗ quý. Bên cạnh đó, sử sách còn ghi lại mỗi khi Vĩ Mao bắn, một âm thanh trong trẻo du dương phát ra và khi âm dứt thì tên vừa trúng hồng tâm. Vĩ Mao Cung là một vật bất ly thân của La Xuân Kiều. Cũng nhờ Vĩ Mao mà La Xuân Kiều được nổi danh trong số các xạ thủ đương thời và ngược lại, nhờ tài năng của La Xuân Kiều mà Vĩ Mao đã có thể vươn lên hàng Thần Khí cùng thời.
3. Nguyễn Hữu Cầu (1712–1751)
Nguyễn Hữu Cầu là thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài lớn vào giữa thế kỷ 18. Ông là người xã Lôi Động (nay thuộc xã Tân An), huyện Thanh Hà, Hải Dương. Nguyễn Hữu Cầu xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, có tài cả văn kiêm võ, lại bơi lội rất giỏi nên được gọi là Quận He. He là tên loài cá ở biển Đông, bởi Hữu Cầu bơi khỏe và hùng dũng nên được gọi như vậy.
Hữu Cầu vì nhà nghèo nên đi làm cướp, sau theo Nguyễn Cừ khởi nghĩa, được Nguyễn Cừ yêu quý gả con gái là Nguyễn Thị Quỳnh cho. Chẳng bao lâu ông nổi tiếng là một viên tướng giỏi võ nghệ, dũng cảm gan dạ và nhiều mưu lược. Chẳng những vậy, ông còn nổi tiếng với tài bắn cung bách phát bách trúng. Sau khi Nguyễn Cừ mất, Hữu Cầu nắm toàn bộ binh quyền và hoạt động mạnh mẽ, đánh phá quân Trịnh ở nhiều nơi. Vì ngày thường cướp được thóc gạo của thuyền buôn, đem cho dân nghèo, cho nên Quận He đi đến đâu cũng có người theo, muốn lấy bao nhiêu quân lương cũng có. Nguyễn Hữu Cầu được các sử gia đánh giá là người nhiều mưu mẹo nhất trong số các thủ lĩnh khởi nghĩa lúc đó. Tương truyền trong các trận đánh, Quận He thường mặc một chiếc áo hở một nửa bên ngực và tay trái, để lộ cơ thể rắn chắc cơ bắp cuồn cuộn, lưng đeo một cây trường cung. Quận He thường xông pha tuyến đầu, giết địch rất dũng mãnh làm gương cho sĩ tốt. Sau này Hữu Cầu thất bại trong tay một người bạn học ngày xưa là Phạm Đình Trọng. Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng một đời đối địch. Những người tin vào tâm linh có thể coi hai người như có nợ từ kiếp trước, chẳng những đối địch từ khi đi học đến khi cầm quân, khi ra mặt trận không chỉ đối gươm mà đối cả chữ. Hai người chí hướng khác hẳn nhau, người ra làm quan, người đi làm giặc. Dẹp được Cầu, Trọng được phong làm Binh Bộ thượng thư. Nhưng cũng chỉ 3 năm sau (1754), Trọng chết lúc mới 40 tuổi. Có Cầu thì có Trọng đối địch, Cầu không còn thì Trọng cũng ra đi, như truyện dân gian “Trạng chết thì chúa băng hà”.
4. Phạm Ngũ Lão (1255 – 1320)
Phạm Ngũ Lão là danh tướng nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông là người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, Hải Dương (nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên).
Phạm Ngũ Lão là một trong những nhân vật văn võ toàn tài nhất trong lịch sử Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ông nổi bật lên là một viên mãnh tướng bách chiến bách thắng với mưu lược và võ nghệ hơn người. Để sánh võ nghệ với Phạm Ngũ Lão thời kỳ này chỉ có một mình Nguyễn Khoái là kỳ phùng địch thủ, chỉ có duy nhất 2 viên mãnh tướng này của quân đội nhà Trần là có thể đơn đả độc đấu với hổ tướng Toa Đô của nhà Nguyên, một viên tướng nổi tiếng kiêu dũng thiện chiến với sức mạnh vô địch đã từng tung hoành hàng trăm trận.
Không chỉ sở hữu võ nghệ tuyệt luân, ông còn nổi tiếng là một tay cung thủ trác tuyệt. Còn nhớ trước khi về dưới trướng của Hưng Đạo Vương, ông đã từng lên kinh ứng thí võ trạng nguyên. Ngũ Lão đã từng bắn đứt giải cờ của vua với khoảng cách 100 bước (khoảng 166m), do điều này mà ông bị đuổi về quê đan sọt.
5. Đinh Văn Tả (1602-1685)
Đinh Văn Tả là tướng thời Lê Trung Hưng. Ông vốn là người có sức khỏe, tính khí ngang tàng và đặc biệt tài năng bắn cung được coi là thiên hạ vô địch vào thời kỳ này. Trong một buổi Đinh Văn Tả ra xem trường thi võ, thấy các thí sinh thi nhau trổ tài bắn cung, ông cười mà nói rằng bọn họ là đồ vô năng, chỉ phí lương bổng của triều đình. Quan trường thấy thế liền mời ông vào để thử tài. Ông liền lấy cung bắn 10 phát vào 10 tấm bia khác nhau. Mười phát trúng cả 10. Ông được viên quan trường tâu lên chúa Trịnh Tráng, sau đó được phong làm chức Võ Giai, thường được cử cầm quân dẹp giặc, lập được nhiều chiến công hiển hách.
Năm 1697, chúa Trịnh cho lập sinh từ của Đinh Văn Tả. Có thể thấy đây là một trường hợp hiếm trong trong suốt các triều đại phong kiến Việt Nam. Chúng ta biết vào thời Trần chỉ có Trần Hưng Đạo được lập đền thờ khi còn sống. Xét về địa vị và tiếng tăm thì Hưng Đạo Vương hơn hẳn Đinh Văn Tả, hơn nữa Trần Hưng Đạo còn là hoàng thân quốc thích. Điều này cho thấy được sự ân sủng đặc biệt của nhà Lê đối với vị danh tướng này.
Chính Đinh Văn Tả là người đã thân chinh đem quân chấm dứt triều đại nhà Mạc ở Cao Bằng. Vì có nhiều công lao, Đinh Văn Tả được gia phong làm thượng tể, ban cho ruộng 300 mẫu. Ngày 4 tháng 5 âm lịch năm 1685, Đinh Văn Tả mất ở kinh đô Thăng Long, hưởng thọ 84 tuổi. Vua Lê Hy Tông và chúa Trịnh Căn đã đến viếng và ra lệnh cho Bộ Lễ về nguyên quán của ông để hộ tang, chôn cất theo nghi thức vương giả, ban thụy hiệu là Vũ Dũng. Ông được chôn cất ở quê nhà Hàm Giang (Cẩm Giàng, Hải Dương). Chúa Trịnh Căn đã tặng ông đôi câu đối:
Tiết việt quyền long triều túc tướng
Phiên toàn trách trọng quốc nguyên huân
6. Trần Quốc Nghiễn (?)
Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và là cháu nội của An Sinh Vương Trần Liễu. Năm 1282, ông kết hôn với công chúa Thiên Thụy, trở thành phò mã của vua Trần Thánh Tông. Sử sách ghi về ông không nhiều, không rõ năm sinh năm mất, tuy nhiên tất cả đều thống nhất nhận xét về ông là một viên tướng văn võ toàn tài, một trọng thần tài năng, một người con có hiếu và một bề tôi tận trung. Chẳng những thế mà tài năng bắn cung cũng vô cùng nổi tiếng. Tương truyền khi còn trẻ ông vẫn thường so tài cùng với những cao thủ dưới trướng của Hưng Đạo Vương như Phạm Ngũ Lão hay Nguyễn Địa Lô, kết quả thường là tương đương nhau.
Trận Vạn Kiếp 1285, sau khi bị quân chủ lực nhà Trần đánh bại, tùy tướng Lý Quán thu nhặt 5 vạn tàn binh, giấu Thoát Hoan vào ống đồng rồi chạy trốn về phương Bắc. Đến Tư Minh cánh binh mã của Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn đuổi kịp. Quốc Nghiễn đã bắn một mũi tên độc chí mạng khiến Lý Quán trúng tên ngã ngựa và chết.
7. Nguyễn Địa Lô (?)
Nguyễn Địa Lô là một trong năm thuộc hạ trung thành và tài giỏi của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn có tài bắn cung thiện xạ bách phát bách trúng và được coi là người giỏi nhất thời bấy giờ. Năm 1285, khi đạo quân của Toa Đô vừa từ Chiêm Thành tiến ra đến Nghệ An, tướng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở đây là Trần Kiện đã hèn nhát bỏ đi đầu hàng. Sự kiện này đã gây cho cuộc kháng chiến lúc bấy giờ những tổn thất rất lớn.Toa Đô lập tức sai người dẫn Trần Kiện về Yên Kinh (Trung Quốc). Nhưng, khi bọn Trần Kiện vừa đến biên giới phía Bắc, các đội dân binh ở đây, dưới sự chỉ huy của một số thủ lĩnh như Nguyễn Thế Lộc, Nguyễn Lĩnh đã đón đánh cho tơi bời. Nguyễn Địa Lô cũng có mặt trong cuộc tập kích này và chính ông đã bắn chết tên giặc bán nước.
8. Lê Khôi (? – 1446)
Lê Khôi người làng Lam Sơn (nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là công thần khai quốc nhà Lê sơ. Ông là con trai của Lê Trừ, anh thứ hai của Lê Lợi, gọi Lê Lợi là chú ruột. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn từ những ngày đầu, lập được vô số công lao. Lê Thái Tổ lên ngôi phong ông là Kì Lân Hổ Vệ tướng quân, hàm Nhập nội thiếu úy, tước Đình Thượng hầu.
Có thể nói Lê Khôi thuộc hàng hổ tướng dũng mãnh nhất của Lê Lợi. Ông thuộc nhóm Lam Sơn Ngũ Hổ và đã từng bắt được cả Tổng Binh lẫn Binh Bộ Thượng Thư nhà Minh. Ông được mô tả lại như sau “Mình đeo bên trái một túi mũi tên, bên phải cũng một túi mũi tên, theo Vua ra trận. Trong trận Khả Lưu, ông cùng bọn Lê Sát xông lên trước, vây đánh và phá tan quân Minh, bắt sống được Đô Đốc giặc là Hoàng Thành, lại còn bắt được sĩ tốt của chúng nhiều không kể hết. Lê Khôi cũng được miêu tả lại là thường rất ưa sử dụng cung tên và thuộc hàng thiện xạ trứ danh.
9. Lý Văn Bưu (?)
Lý Văn Bưu là một danh tướng nhà Tây Sơn, dưới trướng của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, một trong Tây Sơn Thất Hổ Tướng. Ông xuất thân trong một gia đình giàu có chuyên nghề buôn ngựa ở Đại Khoang, Phù Cát, Bình Định. Nổi tiếng ngay từ tuổi niên thiếu về tài đức, võ nghệ, một phần vì ngựa tốt mà ông bán nên ông có rất nhiều hào kiệt làm bằng hữu. Trong số những khách mua ngựa của ông có cả đại tướng của Tây Sơn là Vũ Văn Dũng và nữ tướng Bùi Thị Xuân. Về sau, ông tham gia vào phong trào Tây Sơn với vai trò huấn luyện chiến mã, ngoài ra ông còn chỉ dạy cho Bùi Thị Xuân cách huấn luyện chiến mã để sau này bà áp dụng nó vào huấn luyện voi chiến.
Lý Văn Bưu cũng nổi danh với tài bắn cung thiện xạ. Ông sở hữu Kỳ Nam Cung, một trong Tứ Đại Thần Cung thời bấy giờ. Cây Kỳ Nam Cung này có một cấu trúc đặc biệt. Giữa nơi cánh cung, chỗ tay cầm có tháp gỗ quý Kỳ Nam. Kỳ Nam là một loài gỗ quý họ Trầm Hương, khi treo cung nơi phòng thì hương trầm thơm ngát khắp nhà. Lúc dùng nơi trận địa, hương trầm làm tăng nội lực nên Lý Văn Bưu bắn trăm phát trăm trúng. Càng bắn nội lực càng tăng, tên càng trúng đích.
Ngày ấy, khi đang nhà Tây Sơn đang trong giai đoạn xây dựng lực lượng, tại dãy núi Ninh Thuận có một con hổ to lớn như con trâu mộng, rất hung dữ và tinh khôn, nó thường xuyên xuống thôn bắt bò, lợn thậm chí là cả người để ăn thịt. Tương truyền da của nó dày đến mức giáo mác đâm ko làm chết được nó mà chỉ làm nó xây sát. Tất cả thợ săn, trai tráng trong vùng đều không ai diệt trừ nổi nó. Thế là Lý Văn Bưu xách Kỳ Nam Cung vào rừng và tiêu diệt con hổ dữ. Gặp được hổ, họ Lý giương Kỳ Nam Cung bắn một phát vào đầu cọp. Tên xuyên từ mắt phải ra đến sau ót. Cọp còn hăng sức xông đến. Lý Văn Bưu tiếp liền hai phát. Tuy da hổ cứng rắn song tên vẫn xuyên ngang cuống họng và yết hầu. Cọp giãy giụa một hồi lâu mới chết. Dân làng và các vùng lân cận đều khâm phục thần oai của ông và kéo theo gia nhập quân Tây Sơn rất đông đảo. Trong các trận Nam chiến, đánh nhau với quân Xiêm và Bắc chiến với quân Mãn Thanh, cây Kỳ Nam Cung cũng đã ra sức giúp Lý Văn Bưu lập được nhiều chiến công.
10. Nguyễn Quang Huy (?)
Nguyễn Quang Huy là một danh tướng thời Tây Sơn võ nghệ cao cường, tinh thông binh pháp. Khi lâm trận ông cưỡi con bạch mã và sử dụng hai binh khí là thanh Ngân Câu (Móc Câu Bạc) và cây Thiết Thai Cung. Khi Nguyễn Huệ đưa quân vào đánh Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên, Nguyễn Quang Huy gia nhập phe Tây Sơn. Ông được Nguyễn Huệ luôn cho đi theo mỗi khi ra trận. Khi Nguyễn Huệ cầm quân ra đánh Phú Xuân rồi ra Thăng Long lần thứ nhất, Nguyễn Quang Huy được phong làm Phó Đô đốc. Sau ông không theo Nguyễn Huệ mà cùng Nguyễn Nhạc về Quy Nhơn. Mấy năm sau (1789), chúa Nguyễn giành lại Gia Định, Nguyễn Lữ bỏ chạy về Quy Nhơn, vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc cử ông ta trấn thủ Bình Thuận.
Cây Thiết Thai Cung của ông có cánh cung làm bằng thép, có nòng bằng sắt, nên trọng lượng rất nặng, sức bắn xa gấp ba, bốn lần cung thường. Nguyễn Quang Huy trấn thủ Bình Thuận thì gặp đại quân Nguyễn Phúc Ánh đánh chiếm nên phải lui về thủ Phú Yên. Năm Kỷ Mùi (1799) thành Quy Nhơn bị Nguyễn Phúc Ánh vây hãm, Nguyễn Quang Huy kéo quân ra cứu Quy Nhơn. Nguyễn Quang Huy đánh rất hăng. Một ngày đánh bại 25 viên tướng của Nguyễn Phúc Ánh, trong đó chém chết đại tướng Tống Phước Nghĩa và đánh lui viên đại tướng thân tín nhất của Nguyễn Phúc Ánh là Lê Văn Duyệt, khiến cho cánh binh mã của Nguyên Văn Thành và Nguyễn Huỳnh Đức phải kéo cả về trợ chiến. Phúc Ánh lấy làm lạ lên thành đứng xem. Quang Huy tả xung hữu đột giữa muôn quân như Triệu Tử Long ở trận Đương Dương Trường Bản, ngó thấy Nguyễn Phúc Ánh đứng trên thành, ông bèn dùng Thiết Thai cung bắn trúng cánh tay trái. Phúc Ánh té nhào bất tỉnh. Vì vết thương này mà Nguyễn Phúc Ánh phải rút về Gia Định để dưỡng thương.
11. Đặng Xuân Phong
Đặng Xuân Phong cũng là một danh tướng thời Tây Sơn. Nói đến bắn cung thời kỳ này thì có lẽ Đặng Xuân Phong là anh tài số một, khả năng bộ xạ, kỵ xạ đều khó có ai vượt qua nổi họ Đặng. Ông người làng Dũng Hòa, Huyện Tuy Viễn (Tây Sơn) võ nghệ cao cường, sức mạnh hơn người có tài cưỡi ngựa bắn cung. Đặng Xuân Phong sử cây Liên Phát Cung, cũng là một trong Tứ Đại Thần Cung. Cánh cung làm bằng thép có độ cứng và đàn hồi cao nên sức bật rất mạnh. Nhờ ở sức mạnh và tài luyện tập, Đặng Xuân Phong có thể bắn một lần 4 mũi tên. Do tính cách ưa nhàn, không thích công danh, nên khi nhà Tây Sơn chiêu mộ anh tài, Xuân Phong không ra hưởng ứng.
Một hôm Bùi Thị Xuân đang đứng ở vườn trầu Kiên Mỹ, chợt thấy một tráng sĩ trẻ tuổi tay cầm côn đồng, vai mang cung sắt, mình cưỡi ngựa ô, từ thôn Thuận Nghĩa chạy lên Phú Lạc. Thái độ hiên ngang, tướng mạo trung hậu. Nữ tướng thầm khen, theo dõi dò xét. Đến chân hòn Trưng Sơn, tráng sĩ giục ngựa lên núi.Đường núi gập ghềnh mà ngựa chạy như trên đất bằng. Ngựa chạy quanh quất một hồi lâu rồi dừng nơi một khoảnh đất trống bằng phẳng nằm lưng chừng núi. Chợt một bầy quạ bay ngang qua. Tiếng kêu rộn ràng. Tráng sĩ liền trương cung bắn 2 phát, 2 con quạ trúng tên rơi xuống, rồi lại nhanh tay ra liên tiếp 5 phát nữa 5 con quạ như 5 quả chín rụng xuống. Biết là người có tài, Bùi Thị Xuân sau khi thăm dò gốc tích, đã cùng với Vũ Đình Tú đến tận làng Dũng Hòa kết bạn và mời tham gia đại sự, xây dựng nhà Tây Sơn.
Sau này Đặng Xuân Phong cũng trở thành một mãnh tướng dưới trướng của cả Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Sau khi Tây Sơn suy yếu và sụp đổ, có 2 giả thuyết nói về ông. Một cho rằng khi các tướng và đại thần đấu đá tranh giành quyền lực thì Xuân Phong từ quan bỏ đi nơi khác. Một thuyết nữa cho rằng khi giao chiến với quân của Nguyễn Ánh thì ông đã bị trúng đạn tử trận. Cho đến nay vẫn chưa ai chắc chắn được về kết cục của vị tướng được phong là thần tiễn số một của Việt Nam này.
Ảnh : Ấm chè