Tôi đã huấn luyện người yêu của mình ‘ngoan như cún’ ra sao

Giống như người huấn luyện thú không bao giờ đổi lỗi cho con vật của mình, mối quan hệ của bạn cũng sẽ được cải thiện nếu biết áp dụng những kĩ thuật ‘thuần dưỡng’ người yêu đúng cách

Trong lúc tôi rửa bát, anh chồng bước nhanh về phía tôi, bực dọc. “Em có nhìn thấy chìa khóa của anh đâu không?”, anh càu nhàu, thở dài thành tiếng, và giậm chân lao ra khỏi phòng với chú chó nhà tôi, đang ngồi cạnh gót chân, lo lắng về ông chủ.

 Nếu như trước đây, tôi sẽ chạy ngay sau chú cún Dixie. Tôi sẽ tắt vòi nước và cùng anh tìm kiếm, đồng thời cố gắng làm chồng tôi hạ hỏa với những lời dỗ dành như, “Đừng lo lắng anh ạ, chúng sẽ xuất hiện thôi”. Nhưng nó chỉ khiến anh ta càng tức giận, và một sự cố đơn giản như đánh mất chìa khóa cũng nhanh chóng biến thành bộ phim truyền hình chứa đầy cơn thịnh nộ với ba diễn viên chính là vợ chồng tôi và chú chó hoang mang tội nghiệp.

Nhưng giờ, tôi sẽ tiếp tục tập trung vào những chiếc đĩa ướt trong tay. Tôi không quay lại. Tôi không nói một lời. Tôi sử dụng một kĩ thuật học được từ một người huấn luyện cá heo.

Tôi yêu chồng của mình. Anh là một người ham đọc sách, ưa mạo hiểm và có chất giọng miền bắc Vermont hài hước mà sau 12 năm hôn nhân vẫn làm tôi yêu mến.

Nhưng anh cũng thường hay quên, hay chậm trễ và có tính khí thất thường. Anh cứ lượn lờ quanh tôi ở nhà bếp để hỏi liệu tôi đã đọc bài này bài kia trên tờ New Yorker chưa mặc dù tôi đang phải cố tập trung vào chiếc chảo đang sôi sục. Anh vất bừa những tờ giấy lau vo viên khi thức giấc. Anh thường lặng thinh trước những lời than vãn của tôi nhưng không bao giờ bỏ sót những lẩm bẩm tôi tự nói với chính mình ở bên kia nhà. “Em vừa nói gì đấy?” anh sẽ hét lên.

Những bực dọc nhỏ nhặt này không trực tiếp đẩy đến chuyện ly thân hay ly hôn, nhưng tích tụ lại chúng bắt đầu khiến tình yêu của tôi dành cho Scott phai nhạt. Tôi muốn – tôi cần – từng ly từng tí thay đổi anh cho hoàn hảo, biến anh thành một người chồng, bớt tức giận tôi hơn, bớt khiến tôi phải chờ đợi tại nhà hàng hơn, một người bạn đời dễ để yêu thương hơn.

Vì vậy, giống như giống nhiều bà vợ, tôi bỏ qua những cuốn sách tư vấn hôn nhân và quyết định cải thiện anh. Tất nhiên, nếu cứ làu bàu, anh sẽ chỉ càng cư xử tệ đi: anh sẽ phóng nhanh hơn thay vì đi chậm hơn; cạo râu ít hơn, chứ không phải thường xuyên hơn; và vứt bộ quần áo đạp xe hôi mù của mình lên sàn phòng ngủ lâu hơn ngày xưa.

Chúng tôi đã đi gặp tư vấn để xoa dịu những xung đột trong hôn nhân. Nhưng cô ấy không hiểu cuộc sống của chúng tôi như thế nào và còn khen ngợi liên tiếp về khả năng giao tiếp giữa 2 vợ chồng. Tôi từ bỏ. Tôi đoán là cô ta đã đúng – cuộc hôn nhân của chúng tôi còn tốt chán – và đành chấp nhận những cơn oán giận đang từ từ nung nấu và đôi khi còn mỉa mai lẫn nhau.

Rồi phép màu xuất hiện. Sau khi nhập học 1 trường nuôi dạy thú, tôi bắt đầu di chuyển từ Maine tới California, nơi tôi dành nhiều ngày để quan sát các học sinh làm những điều phi thường: dạy linh cẩu biết xoay tròn trên một chân theo mệnh lệnh, dạy con báo giơ chân để tỉa móng, và dạy con khỉ đầu chó biết trượt ván.

Tôi lắng nghe, khoái trá khi người dạy thú chuyên nghiệp giải thích cách họ dạy cá heo lộn vòng và voi biết vẽ. Cuối cùng tôi cũng nhận ra rằng những kĩ thuật tương tự cũng có thể áp dụng lên một loài cứng đầu nhưng vô cùng đáng yêu – những ông chồng.

Bài học cốt yếu mà tôi học được từ những người huấn luyện thú hoang là tôi nên trao thưởng cho những hành vi tôi khuyến khích và lờ đi những hành vi tôi không hài lòng. Suy cho cùng thì bạn không thể khiến một con sư tử biển giữ thăng bằng quả bóng trên mũi bằng cách rầy la nó. Các ông chồng cũng không khác gì.

Trở lại Maine, tôi bắt đầu cảm ơn Scott nếu anh ta cho chiếc áo phông bẩn của mình vào giỏ. Nếu anh cho vào giỏ hai chiếc, tôi sẽ hôn anh. Trong khi đó, tôi sẽ bước qua bất cứ bộ quần áo bẩn nào trên sàn nhà mà không thèm trách móc, mặc dù đôi lúc tôi cũng đá chúng vào gầm giường. Nhưng khi anh ta bắt đầu thích những lời khen ngợi của tôi, đống quần áo bẩn cũng ít dần.

Tôi đang sử dụng kĩ thuật mà những huấn luyện viên gọi là “tạo thói quen từ từ”, trao thưởng những bước nhỏ để dẫn đến một hành vi hoàn toàn mới. Bạn không thể hi vọng một con khỉ đầu khó biết nhào lộn theo mệnh lệnh ngay trong buổi đầu tiên, cũng như không thể kì vọng một ông chồng biết thường xuyên nhặt những chiếc vớ bẩn bằng cách khen ngợi anh một lần và mãi mãi. Với con khỉ đầu chó, ban đầu bạn cần trao thưởng cho một cú nhảy nhỏ, rồi một cái nhảy cao hơn, và cao hơn. Với anh chồng Scott, tôi bắt đầu tán dương mọi hành động nhỏ mọi lúc: lúc anh lái xe chậm hơn một chút, ném một chiếc quần bẩn vào giỏ hay đến đúng giờ trong bất cứ hoạt động nào.

Tôi cũng bắt đầu phân tích chồng mình theo cách người huấn luyện xem xét một con thú hoang. Những người dạy thú thực thụ học tất cả mọi thứ về một loài, từ giải phẫu học đến cấu trúc xã hội, tìm hiểu cách nó nghĩ, xem những gì nó ưa và không ưa, cái gì dễ dạy, cái gì không. Ví dụ, con voi là động vật bầy đàn, vì vậy nó hoạt động theo tôn ti trật tự. Nó không thể nhảy, nhưng nó có thể trồng cây chuối. Và nó ăn chay.

Những loài thú như chồng tôi được gọi là kẻ chỉ đi một mình, nhưng là con đầu dàn. Vì vậy địa vị rất quan trọng, nhưng nếu anh ta phải hòa lẫn trong một nhóm thì nó vô nghĩa. Anh có khả năng cân bằng như chuyên viên thể dục, nhưng lại di chuyển rất chậm, đặc biệt là khi ăn diện. Anh có năng khiếu trượt tuyết, nhưng đúng giờ thì không. Anh là động vật ăn tạp và bị thức ăn điều khiển, như người dạy thú nói.

Một khi bắt đầu suy nghĩ theo hướng này, tôi không thể ngừng lại. Tại một trường ở California, khi đang ghi chép cách để dẫn một con đà điểu đi bộ hay làm sao để loài sói chấp nhận bạn vào đàn, tôi lại nghĩ, “Mình không thể chờ được áp dụng chiêu này với Scott.”

Trong một chuyến đi thực tế với các sinh viên, tôi lắng nghe một chuyên gia dạy thú mô tả cách anh đã dạy một con cò mào đỏ châu Phi ngừng hạ cánh trên đầu và vai anh. Anh ta làm điều này bằng cách huấn luyện con chim chân dài này hạ cánh trên các tấm thảm. Anh giải thích, đây được là một “hành vi không phù hợp,” một khái niệm đơn giản nhưng tuyệt vời.

Thay vì dạy con cò ngừng đáp lên người anh, người dạy thú chỉ nó một hành vi khác, một hành vi khiến cho hành động không thể kiềm chế kia trở nên bất khả. Con chim không thể vừa đậu lên thảm, vừa đậu lên đầu anh. 

Ở nhà, tôi nghĩ ra những hành vi không phù hợp cho Scott để khiến anh không quấy rầy tôi lúc nấu ăn. Để dụ anh ra khỏi bếp, tôi xếp mùi tây cho anh chẻ hay pho mai để anh nạo ở một góc khác của căn bếp. Hoặc tôi sẽ đặt một bát khoai tây và salad ở bên kia căn phòng. Hiệu quả đạt được ngay tức thì: Scottt không còn lảng vảng quanh tôi khi nấu ăn.

Tôi theo chân các sinh viên đến thủy cung ở San Diego, nơi những người huấn luyện cá heo giới thiệu cho tôi hệ thống ít củng cố nhất (L.R.S – least reinforcing system). Khi một con cá heo làm gì sai, người dạy thú sẽ không phản ứng lại. Anh đứng yên một lúc, cẩn thận không nhìn vào nó, và rồi quay trở lại công việc. Ý tưởng ở đây là bất cứ phản ứng nào, dù tích cực hay tiêu cực, đều thúc đẩy hành vi. Nếu một hành vi bị bỏ lơ, nó thường sẽ chết dần chết mòn.

Trong phần lề của vở ghi, tôi đánh dấu lại, “Thử áp dụng với Scott!”

Anh rất thường hay lục tung cả ngôi nhà để đi tìm chìa khóa, nhưng lần này tôi sẽ không nói gì và tiếp tục làm việc mình đang làm. Tôi phải vô cùng kỉ luật để giữ mình trung dung, nhưng kết quả đến ngay tức thì và vô cùng rực rỡ. Tâm trạng của anh nhẹ nhàng hơn mọi lần và tan biến nhanh như một con giông chiều mùa hạ. Tôi cảm thấy lẽ ra mình phải thưởng cho anh một con cá thu.

Nhưng có lúc bệnh cũ lại tái phát; tôi nghe anh đập mạnh cánh cửa tủ; lục lọi đống giấy tờ trên ngăn tủ trong phòng khách và giậm chân lên cầu thang. Tại bồn rửa, tôi vẫn kiên định. Sau đó, quả thật, mọi thứ lại yên ổn. Vài phút sau, anh đi vào bếp, chìa khóa trong tay, và nói từ tốn, “Tìm thấy chúng rồi.”

Không quay đầu lại, tôi chỉ nói, “Tuyệt, hẹn gặp lại anh”.

Sau hai năm thuần dưỡng thú hoang, cuộc hôn nhân của tôi đã trơn tru hơn nhiều, chồng tôi đã đáng yêu hơn. Tôi thường đổ lỗi cho tính cách tự nhiên của anh; những bộ quần áo bẩn trên sàn nhà là biểu hiện của sự vô tâm, một biểu hiện cho thấy anh không quan tâm nhiều đến tôi. Nhưng nhìn chồng tôi như một loài thú hoang giúp tôi có thể suy xét những khác biệt về giới khách quan hơn.

Tôi thấm nhuần tư tưởng của người dạy thú: “Không bao giờ là lỗi của con vật”. Nhiều lần huấn luyện thất bại, tôi không đổ lỗi cho Scott. Thay vào đó, tôi sáng tạo thêm nhiều chiến lược mới, nghĩ thêm những hành động thay thế thói quen cũ, và sử dụng kĩ thuật trao thưởng cho các hành vi gần đúng. Tôi cũng mổ xẻ hành vi của chính mình, xem xét cách chúng vô tình ảnh hưởng lên cách anh hành xử. Tôi cũng chấp nhận rằng có một số hành vi đã bén rễ quá sâu, quá bản năng để có thể huấn luyện lại. Bạn không thể khiến con chồn ngừng đào bới, và bạn cũng không thể khiến chồng tôi ngừng quên ví hay chìa khóa.

Những con thú thấm nhuần các kĩ thuật huấn luyện tới mức chúng bắt đầu vận dụng lại lên người dạy thú. Con thú của tôi cũng vậy. Khi các kĩ thuật huấn luyện phát huy tác dụng mạnh mẽ, tôi không thể cưỡng lại việc kể cho chồng mình nhũng gì mình đang làm. Anh không tức giận, chỉ cảm thấy khoái chí. Khi tôi giải thích các phương pháp và thuật ngữ, anh nắm ý rất nhanh. Nhanh nhiều hơn tôi tưởng.

Mùa thu năm ngoái, khi cảm thấy mình đã bắt đầu luống tuổi, tôi bắt đầu đi niềng răng. Chúng không chỉ xấu xí mà còn cực kì đau đớn. Hàng tuần liền, nướu, răng, hàm và xoang mũi của tôi bị đau tê tái. Tôi than phiền thường xuyên và lớn tiếng hơn. Scott động viên rằng tôi sẽ sớm quen với những mảnh kim loại trong miệng thôi. Nhưng tôi đã không.

Một buổi sáng, khi tôi vừa bắt đầu màn rên rỉ khác về sự khó ở của mình, Scott chỉ nhìn tôi vô cảm. Anh không nói một từ hay ghi nhận lời than phiền của tôi, kể cả một cái gật dầu.

Tôi nhanh chóng hết hơi và bắt đầu bỏ đi. Rồi tôi nhận ra rằng điều gì đang xảy ra, và tôi quay lại hỏi, “Có phải anh đang áp dụng kĩ thuật làm lơ phải không?” Anh không nói gì. “Anh đang áp dụng nó đúng không?”

Anh cuối cùng cũng cười, nhưng phương pháp đó đã hiệu nghiệm. Anh bắt đầu huấn luyện tôi, một bà vợ.

Trạm Đọc (Read Station)

Theo Nytimes

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *