Tình yêu khiến người ta si mê nhất, là tình yêu tuyệt vọng

Một người bạn của tôi sau khi bị thất tình thì “thả thính” khắp bốn phương. Cậu ta vốn nam tính và quyến rũ, nhưng sau khi bị thất tình thì sự nam tính và quyến rũ này đã tăng thêm một bậc, thường xuyên khiến cho đối tượng vừa gặp đã phải dính điện đến đơ người. Bạn gái của tôi nói, anh ta không ngừng phát ra tín hiệu hấp dẫn người khác, đó là nguồn cơn cho sự ma lực đầy ma mị của anh ta. Trực giác của tôi thì không cho rằng là như vậy, nhưng rốt cuộc là sao thì quả thực nhất thời tôi cũng không thể hiểu nổi. Cũng vào mấy hôm đó, tôi đang chủ trì một nhóm học tập, khi một bạn học viên chia sẻ những cảm nhận của mình, thì lúc đó tôi cảm thấy mình dường như đã có được đáp án cho vấn đề này. Lần này, tôi đã để các bạn sinh viên nữ chia sẻ, người đàn ông như thế nào sẽ khiến các bạn gái bị trúng tiếng sét tình yêu, và những người đàn ông kiểu đó có mối quan hệ như thế nào đối với người cha của các bạn gái ấy. Tuần trước, tôi cũng vừa để cho các bạn sinh viên nam chia sẻ về những cảm nhận của họ với chủ đề tương tự.

Một sinh viên nữ đã nói: “Từ trước đến giờ tôi chưa từng xiêu lòng trước đàn ông.” “Điều này làm sao có thể chứ.”

Tôi đã nói, “Bạn đã hơn 30 tuổi mà từ trước đến giờ chưa từng xiêu lòng trước đàn ông ư? Điều này tuyệt đối không thể nào được, bạn hãy nghĩ kỹ lại một chút xem sao?” “Quả thật là chưa từng.” Cô ấy vừa nói vừa rơi vào trầm tư, rồi đột nhiên như vừa nhớ ra gì đó, “À, đúng là có vài lần tôi cũng có cảm giác, nhưng có điều mỗi lần như thế tôi đều tiêu diệt nhanh chóng cảm giác đó, vì thế mà trong trí nhớ của tôi dường như không hề có một chút ký ức nào về việc bị đàn ông mê hoặc cả.”

Tôi hỏi cô ấy, tại sao người ta có tình cảm, cô ấy lại lập tức loại bỏ nó đi. Cô ấy trả lời, ”Cảm giác ấy thật sự đáng sợ, lúc đó tôi sẽ cực kỳ để ý đến đối phương, từng giờ từng khắc đều để ý đến nhất cử nhất động của đối phương, mọi sự đau khổ hay vui vẻ của bản thân đều bị những hành động nhỏ đó của đối phương điều khiển, chi phối, rồi phóng đại. Tôi cảm thấy bản thân mình đã bị tan ra trong chốc lát, không còn tồn tại nữa.”

Chính vì thế mà cô ấy không muốn có cảm giác bị trúng tiếng sét tình yêu. Khi nghe cô ấy nói thế, trong phút chốc tôi đã lĩnh hội được rằng, đó cũng là cảm thụ của mẹ cô ấy, và đây cũng là lý do tại sao mẹ cô ấy suốt mấy chục năm ngày nào cũng như ngày nào đều chê bai, tấn công bố của cô ấy.

Đối với mẹ con cô ấy thì cảm giác yêu một người đàn ông thật sự đáng sợ, vì thế khi họ yêu sẽ chọn một người đàn ông chẳng có cảm giác gì cả. Nhưng cho dù đó là một người đàn ông chẳng có cảm giác gì thì nếu ở bên cạnh lâu rồi sẽ tự nhiên có tình ý xuất hiện, mà khi tình ý xuất hiện thì có nghĩ là cảm giác đáng sợ kia cũng sẽ bắt đầu ập tới, vì thế mà cô và mẹ của cô trong thời gian này không ngừng soi mói bới móc và phê bình sự thiếu sót của chồng. Thông qua những sự phê bình này, họ không những sẽ giành được vị trí ưu việt trong mối quan hệ thân mật mà còn tiêu diệt đi tình ý của bản thân mình, như vậy sẽ có thể lảng tránh khỏi cảm giác đáng sợ mà tình yêu đem đến khiến con người ta tan vỡ.

Cảm giác khủng bố của sự tan vỡ ấy, nếu như bạn chưa từng trải qua, vậy thì bạn cũng có thể tưởng tượng, bạn là một người cực kỳ sợ ngồi xe đi qua núi, nhưng khi bạn đang phải ở trên một chiếc xe đi qua một ngọn núi thật to, hơn nữa còn phải nhìn xuống, sau đó chiếc xe đó còn lao xuống sườn núi bằng một tốc độ kinh hoàng…

Điều này cũng có thể liên tưởng đến chuyện tình yêu. Hai người thường xuyên cãi vã, hoặc hai người thường xuyên khinh miệt, miệt thị dẫn đến tấn công, đánh nhau, những hành động đó đều có một công năng – đó là phòng tránh, ngăn chặn việc nảy sinh tình yêu.

Lúc này, tôi dường như đã hiểu được nguyên nhân của những mị lực của W thu hút những người phụ nữ, nhưng sự hiểu biết lúc đó lại rất khó dùng từ ngữ để miêu tả, hình dung, mãi đến khi tôi đột nhiên nhớ lại một câu chuyện cũ của mình, lúc này mới gọi là hiểu một cách triệt để.

CHÚNG TA THƯỜNG LO SỢ KHI YÊU ĐƯƠNG HẾT MÌNH

Một mối tình của tôi kết thúc trong quãng thời gian chúng tôi còn đang học tập. Đó là một sự kết thúc rất tự nhiên, không phải tôi và cô ấy không còn yêu nhau nữa, mà nguyên nhân khách quan, nên tình yêu cũng vì thế mà kết thúc.

Trong vòng mười ngày sau khi chia tay, tôi phát hiện bản thân mình bị rơi vào trạng thái vô cùng kỳ lạ, dường như ánh mắt của mình lần đầu tiên trong cuộc đời này khi nhìn con gái lại có một loại lực sát thương như vậy. Rất nhiều lần tôi bước trong công viên, bước trên đường phố, ánh mắt nhìn khắp những người xung quanh, thường xuyên có người con gái nào đó bị ánh điện của đôi mắt tôi gây sững sờ, ngây ngốc.

Tôi chỉ có tầm mười mấy ngày có được ánh mắt như thế, vì thế lúc đó không nghĩ gì cả. Nhưng lần này ở nhóm học tập nhỏ, vì nhớ lại chuyện cũ, lại có nhiều sự chia sẻ của các bạn nữ sinh viên, nên lần nữa tôi lại được trải nghiệm lại cảm xúc, tâm tình của ngày trước, phát hiện ra mị lực của ngày ấy là tại sao.

Đó là một sự tuyệt vọng, đồng thời cũng là một sự khát vọng, nhưng đó là tuyệt vọng trước, khát vọng theo sau, ý tứ cụ thể của nó là: “Tuy rằng tôi không tin vào tình yêu, tình yêu khiến tôi bị tuyệt vọng, nhưng tôi lại yêu em, em dám chấp nhận không?”

Trong nội tâm sâu thẳm của chúng ta đều cất giấu một ý nghĩ như thế, nhưng bình thường chúng ta lại không có dũng khí để yêu đương, cũng không có nhiều lĩnh hội về sự tuyệt vọng của tình yêu. Mà ánh mắt cũng như thần sắc của tôi lúc đó, hoặc có thể nói một cách chính xác hơn cả thì đó là trạng thái sinh mệnh, sẽ lập tức tiếp xúc đến hai thứ đó trong phần sâu thẳm của nội tâm của đối phương, huống hồ lúc đó tôi lại đang ở trong một trạng thái vô cùng cực đoan. Vì thế, ngay lập tức tôi sẽ phát ra tín hiệu cho hai thứ thanh âm trong nội tâm của họ rằng “yêu thì không thể, nhưng tôi lại vô cùng khao khát yêu”, vì thế dường như tôi đã có một sức hấp dẫn cực kỳ to lớn.

Sau này, trạng thái của tôi được khôi phục lại bình thường, trong tim bắt đầu lại có lại niềm tin đối với tình yêu, hơn nữa đó lại còn là một sự cực kỳ tự tin. Có được sự tự tin này rồi, cho dù cuộc sống có bị đả kích như thế nào, tôi đều không bao giờ tiêu diệt khát vọng của mình đối với tình yêu, nhưng mị lực hấp dẫn đối phương của tôi lại đã biến mất.

Bác sĩ trị liệu tâm lý Anando đã nói đến vấn đề này trong cuốn sách Nói “Có” với cuộc sống của mình.

Có hai người đàn ông cùng lúc yêu bạn, một người thật lòng thật dạ yêu bạn, một người thì chỉ yêu theo kiểu chơi bời, phóng đãng. Vậy thì bạn sẽ chọn ai? Tin tôi đi, bạn sẽ chọn kẻ thứ hai, và tôi cũng đã từng như thế.

Hồi còn trẻ bà Anando là một cô gái cực kỳ xinh đẹp, nhiều tài lẻ và cũng là người giàu tình cảm, bối cảnh gia đình cực kỳ tốt, nhưng tất cả những cái này cũng không thể ngăn cô ấy có nội tâm như thế – “không thể yêu, nhưng tôi lại khao khát yêu”.

Khi một cô gái có nội tâm như vậy, người con trai thật lòng thật dạ yêu sẽ kích thích một phần nội tâm trong con người cô gái: “tôi khát vọng yêu”, chứ không kích thích được một phần khác trong nội tâm của cô ấy: “Không thể yêu”, điều này khiến cô ấy không thích ứng chút nào.

Đầu tiên, cô ấy sẽ không quen, cô ấy cảm giác thấy trống rỗng: “Ồ, đây là thật sao? Có một người đàn ông thật lòng yêu mình sao?”

Tiếp theo, cô ấy sẽ cảm thấy một áp lực thật sự nặng nề. Cô ấy sẽ nghĩ, liệu mình có xứng với mối tình này không, liệu mình tốt đến mức thế ư.

Cuối cùng, khả năng cô ấy sẽ có cảm thụ như nữ sinh viên kia, trúng tiếng sét ái tình, hoặc có thể nói là gặp phải báo hiệu của tình yêu, trong nháy mắt sẽ làm cô gái ấy cảm thấy tan vỡ.

Sự tan vỡ này là một sự tan vỡ tự lừa dối chính mình. Trong tận sâu thâm tâm chúng ta ai cũng có cảm giác tự ti rằng “tôi không xứng đáng được yêu”, mà những người thời thơ ấu nhận được ít tình yêu, cảm giác tự ti đó càng ngày càng phát triển đến một cảm giác cực đại là khủng hoảng, sợ hãi, có cảm giác không an toàn. Vì để phòng ngừa sự bùng nổ cảm giác không an toàn hoặc sợ hãi đó, chúng ta sẽ tự hình thành một cơ chế tự mình phòng ngự. Nhưng tình yêu, mặc kệ là bạn đi yêu người ta hay được người ta yêu, tiền đề của nó đều là phải đột phá cơ chế phòng ngự của chính bản thân mình đã, lúc đó sẽ đột nhiên bị cảm giác không an toàn và sợ hãi tập kích, ngược lại sẽ càng cảm thấy sợ hãi hơn.

Lúc này, chúng ta sẽ cho rằng tình yêu khiến cho bản thân mình bị sợ hãi, mà rất ít người nghĩ rằng thật sâu trong thâm tâm chúng ta đã có một nỗi sợ sâu sắc như vậy. Tình yêu vốn dĩ có thể chữa trị nỗi sợ hãi ấy, nhưng vì chúng ta quá sợ hãi cảm giác này mà đã ôm khư khư cơ thế phòng ngự của bản thân mãi, kết quả khiến cho tình yêu khó có thể đi sâu vào trong nội tâm và nuôi dưỡng nội tâm của chúng ta.

Chính vì có một nội tâm như thế mà chúng ta đã bị rơi vào một vòng luẩn quẩn – yêu nhau, nhưng tình yêu đó luôn xuất hiện những vấn đề nghiêm trọng. Vì thế tốt nhất khi vừa mới bắt đầu cả hai liền biết đây là một mối tình không có kết quả, lúc đó ngược lại có khi lại yêu rất sâu sắc. Nhưng có điều trong lúc yêu vô cùng sâu đậm ấy, cũng lại là một lần nếm trải cảm giác tuyệt vọng, dường như là bị nghiện cảm giác tuyệt vọng đối với tình yêu vậy.

Rất nhiều bộ phim kinh điển đều miêu tả lâm ly bi đát cảm giác ấy. Chẳng hạn trong bộ phim Spider man 3, khi Người Nhện cảm thấy mối tình của mình và bạn gái rơi vào tuyệt vọng, anh ta bị Người Nhện Đen cướp lấy thân thể, nhưng sau đó anh ta đã có được một mị lực nam tính phi phàm, những cô gái trên đường phố và trong quán bar đều bị hớp hồn và liên tục ngoái nhìn.

Về phần Người Nhện Đen, trước đây tôi cảm thấy anh ta luôn là biểu tượng cho cho tính tấn công, nhưng giờ tôi nghĩ, đây cũng là một hóa thân của sự tuyệt vọng. Phát hiện mới quan hệ với bạn gái dường như không đáng tin cậy, Người Nhện bị rơi vào cảm giác tuyệt vọng, nhưng sao đó thì mị lực của sự nam tính được kích phát mạnh mẽ ra bên ngoài.

Điều thú vị là, hầu như tất cả mọi người đều biết, mị lực của sự nam tính này sau đó theo ngày tháng sẽ không còn nữa, nó chỉ thích hợp xuất hiện ở trong những cuộc gặp gỡ vô tình. Khi viết cuốn sách này, tôi đang ở Lệ Giang – “diễm ngộ chi đô”. Rất nhiều người đến đây để tìm kiếm một mối tình chóng vánh cho chính mình, sau đó khi về nhà thì sẽ lại là một người chồng, một người vợ rất quy củ.

Sự quyến rũ của Lệ Giang, mị lực của Người Nhện, mị lực của tôi sau khi thất tình, tất cả thật ra đều đang biểu đạt điều này: Không thể yêu, nhưng tôi lại vô cùng khao khát yêu em.

Cách biểu đạt như vậy là cực hạn của sự tự luyến và ngược đãi. Tự luyến là chúng ta tin tưởng một cách sâu sắc rằng tình yêu là không thể có được, chẳng phải đúng là tình yêu của chúng ta đã diễn ra như vậy sao, ta đã sớm biết mọi chuyện sẽ như thế này, ta thông minh đến vậy, tự biết rõ mình như thế kia mà! Còn ngược đãi, tức là rõ ràng biết rằng đây là tình yêu không thể nào có kết quả, nhưng bản thân lại cứ muốn đi tìm cảm giác tuyệt vọng đó, cảm giác ấy khiến con người ta bị u mê.

Bài viết trích từ cuốn sách Tâm lý học tình yêu 1 của Ths tâm lý Vũ Chí Hồng

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *