Nếu không có hình phạt để răn đe tội ác thì cái bản tính nửa người nửa thú của chúng ta sẽ tiến xa tới đâu trên hành trình tội lỗi?
Viết tại Nga từ hơn một trăm năm mươi năm về trước (1865). Câu chuyện về Raskolnikov – một sinh viên nghèo sống tại Saint Petersburg. Đang tham vọng và suy tính một điều xấu xa bởi gia đình anh đang bị dồn vào đường cùng, mẹ bệnh nặng và chị gái thì hi sinh thân mình để anh được đi học. Trong hoàn cảnh đó anh mất đi lý trí sáng suốt của mình, hoàn toàn nghiêng ngả theo học thuyết tai hại, cho phép mình vượt lên tất cả. Là một người theo chủ nghĩa duy lý và duy vật tự cho phép mình có quyền vượt qua một số trở lực nhất định để thành thánh thần. Tự xem mình là bộ phận người được chọn của nhân loại, thuộc những con người có sứ mệnh đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Nên Raskolnikov suy nghĩ đến người cầm đồ – người đang có rất nhiều tiền. Còn phân tích thêm về sự kinh khủng của mụ già keo kiệt, ác nghiệt, thù dai, lừa gạt. Đã quyết định giết mụ già, để chữa bệnh cho mẹ, giúp chị gái được tự do và tiếp tục học trường luật. Tất cả đã đi đến một kết luận mà kết quả là những nhát rìu bổ sống vào hai người đàn bà. Đó được xem như bước đầu mà Raskolnikov tiến đến sự “vĩ đại” khi vừa tống khứ khỏi thế giới một người độc ác vô dụng,…
Trong tác phẩm còn đem đến rất nhiều câu hỏi giá trị: Tại sao Raskolnikov giết người? Vì cướp của? Và nếu không thì vì cái gì? Anh có ý tưởng giết người để trở nên siêu vượt hơn tất cả; hành động của anh cũng đã diễn ra ngoài sức tưởng tượng. Và như ban đầu lập luận thì đáng lẽ lương tâm anh ta phải chịu nổi sức nặng mà lý trí anh đã cam đoan vượt qua. Tư tưởng là một chuyện, hành động là một chuyện và cuối cùng là ám ảnh của hành động đó tác động đến ta sau này như thế nào lại là một chuyện. Ba góc độ này không thể cùng chung trong một vòng xoay bánh xe, Raskolnikow đã sai lầm, lý trí của anh đã thôi miên cơ thể anh sa chân vào tội lội. Tình yêu như liều thuốc giải độc trong mọi tiểu thuyết của Dostoevsky, ở các tác phẩm nhỏ thì đó là tình yêu trai gái. Còn trong những kiệt tác thì đó là tình yêu dành cho Thiên Chúa, cuốn Phúc Âm mà Raskolnikov gối đầu trong suốt tám năm chuộc lỗi đã nói lên tính nhân văn cao cả của Dostosvsky khi cứu chuộc những con người ở tận cùng tầng lớp xã hội Nga lúc bấy giờ.
“Tóm lại, nếu anh còn nhớ thì trong đó có ám chỉ rằng trên thế gian này có những người có thể… hay nói cho đúng hơn là không phải có thể mà có toàn quyền làm đủ mọi việc ngang ngược, phạm đủ mọi tội ác, và với họ thì luật pháp không đụng chạm đến được.” Raskolnikov chạm vào những ranh giới bản chất của con người trong tình trạng đơn độc và thí nghiệm lên chính mình để xem có thể trở thành bậc vĩ nhân hay không.
Raskolnikov đã mắc phải loại ngụy biện “bù nhìn rơm”. Đã không trung thực khi tranh luận với bản thân mình. Tạo ra một con bù nhìn rơm đối đầu với chính mình, nhưng nó quá yếu đuối. Anh ta tạo ra con bù nhìn để thuyết phục chính mình dễ dàng hơn chứ không tranh luận một cách công bằng. Con người có thể yêu thương nhau một cách tự do nhưng không thể nào tự do về việc quyết định sinh mạng – đó là cái luật tắc bất khả tư nghi. Tự do sẽ đẻ ra cái ác nếu hệ quy chiếu sai ngay từ ban đầu, một cái ác hoàn toàn được lập luận thuyết phục.
Sau khi nhận ra tội ác tôi đã quyết tâm tìm hiểu thêm hình phạt. Nó được đúc kết qua một câu ngắn gọn: “Người mà có lương tâm thì sẽ đau khổ nếu nhận thức được lỗi lầm. Đó chính là hình phạt rồi, không nói chi đến ngục tù nữa.” Vậy khi mà tội lỗi ở lương tâm dày vò lên mình thì làm sao giải quyết. Tách trà vỡ đôi sao lành lại được? Tòa án mở ra trong lương tâm ta, lúc này nó tìm kiếm đều chi khi tách trà đã vỡ đôi?
Sự dày vò lương tâm đáng sợ hơn so với hình phạt bề ngoài của pháp luật nhà nước và cũng hiệu nghiệm hơn trong việc cứu vớt con người. Lương tâm con người còn lạnh lùng tàn nhẫn hơn pháp luật nhà nước lạnh lùng, nó đòi hỏi con người một cách đau đớn nhất để con người đau khổ ăn năn. Và thông qua đau khổ con người mới vươn cao lên được. Đau khổ là thước đo chiều sâu của tâm hồn con người. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, quan điểm dùng đau khổ hay cái ác để đạt đến sự hoàn thiện về nhân cách là một nhận xét sai lầm, cực kỳ sai lầm. Tự mãn trong việc đi vào cái ác và cho rằng đó là chân lý thì bạn chắc chắn sẽ phải trả giá rất đắt. Con kiến bò xung quanh miệng chén thì đừng tự tin khẳng định đáy chén có gì, to nhỏ ra sao.
Khi đọc cuốn sách này thì đừng bỏ qua sự tự do mà Dostoevsky đề cập, chính tôi cũng mang tinh thần yêu thích tự do quá lố của mình. Tự do là một vấn đề ẩn sâu trong tác phẩm, Dostoevsky không cắt nghĩa tự do, tôi lại càng không. Câu hỏi ông để lại cho hậu thế: con người có gánh vác nổi tự do tinh thần không; hay con người không thể kham được gánh nặng tự do tinh thần, nó kinh hãi con đường đau khổ của tự do? Freud từng nói: “Phần lớn người đời không thực bụng muốn tự do, vì tự do là kèm theo trách nhiệm, mà phần lớn người đời lại sợ gánh trách nhiệm.”
Raskolnikov đã cho mình cái quyền tự do quyết định sinh mạng người khác và sáng tạo ra giá trị đạo đức cũng như tầm vóc của bản thân. Đó là cái tự do ảo, tự cho mình bước ra ngoài luật pháp, tách rời khỏi quy luật tự nhiên. Kết quả anh đã sa vào cái tự do sai lầm, biến thành tự tung tự tác, vị kỷ và nổi loạn. Tự do đó chống lại chính anh, bằng chứng là cơ thể anh đã không chịu nổi những phát xét từ lương tâm. Liệu có được làm mọi chuyện? Liệu nhân danh những mục đích cao cả thì bất cứ tội ác gì cũng được cho phép?
Mở rộng ra thì Dostoevsky muốn nói con người không thể tự cho mình là thánh thần, dù tìm kiếm hay sao chăng nữa thì kết quả đã định sẵn. Chỉ có thể trở thành thiên tài hay vĩ nhân chứ không thể trở thành thánh thần, đánh bại tự nhiên. “Con người không phải là một vị tiên thánh, mà cũng không phải là một con vật. Kẻ nào chỉ muốn làm bậc thánh lại trở làm con vật.” – Pascal. Kết quả của việc muốn sáng tạo ra giá trị của chính bản thân mình chính là điều cốt lõi nhất mà Dostoevsky gửi đến hậu thế. Kẻ nào không nghiêng mình trước quy luật tự nhiên thì sẽ gây nguy hại cho mọi người và tự hủy diệt thân thể, tâm hồn mình. Giá trị của con người khiến họ hạnh phúc và chấp nhận thông qua việc tìm kiếm hay sáng tạo? Ta có thể tạo ra giá trị của riêng mình? Đó là một nhận định sai lầm hay đúng đắn? Điều gì có thể cứu chuộc tâm hồn tội lỗi, khi mà tâm hồn đang dần dần tự hủy hoại chính nó? Câu trả lời hoàn toàn nằm trong cuốn sách này – cuốn sách vĩ đại của nhân loại trong ba trăm năm qua.