Tinh thần tự lực: Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì

Tuy không nặng tính học thuật và triết lý, nhưng “Tinh thần tự lực” vẫn có sức ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục về trách nhiệm cá nhân. Được đánh giá là “Kinh thánh của chủ nghĩa tự do”, “Tinh thần tự lực” là tác phẩm kinh điển xuất chúng mà những ai quan tâm tới dòng sách phát triển bản thân cũng đều nên đọc.

Tinh thần tự lực được xuất bản cùng năm với Nguồn gốc các loài của Darwin và Bàn về tự do của John Stuart Mill. Trong khi Darwin phác lên bức tranh về việc thích nghi với môi trường đã định hình sự sống như thế nào, và Mill mô tả xã hội dựa trên các giá trị tự do, thì Smiles đã viết ra tác phẩm truyền cảm hứng cho những cá nhân khao khát tự định đoạt và làm chủ cuộc sống của mình. Tinh thần tự lực có thể không mang tính học thuật hay triết lý bằng với 2 cuốn sách còn lại, nhưng sức ảnh hưởng của nó với dòng sách tự lực và những đạo lý về trách nhiệm cá nhân là rất lớn.

Bìa sách “Tinh thần tự lực – Những tấm gương về phẩm hạnh và lòng kiên trì” xuất bản tại Việt Nam

Trong nhiều gia đình thời đó, Tinh thần tự lực chỉ xếp sau kinh thánh. Cuốn sách mở rộng phong cách văn chương truyền thống khi mà nó kết hợp nhiều thể loại, có cả một chút hồi kí của Benjamin Franklin và các tiểu thuyết của Horatio Alger, diễn tả nhiều trường hợp mà con người vượt lên trên những nghịch cảnh khó khăn.

Tinh thần tự lực trở nên sống động qua các câu chuyện người thật việc thật. Smiles biết điều này và đã đưa vào trong cuốn sách của mình những con người nổi bật. Ông đề cập tới:


• Sir William Herschel (1738-1822), một người chơi kèn trong một rạp hát lưu động trở nên tò mò về thiên văn học. Ông đã tự chế tạo kính viễn vọng, phát hiện ra Thiên Vương tinh cùng nhiều thiên thể khác, và trở thành nhà thiên văn học cho Quốc Vương nước Anh.
• Bernard Palissy (c.1510-1589), người thợ gốm nghèo đốt cả vật dụng và hàng rào nhà mình vào lò nung để tạo ra chất men gốm nổi tiếng của ông, và với sự bền bỉ đó ông đã được đền đáp xứng đáng và trở thành thợ gốm cho triều đình Pháp
• Granville Sharp (1735-1813), nhân viên thư kí trong thời gian rảnh rỗi của mình đã khởi xướng phong trào xóa bỏ nô lệ ở Anh, cuối cùng dẫn tới sửa đổi luật để đảm bảo rằng mọi người nô lệ, nếu đặt chân lên nước Anh sẽ được tự do.

Những cuộc đời ấy được tái hiện lại không chỉ để chúng ta thán phục, mà là đưa ra một vài lý tưởng về một dải phổ rộng những hình mẫu cho chính chúng ta. Smiles sắp xếp những nhân vật dựa trên cách mà họ tỏa sáng với những đức tính như bền bỉ, chuyên cần và chịu đựng; những điều này tạo nên từng chương của cuốn sách.

Chân dung Samuel Smiles

Siêng năng và tài năng


Smiles tin rằng, bởi vì nó là về bản chất con người, các giá trị của Tinh thần tự lực sẽ luôn xác đáng. Để chấp nhận điều này, bạn cần phải tin tưởng rằng sự kiên trì và chuyên cần trong công việc là cốt lõi của thành công – có thật sự là vậy không?

Lối suy nghĩ rằng người nghệ nhân là người với tài năng xuất chúng, tạo ra các kiệt tác trong những cơn bùng nổ của sáng tạo là khá phổ biến, nhưng trong chương sách về cuộc đời của các nghệ nhân, Smiles chỉ ra rằng sự tân tụy, hết lòng vì công việc quan trọng tương tự như tài năng vậy. Bằng việc chỉ ra những kĩ năng điêu luyện mà các nghệ nhân có được là thành quả của hàng năm trời thử sai, Smiles phá bỏ niềm tin rằng nghệ nhân giỏi nhất là người có nhiều tài năng nhất. Thực tế, tài năng không quá hiếm, điều hiếm có là ý chí để dốc lòng hoàn thành những tác phẩm. Michelangelo không thể hoàn thành tác phẩm trên trần nhà nguyện Sistine nếu ông không sẵn lòng bỏ ra hàng tháng trời. Titian mất đến 7 năm ròng rã để hoàn tất bức Bữa tối cuối cùng cho Charles V, thế nhưng người xem tranh không biết điều đó có thể giả định rằng nó được tạo ra nhờ “sự bùng nổ sáng tạo”.

Smiles điểm lại châm ngôn của họa sĩ Sir Joshua Reynolds và nhà điêu khắc David Wilkie: “Làm việc! Làm việc! Làm việc!”. Nhạc sĩ Bach kể lại: ”Tôi rất chăm chỉ, những ai siêng năng như tôi, thì cũng sẽ thành công như tôi”. Lịch sử có xu hướng làm mờ nhạt đi sự tận tụy của con người và gán cho họ những từ như “thiên tài”.

Smiles viết:


Tài năng siêu việt không phải là thứ cần thiết để đảm bảo thành công trong bất kì điều gì – không chỉ là sức mạnh để thực thi, mà là ý chí để lao động một cách hăng hái và bền bỉ.

Smiles kể với chúng ta về George-Louis Buffon (1707-88), người đã viết bộ sách 44 cuốn Lịch sử tự nhiên, chứa đựng toàn bộ những kiến thức về lịch sử tự nhiên vào thời của ông, và dự báo lý thuyết tiến hóa. Kỉ luật lớn lao cần thiết cho sự hoàn tất công trình ấy đã dẫn Buffon tới kết luận rằng ‘tài năng là sự kiên nhẫn’. Smiles tiếp tục trích De Maistre: ‘biết cách chờ đợi là bí quyết lớn của thành công’, và những ghi chép của Isaac Newton về điều gì tạo nên thiên tài: Sự tư duy liên tục về giải pháp cho một vấn đề.

Kiên nhẫn, điều khiển tâm trí, và đắm mình vào công việc là chìa khóa cho mọi tiến bộ vĩ đại của chúng ta, và giáo dục hay ngân sách không thể cung ứng những điều đó. Đó là những điều tạo nên tài năng.

Phẩm chất

Ngày nay cụm từ ‘xây dựng phẩm chất’ có vẻ xa lạ, thậm chí là nực cười khi ai đó lên kế hoạch những việc như leo núi Himalaya. Như Smiles cảnh báo vào những năm 50 thế khỉ 19, giáo dục, tiền bạc hay địa vị gia đình không thể nào thay thế cho phẩm chất. Ngày nay chúng ta sống trong xã hội tri thức mà giá trị được đánh giá cao nhất là khả năng sử dụng dữ liệu và thông tin, nhưng ‘phẩm chất là sức mạnh, hơn cả tri thức’. Tinh thần tự lực có thể là một cuốn sách đơn giản từ một thời đại đơn giản hơn hiện tại, nhưng sự nhấn mạnh nhu cầu nuôi dưỡng các phẩm chát cá nhân đem lại sự tự do tư tưởng tiết lộ một sự thật bất biến: rằng phẩm chất là điều gì đó hình thành bất kể sự đối lập với bản năng hay các yếu tố văn hóa.

Nhưng phẩm chất thì có tác dụng gì? Nó có thể giúp tôi kiếm sống kiểu gì? Vào thế kỉ 19, ngành kinh doanh rất khác bây giờ, chưa phải là đấu trường cho những trí tuệ sáng tạo và xuất sắc nhất, nhưng Smiles cho rằng nó sẽ sớm trở nên như vậy. Ông không tốn thời gian để đi đến kết luận: cốt lõi của kinh doanh là sự chính trực trong lời nói và hành động. Bởi sự thành thật là chất keo kết nối xã hội tự do, thành công sẽ đến với những ai được người khác tin tưởng. Như Max Weber lập luận, phẩm chất này hiếm có đến độ những nhà buôn theo đạo Tin lành thường kiếm được cả gia tài bởi vì họ có thể được tin tưởng hoàn toàn.

Lời kết

Smiles nhắc chúng ta về một trong những tư tưởng quan trọng nhất của Stuart Mill: ‘Giá trị của một quốc gia, về lâu dài, là giá trị của những cá nhân kiến tạo nên nó’. Nếu như những tư tưởng về sự phát triển có quay trở lại vào thế kỉ 21, có lẽ nó sẽ không phải là một điều quyết định bởi Nhà nước mà là bởi niềm tin của các cá nhân. Trong khi các quy luật tự do chính trị của Mill là điều kiện căn bản cho sự phát triển cá nhân, thì những tư tưởng đạo đức của Tinh thần tự lực mới là thứ khiến cho chúng ta thực sự làm điều gì đó với tự do của mình. Thú vị là, Smiles trước đây từng là một nhà cải cách chính trị hung hăng, nhưng từ bỏ khi mà ông nhận ra sự cải cách mạnh mẽ hơn xuất phát mức độ cá nhân chứ không phải Nhà nước.

Dù có đôi chút bất bình đẳng giới khi không nhắc đến câu chuyện của người phụ nữ nào trong sách, chúng ta có thể bỏ qua cho Smiles vì độc giả chính của cuốn sách thời đó là các nam giới lao động không ưa chuyện học tập từ các hình mẫu phụ nữ. Dẫu sao thì Tinh thần tự lực cũng là tác phẩm kinh điển xuất chúng mà những ai quan tâm tới dòng sách phát triển bản thân nên đọc.

Trạm Đọc (Read Station) lược dịch

Theo Butler Bowdon

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *