TỔNG THỐNG CHẾ, ĐẠI NGHỊ CHẾ VÀ BÁN TỔNG THỐNG CHẾ (P3-a)

TỔNG THỐNG CHẾ, ĐẠI NGHỊ CHẾ VÀ BÁN TỔNG THỐNG CHẾ (P3-a)

Chúng ta cùng đi vào phần được mong chờ nhất, Tổng thống chế ở Hoa Kỳ. Bài viết được chia thành hai phần, để bạn đọc dễ hình dung và tiếp nhận kiến thức. Phần đầu tập trung vào việc giới thiệu các đặc điểm chung của thể chế và đặc biệt là lịch sử lập hiến và cấu trúc Tổng thống chế của Hoa Kỳ. Phần sau tiếp tục phần cấu trúc, nói vềcác vấn đề liên quan đến Tổng thống, Quốc hội và mối quan hệ giữa các nhánh quyền lực. Đây sẽ là phần quan trọng nhất

P/S: Do mình là người học luật bằng tiếng Tây Ban Nha, nên sẽ có một số chỗ mình dịch ra tiếng Việt không hay hoặc thậm chí không đúng. Mong các bạn góp ý. Bài viết đơn thuần là lý thuyết pháp lý (lý thuyết về nhà nước và pháp luật, luật hành chính và luật hiến pháp), không mang yếu tố chính trị. KHÔNG mang yếu tố CHÍNH TRỊ.

Bài viết được biên dịch dựa trên bài gốc của TS. Ricardo Espinoza Toledo trong bài
“Sistemas Parlamentario Presidencial Y Semipresidencial“, México, 2000

Chúng ta cùng đi đến phần đầu tiên của phần 3 nhé!

Phần 3: Tổng thống chế ở Hoa Kỳ

Ngày 17 tháng 9 năm 1787 đã diễn ra một sự kiện lịch sử: Bản Hiến pháp chính thức đầu tiên của loài người được ký kết. Tại Hội nghị Philadelphia (Constitutional Convention in Philadelphia), 38 trong tống số 41 đại biểu đã đồng ý ký vào bản Hiến pháp Hoa Kỳ, khai sinh ra Hợp Chúng quốc Hoa Kỳ. Từ đó cho đến nay, trải qua 27 tu chính án (Amendment), Hiến pháp Hoa Kỳ là bản Hiến pháp lâu đời và được nghiên cứu kỹ nhất bởi nội dung và giá trị của nó. Một trong đó chính là Tổng thống chế
(Presidentialism)

1. Đặc điểm chung

Tổng thống chế, cũng giống như Đại nghị chế, nền tảng chính là hai học thuyết kinh điển: Phân chia quyền lực – Tam quyền phân lập (Separation of Powers – trias política). Ở đây có ba nhánh cơ quan chính: Hành pháp (Executive), Lập pháp (Legislative) và Tư pháp (Judicial). Sự phân chia các nhánh này dẫn đến sự phân chia quyền lực, chức năng riêng biệt, tuy nhiên, vẫn đòi hỏi sự phối hợp với nhau của cả ba. Sự phụ thuộc lẫn nhau (Interdependency) là một điều kiện kiên quyết cho sự hiệu quảcủa thể chế.

Nhánh Hành pháp (do một người nắm) và nhánh Lập pháp (thường chia làm hai viện)
có cách thức bầu cử khác nhau, đảm bảo sự độc lập và tự điều chỉnh của mỗi nhánh: không nhánh nào có thể vượt quyền hoặc dưới quyền nhánh còn lại, không những thếcòn hỗ trợ hoặc can thiệp vào các hoạt động trong phạm vi của nhánh còn lại. Nhánh Tư pháp, về phần mình, có cách thức hoạt động khác, đảm bảo sự độc lập của mình.

Nguyên tắc liên bang (federative) cũng là một yếu tố quan trọng để hoàn thành thể chế.
Nó cho phép sự tham gia của các tiểu bang trên tinh thần bình đẳng (equality) trong các
vấn đề chính trị, đồng thời cũng là một cách thức để đối trọng và cân bằng giữa các nhánh quyền lực (Lưu ý không phải các nước thuộc Tổng thống chế nào cũng là Liên bang, ví dụ Hàn Quốc,…)

Một trong các đặc tính nổi bật của thể chế là tính ´´Đơn đầu´´ (monocephalous): Tổng
thống vừa là người đứng đầu Nhà nước, vừa là người đứng đầu Chính phủ. Nhưng điều này không có nghĩa là Tổng thống có quyền lực vô hạn. Bởi một Tổng thống phải đối mặt với vô số cách thức kiểm soát trong tay của Quốc hội (Congress), của Tối cao pháp viên (Supreme Court), của các tiêu bang (States) và của các đảng phái (Parties). Vì vậy, các hành động của Tổng thống không có đồng nghĩa với toàn trị hay độc đoán(authoritarianism), ngược lại, phải tuân thủ các điều kiện thể chế và văn hóa, và trên tất cả, tuân thủ Hiến pháp. (Constitution)

Tổng quan, đặc điểm cơ bản của Tổng thống chế là sự kết hợp giữa một Tổng thống được bầu cử phổ thông, với một Quốc hội được chia làm hai viện, cũng được bầu cửnhưng không có quyền điều hành chính phủ. Hơn hết, Tổng thống không phải chịutrách nhiệm trước Quốc hội và không thể bị phế truất (trừ một số trường hợp ngoại lệ), vừa là người đứng đầu quốc gia và chính phủ. Các nhánh quyền lực độc lập và hỗ trợ, kiểm soát lẫn nhau.

Bài viết tập trung nghiên cứu thể chế Tổng thống của Hoa Kỳ, ví dụ mẫu của thể chế
này để thấy rõ hơn về tính đối trọng và cân bằng quyền lực của ba nhánh quyền lực, đặc tính quan trọng nhất của thể chế. Tuy nhiên, cần phải ghi nhớ rằng tuy thể chếgiống nhau nhưng ở mỗi quốc gia lại có những đặc điểm riêng biệt, phụ thuộc lịch sử, văn hóa và sự phát triển chính trị của từng quốc gia dân tộc

2. Lịch sử phát triển và cấu trúc của Tổng thống chế Hoa Kỳ
Thể chế Tổng thống, ra đời ở Hoa Kỳ, được lấy cảm hứng từ mô hình Anh quốc, giữ lại một số yếu tố cơ bản của mô hình này và thay đổi một số yếu tố khác. Nền dân chủ Mỹgiữ lại các yếu tố: quyền tự do cá nhân (individual liberty), phân chia quyền lực (Separation of Powers) và bầu cử người nắm quyền (Election of Governor); tuy nhiên, thay đổi một số yếu tố quan trọng: về cơ bản, thay thế Nhà vua bằng một Tổng thống Cộng hòa được lựa chọn thông qua bầu cử phổ thông, và giới thiệu các nguyên tắc Liên bang. Nhà nước Hoa Kỳ được hình thành dựa trên ba nhánh quyền lực riêng biệt, tách biệt nhau và cân bằng lẫn nhau: Hành pháp, Tư pháp và Lập pháp.

Những tác động quan trọng của các học thuyết và của lịch sử ảnh hưởng đến việc thiết kế Thể chế, với sự quan tâm trọng tâm vào việc tránh bằng mọi giá sự sự chuyên chế, chuyên quyền, độc tài (Tyrannia) của một cá nhân – trong nhánh Hành pháp, và của sốđông, thông qua Quốc hội. Sau khi nghiên cứu các trường hợp trong lịch sử, những nhà lập hiến ở Philadelphia quyết định không bao giờ thiết lập một nhà nước với nhánh Hành pháp mạnh; ngược lại, sự thuyết phục chống chủ nghĩa toàn trị (anti-authoritarianism) và chống chủ nghĩa chuyên chế (anti-absolutism) đã dẫn đến quyết định xây dựng một hình mẫu hợp lý mà ở đó có thể kiếm soát được nhánh Hành pháp. Với mục đích không gây tổn hại tới tầng lớp giàu có, cũng như không muốn có một Quốc hội chuyên chế, chuyên quyền, các nhà lập hiến đã đưa đến ý tưởng một Thượng viện kiểm soát việc vượt quá giới hạn của đa số (Excess of majority), và được bầu chọn bởi Quốc hội của các Tiểu bang.

Hiến pháp Mỹ là thành quả của hàng loạt thỏa thuận giữa các Tiểu bang độc lập, muốn
giữ cho mình những lợi ích riêng và sự độc lập. Để điều hòa các lợi ích của các Tiểubang, từ bé đến lớn, từ Bắc xuống Nam, dẫn đến quyết định thiết lập một Quốc hội gồm hai viện, nhưng tính chất khác biệt hoàn toàn so với ở Anh quốc: một viện, đại diện cho các Tiểu bang, cả lớn và nhỏ, trên cơ sở bình đẳng và một viện đại diện cho nhân dân. Chính xác hơn, Thượng Viện (Senate) đại diện cho chính quyền các Tiểu bang trong khi Viện dân biểu hay Hạ viện (House of Representatives) đại diện cho ý chí nhân dân.

Hình thái Liên bang được ra đời, như một cách thức để phân bổ quyền lực giữa chính quyền Liên bang và chính quyền các Tiểu bang. Chính quyền các Tiểu bang sở hữu một phần quyền lực quan trọng. Hơn hết cả, Chính quyền được chọn bởi bầu cử, trực tiếp hoặc gián tiếp.
Nhánh Hành pháp được lựa chọn dựa trên cuộc bầu cử phổ thông gián tiếp (indirect universal suffrage). Các nhà lập hiến đã nhận ra rất nhiều nguy cơ cho nền dân chủtrong cuộc bầu cử trực tiếp Tổng thống, bởi nó cho phép nhánh Hành pháp có khảnăng gây ảnh hưởng trực tiếp tới dân chúng và thiết lập quyền lực cá nhân. Để ngăn chặn tối đa khả năng chệch hướng sang chủ nghịa mị dân (demagogism), các nhà lập hiến đã loại bỏ việc bầu cử trực tiếp Tổng thống, mà thay vào đó là bầu cử gián tiếp qua các Đại cử tri, được lựa chọn bởi các Tiểu bang tương ứng với phần trăm dân
chúng. Nền Cộng hòa được ra đời như thế đó!

Các cơ quan Liên bang sở hữu chức năng chính, trong cả vấn đề kinh tế lẫn chính trị,
mặc dù nó không thể không nhìn nhận tầm quan trọng căn bản của chính quyền địa phương. Về phương diện pháp lý, chính quyền địa phương tự tạo ra luật dân sự, hình sự và thương mai riêng của mình. Vì vậy, luật của các Tiểu bang là khác nhau. Sự độc lập của chính quyền địa phương thể hiện rõ nhất ở khía cạnh trên thực tế, mỗi Tiểu bang có cho mình một Hiến pháp riêng, nhưng với điều kiện, phải tôn trọng các nguyên tắc Liên bang, tôn trọng Hiến pháp chung của Hợp chúng quốc. Ở mỗi Tiểu
bang trong Liên bang tồn tại một chính quyền đúng nghĩa: một Thống đốc (Governor),
đứng đầu Hành pháp, được lựa chọn bởi bầu cử phổ thông; một Quốc hội địa phương,
có quyền Lập pháp và các Thẩm phán tiểu bang và địa phương, 82% trong số các
Thẩm phán được chọn thông qua cuộc bầu cử mở. Hệ thống chính trị Hoa Kì hoạt động ổn định nhờ vào khả năng giải quyết các vấn đề
công nằm trong tay các Tiểu bang. Chính quyền các Tiểu bang đáp lại sự chỉ đạo của
chính quyền trung ương và áp dụng nó theo cách của mình, nhanh chóng và hiểu quả. Điều này làm giảm áp lực lên Chính quyền trung ương và giảm các mâu thuẫn giữa các cấp chính quyền. Chúng ta cần nhắc đến sự thật lịch sử rằng ở Mỹ, luôn luôn tồn tại một khía cạnh quan trọng của nền kinh tế – khu vực Tư nhân (private sector), ở khu vực này sức nặng và trách nhiệm của Nhà nước là thứ yếu. Vì vậy, có một sự độc lập mạnh mẽ của xã hội dân sự trong mối quan hệ với chính quyền.

Sự phân chia quyền lực (Separation of Powers) là một trong những yếu tố cơ bản của hệ thống Hoa Kỳ. Các nhà lập hiến ở Philadelphia đã áp dụng nó trong tất cả các cấp của đời sống chính trị và xã hội.

Nhánh Tư pháp, đứng đầu là Tối cao Pháp viện (Supreme Court of Justice), các Tòa án tối cao các bang, và các Tòa án địa phương. Hầu hết các Tòa án đều được tạo ra dựa trên bầu cử, cũng như ở Hành pháp và Lập pháp. Nhưng ở trong Tối cao Pháp viện (Supreme Court), nguyên tắc lại khác. Có 9 thẩm phán tất cả, nhưng không được chọn thông qua bầu cử mà được chính Tổng thống chọn và được thông qua bởi Thương viện (có thể từ chối). Tối cao Pháp viện có đặc quyền tuyên bố một đạo luật được thông qua bởi Quốc hội hoặc đề xuất của Tổng thống là vi hiến (Unconstitutional). Trong lịch sử, Tòa án Tối cao thường không can thiệp vào các hành động của Quốc hội, tuy nhiên, trong các trường hợp xung đột giữa các nhánh quyền lực, giữa Quốc hội và Tổng thống, Tối cao Pháp viện có quyền tài phán chung thẩm. Đối với hệ thống Hoa Kì, Tối cao pháp viện nắm giữ một vai trò tối quan trọng: là nhân tố kiểm soát sự cân bằng trong hệ thống Liên bang và giữa các nhánh quyền lực nói chung.

Sự kiểm soát quân sự bởi quyền lực dân sự cũng là một vấn đề đáng để bàn tới. ỞHoa Kỳ, trong suốt Thế chiến Thứ hai, đã có tranh luận liên quan tới khái niệm một quyền lực quân sự được chuyên nghiệp hóa, nhưng cuối cùng đã bị bác bỏ. Từ đó cho tới nay, chỉ tồn tại các khái niệm như công dân có vũ trang, dân quân tự vệ, được hình thành bởi các công dân bình thường đã được huấn luyên quân sự trong đời. Vệ binh quốc gia, bị phân tán và phân quyền, thể hiện uy quyền mạnh mẽ của quyền lực dân sự đối với quân sự, tránh sự can thiệp trực tiếp của giới quân sự vào chính trị.

(Còn tiếp)

Tài liệu tham khảo:
Espinoza Toledo, Ricardo. Sistemas Parlamentario, Presidencial Y Semipresidencial.

Các phần trước:
Phần 1: https://m.facebook.com/groups/771834899834482?view=permalink&id=1266153840402583

Phần 2a: https://m.facebook.com/groups/771834899834482?view=permalink&id=1267017706982863

Phần 2b: https://m.facebook.com/groups/771834899834482?view=permalink&id=1268727996811834

Chú thích ảnh:
Hội nghị lập hiến tại Philadelphia. Tại đây, những ''Founding fathers of Nation'' đã kí vào bản Hiến pháp, khai sinh ra Hợp chúng quốc Hoa Kỳ

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *