TOMORROW MUST BE BETTER

Tớ không rõ là đã bao lâu rồi tớ chưa đi ngủ trước 12 giờ đêm. Dường như việc thức khuya nhiều đã trở thành một thói-quen-không-lành-mạnh-khó-bỏ của tớ. Tớ muốn ngủ, nhưng thực sự thì không thể ngủ được…

Tớ nhận ra mình có nhiều nỗi lo âu từ khi còn nhỏ. Tớ có một gia đình tử tế và khá hạnh phúc, bố mẹ yêu thương con cái, anh chị em hòa thuận. Tớ cũng có những người bạn thân đã hơn chục năm, hợp tính, chơi rất vui và thoải mái với nhau. Mọi thứ với tớ bình lặng đến mức không có gì xảy ra đặc biệt, nếu có thì mau chóng tan đi. Có lẽ trong mắt người khác, tớ luôn là đứa lúc nào cũng tràn đầy năng lượng, nhưng thực ra nhiều lúc, tớ cố gượng cười để che đi những nỗi niềm tận cùng bên trong.

Tớ không phủ nhận tớ là một đứa cực kì nhạy cảm trong suy nghĩ. Tớ hay suy nghĩ tiêu cực, rồi lại tích cực. Nó không bao giờ ngồi yên một chỗ cả. Và điều duy nhất tớ có thể làm khi ở ngoài xã hội chính là niềm nở, tươi cười. Những lúc tớ hơi trầm một tí, tớ không muốn nói chuyện với ai, người khác liền nghĩ rằng tớ chảnh và lạnh lùng. Không phải là không muốn nói, cũng không phải là không muốn mở lòng, mà vốn dĩ … tớ biết chắc rằng khi nói ra thì cũng chẳng ai có đáp án để giải quyết vấn đề ngoài trừ bản thân đấu tranh với thời gian. Hơn nữa, tớ cũng chẳng muốn lan tỏa năng lượng tiêu cực đến người khác…

Càng lớn, tớ gặp nhiều chuyện áp lực và khó khăn bủa vây, tớ đã không thể tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực cứ quẩn quanh trong tâm trí. Có những lúc tớ cảm thấy vô cùng mệt mỏi và chán nản. Tớ hoàn toàn mất đi hi vọng sống, ngay đến cả việc ngồi dậy, rời khỏi giường, cũng làm tớ tuyệt vọng. Tớ trống rỗng, tớ cô đơn, và tớ muốn được nói ra hết những suy nghĩ của mình. Tớ tìm đến ai đó để tâm sự, và tớ muốn dành cả đống thời gian để nói buồn về cuộc đời. Nhưng không một ai lắng nghe tớ một cách nghiêm túc và thật lòng an ủi tớ cả. Ngay cả những người thân thiết nhất cũng cho rằng tớ đang tự nặng nề hóa nỗi đau của mình lên.

Khi tớ muốn ngồi nghiêm túc để nói với bố mẹ chuyện gì đó ngoài chuyện học tập, họ thường nói ra suy nghĩ của họ mà đôi khi những suy nghĩ ấy chả ăn khớp gì với câu chuyện mà tớ đang nói cả. Thỉnh thoảng, khoảng cách thế hệ đẩy câu chuyện đi xa cái cần nói, và quan điểm khác nhau khiến tớ không thể tiếp tục nói chuyện với họ được nữa. Tớ biết bố mẹ quá bận bịu với những nỗi lo cơm-áo-gạo-tiền hơn là dành thời gian để lắng nghe tớ nói về những chuyện vởn vơ.

Tớ có một vài người bạn thân. Tớ tâm sự mọi điều cho họ, nhưng không một ai đủ kiên nhẫn để nghe tớ nói về những chuyện buồn. Mỗi khi tớ cảm thấy người khác nói gì không tốt về mình, bạn tớ nói tớ nhạy cảm thái quá. Khi than mệt với họ, tớ nói hết suy nghĩ trong đầu mình, họ nói sao tớ cứ phải tiêu cực như vậy, hãy nghĩ tích cực lên. “Mày tưởng mỗi mình mày mệt à? Đừng lúc nào cũng quan trọng hóa vấn đề rồi suy nghĩ nội tâm nữa. Lớn rồi, phải biết tự giải quyết vấn đề của mình, đừng lôi người khác vào!”. Lời bạn tớ nói ra có khiến tớ cảm thấy hơi tổn thương, nhưng tớ hiểu là bạn đang khuyên bảo mình. Ừ, xin lỗi vì đã làm phiền…

Nếu bạn nghĩ quá nhiều, họ sẽ nói bạn nhạy cảm. Nếu bạn bị trầm cảm, họ sẽ nói bạn tiêu cực. Nếu bạn có ý định nh.ảy lầu, họ sẽ nói bạn yếu đuối, vô trách nghiệm với chính mình, bất hiếu với cha mẹ.

Vì những định kiến như vậy, chẳng một người nào tự tin chia sẻ cảm xúc của mình nữa.

Một kẻ có gia đình đầy đủ, được nhận sự yêu thương nhưng lại mặc cảm vô số thứ đằng sau, cậu nghĩ xem, tớ có dám nói ra với người khác không…

“Most days, I wake up scared. When the weight of the world weighs heavily on your chest, how much easier it is to hide in your own bed. Everyone thinks I’m sleepy but that’s just the tip of the iceberg.”

Tớ bắt đầu không chia sẻ nữa. Tớ giữ mọi suy nghĩ và sự tiêu cực trong lòng mình. Cho tới lúc, nó vỡ vụn. Không ai ở đó cả. Và tớ chỉ có một mình. Không một niềm tin, sự níu giữ hay ý nghĩa gì còn thôi thúc tớ muốn hít thở. Có lẽ tớ sẽ chọn rời đi. Một cách cô độc. Rồi người ta sẽ thương cảm cho tớ và sẽ ước giá như chịu lắng nghe tớ hơn. Nhưng tất cả đã quá muộn…

Tớ đã nghĩ thế, nhưng không.

Tớ nhận ra xung quanh tớ có khá nhiều người giống như cậu bé vì áp lực nên n.h.ả.y l.ầ.u kia, và tớ không phải người duy nhất gặp khó khăn trong cuộc sống này mà không có ai ở bên cạnh lắng nghe, an ủi. Tớ tự tìm cách giải thoát cho bản thân khỏi những thứ tăm tối ấy, không phải vì tớ sợ chết, mà vì tớ muốn sống, ít nhất là sống vì bản thân tớ, sống để hưởng thụ hết những thứ mới mẻ hay ho mà tớ chưa từng được trải qua, và vì tớ biết rằng đâu phải lúc nào mình cũng gặp chuyện buồn…

“Thế giới này, mọi người đều đang sống rất v.ô c.ả.m. Ai cũng mang vỏ bọc ra để đối đãi với xung quanh. Người may mắn thì sống tiếp, người mệt mỏi thì vỡ tan…”

Cuộc sống đôi khi cũng chính là một cuộc đấu tranh. Thật mệt mỏi khi mỗi ngày chúng ta đều phải trưng bộ mặt đẹp đẽ nhất, hạnh phúc nhất để đối diện với cuộc đời trong khi không phải lúc nào chúng ta cũng vui vẻ, yêu đời đến vậy. Bởi thế, đôi khi chúng ta quá sợ hãi để đối diện với thực tại, quá sợ hãi để chia sẻ những khó khăn vấp phải. Mọi người đều cố gắng tỏ ra mình vẫn ổn để tìm lại chút bình yên.

Rất nhiều lời trấn an rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi, những chuyện như thế vẫn thường xảy ra, chẳng có điều gì bất thường ở đây cả. Người ta dường như chẳng tin vào những điều chúng ta nói, những thứ chúng ta cảm nhận được khi mà chúng vỡ vụn từng mảnh, từng mảnh một bên trong. Trống rỗng, hẫng hụt. Vậy nên, chúng ta sẽ như thế nào khi mọi người chẳng thấy có điều gì bất thường xảy đến với chúng ta cả ? Liệu chúng ta có thực sự ổn như lời người lớn nói ? “Trẻ con thì làm quái gì mà phải suy nghĩ tiêu cực? Làm quái gì mà bị trầm cảm?”.

“Cause all the kids are depressed
Nothing ever makes sense
I’m not feeling alright
Staying up ’til sunrise
And hoping shit is okay
Pretending we know things
I don’t know what happened
My natural reaction is that we’re scared…”
– Jeremy Zucker –

Tuổi nào mà chẳng có áp lực. Vấn đề là, khi gặp phải áp lực, chúng ta sẽ đấu tranh để vượt qua nó hay chấp nhận đầu hàng như một kẻ vô dụng? Chúng ta không có quyền phán xét ai đó về việc sử dụng thuốc an thần hay những loại thuốc khác để vượt qua căn bệnh trầm cảm đang đeo đuổi họ. Chỉ đơn giản là một số người cần đến nó, một số người khác thì không. Chúng ta cũng chẳng thể nào áp đặt suy nghĩa của mình lên người khác khi mà mọi người sẽ có những suy nghĩ và những cách giải quyết vấn đề khác nhau bởi suy cho cùng chẳng vấn đề của ai giống ai cả. Miễn là, cuối cùng, tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với lựa chọn của mình, tìm lại chút bình yên sau chuỗi ngày bền bỉ chiến đấu với căn bệnh trầm cảm.

Chúng ta có quyền được nói lên nỗi lòng mình, có quyền được mưu cầu một cuộc sống hạnh phúc, tràn đầy hi vọng. Sống thật với những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân là những bước đầu tiên giúp chúng ta thoát khỏi cản bệnh trầm cảm. Chấp nhận rằng chúng ta cũng sẽ có những lúc buồn, có những lúc tuyệt vọng, sẽ có những lúc những cảm xúc tiêu cực đeo bám lấy chúng ta. Nhưng không vì thế mà chúng ta có quyền nghi ngờ chính mình, cảm thấy mình chỉ là một thứ đồ bỏ đi, chẳng thể nào sửa chữa được nữa. Mọi chuyện rồi sẽ ổn mà. Và chúng ta sẽ chẳng bao giờ đơn độc, chúng ta đều xứng đáng được yêu thương, được hạnh phúc.

Mong rằng mỗi người các cậu, dù chưa, đang hoặc đã từng trải qua cảm giác giống như bệnh trầm cảm, hãy luôn lạc quan và yêu đời, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, hãy tha thứ cho tất cả những người và những chuyện đã làm cậu tổn thương. Nhắm mắt lại, dọn dẹp trái tim mình, những gì đã qua cứ để nó qua đi. Cho dù hôm nay có xảy ra chuyện tồi tệ đến mấy thì nhất định ngày mai tỉnh dậy cũng phải cố gắng mỉm cười vui vẻ vượt qua. Cuộc đời không dài, hãy dùng thái độ can tâm tình nguyện, sống một cuộc đời an yên, tự tại, hết mình vì cậu chỉ sống một lần mà thôi. Rồi sẽ chẳng có những đêm thao thức đến khi mặt trời ló rạng, sẽ chẳng có những nụ cười đầy giả tạo và rồi cũng chẳng có những nỗi sợ hãi khiến chúng ta khép chặt trái tim mình. Mọi chuyện rồi sẽ ổn cả thôi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *