Thứ tư, ngày 16/07/2025 19:00 GMT+7
Kiều Anh (tổng hợp) Thứ tư, ngày 16/07/2025 19:00 GMT+7
Với địa bàn thống nhất, một không gian liên hoàn – nơi tín ngưỡng dân gian, Phật giáo, Đạo Mẫu và những tập quán văn hóa vùng chiêm trũng giao nhau trên từng nhịp trống hội, từng lễ rước, từng ngôi chùa nằm ẩn trong làng quê.
Tỉnh Ninh Bình mới – sáp nhập Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình, hiện có diện tích gần 4.000km² và dân số hơn 4,4 triệu người, đang từng bước định hình một thực thể văn hóa có bản sắc riêng: vùng đất có mật độ chùa chiền, lễ hội dân gian và tuyến hành hương dày đặc nhất miền Bắc.
Nếu Hà Nam cũ nổi bật với chuỗi lễ hội dân gian gắn liền tín ngưỡng nông nghiệp và Đạo Mẫu, Nam Định cũ là trung tâm thờ Trần triều và các dòng tín ngưỡng truyền thống lâu đời, thì Ninh Bình cũ lại giữ vai trò là cố đô – nơi kết tinh các yếu tố Phật giáo, Thiên Chúa giáo, văn hóa dân gian và huyền tích lịch sử. Mỗi nơi đều sở hữu hệ thống di tích, lễ hội, đền chùa có sức hút riêng.
Tỉnh Ninh Bình mới: Biểu tượng mùa xuân trong bản đồ văn hóa

Diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 Tết Nguyên đán tại chân núi Đọi, phường Tiên Sơn, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là nghi lễ tái hiện tục vua cày ruộng đầu năm – một biểu tượng của nền văn minh lúa nước và niềm tin vào sự no đủ. Huyền tích kể lại: mùa xuân năm 987, vua Lê Đại Hành cày ruộng ở Đọi Sơn, bắt được chum vàng, năm sau lại gặp chum bạc ở vùng Bàn Hải. Những thửa ruộng ấy được gọi là “kim ngân điền”, nghi lễ Tịch điền từ đó trở thành thông điệp mở đầu năm mới qua nhiều triều đại.
Không khí rộn ràng bắt đầu ngay từ mồng 5 Tết với lễ rước chân nhang vua Lê Đại Hành về chùa Đọi Sơn, theo sau là các nghi thức rước nước, tế lễ, thi vẽ trâu, hoạt động dân gian,… Đặc biệt, sáng mồng 7 là thời khắc linh thiêng nhất: lãnh đạo địa phương cùng người dân xuống ruộng, dắt trâu cày những luống đầu tiên, gieo mầm hy vọng cho một mùa màng bội thu.
Trên đất Ninh Bình mới, Tịch điền Đọi Sơn tiếp tục là nơi khơi gợi ký ức cội nguồn, kết nối niềm tin nông nghiệp với bản sắc văn hóa dân gian – một điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình tâm linh mùa xuân miền Bắc.
Tỉnh Ninh Bình mới: Sự nối dài của dòng chảy văn hóa – tín ngưỡng vùng đồng bằng Bắc Bộ

Trên địa bàn xã Trần Thương, đền Trần Thương là một trong những điểm đến nổi bật trên tuyến du lịch tâm linh xuyên suốt các vùng văn hóa cổ của đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi đền thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn – vị danh tướng lừng danh trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông thế kỷ XIII, cùng gia đình ông và các tướng lĩnh có công thời Trần.
Được xây dựng trên một thế đất được xem là “tứ thủy quy đường” – 4 dòng nước tụ hội về một hướng, đền Trần Thương không chỉ mang dáng dấp của một công trình kiến trúc cổ, mà còn toát lên vẻ uy nghiêm, hài hòa giữa yếu tố tâm linh và phong thủy. Từ nghi môn ngoại đến các cung nội điện, từ giếng cổ đến giải vũ, tổng thể không gian được tổ chức theo cấu trúc truyền thống nhưng vẫn mở ra cảm giác khoáng đạt.
Khác với sự náo nhiệt của những lễ hội mùa xuân ở các đền lớn, đền Trần Thương lại thu hút du khách bởi vẻ tĩnh lặng, trang nghiêm và chiều sâu lịch sử. Nơi đây từng được chọn là kho lương chiến lược trong kháng chiến thời Trần, mang giá trị đặc biệt về mặt quân sự và hậu cần. Đền không chỉ giữ lại nguyên trạng nhiều chi tiết kiến trúc cổ mà còn trở thành điểm đến được nhiều người tìm về để chiêm bái.
Tỉnh Ninh Bình mới: Ngôi chùa nằm giữa không gian thanh tĩnh với hồ nước rộng

Từng chỉ là một nếp chùa nhỏ ba gian, chùa Bầu nay đã được trùng tu với quy mô lớn hơn, kết hợp giữa kiến trúc truyền thống và nét chắt lọc của không gian đương đại. Dãy hành lang dài với các cột trụ gỗ lớn tạo nên nhịp điệu thị giác đặc trưng, vừa tạo điểm nhấn, vừa giữ được vẻ trang nghiêm vốn có của chốn thiền môn. Không gian thoáng đãng, hồ nước tĩnh lặng và cách bố trí cảnh quan hài hòa giúp chùa Bầu trở thành nơi lui tới thường xuyên của các đoàn hành hương cũng như nhiều du khách trẻ tìm về dịp đầu năm.
Không chỉ mang ý nghĩa là một công trình kiến trúc, chùa Bầu còn lưu giữ 28 đạo sắc phong từ triều Vĩnh Thịnh (năm 1663) liên quan đến Đức Pháp Vân, một trong tứ pháp trong tín ngưỡng Phật giáo cổ truyền ở Việt Nam. Các sắc phong vẫn được bảo quản tại chùa, như một minh chứng lịch sử cho vai trò của Thiên Bảo Tự trong đời sống tâm linh người dân địa phương qua nhiều thế kỷ.
Hiện chùa Bầu là nơi đặt trụ sở Giáo hội Phật giáo tỉnh Hà Nam cũ, đồng thời là trung tâm tổ chức nhiều hoạt động Phật sự thường niên của khu vực. Sự hiện diện của chùa trong cấu trúc tín ngưỡng của tỉnh mới không chỉ góp phần làm phong phú thêm tuyến du lịch tâm linh liên tỉnh, mà còn khẳng định vị trí bền vững của các di tích bản địa trong dòng chảy văn hóa vùng.
Tỉnh Ninh Bình mới: Cội nguồn khí phách nhà Trần giữa lòng tỉnh mới

Trên địa bàn phường Nam Định, khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần – Chùa Tháp là quần thể tâm linh đặc biệt, nơi khởi phát triều đại nhà Trần – một trong những vương triều hưng thịnh và nhiều công trạng bậc nhất trong lịch sử dân tộc.
Bên trong quần thể, ba công trình chính: Đền Thiên Trường, Đền Cố Trạch và Đền Trùng Hoa, được sắp đặt như ba lớp thời gian, đan xen giữa không gian thờ tự và chiều sâu lịch sử. Thiên Trường là trung tâm hành cung xưa, nơi các Thái thượng hoàng từng an dưỡng và thiết triều, Cố Trạch gắn liền với nơi ở cũ của Hưng Đạo Đại vương, còn Trùng Hoa là một công trình thế kỷ 21, nhưng được dựng lại trên nền cung cũ với những pho tượng đồng tái hiện 14 vị vua Trần – biểu trưng cho tinh thần “hào khí Đông A” bất diệt.
Kiến trúc tổng thể của khu di tích không hướng đến sự phô trương, mà toát lên vẻ bề thế, nghiêm cẩn. Từng cột gỗ lim, từng mái ngói cổ, từng bệ đá khắc sen đều được bảo tồn hoặc phục dựng theo tinh thần kính trọng quá khứ.
Hai lễ hội lớn diễn ra hằng năm ở đây là Lễ Khai Ấn đầu xuân và Hội đền Trần tháng Tám đã trở thành sự kiện văn hóa mang tầm vóc khu vực. Nếu như Lễ Khai Ấn (vào đêm 14, rạng sáng 15 tháng Giêng) khơi dậy khát vọng lập thân, cầu mong hanh thông trong năm mới, thì Hội đền Trần tháng 8 âm lịch lại là không gian của ký ức, tái hiện một cách sống động các nghi thức cung đình và sinh hoạt cộng đồng thời Trần qua các nghi lễ rước nước, rước kiệu, hát văn, đấu vật, diễn võ,…
Tỉnh Ninh Bình mới: Sức lan tỏa của tín ngưỡng Tứ phủ – di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại

Không giống với những di tích thờ Vua hay các bậc khai quốc công thần, Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Dầy là trung tâm Ðạo Mẫu lớn và hoàn chỉnh nhất trong cả nước.
Ba di tích chính của Di tích Phủ Dầy gồm Phủ Tiên Hương – nơi được coi là chính điện thờ Mẫu, cùng với Phủ Vân Cát và Lăng Thánh Mẫu, tạo thành tam giác tâm linh cốt lõi, được công nhận Di tích quốc gia từ năm 1975. Cách bài trí không gian tại Phủ Dầy đi sâu vào chiều sâu thẩm mỹ dân gian: những họa tiết chạm khắc tinh tế, những mái cong uốn lượn, những khoảng sân rộng kết nối giữa phủ và lăng, giữa kiến trúc và thiên nhiên.
Không gian thờ phụng trải dài với hàng chục đền, phủ, chùa lớn nhỏ, tạo nên một chỉnh thể gắn kết cả về tâm linh lẫn văn hóa. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội Phủ Dầy vào tháng Ba âm lịch – một trong những hoạt động tín ngưỡng có sức lan tỏa mạnh mẽ nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Trong không gian lễ hội, các nghi thức như rước Mẫu, rước hoa đăng, tắm tượng, đặc biệt là những buổi hầu đồng với hát chầu văn tạo nên bức tranh sống động của văn hóa thờ Mẫu. Ở phần hội, không khí càng trở nên sôi động với hoa trượng hội, đánh cờ người, thi vật, hội chợ, ẩm thực dân gian và các cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống kéo dài suốt cả tuần.
Tỉnh Ninh Bình mới: Chứng tích đặc biệt của Phật giáo thời Lý giữa những biến thiên của dòng chảy lịch sử

Theo truyền thuyết dân gian, chùa Keo Hành Thiện được xây dựng lần đầu vào năm 1061 bởi thiền sư Dương Không Lộ – vị cao tăng từng là quốc sư thời Lý. Khi ấy, chùa mang tên Nghiêm Quang, sau đổi thành Thần Quang Tự. Từng phải di dời do lũ lụt vào đầu thế kỷ 17, chùa được dựng lại tại làng Hành Thiện – mảnh đất địa linh phía Đông Nam đồng bằng châu thổ.
Khuôn viên chùa rộng hơn một héc-ta, với tổng thể kiến trúc theo bố cục “nội công, ngoại quốc” – kiểu bố cục cổ điển của các đại tự thời phong kiến. Không gian được sắp xếp cân xứng và hài hòa, vừa tôn nghiêm vừa gần gũi.
Thay vì dựa vào quy mô hay sự đông đúc để tạo sức hút, chùa Keo Hành Thiện gây ấn tượng bởi sự chuẩn mực của kiến trúc truyền thống Bắc Bộ: từ cột gỗ lim, mái ngói cổ, hệ thống cửa bức bàn cho đến nghệ thuật chạm khắc, điêu khắc gỗ – tất cả đều thể hiện bàn tay tài hoa của thợ thủ công xưa. Mỗi hoa văn, mỗi nét chạm đều mang một tầng nghĩa riêng, phản ánh thế giới quan và nhân sinh quan của người Việt trong dòng chảy Phật giáo.
Tỉnh Ninh Bình mới: Nhịp bước thiêng liêng nơi bậc đá cao vút giữa núi non trùng điệp

Nằm tựa vào dãy núi đá vôi phía Tây Cố đô Hoa Lư, Bái Đính không phải là ngôi chùa “mới nổi”. Vùng đất này đã được xem là địa linh từ thời Đinh – Lê – Lý, gắn với những huyền tích về quốc sư Nguyễn Minh Không, về thần Cao Sơn – một trong các vị tổ sơn lâm của người Việt cổ và truyền thuyết lấy nước giếng ngọc để sắc thuốc cứu dân. Chùa cổ Bái Đính ẩn mình trong hang động và cây rừng – từng là nơi hội tụ của dòng Phật giáo bản địa gắn liền với tín ngưỡng dân gian thời lập quốc.
Sau năm 2003, khi khu chùa mới được xây dựng và mở rộng, Bái Đính trở thành quần thể chùa lớn nhất Việt Nam với kiến trúc quy mô, các pho tượng đồng khổng lồ, hành lang La Hán kéo dài hun hút, những đại hồng chung vang xa,… Nhưng vượt lên trên những con số kỷ lục, nơi đây vẫn giữ được sự thanh tịnh, giao thoa giữa Phật giáo truyền thống và kiến trúc đương đại – một minh chứng cho khả năng thích ứng và phát triển của văn hóa tâm linh Việt Nam trong thời hiện đại.
Tỉnh Ninh Bình mới: Công trình Công giáo độc đáo bậc nhất Đông Dương giữa những tháp cổ, chuông đồng và dãy La Hán rêu phong

Tọa lạc tại xã Phát Diệm, nhà thờ Phát Diệm được khởi công từ cuối thế kỷ 19 bởi Linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu). Phát Diệm không mang dáng dấp Gothic phương Tây mà lại sở hữu những đường nét đặc trưng của đình, chùa Á Đông: mái cong, cột gỗ lim, bệ đá chạm khắc tinh xảo.
Điều làm nên sức hút của nhà thờ không chỉ ở sự hòa quyện giữa kiến trúc Công giáo và mỹ thuật truyền thống Việt, mà còn ở tinh thần dung hợp tôn giáo thấm đẫm trong từng chi tiết. Dưới mái vòm ấy, hình ảnh Đức Mẹ bế Hài nhi hiện diện giữa những họa tiết hoa sen, lưỡng long chầu nguyệt và tứ linh – biểu tượng vốn quen thuộc trong mỹ học phương Đông. Tại đây, đức tin Thiên Chúa được chuyển tải bằng ngôn ngữ tạo hình của người Việt: mộc mạc mà sâu sắc.
Nhà thờ lớn, các nguyện đường thánh, hồ nước và cây cầu ngói Phát Diệm nổi tiếng,… tất cả tạo thành một quần thể tâm linh cổ kính, bao bọc trong không gian trầm mặc của một vùng quê đồng bằng. Vào những đêm Giáng sinh, cả khuôn viên nhà thờ bừng sáng, không khí rộn ràng lễ hội nhưng vẫn giữ được nét thanh bình, thiêng liêng rất riêng.
Phát Diệm là biểu tượng cho tinh thần bao dung và bản lĩnh hội nhập của văn hóa Việt, đồng thời cùng với các di tích, lễ hội khác trở thành điểm đến không thể thiếu trên tuyến du lịch tín ngưỡng đa tôn giáo của tỉnh Ninh Bình mới – nơi mà Phật giáo, Nho giáo, Đạo Mẫu và Công giáo tồn tại hòa thuận, đan xen trong từng di tích, từng mùa lễ.