Thứ tư, ngày 09/07/2025 19:00 GMT+7
Kiều Anh Thứ tư, ngày 09/07/2025 19:00 GMT+7
Trong làn sương mỏng, những đồi chè xếp lớp như rồng uốn lượn hiện ra lặng lẽ dưới nắng sớm.
Tỉnh Phú Thọ mới: Lộ diện “vịnh Hạ Long trên cạn” với hàng trăm quả đồi hình rồng
Tỉnh Phú Thọ mới được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba địa phương có bản sắc riêng: Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Với diện tích hơn 9.300km² và dân số trên 4 triệu người, đây không chỉ là một đơn vị hành chính mới mà còn là vùng đất mở ra nhiều khả năng kết nối về du lịch và cảnh quan tự nhiên.
Trong bước chuyển mình này, một số địa điểm vốn âm thầm trước đây nay trở thành điểm nhấn rõ nét hơn trên bản đồ du lịch. Đồi chè Long Cốc – xã Long Cốc (thuộc huyện Tân Sơn cũ) là một trong số đó. Nơi này vẫn giữ nhịp sống chậm, không gian thoáng đãng, phù hợp với những ai tìm kiếm vẻ đẹp tự nhiên chưa bị can thiệp quá mức.
Là một nhiếp ảnh gia phong cảnh, anh Ngô Văn Đức (31 tuổi, quê Hà Nam cũ, nay là Ninh Bình) quay trở lại Long Cốc trong hành trình ghi hình các vùng thiên nhiên đặc trưng của Việt Nam. Với anh, mỗi lần bấm máy là một cơ hội để quan sát sự thay đổi của địa hình, ánh sáng và bầu không khí – những yếu tố tưởng như quen thuộc nhưng luôn chuyển động theo mùa và thời điểm trong ngày, chứ không đơn thuần là săn ảnh đẹp.

Nhiếp ảnh gia trẻ dành thời gian ở Long Cốc vì nhận thấy nơi này có một cấu trúc địa hình đặc biệt. Hàng trăm quả đồi nhỏ nối tiếp nhau, hình tròn đều, trông như những bát úp xếp lớp. Đứng từ trên cao nhìn xuống, địa hình hiện lên rõ ràng, mạch lạc, không bị rối bởi công trình hay lối đi nhân tạo.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Ngô Văn Đức cho biết: “Tất cả các địa điểm có phong cảnh đẹp tại Việt Nam thì tôi đều muốn đặt chân tới, không những một lần mà rất nhiều lần. Nhưng tại sao tôi lại lựa chọn Long Cốc mà không phải những địa danh khác, bởi vì Long Cốc có một vẻ đẹp rất riêng mà khó có nơi nào trồng chè có được. Bản thân tên gọi Long Cốc đã nói lên tất cả. Khi nhìn từ xa, những đồi chè ở đây có hình dạng như những con rồng uốn lượn, tạo thành một cảnh quan hùng vĩ và thơ mộng”.

Với nhiều du khách, sáng sớm ở Long Cốc là khoảng thời gian đáng nhớ nhất. Không gian phủ kín sắc xanh của chè non, sương còn đọng trên mặt đất, ánh nắng đầu ngày lướt nhẹ qua từng triền đồi. Những luống chè uốn theo địa hình, tạo thành các đường lượn mềm mại như hình rồng vắt qua sườn núi. Cảnh vật ấy đủ sức khiến mỗi người chững lại, thả lỏng nhịp thở và thấy lòng dịu đi theo từng vệt nắng đầu ngày.
“Tôi cũng không nhớ lần đầu tiên đến với Long Cốc là lần nào, mỗi chuyến đi đến đây đều khác nhau từ điều kiện thời tiết cho tới cảm xúc. Nhưng khoảnh khắc mà tôi cảm thấy tuyệt vời nhất là khi những tia nắng đầu tiên chạm xuống các đồi chè trong buổi sớm đầy mây. Trên cao, bầu trời chuyển sắc với các khối mây loang màu. Dưới đất, các đồi chè hiện ra lấp ló qua lớp sương mỏng, ánh sáng nhẹ quét qua từng tán lá non. Cảnh vật trong tích tắc trở nên sống động, nhiều lớp”, chàng trai 9X cho hay.
Tỉnh Phú Thọ mới: Long Cốc đứng trước “ngã ba” sau sáp nhập

Với anh Ngô Văn Đức – người theo đuổi nhiếp ảnh phong cảnh, ánh sáng luôn là yếu tố quyết định. Ở Long Cốc, hai thời điểm anh thường canh kỹ nhất là bình minh và hoàng hôn – lúc ánh sáng trong ngày đạt chất lượng tốt nhất để chụp ảnh. Ánh sáng đầu ngày thường mềm, mỏng và có độ chuyển màu tinh tế, nhất là khi sương còn đọng trên mặt đất. Còn ánh sáng cuối ngày lại có tông ấm, dịu, giúp tạo chiều sâu và độ tương phản cho các dải đồi chè.
Chia sẻ về kinh nghiệm tác nghiệp tại Long Cốc, anh Đức cho biết: “Có hôm trời trong, có hôm nhiều mây, nhưng khung cảnh không bao giờ lặp lại. Cùng một góc máy, chỉ cần ánh sáng thay đổi, bức ảnh tạo ra cũng đã khác. Để chụp được những khung hình thể hiện rõ dáng “đồi chè hình nón” – đặc trưng nổi bật nhất của Long Cốc, người chụp không thể chỉ trông cậy vào thiết bị.

Kiến thức nhiếp ảnh, khả năng quan sát ánh sáng và địa hình, cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước chuyến đi, là những yếu tố then chốt. Những góc máy rộng, thoáng và đặt từ điểm cao sẽ giúp thể hiện rõ chiều sâu, cấu trúc đều đặn của các quả đồi. Hãy đi nhiều, quan sát kỹ, cảm nhận không gian trước khi bấm máy. Có khi bắt gặp một tia sáng đúng lúc, lớp sương vừa đủ mỏng, hay đơn giản chỉ là chút may mắn mà giới nhiếp ảnh vẫn hay đùa là “được cô thương” thôi”.
Tại những điểm quen thuộc như đồi Bông hay góc Móng Ngựa, anh Đức ưu tiên ghi lại khung cảnh tự nhiên thay vì dàn dựng. Sự xuất hiện của con người trong bối cảnh thiên nhiên còn giúp thể hiện mối liên hệ giữa cư dân và vùng đất – điều mà theo anh là không thể tái hiện bằng cảnh vật thuần túy.
Men theo các con suối, cọn nước, du khách dễ dàng bắt gặp hình ảnh những cô gái gùi lúa băng qua rừng, dáng bước nhẹ và nụ cười luôn nở trên môi. Nhịp sống ở đây chậm rãi, gắn bó chặt chẽ với tự nhiên. Mỗi bản làng như một không gian khép kín, nơi người và đất cùng chia sẻ sự thanh bình. Du khách có thể tìm hiểu phong tục, ngôn ngữ, trang phục truyền thống, hoặc đơn giản là ngồi lại bên mâm cơm vùng cao, thưởng thức những món ăn đặc trưng và chén rượu men lá nồng thơm, chan chứa tình mến khách.

Trong chuyến đi đến Long Cốc, anh Đức có dịp trò chuyện với người dân địa phương, phần lớn là người Mường. Họ rất thân thiện, cởi mở và sẵn sàng chỉ đường hay chia sẻ thông tin khi được hỏi. Nhiều lần, chỉ từ một câu hỏi nhỏ, anh đã được nghe những câu chuyện thú vị về nghề trồng chè, nhịp sống trên đồi, hay cách họ đoán thời tiết qua màu lá và hướng gió. Theo nhiếp ảnh gia trẻ, tiếp xúc với người bản địa không chỉ giúp hiểu hơn về vùng đất, mà còn mang đến cảm giác gần gũi và gắn bó.
Nếu tham gia tour khám phá đồi chè Long Cốc, du khách sẽ có dịp trải nghiệm công việc thường ngày của người dân: từ việc hái chè lúc sáng sớm cho đến theo chân họ vào xưởng chế biến. Quy trình sản xuất tại địa phương được tổ chức khép kín, từ thu hái, phân loại, sao chè đến đóng gói. Mỗi công đoạn đều được thực hiện cẩn thận để giữ trọn hương vị nguyên bản của chè trung du – thứ sản vật vừa gắn bó với đời sống, vừa là niềm tự hào của người dân nơi đây.
“Đồi chè Long Cốc hiện không chỉ là điểm hẹn quen thuộc của giới nhiếp ảnh trong nước mà còn dần được biết đến nhiều hơn bởi du khách quốc tế. Việc ba tỉnh Phú Thọ – Hòa Bình – Vĩnh Phúc hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, có thể mở ra cơ hội kết nối và phát triển mạnh hơn về du lịch cho vùng này.
Dù vậy, sự phát triển nếu không đi kèm với quy hoạch bài bản sẽ khó bền vững. Long Cốc có thế mạnh ở cảnh quan tự nhiên và nét sinh hoạt của cộng đồng bản địa, nên việc giữ gìn sự nguyên bản đó cần được ưu tiên hàng đầu. Rất nhiều người yêu phong cảnh đều mong muốn những nơi như Long Cốc không bị đô thị hóa ồ ạt hay khai thác du lịch quá mức”, nhiếp ảnh gia 9X nhận định.
Trước thực tế lượng khách check-in ngày một tăng, anh Đức nhấn mạnh tầm quan trọng của ý thức, không chỉ từ người làm du lịch, mà cả từ phía du khách. Việc bảo vệ các nương chè, tôn trọng không gian sống của người dân và tránh xâm hại đến hệ sinh thái là điều cần được nhắc lại thường xuyên nếu Long Cốc muốn phát triển lâu dài.