“toi-khong-coi-tre-tu-ky-la-benh-nhan,-ma-coi-cac-em-la-nhung-vien-ngoc-tho-can-duoc-mai-giua”

“Tôi không coi trẻ tự kỷ là bệnh nhân, mà coi các em là những viên ngọc thô cần được mài giũa”

Cho tới bây giờ, chưa khi nào chị Pờ Thị Ngân – người phụ nữ dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu vẫn chưa quên được những ngày “đi trong đường hầm không có ánh sáng”. Sinh sống ở tỉnh miền núi xa xôi, lần đầu nghe thông tin con mắc bệnh tự kỷ, chị không khỏi sợ hãi, rụng rời…

Giọt nước mắt của đấng sinh thành

9 năm kể từ ngày con lọt lòng thì có tới 7 năm chị Pờ Thị Ngân (34 tuổi) xuôi ngược khắp nơi, ai mách chỗ nào tốt đều đưa con đến thăm khám, điều trị. Chị thừa nhận, suốt một thời gian dài không chấp nhận nổi sự thật rằng một đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, ngoài 20 tháng tuổi lại có những biểu hiện khác lạ. Con mỗi ngày một lớn, hành vi ngày càng khó kiểm soát hơn khiến cuộc sống gia đình chị đảo lộn.

Đúng lúc tâm trạng rơi xuống vực thẳm của sự tuyệt vọng, tình cờ chị tìm thấy những thông tin về trung tâm Hoa Xuyến Chi thông qua những clip trên TikTok. Những đứa trẻ ở đây từ không biết gì, la hét, chống đối đã có thể tự lo được cho bản thân, thậm chí phát triển những tài năng đặc biệt. Linh tính của một người mẹ mách bảo, đây có lẽ sẽ là ngôi nhà cho con mình, chị quyết định lên đường”.

Giấc mơ dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 1.

Thầy Vũ Văn Chức và các học trò tại Hoa Xuyến Chi. (Ảnh: TT)

Ngày hôm sau, chị cùng con trai Phạm Bảo Nam bắt chuyến xe khách sớm, vượt hơn 400km tìm đến trung tâm. Ấn tượng đầu tiên của người mẹ này đó là sự thân thiện, tình yêu thương như một gia đình.

Tính đến nay, bé Phạm Bảo Nam đã có tròn 1 năm học tại Hoa Xuyến Chi. Đầu tháng 9/2024 là năm học thứ 2 của cậu bé này tại trung tâm. Dù thời gian chưa dài nhưng Bảo Nam đã có nhiều chuyển biến trong hành vi và nhận thức, khiến chị Ngân vô cùng mừng rỡ. Với người mẹ 34 tuổi này, niềm vui chỉ giản đơn là con kiểm soát được hành động, kiểm soát được việc ăn uống. “Trước đây, mỗi lần Tết đến, con thường sang nhà hàng xóm chơi, không quậy phá gì hết nhưng để tìm đồ ăn, thấy gì cũng ăn. Tết vừa rồi con không như thế nữa. Chính hàng xóm cũng thấy bất ngờ vì Bảo Nam bây giờ đã khác lắm rồi”, vừa kể lại, chị vừa lén lau đi những giọt nước mắt.

Trong số bạn bè cùng trang lứa với Bảo Nam đang sinh hoạt tại đây, có gia đình có đến 2 anh em đều mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ – khiến cuộc sống của người thân hoàn toàn đảo lộn. Bà Nguyễn Thị Đặng (74 tuổi, Cẩm Phả, Quảng Ninh) kể lại, 2 đứa cháu trai của bà cách nhau 3 tuổi. Lúc sinh ra đứa nào cũng khỏe mạnh, kháu khỉnh, thế nhưng cứ ngoài 18 tháng tuổi lại có những biểu hiện bất thường.

Khi bố mẹ cháu cho đi thăm khám, nghe bác sĩ chẩn đoán mắc tự kỷ, bao nhiêu hy vọng đều vỡ vụn, tan biến. “Kể từ thời điểm đó, bất cứ ai mách chỗ nào điều trị tốt, con trai, con dâu tôi đều bỏ việc, bồng bế con đi. Tốn kém thời gian, tiền bạc nhưng kết quả không được như mong muốn, cho đến khi tình cờ gia đình đọc được thông tin về phương pháp giáo dục của thầy Vũ Văn Chức”.

Thương con, thương cháu, bà Đặng ở tuổi U80 vẫn khăn gói từ Quảng Ninh lên Bắc Giang chăm sóc, trông nom cháu nội với mong mỏi cả hai sớm hòa nhập với cộng đồng. Thông cảm với hoàn cảnh của gia đình bà Đặng, trung tâm chỉ thu một phần học phí. Bà mừng rỡ khi đồng hành cùng các cháu, chứng kiến chúng tiến bộ và mạnh khỏe hơn mỗi ngày.

Giấc mơ dành cho trẻ tự kỷ - Ảnh 2.

Nụ cười trên môi những học sinh nhiều lứa tuổi tại Hoa Xuyến Chi. (Ảnh: TT)

Giáo dục bằng yêu thương và kỷ cương

Không giống như việc dạy dỗ những đứa trẻ bình thường, dạy trẻ tự kỷ cần gấp đôi năng lượng, sự kiên nhẫn và tình yêu thương. Không sử dụng bất cứ viên thuốc tây nào, cách điều trị của thầy Chức là sử dụng “thiền năng lượng rung động”. Đây là một cách tiếp cận sáng tạo, tập trung vào việc kích hoạt nơron thần kinh, giúp trẻ tự kỷ khắc phục các hạn chế và phát triển tài năng tiềm ẩn.

“Trẻ em đặc biệt là trẻ tự kỷ, thường rất nhạy cảm với năng lượng và thái độ của người lớn xung quanh. Hiểu được điều đó, tôi không coi các em là bệnh nhân cần chữa trị, mà coi mỗi đứa trẻ đều là một thiên thần, một viên ngọc thô cần được mài giũa. Thay vì chỉ chú trọng vào chữa tật và giáo dục hòa nhập từng phần như nhiều trung tâm khác, chúng tôi chú trọng khai thác tài năng đặc biệt của mỗi em. Tất cả đều được lên kế hoạch dài hạn, nhằm giúp trẻ không chỉ trở thành người tự lập, có ích cho gia đình, xã hội mà còn có thể khẳng định được bản thân mình”, thầy Vũ Văn Chức khẳng định.

Theo thầy Chức, để trẻ tiến bộ, cần ưu tiên chú trọng biến lớp học thành không gian tập luyện. Ở đó, mỗi đứa trẻ đều có người hướng dẫn đồng hành trong các hoạt động: đi xe đạp 1 bánh, di chuyển bằng bóng, tung hứng bóng và tăng dần độ khó bằng cách giữ thăng bằng trên nhiều vật khác nhau như tấm ván đặt trên con lăn hoặc bóng y tế…

“Những hoạt động tưởng chừng như bình thường nhưng đã phát huy ưu điểm giúp trẻ tập trung, kiên trì vào mục tiêu, từ đó khắc phục từng bước sự tăng động. Bên cạnh đó, tình yêu thương và kỷ luật mà những người hướng dẫn dành cho các em cũng rất quan trọng. Với mô hình học mà chơi, chơi mà chữa lành, chúng tôi đã và đang giúp các em nhỏ “tu tài, tiêu tật”.

“Trong bối cảnh trẻ rối loạn phổ tự kỷ ngày càng gia tăng, tôi mong muốn những phương pháp chăm sóc, giáo dục, trị liệu tích cực sẽ đem đến hy vọng cho các gia đình. Các em nhỏ tự kỷ rồi sẽ dần bước vào tuổi trưởng thành, chúng cần có môi trường, tự tin và khích lệ để không ngừng chinh phục, khẳng định bản thân, từng bước xóa bỏ rào cản định kiến giữa các em và xã hội”, thầy Chức chia sẻ.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (tháng 1/2019), nước ta có khoảng 1 triệu người bị ASD (rối loạn phổ tự kỷ). Tỷ lệ trẻ em mắc ASD ước tính là 1% số trẻ sinh ra. Tại khoa Tâm lý của Bệnh viện Nhi đồng 1, báo cáo các năm 2021-2022 cho thấy, tỷ lệ bệnh nhi ASD dao động trong khoảng 1,5-2%. Các chuyên gia nhận định, số lượng trẻ em ASD tại Việt Nam đang tăng lên rất nhanh, do nhận thức của cộng đồng xã hội và các bậc phụ huynh về rối loạn phổ tự kỷ ngày càng sâu rộng hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *