TỎA QUỐC CẤM HẢI (鎖國禁海)

Hai triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc là triều Minh và triều Thanh trong thời thịnh trị của mình đều là những vương triều rất rộng lớn và hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự.

Nhưng đây chỉ là những cường quốc trên bộ, hải quân chưa bao giờ là thế mạnh của họ. Ngay từ thời Minh Thái Tổ – Chu Nguyên Chương đã đưa ra di huấn là “bất chinh hải ngoại” – do nhìn vào vết xe lăn đổ của triều Nguyên trong những lần xuất chinh ra biển trước đó.

Mặc dù trong một số thời kỳ họ có quan tâm đến hải quân như những cuộc thám hiểm của thái giám Trịnh Hòa thời Vĩnh Lạc, hoặc lần tiến đánh Đài Loan của Khang Hy. Nhưng có thể nói việc chăm lo cho hải quân của hai triều đại trên chỉ mang tính chất giai đoạn, không liên tục và nặng về mong muốn nhất thời của vua hơn là lợi ích thực sự do đó nó không thể kéo dài.

Trên mặt biển ở thời gian này là hải tặc hoành hoành, những đám cướp người Nhật mà triều đình Trung Hoa gọi là “Oa khấu”, đó là chưa kể những thành phần sứ quân từng tranh hùng thiên hạ với họ nhà Chu, hay đám Phản Thanh phục Minh thời nhà Thanh khi thất bại đều chạy thẳng ra biển làm hải tặc, càng khiến cho nạn hải khấu bùng phát với quy mô chưa từng có.

Cả một vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông nước ta) trở thành nơi hải tặc hùng cứ, quan quân không dám ló mặt ra tiễu trừ. Các tỉnh duyên hải là sào huyệt để đám này hoạt động. Quảng Đông và Phúc Kiến lại càng thích hợp cho cả thương nhân lẫn hải khấu vì núi non, sông ngòi khiến khu vực này cách biệt hẳn với nội địa. Từ vịnh Bắc Việt lên đến Phúc Kiến địa hình khúc khuỷu phức tạp, ngoài những thương khẩu như Hạ Môn, Quảng Đông lại có thêm hai cái đảo lớn là Đài Loan và Hải Nam trở thành nơi trú chân tuyệt vời của đám người lang bạt này.

Nơi đây hình thành nên một cái trung tâm thương mại ngoài vòng pháp luật, miền Bắc lên đến Mãn Châu, Nhật Bản, phương Nam xuống tới các hải đảo Philipines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Java, Xiêm …

Với hơn một phần ba dân số sống dọc theo duyên hải bao gồm rất nhiều thành phần có cả dân chài, thương nhân, lẫn nông dân sống dựa vào biển cả. Dân chúng tập hợp thành những làng nổi bị gọi một cách khinh miệt là “thủy thượng nhân”, những người này sống theo nghề chài lưới, hoặc buôn bán nhưng nếu có dịp sẽ trở mình thành cướp, nên dân và cướp ở nơi này khó mà phân định được.

Những khu vực này đều nằm ngoài tầm kiểm soát của triều đình, đơn giản thôi, bởi vì “làm căng thì tụi anh dông ra biển” cho nên triều đình hết sức đau đầu.

Thời vua Thế Tông nhà Minh, Tổng đốc Chiết Giang Hồ Tôn Hiến (Nếu nghe quen quen thì hẳn là các bạn vẫn còn nhớ truyện Kiều) ra lệnh cấm dân chúng liên lạc, tiếp ứng cho giặc biển. Điều này có một số hiệu quả khả quan trong việc kềm chế cướp biển duyên hải Trung Hoa, nên nhiều người cứ thế áp dụng theo.

Thời Nhà Thanh cũng đi theo chính sách tỏa quốc cấm hải này, đến thời Thuận Trị còn ra lệnh hà khắc hơn, bắt dân chúng sống ven biển di cư vào hẳn trong đất liền, từ Quảng Đông – Phúc Kiến – Chiết Giang – Giang Tô lên đến Sơn Đông dân không còn được làm nghề đánh cá, thuyền bè của dân bị tiêu hủy, một tấc gỗ không được thả xuống nước (Thốn bản bất hứa hạ thủy), ai vi phạm sẽ coi như là thông đồng với giặc. Điều này gây nên một hậu quả khủng khiếp với cư dân nơi đây:

“Dân chúng các vùng duyên hải dời vào trong nội địa ba mươi dặm, nhà cửa ruộng nương đều phải đốt hết. Trên từ Liêu Đông, dưới tới Quảng Đông đều di cư vào rồi xây tường, dựng địa giới, cắt binh trấn giữ, ai ra ngoài sẽ bị xử tử. Bách tính không có việc làm, đi lang thang khắp nơi, chết có đến ức vạn người” – Trích Hải Thượng Kiến Văn Lục

Đối với Việt Nam, tuy rằng ghi chép về những thành phần hải khấu này rất ít, lại rời rạc không đồng nhất nhưng cũng có thể kết luận rằng đây cũng là một vấn nạn gây ảnh hưởng và gián đoạn nghiêm trọng tới tuyến giao thông đường thủy dọc duyên hải nước ta.

Bùi Viện từng dâng sớ tâu Tự Đức về tình trạng này như sau:

“Việc trị an ở ngoài biển, gần đây nước ta trông hẳn vào nước ngoài (Đoán là chỉ Pháp). Chống chọi với muôn ngàn chiếc thuyền của giặc Tàu Ô, chúng ta chỉ có vài chiếc tàu thủy, vừa chậm chạp vừa nặng nề. Giữ được chỗ nọ thì hỏng chỗ kia, vài con voi địch với đàn hổ, dù có mạnh đến đâu cũng chẳng thể chở che cho xiết được. Và những tàu thủy lòng sâu bảy, tám thước mà thuyền giặc thì lòng chỉ ba bốn thước là cùng. Nếu gặp tàu thủy đi tuần thì giặc đã có một biện pháp đối phó đơn giản và hiệu quả vô cùng là trốn vào chỗ nước nông, tàu ta không sao đến được mà bắn cũng không tới nổi”.
======================================
Thái độ của nhà Minh và nhà Thanh đối với khu vực biển và duyên hải này như nhìn vào một khối ung nhọt, hư thối, cắt thì đau tận tim can, mà để thì nhức nhối từ ngày này qua tháng khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *