To tiếng với bố mẹ có phải là bất hiếu không?

Hồi còn nhỏ tôi thấy ông chủ chuyên mổ heo lớn tiếng với ba chú ấy thì tôi đã cảm thấy rất ghét người đó rồi. Mỗi lần ông nội muốn đến nhà đó mua thịt heo thì tôi sẽ kéo tay ông rồi nói với ông là chú kia không phải là người tốt lành gì đâu, ông đừng mua chỗ đó nữa. Ông nội hỏi tại sao thì tôi nói là chú đó mắng ba của mình, cô giáo nói như vậy là bất hiếu, là người xấu!

Ông nội tôi nói, cô giáo của con nói vậy không sai, nhưng đó chỉ là đạo lý trên sách vở thôi, cuộc sống thường ngày không thể dùng đạo lý đó để cân đo đong đếm được. Người già mà, con cháu cho ăn thịt ăn cơm thì cũng xem như là có hiếu rồi. Bình thường nói chuyện vui vẻ “bố hiền con hiếu” được là cái tốt, nhưng lâu lâu cãi nhau vài câu cũng không sao. Lúc ba của chú kia làm con trai thì cũng sẽ như vậy thôi, mọi người đều hiểu mà. Làm người mà, sẽ có lúc buồn lúc vui chứ, có thể là hôm đó chú kia gặp chuyện gì đó bực tức nên mới nhịn không nổi mà la hét vài câu, mọi người cũng không có nghĩ chú kia bất hiếu đâu.

Lúc đó tôi còn nhỏ, vẫn chưa hiểu sự quanh co lòng vòng của cuộc sống này, tôi chỉ biết một là một, hai là hai. Tôi cứ cố chấp mà nghĩ rằng, cho dù chú ấy bị ăn phải cả ngọn núi lửa to đùng thì cũng không thể lấy ba mình ra chửi cho hả giận được nha!

Ông nội tôi lại kiên nhẫn nói tiếp, haizz, đó chỉ là cách nghĩ của bọn trẻ tụi con thôi. Nguồn sống của cả gia đình đều phải dựa vào một người, chú ấy ban ngày đi làm tối về còn phải chăm sóc cha già, dỗ dành con nhỏ, mệt đến như vậy rồi thì cũng có ngày chịu không nổi rồi bộc phát ra như vậy là bình thường thôi. Chú đó nha, sức lực mạnh, chịu được việc nặng nhọc, nhưng ngày này qua tháng khác cứ làm mãi lo mãi thì cũng mệt mà, tuy mệt vậy nhưng chú đó vẫn chăm lo được cái ăn cái uống cho bố mẹ của mình mà, như vậy là có hiếu rồi đó. Chưa kể, lúc con mình còn nhỏ bị bố mẹ mắng mấy câu cũng đâu thấy thằng bé ghim hận bố mẹ mình, giờ bố mẹ già rồi bị con trai nói vài câu thì lại trách mắng nó bất hiếu sao? Trên đời này làm gì có chuyện như vậy được?

Tôi nói, không đúng, không phải như vậy! Ba con không có mắng ông mà, con cũng không có mắng ba, chú ấy tại sao lại mắng ba của mình chứ?

Ông nội cúi xuống dùng ánh mắt rất phức tạp để nhìn tôi một lát, cuối cùng ông chỉ thở dài rồi nói một câu không đầu không đuôi, “Con trong đội thiếu niên tiền phong đúng không? Tương lai của đất nước sau này phải nhờ đến tụi con rồi…”

Lúc đó tôi lại càng không hiểu nên hỏi ngược lại ông nội, “Là sao ạ? Con không mắng bố, bố không mắng ông nội, con ghét chú kia là sai hay sao ạ?”

Ông nội xoa xoa đầu tôi rồi để tôi đi nhìn con trai của chú đó. Tôi thấy đứa bé đó cả người toàn là dầu mỡ thôi, trên mặt còn hơi bân bẩn nữa, đứa bé đó bị ba mình mắng đến phát khóc rồi, nước mũi mà chảy thì thằng bé cứ lấy tay quệt ngang qua thôi…

Sau đó, ông nội nói thêm một đoạn dài lắm, đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rõ.

Con xem thằng bé kìa, rồi con nhìn lại con nè, trên người con rất sạch sẽ, mẹ con ngày nào cũng tắm rửa thay đồ mới cho con, bố con cứ có thời gian rảnh thì sẽ kể chuyện cho con nghe. Cho dù con có làm sai thì ông nội cũng sẽ hỏi con tại sao trước chứ chưa từng đánh hay mắng con mà, đúng không? Một bé trai như con mà cứ thích quấn lấy bà nội một mực đòi bà thêu khăn tay cho mình nè, sau đó bà ấy cũng chiều theo con, bỏ công tốn sức mất mấy ngày mới thêu xong thì con dùng chưa được 2 ngày đã làm mất rồi, lúc đó bà nội cũng đâu có trách con đúng không?

Người lớn trong nhà chúng ta không mắng con không phải là vì nhà chúng ta không biết dạy con hay là nuông chiều con, đó là vì nhà chúng ta so với nhà khác thì càng yêu trẻ nhỏ hơn, một phần nữa là cuộc sống gia đình chúng ta khá giả, thoải mái hơn người ta nên lúc về nhà bố mẹ ông bà mới còn sức lực, còn kiên nhẫn để dỗ dành, để ôn hòa nói chuyện phải trái với con.

Nhưng con nhìn lại nhà chú ấy xem, chú ấy ngày nào cũng phải mổ một con heo, mệt lắm đó, có mấy lần ông thấy trên vai chú ấy có dán cao dán nữa đó. Ban ngày đã vừa mệt vừa đau như vậy rồi nếu về nhà mà gặp một đứa tinh nghịch đủ trò như con thì chú ấy sẽ buồn lắm đó, dù gì thì mình cũng đi làm mệt cả ngày rồi mà về nhà dạy con con lại còn không nghe lời nữa. Chú ấy buồn nhưng không thể nói với ai thì sẽ có lúc phải bùng nổ thôi.

Dù vậy nhưng chú ấy vẫn rất thương con mình mà, chú ấy khổ như vậy nhưng vẫn cố nuôi con đi học để sau này con mình có thể tìm một công việc nhẹ nhàng để kiếm sống chứ đừng cứ mãi làm việc nặng nhọc như thời của ba nó nữa. Chú ấy với ba con ngày xưa là bạn hồi tiểu học đó, sau này chú ấy thi đậu cấp 3 nhưng ba chú lại không cho chú học tiếp, kêu chú nghỉ học về nhà kiếm tiền nuôi gia đình đi. Sau này cho dù có khổ đến mức nào đi chăng nữa thì chú ấy cũng chưa từng trách ba mình tại sao ngày xưa không cho chú ấy ăn học đàng hoàng đâu.

Hồi ba con nhận được thư báo nhập học Đại học thì chú ấy còn tặng 2 cân thịt heo để chúc mừng đó. Ba con nói chú ấy nhìn tờ giấy báo đó mà ngơ ngác một hồi lâu lắm, ba con tính đưa cho chú ấy xem thì chú ấy lại do dự, bàn tay mở ra được một nửa rồi lại khép về, chú ấy bảo, tay bẩn lắm, toàn dầu mỡ thôi, sợ để lại vết dầu trên đó…

Lúc còn đi học thành tích của chú ấy cao lắm, người lại tốt tính,ai cũng mến chú ấy lắm. Lúc làm chồng thì chú chăm vợ rất kỹ, chuyện trong nhà cũng không muốn để vợ mình đụng vào một tý ty gì đâu. Lúc làm con trai thì đối xử rất tốt với bố mẹ, có cái gì cũng muốn cho bố mẹ ăn trước. Lúc làm ba của đứa nhỏ rồi thì chú ấy từng nói với ông là sau này dù có khổ có mệt cỡ nào cũng phải để con mình được học lên đại học.

Chú ấy đã làm rất tốt, rất tốt rồi. Ông nội con luôn cảm thấy, nếu ông là chú ấy thì ông không làm được đến mức này đâu. Con đó, con không thể cứ nghĩ bản thân hơn người rồi nói họ không tốt chỉ vì cuộc sống của họ không được suôn sẻ như mình hay vì người ta cục cằn hơn mình được đâu.

Tôi nghe xong thì bĩu môi rồi suy nghĩ rất lâu, sau đó tôi mới ngẩng đầu lên hỏi ông nội: “Tại sao ba của chú ấy không muốn chú ấy đi học vậy ạ? Chú ấy mắng ba mình là vì ông ấy không cho chú ấy đi học ạ?”

Ông nội nói, ba của chú ấy cũng là một người ba tốt, lúc mẹ của chú qua đời thì ông ấy vẫn ở vậy một thân một mình nuôi mấy đứa con lớn khôn chứ không có đi bước nữa.

Lúc đó tôi vẫn còn rất nhỏ, dù không hiểu tại sao nhà bọn họ cứ phải mắng mắng chửi chửi nhưng cũng biết được bọn họ đều là người tốt, có thể là tôi không nhìn thấy được nhưng vẫn cảm nhận được tình cảm gia đình trong đó.

Sau này khi lớn lên rồi tôi mới hiểu rõ, có được khả năng và sức lực để yêu thương một ai đó là điều không hề dễ dàng.

Chúng ta cần phải tôn trọng tình cảm và cuộc sống của những người không phù hợp với tiêu chuẩn của bản thân. Nếu bọn họ không làm gì ảnh hưởng đến mình thì việc dùng những tiêu chuẩn, chuẩn mực của bản thân để nhận xét, đánh giá người khác là một điều tồi tệ và sai trái.

Nói chứ đôi lúc phải to tiếng thì mọi người mới biết ranh giới của mình ở đâu. Người thế hệ trước thường không để ý tới chuyện personal space như người trẻ, mình nói nhỏ nhẹ đôi lúc không được. Cứ phải bảo là còn nhìn con qua camera mỗi bữa ăn, rồi lúc bạn bè đến nhà, xong còn chụp màn hình nữa là con phát điên đấy thì nó dễ hiểu hơn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *