Chủ nhật, ngày 13/07/2025 19:00 GMT+7
Kiều Anh Chủ nhật, ngày 13/07/2025 19:00 GMT+7
Trên hòn đảo vừa chính thức “về chung một nhà” với cao nguyên, mùa săn “lộc biển” khiến nhịp sống đảo khơi trở nên gấp gáp mà cuốn hút lạ thường.
Tỉnh Lâm Đồng mới: Tôm bạc vào mùa, hòn đảo của tỉnh mới đêm nào cũng rộn ràng, ghe thuyền tấp nập như hội

Sau khi sáp nhập Đắk Nông, Bình Thuận và Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích hơn 24.000km², dân số gần 3,9 triệu người, trải dài từ đỉnh Langbiang cho đến tận đường chân trời ngoài biển Đông. Trên bản đồ mở rộng ấy, đảo Phú Quý – từng thuộc tỉnh Bình Thuận, nay chính thức được gắn vào miền cao nguyên, như một phần kéo dài ra phía biển của Lâm Đồng mới.
Tách biệt khỏi đất liền hơn 100km, Phú Quý duy trì nhịp sống riêng: chợ cá họp khi trời chưa kịp sáng, tàu cập bến mang theo mùa tôm bạc và lịch sinh hoạt của người dân đảo vận hành theo con nước.

Không đến rồi rời đi như phần lớn du khách, anh Nguyễn Thành Luân – sinh năm 2000, đã chọn ở lại đảo suốt một năm qua. Quản lý một homestay nhỏ tại xã Long Hải, tỉnh Bình Thuận cũ – nay là đặc khu Phú Quý, tỉnh Lâm Đồng, anh Luân đồng thời dành thời gian tác nghiệp ảnh tại các bãi biển, chợ cá, xóm đá – nơi đời sống lao động của người dân diễn ra hàng ngày. Thay vì tập trung vào các điểm đến du lịch phổ biến, anh lựa chọn ghi lại hoạt động thường nhật: ghe vào bến, người đẩy hàng, buổi chợ sớm và những mùa vụ biển đảo theo thời tiết.
Trước khi đặt chân đến Phú Quý, anh Luân gần như không có bất kỳ hình dung cụ thể nào về cuộc sống trên đảo. Ban đầu, chuyến đi chỉ đơn thuần là một kỳ nghỉ ngắn để thay đổi không khí. Tuy nhiên, sự yên tĩnh, mộc mạc và nhịp sống chậm tại đây khiến anh quyết định ở lại lâu hơn dự định.

Chia sẻ với Dân Việt, anh Nguyễn Thành Luân cho biết: “Quyết định ra đảo đến với tôi khá tình cờ. Đầu năm 2024, trong lúc đang thất nghiệp, tôi được chị gái rủ ra Phú Quý chơi Tết. Chuyến đi không có kế hoạch dài ngày, nhưng khoảng thời gian ngắn trên đảo đã khiến tôi suy nghĩ nghiêm túc hơn về việc chuyển hướng cuộc sống. Chi phí sinh hoạt tại đây thấp hơn đáng kể so với đất liền, không khí yên tĩnh, nhịp sống chậm và người dân thân thiện. Đó là những yếu tố giúp tôi cân nhắc ở lại lâu dài.
Tuy nhiên, việc sinh sống trên một hòn đảo cách đất liền hơn 100km cũng đặt ra không ít trở ngại. Các hoạt động giải trí gần như không có, hàng quán ăn uống khá ít và phần lớn không hợp khẩu vị với người mới đến. Những bất tiện ấy buộc tôi phải điều chỉnh thói quen sinh hoạt, nhưng cũng chính nhịp sống giản đơn này giúp tôi có thêm thời gian để quan sát, ghi nhận và hòa nhập với đời sống thường nhật nơi đảo xa”.

Sau một năm sinh sống, chàng trai sinh năm 2000 nhận thấy đảo đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Các homestay và khách sạn mới xuất hiện ngày càng nhiều, hệ thống đèn đường được mở rộng, một số dịch vụ dành cho khách du lịch bắt đầu hình thành. Dù tốc độ phát triển chưa nhanh, nhưng theo anh, đó là những tín hiệu cho thấy đảo đang dần dịch chuyển, từ một vùng biệt lập sang một điểm đến được chú ý nhiều hơn trên bản đồ du lịch.
Từ khoảng tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, Phú Quý bước vào mùa tôm bạc – thời điểm đánh bắt sôi động nhất trong năm. Đây không chỉ là mùa vụ mang lại nguồn thu nhập quan trọng cho ngư dân, mà còn định hình nhịp sinh hoạt đặc trưng của đảo.
Giữa mùa tôm bạc, chợ Bãi Phủ – khu vực nằm phía Bắc đảo, bắt đầu ngày mới trong làn sương sớm pha lẫn vị muối. Khi trời còn chưa sáng hẳn, âm thanh của máy ghe đã vọng vào từ xa. Vài phút sau, những chiếc thuyền gỗ lần lượt tấp bờ, chở theo các thùng hải sản vừa được kéo lưới trong đêm. Trên bờ, xe tải nhỏ chờ sẵn, chuyển nước đá xuống ghe, đồng thời nhận hải sản để đưa về các điểm thu mua.

Theo lời anh Nguyễn Thành Luân, một trong những buổi sáng ấn tượng nhất tại Bãi Phủ là khi ánh bình minh hắt lên mặt biển một màu đỏ rực. Trong nền sáng đó, những thùng hải sản đầy ắp được khiêng lên bờ, hơi nước lạnh từ đá tan lan ra thành từng làn mỏng. Người vận chuyển chạy dọc theo mép nước, chen giữa các xe đang lùi dần xuống bãi, tạo nên khung cảnh sôi động mà không lộn xộn.
Ngoài tôm được đưa vào ngay trong ngày để đảm bảo độ tươi ngon, nhiều loại hải sản khác cũng lấp đầy khoang như cá lồ ồ, cá bò, cá ngừ, cá mó, mực hay nhím biển. Khoảng 3 giờ chiều, các ngư dân lại ra khơi cho chuyến biển đêm. Ánh đèn tàu đánh cá rải khắp vùng biển tạo nên một đường chân trời lập lòe ngoài khơi. Đến sáng hôm sau, họ trở về, tiếp tục phiên chợ mới, giữ cho Bãi Phủ luôn tấp nập trong suốt mùa.
Tỉnh Lâm Đồng mới: Những lát cắt đời sống đầy tiềm năng để phát triển du lịch trải nghiệm mang màu sắc bản địa

Sau hơn một năm sống và làm việc tại đảo, anh Nguyễn Thành Luân cho biết điều khiến anh ấn tượng nhất chính là tinh thần lao động của ngư dân địa phương. Công việc nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt, lịch làm việc lệch ngày lệch đêm, nhưng ở họ vẫn toát lên sự gắn bó, chăm chỉ và nghĩa tình.
“Từ phiên chợ cá đến những buổi ra khơi, ai nấy đều làm việc chăm chỉ, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau, không phân biệt khách lạ hay người quen.
Dù đã quen với nếp sống tại đảo, nhưng đôi lúc tôi vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp. Một số người dân nói chuyện khá nhanh, nhất là ở xã Long Hải cũ. Ngôn ngữ địa phương ở đây có sắc thái riêng, tốc độ nói nhanh và ngữ điệu mạnh khiến người ngoài vùng khó bắt kịp trong lần đầu tiếp xúc”, anh nói.

Việc sống dài ngày tại đảo giúp anh Nguyễn Thành Luân có nhiều lợi thế trong việc quan sát ánh sáng, theo dõi mùa vụ và chủ động hơn trong quá trình tác nghiệp. Không bị giới hạn bởi lịch trình du lịch ngắn ngủi, anh có thể quay lại một địa điểm nhiều lần, vào những thời điểm khác nhau trong ngày để tìm ra góc chụp phù hợp nhất.
Tuy nhiên, anh không làm việc theo kế hoạch cố định. Thay vì canh giờ hay dựng bối cảnh, anh thường mang máy theo bên người và chụp theo cảm xúc – bắt lấy những khoảnh khắc bất chợt trong đời sống thường nhật. Đó có thể là ánh bình minh phản chiếu trên mặt biển, là khoảnh khắc người ngư dân kéo lưới lên bờ, hay đơn giản là một nhóm phụ nữ trò chuyện bên những thùng cá.
Trong thời gian sống tại đảo, anh Nguyễn Thành Luân từng bắt gặp một vài nhóm du khách tỏ ra thích thú khi được chứng kiến phiên chợ sớm hoặc hỏi thăm về cách người dân đi biển, làm nghề. Theo anh, đó là dấu hiệu cho thấy du lịch Phú Quý không chỉ thu hút bởi cảnh quan, mà còn có thể phát triển theo hướng khai thác chiều sâu văn hóa – miễn là làm đúng cách, không xâm phạm vào không gian sống vốn đã rất yên bình của đảo.

Chia sẻ với Dân Việt về tiềm năng du lịch tại đảo Phú Quý, anh Luân nhấn mạnh: “Những lát cắt đời sống như mùa tôm bạc, phiên chợ Bãi Phủ, Xóm Rẫy hay nhịp sinh hoạt thường ngày hoàn toàn có thể trở thành chất liệu cho du lịch trải nghiệm. Không phải bằng các tour đông người hay hoạt động can thiệp, mà là bằng cách để du khách quan sát, lắng nghe và cảm nhận nhịp sống thật của đảo.
Dù vậy, một số hình thức du lịch như đi câu cá, câu mực cùng ngư dân hiện đã bị cấm, do liên quan đến quy định về an toàn và bảo tồn nguồn lợi biển. Điều này khiến việc tổ chức trải nghiệm gắn với đời sống ngư dân cần được cân nhắc kỹ, không chỉ từ phía người làm du lịch mà còn từ chính cộng đồng cư dân địa phương.

Phần lớn du khách đến đây chủ yếu để chụp ảnh check-in, trong khi những yếu tố mang tính chiều sâu như lịch sử hình thành đảo, đời sống văn hóa tín ngưỡng hay các địa danh như Vạn An Thạnh – bảo tàng văn hóa biển hơn 240 năm, mộ Thầy, đền Công Chúa Bàn Tranh,… gần như chưa được khai thác đúng mức. Nếu được đầu tư và lồng ghép khéo léo vào hành trình khám phá đảo, đây có thể sẽ là điểm nhấn giúp Phú Quý khác biệt và bền vững hơn”.
Cũng theo góc nhìn của anh Luân, chính sự thân thiện, hiếu khách mà không tạo cảm giác chèo kéo hay thương mại hóa của ngư dân, trở thành “hiệu ứng đặc biệt” giữ chân du khách ở lại dài ngày. Nếu phát triển du lịch theo hướng tôn trọng không gian sống hiện có, Phú Quý sẽ có chỗ đứng riêng, không cần ồn ào mà vẫn giữ được bản sắc.

“Về mặt hành chính, Phú Quý hiện đã trở thành đặc khu trực thuộc tỉnh Lâm Đồng mới – sau khi sáp nhập ba đơn vị Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận. Tuy nhiên, việc thay đổi này trước mắt chưa tạo ra ảnh hưởng rõ rệt đến hoạt động du lịch hay tình hình kinh doanh homestay tại đảo.
Du khách đến Phú Quý vẫn chủ yếu vì cảnh quan tự nhiên, sự yên tĩnh và không khí mộc mạc vốn có. Người dân địa phương vẫn duy trì nhịp sống và cách làm du lịch nhỏ lẻ như trước”, chàng trai sinh năm 2000 cho biết thêm.