Hán văn: Phùng Phùng
Dịch Việt: Hạnh Đoan
Tổ yến không phải là thức ăn chay! Đây là kiến giải của cá nhân tôi.
Vì sao phải bàn đến vấn đề này? Bởi vì tôi thấy có nhiều cư sĩ, mặc dù trường trai rất chí thành nhưng do muốn tẩm bổ mà dùng tổ yến. Thậm chí một số người tại gia, nhất là các bà vợ, cực kỳ kính chư Tăng bảo. Các nữ cư sĩ ở Nam Dương buổi sáng thường mang chén tổ yến chưng đường phèn đến cúng dường sư thầy. Có thể do ở Nam Dương tổ yến có rất nhiều, hầu hết mọi người đều cho đây là thực phẩm bổ dưỡng cao cấp.
Tổ yến có thực là loại bổ dưỡng nhất không? Đây vẫn còn là nghi vấn. Theo ý kiến của một số người, nhất là bên Trung y, thì cho tổ yến là một loại nhuận âm bổ dương, còn nói là nó có thể chữa chóng mặt, tim đập nhanh và nhiều bệnh khác. Tổ yến được coi là một loại thuốc bổ quý tương đương nhân sâm.
Vậy thì chúng ta hãy phân tích nhé. Trước hết, ta phải hiểu tổ yến là gì. Làm thế nào mà có được nó.
Ở vịnh Thái Lan, có rất nhiều bờ biển gồ ghề, những vách đá cheo leo dựng đứng và nhiều hang động. Hầu hết đều chìm trong nước biển, chỉ có một số đỉnh hang nhô lên trên. Bên trong những hang động vách đứng này là nơi sinh sống của nhiều loài hải yến. Những con én biển này nhìn giống như loài én bình thường, nhưng chúng không xây tổ ở chỗ có người sinh sống. Chúng rất sợ con người. Chúng cư ngụ trên các vách đá cheo leo của các hang động ngoài biển.
Chim én bình thường thì sử dụng bùn để làm tổ. Nhưng do môi trường sống én biển toàn là vách đá, chúng không có bùn đất để xây tổ, nên phải tận dụng sự thay lông của chúng để làm tổ. Khi đan tổ, chúng nôn ra chất nhầy gelatin từ dạ dày và bôi nó vào vách đá làm keo. Sau đó, chúng dùng mỏ nhổ lông trên cơ thể mình để dán vào keo. Vợ chồng chim yến hằng ngày kiên trì làm như vậy. Trải qua thời gian lâu chúng mới xây được một tổ nhỏ, đến lúc này thì lông trên mình chúng đã bị nhổ trụi lũi. Chất nhầy nôn ra từ dạ dày cũng gần cạn hết, nên thứ chúng phải dùng tiếp theo là máu! Sau khi tổ chim hoàn thành, ta gọi là tổ yến, tổ thường điểm chi chít máu chim yến là vậy.
Làm tổ xong, yến mẹ đẻ hai quả trứng rất nhỏ. Vợ chồng yến thay nhau ấp trứng.
Đa phần là yến mẹ ấp trong thời gian dài. Đủ thời gian thì én con nở còn yến cha lo mang thức ăn về mớm cho vợ và các con.
Thức ăn của chúng chủ yếu là những con cá nhỏ nơi biển và các côn trùng bay trong không. Giống như loài chim diệc, én biển có thể xuống đáy biển để bắt cá. Nó có khả năng tiêu hóa mạnh và có thể tiêu hóa cá thành gelatin trong suốt. Đó là những chất mà nó nôn ra để làm tổ.
Một số người cho rằng tổ yến là nước bọt của én biển, đây là hiểu biết sai lầm. Vì thực tế, tất cả chất nhầy trong tổ chim không phải đều là nước bọt mà chỉ có một phần nhỏ thôi. Đa số là protein do thây cá được tiêu hoá nôn ra từ dạ dày. Do đó, nó có độ bám dính mạnh và có thể dùng tốt cho việc xây tổ. Hải yến mớm cho chim non, cũng là chất lỏng trong dạ dày nó được đổ vào miệng con, đợi đến khi én con lớn rồi thì nó mới mớm cá nhỏ cho con.
Như vậy tổ chim đương nhiên được tạo bằng chất protein của cá và tôm (do hải yến đi bắt tôm và cá ở biển ăn, thông qua sát sinh mà có). Thế thì làm sao tổ yến được xem là món chay? Đây là lẽ tất nhiên. Khi chúng ta ăn tổ yến, chính là đang ăn gelatine cá tôm đấy? Cũng là gián tiếp sát sinh. Nếu ta dùng tổ yến cúng dường pháp sư, há chẳng phải kêu sư thầy phá giới ăn mặn sao? Vì vậy mà những tu sĩ biết rõ điều này thì từ chối không nhận dùng tổ yến. Một số tu sĩ vì vị tình nên không cự tuyệt còn một số khác do không biết tổ yến là đồ mặn, nên thản nhiên dùng để tẩm bổ tự thân.
Tổ yến chưng đường phèn được mọi người cho là thức bổ dưỡng tối cao. Nhưng thực ra, nếu phân tích kỹ thì tổ yến chỉ là gelatin cá hòa với dịch vị dạ dày cùng máu và nước bọt của hải yến mà thôi. Giá trị dinh dưỡng thực sự chẳng có gì quý cả, xét ra còn kém xa rau cải, đậu nành nữa! Nhưng lại có một số người quá mê tín sùng bái tổ yến, có lẽ vì nó lấy được quá khó khăn?
Vào thời cổ đại, tổ yến là cống phẩm, hằng năm được dâng nạp cho hoàng đế Trung Quốc và hoàng đế Thái Lan! Dân thường không thể với tới. Mà một khi thứ gì đó được xếp vào hàng cống phẩm, thì tự nhiên nó được coi là quý giá. Hầu hết mọi người đều tin và mê mẩn về hiệu lực của tổ yến, có thể bắt nguồn từ nguyên nhân này.
Người bản địa Thái Lan và Mã Lai muốn đi lấy tổ yến, thì phải chèo chiếc thuyền nhỏ vào các hang động hẻo lánh nơi biển và phải trèo lên vách đá cheo leo để lấy tổ yến. Đôi khi, phải chờ con nước xuống thấp họ mới có thể vào hang. Đôi khi đang lấy tổ trong hang, thì đột nhiên thủy triều dâng mau rồi sóng dữ ập đến, phủ lấp hang, dìm chết hết những người đang nhặt tổ.
Cũng thường xảy ra cảnh những người lấy tổ yến bị vuột tay rơi khỏi vách đá, té xuống chết hay bị tàn phế. Câu chuyện bi thảm của người lấy tổ yến có nhiều không kể hết! Nhưng nghề này được truyền từ đời cha sang con. Người cha ngã xuống thì con trai nối nghiệp và có lẽ họ đều kết thúc đời mình trong biển dữ. (American Geographic cũng có một bộ phim tài liệu chiếu về sự bi thảm của nghề lấy tổ yến.) Thực ra cái nghề này kiếm được rất ít tiền, do họ bán nó cho thương lái, trải qua nhiều cuộc mua đi bán lại nên tổ yến trở thành cao giá. Cuối cùng thì chỉ có nhà xuất khẩu là kiếm được nhiều tiền nhất.
Tổ yến phải được canh để lấy khi yến mẹ vừa đẻ trứng, hoặc tốt nhất là lấy ngay khi tổ mới xây xong. Như vậy sẽ có được tổ yến tươi và sạch sẽ.
Nếu như đợi đến khi chim con ra đời, thì tổ yến chỉ có đầy phân chim.
Do vậy, người lấy tổ thường canh lấy vào mùa xuân.
Loài chim yến quả rất đáng thương! Bởi chúng vừa làm tổ xong thì bị cướp đem đi! Chúng phải làm lại, phải tiếp tục nôn ra từng bụm máu tươi!
Thường thì khi lấy gặp những tổ đã có trứng hay chim con, thì những người cướp tổ không hề xót thương. Họ lấy trứng ra đập vỡ hoặc bắt chim con ném chết, bởi họ chỉ cần đoạt cái tổ chim thôi. Họ hành động tàn nhẫn mặc cho chim yến bố mẹ bay xung quanh kêu gào bi thảm, thống khổ vì bất lực không thể cứu con. Cảnh tượng này thực là đau xót không gì bằng!
Nhìn thấy cảnh người ta cướp tổ yến quá độc ác, tôi sa nước mắt. Thực chẳng hiểu tại sao lại có nhiều người có thể thản nhiên nuốt trôi tổ yến mà không mắc nghẹn?
Chính phủ Thái Lan từ lâu đã ban lệnh cấm người lấy tổ giết chết chim con và phá hủy trứng, cũng không cho phép lấy tổ đã có trứng.
Tuy nhiên, vì lợi lộc, tiền bạc nên người dân địa phương hiếm khi tuân thủ. Bây giờ, hải yến sắp bị diệt tuyệt bởi những người lấy tổ.
Đầu tiên, tổ yến được trải qua nhiều khâu, sàn lọc để loại bỏ lông, phân chim, chất dơ, máu dịch… cát, sạn … rồi sau đó mới biến thành một “tổ chim quý giá, sạch sẽ”…
Nhưng nếu chú ý, bạn vẫn có thể thấy vẫn còn xác vật tạp, những lông tơ dính máu.
Ai nói tổ yến là thức chay? Xin đừng tiếp tục cúng dường tổ yến cho chư tu sĩ dùng nữa, đừng đẩy chư tăng ni vào con đường bất nghĩa!
Trong tổ yến xen lẫn huyết dịch đó có vô số oan hồn và sát nghiệp trùng trùng, chứa đầy đắng cay bi thảm. Làm sao bạn có thể nhẫn tâm ăn chứ? Nếu bạn muốn bỏ ra rất nhiều tiền để mua tổ yến quý giá bồi bổ bản thân hoặc cúng dường cho chư sư, chi bằng hãy dùng số tiền này để giúp những người nghèo, bệnh, già suy… hoặc làm nhiều việc thiện, rộng tay bố thí… vẫn là tốt hơn.
Dịch từ “Kim Cang Bồ Đề Hải” số 193 – Ra ngày 1 tháng 6 năm 1986
(Trích sách đã in BÍ ẨN NHỮNG VÌ SAO – 2021)