Thứ ba, ngày 08/07/2025 19:00 GMT+7
Kiều Anh Thứ ba, ngày 08/07/2025 19:00 GMT+7
Trong vùng đất hợp nhất ấy, bản sắc không hòa tan mà hiển hiện, đa thanh và đầy sức sống.
Tỉnh Vĩnh Long mới: Những lát cắt bản sắc từ vùng đất ven biển và sông rạch nội đồng

Tỉnh Vĩnh Long mới, được thành lập sau khi hợp nhất ba tỉnh cũ gồm Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh, hiện có diện tích 6.296,20 km² và dân số hơn 4,25 triệu người. Việc mở rộng địa giới đưa tỉnh trở thành một trong những vùng có hệ sinh thái sông nước đặc trưng và tiềm năng du lịch nông nghiệp lớn bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong dòng chuyển động đó, hành trình của nhiếp ảnh gia Nguyễn Khánh Vũ Khoa (sinh năm 1985, TP.HCM) mang lại một lát cắt thực tế từ những vùng đất ven biển và vùng sông rạch nội đồng. Điểm đến của anh là những khu vực vốn thuộc địa bàn Trà Vinh cũ và Bến Tre cũ – nay là các xã, phường trực thuộc tỉnh Vĩnh Long, nơi đời sống cư dân vẫn bền bỉ gắn với nghề nông, ghe xuồng, chợ nổi và tập quán sinh hoạt đậm chất miệt vườn.

Chuyến đi tập trung vào quan sát thực địa, ghi nhận những dấu hiệu đặc trưng của bản sắc vùng miền qua nhịp sống thường ngày, nghề truyền thống và mối quan hệ giữa con người với môi trường tự nhiên. Phần lớn thời gian được anh Khoa dành cho khu vực phía Đông Nam tỉnh – nơi vẫn lưu giữ các hoạt động văn hóa của cộng đồng Khmer và hình thức sinh kế gắn liền với vùng cửa biển.
Tại phường Trường Long Hòa, anh bắt đầu ngày mới từ tinh mơ để ghi lại hình ảnh lao động kéo xiệp trong khoảnh khắc bình minh trên biển Ba Động – một hoạt động đánh bắt ven bờ thủ công vẫn còn hiện diện đến nay. Theo cách lý giải dân gian, vùng biển này mang tên Ba Động vì vào mùa nước lớn, sóng đánh tạo thành ba dải cát nhô lên như ba “động” tự nhiên.

Tại xã Càng Long, anh Khoa dành thời gian cho đồng cỏ lác – nguyên liệu truyền thống gắn liền với nghề đan nát, rồi tiếp tục ghi hình tại chùa Sa Leng Cũ với các buổi tập múa Apsara vẫn được thanh thiếu niên Khmer duy trì trong khuôn viên chùa.
Một nơi hiện lên với không khí lao động cần mẫn vào sáng sớm, một nơi mang đậm màu sắc văn hóa Khmer cổ kính nhưng sống động. Chính sự giản dị, hăng say và thân thiện ấy khiến hai địa điểm này để lại dấu ấn sâu đậm trong chuyến đi ngắn ngày của anh.
Tại xã Song Lộc, nhiếp ảnh gia 8X tiếp cận một nghệ nhân chuyên chế tác mặt nạ phục vụ múa nghi lễ – một nghề thủ công hiếm hoi nhưng đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng.

Trên hành trình trở về, anh Khoa ghé qua khu vực phía Tây Nam tỉnh – nơi từng là địa bàn Bến Tre cũ và dừng lại hai ngày để ghi nhận nhịp sống tại một số xã chuyên canh dừa, lúa và rau màu.
Các điểm dừng bao gồm đồng hẹ ở xã Nhuận Phú Tân, chợ rơm xã Tân Xuân, khu chợ dừa ven sông Thom và một cơ sở thủ công làm chân vịt tại xã Bình Đại. Mỗi địa điểm là một lát cắt đặc trưng, phản ánh cách cư dân địa phương tận dụng điều kiện tự nhiên để duy trì sinh kế gắn với sông nước.

“Để tác nghiệp hình ảnh vùng quê sông nước, ánh sáng là yếu tố được ưu tiên hàng đầu. Tôi đặc biệt yêu thích ánh sáng ban mai – thời điểm mọi vật như dịu lại trong sự trong trẻo: từ mái nhà lá, cây cầu gỗ cho đến những hàng dừa xanh mướt.
Sau ánh sáng, yếu tố cảm xúc và bố cục được đặt song hành, nhưng cảm xúc thường đến rất tự nhiên, nhất là khi đứng giữa một không gian yên bình, chất phác, đậm tình người – đúng như cái chất của miền Tây”, anh Khoa nhấn mạnh.
Tỉnh Vĩnh Long mới: Tiềm năng bùng nổ du lịch trải nghiệm

Song hành cùng ánh sáng và cảm xúc, chính cách người dân hiện diện trong ống kính: mộc mạc, vui vẻ và giản dị, đã mang lại cho nhiếp ảnh gia 8X những trải nghiệm hiếm có.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Khánh Vũ Khoa cho biết: “Dù chỉ lưu lại trong khoảng một đến hai ngày, nhưng cảm giác gắn bó với vùng đất này đến rất tự nhiên. Điều khiến tôi vương vấn nhất không phải là một địa điểm cụ thể, mà chính là cách cư xử mộc mạc, vui vẻ và chân tình của người dân. Tại một cánh đồng hẹ, khi dừng chân ghi hình, tôi bắt gặp các em nhỏ và vài cụ già đang trò chuyện ven đường. Tôi chỉ vừa xin phép chụp hình, mọi người đã cười rất tươi và đồng ý. Mọi thứ nhẹ nhàng, thoải mái đến bất ngờ.

Về ẩm thực, tôi từng thưởng thức bún nước lèo – một món ăn thể hiện rõ sự giao thoa giữa ba cộng đồng Việt, Khmer và Hoa. Hương vị đậm đà và cách kết hợp nguyên liệu khiến món ăn này để lại ấn tượng mạnh.
Ở vùng chuyên canh dừa, có hai hương vị tôi nhớ mãi là nước dừa tươi và kẹo dừa thủ công. Dừa vừa hái xuống, chặt ra uống ngay – cái ngọt mát ấy rất tự nhiên, không thể lẫn với bất kỳ nơi nào khác. Loại quả này trở nên đặc biệt không chỉ nằm ở độ tươi ngon, mà còn ở cách người dân tận dụng trọn vẹn từng phần của trái dừa trong sinh hoạt và chế biến: từ nước, cơm, đến kẹo, đến cả mắm.”

Trong lần tác nghiệp này, anh Nguyễn Khánh Vũ Khoa chưa có cơ hội tham dự các lễ hội truyền thống lớn của cộng đồng Khmer do không trùng thời điểm tổ chức. Tuy vậy, anh bày tỏ mong muốn được quay lại đúng dịp Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Ok Om Bok, hoặc các sự kiện Phật giáo tại các ngôi chùa Khmer, để ghi lại hình ảnh sinh hoạt, tu học của các vị sư và đời sống văn hóa đặc sắc của người dân.
Dù chỉ cách nhau một cây cầu, nhưng theo ghi nhận từ hành trình của anh Nguyễn Khánh Vũ Khoa, các địa bàn trong tỉnh Vĩnh Long hiện nay vẫn thể hiện rõ sự đa dạng bản sắc. Một bên là vùng ven biển với cộng đồng Khmer sinh sống đông đảo, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tín ngưỡng và lễ hội truyền thống; bên kia là hệ thống kênh rạch chằng chịt cùng sinh kế đặc trưng của cư dân sông nước.

“Nếu được đầu tư bài bản, các làng nghề thủ công ở xã Giồng Trôm – vốn còn giữ nhịp sản xuất truyền thống, cùng với hệ thống lễ hội của cộng đồng Khmer sẽ là những điểm có tiềm năng bùng nổ về du lịch trải nghiệm, góp phần tạo dấu ấn riêng cho tỉnh trong giai đoạn phát triển mới.
Từ góc nhìn của một người làm nhiếp ảnh, tôi kỳ vọng các chính sách phát triển du lịch – văn hóa của tỉnh mới sẽ đặt trọng tâm vào việc gìn giữ bản sắc qua lễ hội, công trình kiến trúc, nhịp sinh hoạt, không gian lao động, tập quán, giọng nói.
Tôi cũng mong rằng trong tương lai sẽ có thêm nhiều điều kiện để nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia có thể kể những câu chuyện thật bằng hình ảnh – lát cắt chân thực về con người và vùng đất, đủ để chạm vào cảm xúc người xem thay vì chỉ dừng lại ở vẻ đẹp bề nổi”, chàng trai 8X cho hay.