Tôi 23 tuổi và cuộc đời của tôi đang bế tắc chỉ vì tôi trì hoãn và không dám bước ra khỏi vùng an toàn. Làm thế nào để tôi chấm dứt tình trạng này và cải thiện bản thân?

Trả lời: Nela Canovic – Hacker về tư duy phát triển, Nhà văn và là Doanh nhân tại Silicon Valley
Bạn 23 tuổi, vì thế tôi sẽ giả định rằng bạn đủ khả năng làm theo những gì tôi hướng dẫn bên dưới. Hãy xắn tay áo lên và cầm theo một cái xẻng nữa (chỉ là hình ảnh ẩn dụ thôi nhé) và hãy bắt đầu “đào” vào bên trong bộ não kì diệu của bạn nào.
Tại sao?
Bởi vì để bất cứ thay đổi nào có thể diễn ra, bạn cần phải tìm và quan sát những nỗi sợ của mình.
Bạn sợ rằng nếu bước ra khỏi vùng an toàn, điều tồi tệ sẽ xảy ra, những thứ rất kinh khủng. Lúc đó bạn sẽ không biết làm thể nào để đối mặt với chúng cả. Chúng có thể là sự thất bại hoặc không đạt được những kỳ vọng của bạn hoặc những kì vọng của người thân – bố mẹ, sếp, giáo viên, hàng xóm, bạn bè.
Làm thế nào để đối mặt với nổi sợ liên quan đến việc trì hoãn, và các bước cần thực hiện để vượt qua chúng? Dưới đây là 5 điều bạn có thể làm.

1. Hãy thừa nhận với bản thân rằng bạn cảm thấy sợ

Chúng ta đều là con người, và con người đều cảm thấy sợ. Nỗi sợ đã bảo vệ và giúp chúng ta tồn tại đến ngày nay. Nó giúp chúng ta đề cao cảnh giác, luôn cẩn thận với những nguy hiểm đến từ kẻ thù hay thiên tai, nhờ vậy chúng ta có thể trốn thoát trong trường hợp cần thiết. Tuy nhiên chúng ta vẫn cảm thấy cần phải chạy trốn, mặc dù chúng ta không còn phải đối mặt với những gì mà tổ tiên của chúng ta đương đầu mỗi ngày nữa. Nhưng dù thế, tốt nhất chúng ta nên ý thức được những cảm giác của mình.
Câu hỏi bạn cần đặt ra cho bản thân:
Tôi đang sợ điều gì? Sau đó hãy đặt tên cho nỗi sợ và đọc to nó lên.

2. Kháng cự lại những cảm xúc nhất thời

Đôi lúc bạn tự nói với chính mình rằng “Mình không làm được đâu, cái này không phải dành cho mình, mình sẽ bỏ cuộc thôi!” Nếu điều này xảy ra, hãy xem rằng đó chỉ là những gì tư duy cố định đang nói với bạn. Tư duy cố định là gì? Đó là niềm tin rằng tính cách, kĩ năng và thế mạnh của bạn đều “cố định” và bạn có chúng từ khi sinh ra, và rằng bạn sẽ luôn như thế (nhưng thực tế bạn có thể thay đổi mọi thứ về bản thân). Đừng lắng nghe chúng, thay vào đó hãy để tư duy phát triển nói chuyện với bạn. Khi bạn có tư duy phát triển, bạn sẽ tin rằng bạn có thể phát triển các thế mạnh và kĩ năng nhờ nỗ lực của bản thân. Lợi ích của việc này là gì? Bạn sẽ không nói với bản thân những thứ tiêu cực, và bạn sẽ cho bản thân cơ hội để học thêm điều gì đó mới.
Câu hỏi bạn cần đặt ra cho bản thân:
Có phải mình nói điều gì khó thực hiện bởi vì mình luôn nói với bản thân như vậy khi làm những thứ tương tự không? Và làm thế nào để mình có thể thay đổi điều này nếu mình bắt đầu lại từ đầu?

3. Thay đổi cách nhìn về tình hình hiện tại

Dù bạn đang làm bất cứ điều gì, hãy dừng lại một chút và nhớ lại lí do khiến bạn bắt đầu. Điều này giúp bạn nhắc nhở chính mình rằng những nhành động của bạn sẽ trực tiếp tác động đến những mục tiêu cá nhân và nghề nghiệp của bạn (trong tương lai). Có thể bạn đang trong trong quá trình học kĩ năng mới, chẳng hạn như học cách chơi một nhạc cụ để thỏa mãn giấc mơ mà bạn hằng mong ước; hoặc bạn đang ôn thi để đạt những kết quả tốt, nhờ vậy mà bạn có được một tấm bằng và điều đó sẽ giúp bạn có một sự nghiệp đầy thú vị và sự độc lập về tài chính; hoặc có thể bạn đang tìm kiếm một công việc tốt hơn, phù hợp với những kĩ năng bạn có và con đường sự nghiệp bạn mong muốn.
Câu hỏi bạn cần đặt ra cho bản thân khi gặp vấn đề:
Tại sao thử thách này lại quan trọng với mình? Thứ trọng tâm mình cần để ý đến là gì? Mình sẽ nhận được điều gì sau khi giải quyết được vấn đề này? Điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc đời mình trong dài hạn?

4. Hãy lường trước những trở ngại và chuẩn bị cách để đối phó

Khi gặp trở ngại, chúng ta thường dừng mọi thứ mình đang làm và bắt đầu phản ứng: “Thật không công bằng! Mình không thể vượt qua được mất!” Nhưng phàn nàn sẽ không thay đổi điều gì cả. Thứ khiến thay đổi diễn ra là chủ động đương đầu với vấn đề. Đầu tiên, hãy bắt đầu tưởng tượng rằng bạn bạn sẽ gặp những khó khăn trong quá trình thay đổi và phát triển bản thân. Nếu bạn chuẩn bị tâm lý cho điều này, bạn sẽ không bị hoang mang, sợ hãi hay trốn chạy khi vấn đề thực sự xuất hiện. Thứ hai, hãy tận dụng những cơ hội sẵn có để học điều gì đó mới, hoặc sử dụng một cách khác để tiếp cận vấn đề và thử những điều khác lạ mà bạn nghĩ có thể tạo ra những kết quả tích cực.
Câu hỏi đặt ra cho bản thân:
Ba điều gì mình có thể làm khi bản thân gặp trở ngại là gì? Những giải pháp mình có thể nghĩ đến trong những trường hợp cần thiết là gì?

5. Đừng nghĩ nữa mà hãy bắt đầu đi.

Bây giờ, bạn đã được trang bị những gì cần thiết để thoát khỏi vùng an toàn. Đã đến lúc hành động để thay đổi tình trạng hiện tại rồi. Hãy nghĩ tình huống này là một thử nghiệm. Bạn sẽ thử làm điều gì đó mới, rồi bạn sẽ nhận được những kết quả tương ứng gì. Bạn sẽ học điều gì đó về bản thân và về khả năng của bạn. Rồi bạn sẽ thích nghi được với hoàn cảnh thôi.
Câu hỏi đặt ra cho bản thân:
Bước đầu tiên tôi cần làm để tiến tới phía trước là gì? Liệu tôi có cần nghiên cứu thêm về một chủ đề để hiểu chúng hơn không? Tôi có cần phải thực hành một kĩ năng cho đến khi tôi thông thạo nó? Tôi có cần tìm một người hướng dẫn (mentor) có thể đưa ra lời khuyên và giúp tôi định hướng không?

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *