Tình yêu trong văn hoá nhân loại

Con người là sinh vật xã hội, bản chất chúng ta là đoàn kết với nhau. Từ thuở hồng hoang của lịch sử, loài người đã săn bắt và hái lượm cùng nhau, lao động để tạo ra của cải vật chất, rồi từ lao động mới phát triển ngôn ngữ, văn hoá, phong tục tập quán và trở thành một giống loài vượt trội trên quả đất này. Rất nhiều điều đã sinh ra và mất đi trong hành trình tiến hoá, nhưng chỉ có một hằng số giữ nguyên, đó là Tình Yêu.

Tôi luôn biết sẽ đến lúc mình đào sâu vào các chủ đề thế này. Tình yêu thấm nhuần vào cuộc sống và giúp ta trở thành con người tốt hơn, những chủ đề tích cực như thế tại sao không viết? Tôi không đơn độc tìm hiểu chân lý mà sẽ đưa các bạn đi cùng. Bài này tôi nói về tình yêu trong sách vở thôi nhé, vì chắc cả đời tôi cũng chỉ biết về loại tình yêu đó.

—–

Người Hy Lạp cổ đại đặt rất nhiều nền móng cho tri thức nhân loại, tất nhiên trong đó bao gồm tình yêu. Tổng quát có tám loại tình yêu:

  • Agape: tình yêu vị tha, bác ái
  • Eros: tình yêu nồng nàn, nhục dục
  • Philia: tình bạn chí cốt, tình anh em
  • Storge: tình cảm gia đình
  • Ludus: yêu bỡn cợt, yêu chơi đùa
  • Pragma: tình yêu lý trí, mang tính thực tế cao
  • Philautia: tình yêu bản thân
  • Mania: tình yêu cuồng loạn

Agape là lòng vị tha, tình yêu thiêng liêng hơn hết thảy. Đã bao giờ bạn vỡ oà niềm vui khi đội tuyển nước nhà chiến thắng, hay rưng lệ trước những tô “cháo hành” trên thời sự chưa? Hàng trăm mạnh thường quân khắp đất nước quyên góp cho các nạn nhân của bệnh tật, mất mát và thiên tai, đồng cam cộng khổ với những con người mà mình chưa từng quen biết. Đó chính là biểu hiện của Agape đấy, tình yêu vô điều kiện dành cho quê hương, con người và vạn vật đã tạo nên một Agape thần thánh. Đức Phật, Thiên Chúa hay Mẹ Teresa đều mang trong mình thứ tình yêu thuần khiết đó.

Eros đại diện cho gắn bó tình dục và thể xác. Nhà tâm lý học Canada, John Alan Lee, miêu tả Eros là mong muốn mãnh liệt được đem lại cảm giác an toàn và thoả mãn nhu cầu thể xác cho bạn tình. Họ muốn biết tất cả về người yêu, không ngại ngần kể cho người yêu những bí mật thầm kín nhất. Những bộ phim tình cảm Mỹ hay Hàn hiện đại thường khắc hoạ loại tình yêu này. Eros đậm đà và sục sôi như một phòng xông hơi, ai không cẩn thận có thể ngạt và xỉu luôn trong đó.

Philia dùng để gọi tên Tình bạn thuần khiết. Triết gia Aristotle chia Philia thành ba mức độ: giá trị lợi ích, giá trị cảm xúc và giá trị phẩm chất. Giá trị lợi ích thì nông cạn và nhất thời, giống như quan hệ người mua kẻ bán giữa bạn và bà bán rau. Giá trị cảm xúc sâu hơn chút đỉnh nhưng cũng có thể đứt gãy, chẳng hạn khi cả hai không đi học cùng lớp học thêm nữa. Cuối cùng là giá trị phẩm chất, tổng hoà của hai điều trên và sâu sắc hơn nhiều. Cả hai người thực sự yêu thích những phẩm chất làm nên người còn lại, và xa mặt nhưng không thể cách lòng. Những mối quan hệ trong phim như Batman và Robin, Timon và Pumbaa, Rick và Daryl (The Walking Dead)… đều là điển hình cho Philia.

Loại tình yêu thứ tư – Storge – tôi nghĩ chỉ cần nói đúng một chữ tiếng Việt là tụi mình đều hiểu được. Đó là chữ “Thương”. Storge đại diện cho tình thương tự nhiên của các thành viên trong gia đình. Đó là tình yêu của cha mẹ và con cái, ông bà và các cháu, của anh chị em máu mủ ruột rà với nhau, thậm chí tình yêu của một đứa bé với thú cưng trong nhà. Storge là tình thương hạt nhân của cuộc sống, tình thương đã bảo vệ Harry Potter khỏi chúa tể Voldemort. Tiếng Việt đã ban cho chúng ta một từ kì diệu để diễn tả một tình yêu kì diệu. Hãy dùng chữ “thương” thật thận trọng và dành nó cho những người xứng đáng nhé, vì chữ ấy nặng lắm.

Ludus là Yêu Chơi Bời hay Yêu Bỡn Cợt, người yêu không muốn gắn bó lâu dài mà chỉ muốn tận hưởng niềm vui và thử thách. Những lối sống như tình một đêm, FWB… suy cho cùng cũng quy về tình yêu Ludus. Một loại tình yêu dường như đối nghịch hẳn với Ludus là Pragma. Ông John Alan Lee cho rằng tình yêu Pragma thực dụng hơn hết thảy, gần như quan hệ làm ăn vậy. Hai người chọn bạn tình dựa trên sự tương đồng về sở thích, nghề nghiệp, giá trị đạo đức, thói quen sinh hoạt… Trong tất cả những thước đo ấy, lãng mạn và tình dục chỉ đóng vai trò thứ yếu hoặc không tồn tại. Pragma rất phổ biến trong cái thời mà hôn nhân bị sắp đặt, tuy ban đầu có thể lạnh lùng nhưng “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”, hai người sẽ dần dần gắn bó và tôn trọng nhau hơn.

Philautia là yêu Bản thân, thứ tình yêu được nhắc đến bởi rất nhiều trang blog “chữa lành” bây giờ. Philautia được định nghĩa là “sự ưu tiên cho hạnh phúc và lợi ích của chính mình”. Có hai kiểu Philautia: ích kỉ và trắc ẩn. Với một số người, tình yêu bản thân tích tụ quá nhiều khiến họ trở nên kiêu căng ngạo mạn. Còn với những người khác, họ biết điều chỉnh tình yêu đó thành sự tự tin mạnh mẽ vào bản thân, rồi đối xử với mọi người bằng sự vị tha và nhân hậu, theo cách mà họ muốn chính mình được đối đãi.

Sắc thái tình yêu cuối cùng, Mania, giống như màu đen trên bức tranh vậy. Nó vẫn rất quan trọng cho tổng thể… nhưng ta băn khoăn nó có cần phải dữ dội thế không. Mania nghĩa là Cuồng, các bạn ạ. Trong khi Eros nói lên “Chúng tôi sinh ra để dành cho nhau”, thì Mania nói “Thiếu người ấy, tôi có thể chết đi sống lại”. Mania là thứ tình yêu ám ảnh, phụ thuộc, chiếm đoạt, ghen tuông thái quá và thiếu lành mạnh. Tình trạng này rất dễ đến với những đầu óc mong manh đã yêu đơn phương quá lâu. Họ không phân biệt được là yêu người đó hay yêu cái hình ảnh họ tự tạo ra về người đó nữa.

Nói đến loại tình yêu này tôi nhột nhạt vì cũng có một chút trải nghiệm cá nhân, tất nhiên là không đến nỗi Mania…

—–

Từ điển Collins Dictionary định nghĩa: “Tình yêu là khi bạn cảm thấy hạnh phúc của một người rất quan trọng với mình, nên bạn đối xử với họ bằng lòng tốt và sự quan tâm”. Kinh thánh Thiên Chúa (Cô-rinh-tô I, đoạn thứ 13) giải thích bao trùm và cao cả: “Tình yêu hay nhẫn nại; tình yêu hay nhân từ; tình yêu chẳng ghen tị, chẳng khoe khoang, chẳng lên mình kiêu hãnh, chẳng làm điều trái phép, chẳng kiếm tư lợi, chẳng nóng giận, chẳng nghi ngờ sự dữ, chẳng vui về điều không công bình nhưng vui trong lẽ thật. Tình yêu thương dung thứ mọi sự, tin tưởng mọi sự, hy vọng mọi sự, nín chịu mọi sự.”

Tôi tin tình yêu là thế lực mạnh mẽ nhất thế gian. Tình cảm gia đình và tình bạn là những thứ nuôi lớn và giúp mình trưởng thành. Tình yêu nghề nghiệp khiến công việc không chỉ là những ngày làm 8 giờ xám xịt, mà mình làm với một niềm tin mãnh liệt tạo ra giá trị cho đời. Nói về sức mạnh của tình yêu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước, cụ Nguyễn Trãi viết hai câu mà tôi coi như tôn chỉ: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”. Tình yêu và sự khoan dung có khả năng cảm hoá kẻ thù trở thành những người bạn chí cốt.

Bài này tôi chỉ viết về những khái niệm vĩ mô của tình yêu thôi. Để một ngày không xa, tôi sẽ kể cho mọi người những chuyện tình nhỏ nhoi trong cuộc đời mình, cả những câu chuyện tôi đích thân trải nghiệm cũng như quan sát từ mọi người xung quanh. Nếu tôi buộc phải thừa nhận thì những mối tình ấy đều bọ xít, ngây thơ… và đáng buồn là chẳng cái nào ra đầu ra đũa cả. Nhưng ngay lúc còn tồn tại thì chúng còn vui sướng làm sao, và kể cả khi chấm dứt rồi (tốn hơi lâu để chấm dứt) chúng vẫn cho tôi những bài học để trở thành như bây giờ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *