Tính cách và con người Alexander Đại đếBiên dịch: Lê Đình Thắng, Trần Phương Anh

Tính cách và con người Alexander Đại đếBiên dịch: Lê Đình Thắng, Trần Phương Anh

Tính cách và con người Alexander Đại đế

Biên dịch: Lê Đình Thắng, Trần Phương Anh
Được biết đến là một trong những vị vua vĩ đại nhất lịch sử nhân loại, Alexander Đại đế của vương quốc Macedonia chinh phục 3 châu lục và sáng lập 70 thành phố. Đế chế của ông trải dài trên diện tích hơn 5 triệu km2.

Phong cách dùng binh

Alexander đã có được ngoại hiệu “Đại đế” là nhờ tới những chiến tích vô tiền khoáng hậu của mình trong vai trò là một nhà chỉ huy quân sự. Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Alexander Đại đế chưa từng thua trận nào, dù ông thường bị quân địch áp đảo. Điều đều nhờ vào khả năng phán đoán tình thế, cách sử dụng địa hình, chiến thuật phalanx và kỵ binh, chiến lược táo bạo và đặc biệt là nhờ vào lòng trung thành mãnh liệt của người lính phục vụ ông. Đội hình Phalanx của người Macedonia, được trang bị loại giáo sarissa, dài tới 6 mét, đã được cha của ông là Philippos II phát triển và hoàn thiện thông qua huấn luyện nghiêm ngặt, và Alexander đã sử dụng tốc độ và khả năng cơ động của nó để có thể giành được ưu thế trước một đội quân Ba Tư tuy đông, nhưng tạp nham. Alexander cũng nhận ra khả năng mất đoàn kết giữa quân đội đa dạng của mình, nơi mà nhiều ngôn ngữ và vũ khí khác nhau được sử dụng. Ông đã khắc phục điều này bằng cách đích thân tham gia vào trận chiến, theo cách của một vị vua người Macedonia.
Trong trận chiến đầu tiên của mình ở châu Á tại Granicus, Alexander chỉ sử dụng một phần nhỏ binh lực của mình có lẽ là khoảng 13,000 bộ binh cùng với 5,000 kỵ binh để chống lại một đạo quân Ba Tư đông hơn gồm 40,000 người. Alexander bố trí đội hình phalanx ở trung tâm và kỵ binh cùng cung thủ ở hai bên cánh, điều này là để cho thế trận của ông dài ngang bằng với thế trận của kỵ binh Ba Tư, nó dài khoảng 3 km. Ngược lại, bộ binh của người Ba Tư lại đóng quân phía sau kỵ binh của họ. Điều này giúp cho Alexander không bị đánh tạt sườn trong khi đội hình phalanx của ông với những ngọn giáo dài có được một lợi thế đáng kể trước loan đao và những ngọn lao của người Ba Tư. Trong trận đánh này, người Macedonia chỉ chịu tổn thất không đáng kể so với của người Ba Tư.
Ở cuộc chạm trán đầu tiên với Darius tại Issus vào năm 333 TCN, ông cũng đã bố trí giống như vậy và một lần nữa đội hình phalanx ở trung tâm đã kết thúc trận đánh. Đích thân Alexander đã chỉ huy cuộc đột kích ở trung tâm và đánh tan đạo quân đối phương. Tại trận chiến quyết định cuối cùng với Darius ở Gaugamela, Darius đã trang bị cho những cỗ chiến xa của ông ta với những lưỡi hái gắn vào bánh xe để nhằm phá vỡ đội hình phalanx và trang bị giáo cho kỵ binh của mình. Alexander đã bố trí một đội hình phalanx kép với khu trung quân tiến theo hình nghiêng, họ tách ra khi các chiến xa đi qua và sau đó tập hợp lại. Ý tưởng này đã thành công và phá vỡ trung quân của Darius, điều này khiến cho ông ta phải bỏ chạy một lần nữa.
Khi phải đối mặt với những kẻ thù sử dụng các cách thức chiến đấu khác lạ chẳng hạn như là ở Trung Á và Ấn Độ, Alexander đã điều chỉnh quân đội của mình để thích nghi với phong cách chiến đấu của kẻ thù. Theo đó, ở Bactria và Sogdiana, Alexander đã sử dụng lính phóng lao và cung thủ của mình ngăn chặn thành công đối phương đánh tạt sườn trong khi đang tập trung kỵ binh ở trung tâm. Ở Ấn Độ, khi đối mặt với quân đoàn voi của Porus, người Macedonia đã khai thông hàng ngũ của họ rồi vây những con voi lại và sử dụng các ngọn giáo sarissa để tấn công ngược lên và đánh bật những người điều khiển voi.

Ngoại hình

Sử gia người Hy Lạp Plutarchus (k. 45 – k. 120 CN) miêu tả diện mạo của Alexander như sau:

Dáng vẻ bên ngoài của Alexander được thể hiện rõ nhất thông qua những bức tượng của ngài do Lysippos tạo nên, và đó là bởi vì chỉ có người nghệ sĩ này mới đủ khiến cho chính bản thân Alexander thấy rằng là người thích hợp để cho ngài làm mẫu. Về phần những nét riêng biệt mà vốn được nhiều người kế tục và những người bạn của ngài sau đó cố gắng bắt chước, cụ thể là dáng vẻ của phần cổ mà có xu hướng hơi cong về bên trái, và ánh mắt đầy xúc cảm của ngài, người nghệ sĩ này đã quan sát chính xác. Tuy nhiên, khi Apelles vẽ ngài theo kiểu người cầm sấm sét, không những không mô phỏng lại được nước da của ngài mà còn khiến cho nó trở nên quá tối và u ám. Ngược lại theo như họ kể thì ngài có một làn da trắng, và làn da trắng của ngài đã trở thành màu đỏ ửng đặc biệt là trên ngực của ngài, và ở trên mặt của ngài. Ngoài ra, có một hương thơm rất dễ chịu tỏa ra từ làn da của ngài và có một mùi thơm quanh miệng và toàn bộ da thịt của ngài, do đó áo quần của ngài đầy ắp nó, chúng ta đã đọc điều này trong Hồi ức của Aristoxenos.

Sử gia người Hy Lạp Arrianus (Lucius Flavius Arrianus 'Xenophon' k. 86 – k. 160 CN) đã miêu tả Alexander như sau:

Vị chỉ huy tráng kiện, đẹp trai với một con mắt đen như bóng đêm và một con mắt xanh như bầu trời.

Tác phẩm nửa thật nửa truyền thuyết Alexander truyền kỳ cũng gợi ý rằng Alexander bị chứng Loạn sắc tố mống mắt: một mắt có màu đen và mắt kia màu nhạt.
Sử gia người Anh Peter Green đã miêu tả về diện mạo của Alexander dựa trên quan sát của ông đối với các bức tượng và một số tác phẩm cổ đại:

Về mặt thể chất, Alexander không quá lôi cuốn. Ngay cả theo những tiêu chuẩn của người Macedonia thì ông ta rất là thấp, dẫu cho chắc nịch và mạnh mẽ. Râu của ông ít ỏi, và ông đã làm cho mình nổi bật lên trước các nam tước người Macedonia rậm râu của mình bằng cách cạo râu sạch sẽ. Cổ của ông đã bị vẹo ở một mức độ nào đó, để ông giống như đang ngước lên. Mắt của ông (một xanh, một nâu) biểu lộ một sự long lanh, mang nét nữ tính. Ông có một vẻ ngoài cao quý và một giọng nói khó nghe.

Nhà sử học và Ai Cập học Joann Fletcher nói rằng vị vua Macedonia Alexander Đại đế có mái tóc vàng.

Nhân cách

Cha mẹ của Alexander có tác động rất lớn đối với con người Alexander, khi chính họ đã tạo nên một số đặc điểm tính cách mạnh mẽ nhất của ông. Olympias có tham vọng rất lớn, bà luôn khuyến khích Alexander tin rằng, vận mệnh của ông chính là chinh phục đế quốc Ba Tư. Ảnh hưởng của Olympias đã truyền cho con trai bà ý thức về vận mệnh, và Plutarchus đã cho biết tham vọng của Alexander đã “giữ cho tâm hồn của ông nghiêm trang và cao thượng qua năm tháng như thế nào”. Tuy nhiên, người truyền cảm hứng và có ảnh hưởng nhất đối với Alexander chính là cha của ông. Alexander đã từng dõi theo cha mình thân chinh ra trận hàng năm, giành hết chiến thắng này đến chiến thắng mà chẳng hề để tâm đến những vết thương thể xác. Mối quan hệ giữa ông và phụ vương đã tôi luyện khía cạnh đua tranh trong tính cách của ông. Alexander luôn muốn vượt trội hơn cha mình, một điều được thể hiện thông qua cách hành xử liều lĩnh của ông trên chiến trận. Trong khi Alexander lo lắng rằng phụ vương sẽ chẳng chừa cho mình “thành tựu to lớn và rực rỡ nào để thể hiện với thế giới”, ông cũng thường hạ thấp những thành tựu mà Philippos II đã đạt được trước những bằng hữu của mình.
Theo Plutarchus, một số đặc điểm của Alexander có thể kể đến là tính khí bạo lực và bản tính hấp tấp, bốc đồng mà chắc chắn đã góp phần giúp Alexander đưa ra một vài quyết định của mình. Dù Alexander là con người bướng bỉnh và không chấp hành tốt những mệnh lệnh từ cha, nhưng ông vẫn cởi mở để tranh luận. Ông còn sở hữu một một khía cạnh điềm tĩnh hơn – nhạy bén, logic và thận trọng. Ông khát khao trau dồi kiến thức, yêu thích triết học và là một người ham đọc sách. Điều này rõ ràng xuất phát một phần từ sự dạy dỗ của Aristoteles; Alexander là một con người thông minh và học hỏi nhanh. Khía cạnh thông minh và sáng suốt của ông đã được thể hiện qua khả năng và sự thành công với tư cách là một vị tướng. Ông đã rất kiềm chế những ham muốn bản thân, trái ngược với sự thiếu tự chủ với rượu.
Alexander là một con người uyên bác, ông bảo trợ cả nghệ thuật lẫn khoa học. Tuy nhiên, không giống như cha, ông lại không mấy quan tâm đến thể thao hay những trò chơi Olympic mà thay vào đó chỉ tìm kiếm những lý tưởng của Homeros về danh dự (timê) và sự vinh quang (kudos). Ông là một con người sở hữu sức hút mãnh liệt bên cạnh một nhân cách mạnh mẽ, những đặc điểm đã khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo vĩ đại. Những khả năng độc nhất vô nhị của Alexander đã được chứng minh thêm một lần nữa khi không có bất kỳ ai trong số các tướng lĩnh của ông có thể thống nhất Macedonia và duy trì được đế quốc sau cái chết của ông – chỉ Alexander mới đủ khả năng làm được như thế.
Trong những năm cuối đời, và đặc biệt là sau cái chết của Hephaestion, Alexander bắt đầu có dấu hiệu mắc chứng rối loạn nhân mãn và hoang tưởng. Những thành tựu phi thường mà ông đã đạt được, kết hợp với ý thức khôn tả dành cho vận mệnh và sự nịnh nọt từ những người chiến hữu, có thể đã kết hợp lại với nhau để tạo nên những hệ quả này. Những ảo tưởng vĩ cuồng có thể dễ dàng nhận ra thông qua ý nguyện và khát vọng được chinh phục thế giới. Ông được nhiều nguồn khác nhau mô tả là có tham vọng vô biên, một tính ngữ mà ý nghĩa của nó đã trở thành một khuôn sáo lịch sử.
Ông dường như đã tin rằng mình là một vị thần, hoặc ít nhất là đã tìm cách tự phong mình làm thần. Olympias luôn khẳng định với con trai của mình rằng cậu chính là một người con trai của thần Zeus, một giả thuyết mà dường như Alexander đã tự mình kiểm chứng thông qua lời tiên tri của Amun ở Siwa. Ông bắt đầu tự nhận mình là con trai của Zeus-Ammon. Alexander đã tiếp nhận các yếu tố trong trang phục và phong tục của người Ba Tư tại triều đình của mình, đặc biệt là proskynesis, một tập tục mà người Macedonia không chấp nhận và miễn cưỡng thực hiện. Hành vi này của ông đã khiến nhiều đồng hương của ông mất thiện cảm. Tuy nhiên, Alexander cũng là một nhà cai trị thực dụng, người hiểu rõ những khó khăn khi cai trị các dân tộc khác biệt về văn hóa, nhiều người trong số họ sống trong các vương quốc mà nhà vua được coi là thần thánh. Do đó, thay vì mắc chứng vĩ cuồng, những hành động của Alexander có thể đơn giản là một nỗ lực thiết thực nhằm củng cố quyền thống trị và duy trì đế quốc.

Các mối quan hệ cá nhân

Alexander kết hôn tổng cộng ba lần: với Roxana, con gái của nhà quý tộc người Sogdia Oxyartes xứ Bactria, vì tình yêu; và với các công chúa Ba Tư Stateira II và Parysatis II, trong đó Stateira là con gái của Darius III còn Parysatis là con gái của Artaxerxes III, vì lý do chính trị. Ông có lẽ có hai người con trai, Alexander IV của Macedonia do Roxana sinh ra và người thứ hai có thể là Herakles của Macedonia với một tình nhân tên là Barsine. Ông cũng đã mất một đứa con khi Roxana bị sảy thai ở Babylon.
Alexander cũng có mối quan hệ thân thiết với người bạn, tướng quân và cận vệ Hephaestion, con trai của một quý tộc Macedonia. Cái chết của Hephaestion đã làm Alexander suy sụp. Sự kiện này có thể đã góp phần khiến cho sức khỏe của Alexander ngày một suy yếu và khiến ông rơi vào tình trạng suy sụp tinh thần trong những ngày tháng cuối đời.
Khuynh hướng tình dục của Alexander luôn là chủ đề của những suy đoán và tranh cãi trong thời hiện đại. Nhà văn thời La Mã Athenaeus, dựa trên một người đương thời của Alexander là học giả Dicaearchus, đã nói rằng nhà vua “khá hứng thú với con trai” và rằng Alexander đã ôm hôn thái giám Bagoas của mình ở giữa chốn đông người. Tình tiết này cũng đã được Plutarchus đề cập tới, nhiều khả năng cũng được dựa trên thông tin từ Dicaearchus. Tuy nhiên, không ai trong số những người cùng thời với Alexander đã miêu tả mối quan hệ giữa Alexander và Hephaestion là mối quan hệ tình dục một cách rõ ràng, mặc dù cặp đôi này thường được so sánh với Achilles và Patroclus, cặp đôi được tô vẽ như một cặp vợ chồng trong văn hóa Hy Lạp cổ điển. Aelianus viết về chuyến thăm của Alexander tới thành Troia, nơi “Alexander đặt vòng hoa trên mộ Achilles, còn Hephaestion [đặt vòng hoa] lên [mộ] Patroclus, điều sau ám chỉ rằng ông là một người tình của Alexander, tương tự như Patroclus với Achilles.” Một số sử gia hiện đại (ví dụ Robin Lane Fox) không tin rằng mối quan hệ tình dục giữa Alexander với Hephaestion chỉ dừng lại ở thời còn trẻ, mà mối quan hệ này còn được tiếp tục đến tuổi trưởng thành. Đây là một điều đi ngược lại các chuẩn mực xã hội, ít nhất là của một số thành phố Hy Lạp như Athena chẳng hạn. Tuy nhiên một số nhà nghiên cứu hiện đại cũng đã đề xuất một cách không dứt khoát rằng tại Macedonia (hay ít nhất là tại triều đình Macedonia), người ta có thể đã khoan dung hơn với đồng tính luyến ái giữa những người trưởng thành.
Nhà nghiên cứu Green cho rằng, có rất ít bằng chứng trong các nguồn tư liệu cổ xưa cho thấy Alexander có nhiều ham muốn xác thịt với phụ nữ; ông đã không sinh một người nối dõi cho tới gần cuối đời. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Ogden lại tính toán rằng Alexander, người đã làm những bạn đời của mình có mang ba lần trong 8 năm, có thành tích giường chiếu cao hơn so với người cha khi hai người ở cùng độ tuổi với nhau. Hai trong số lần sinh nở này – của Stateira và Barsine – vẫn còn mập mờ về tính hợp pháp.
Theo Diodorus Siculus, Alexander đã xây dưng một hậu cung theo phong cách của các vị vua Ba Tư, nhưng ông sử dụng nó không thường xuyên, tỏ ra rất biết kiềm chế những “khoái lạc thể xác”. Tuy nhiên, Plutarchus đã mô tả cách Alexander yêu say đắm Roxana, tán dương việc ông đã lấy bà làm vợ mà không đối xử bạo lực với bà. Green cho rằng, trong bối cảnh giai đoạn này, Alexander đã hình thành tình bạn khá bền chặt với phụ nữ, bao gồm với nghĩa mẫu Ada xứ Caria, và thậm chí với cả thái hậu Sisygambis, mẹ của Darius, người được cho là đã chết vì đau buồn sau khi nghe tin Alexander qua đời.
—-
Biên dịch từ Wikipedia tiếng Anh. Toàn văn bản dịch và nguồn xem tại https://vi.wikipedia.org/wiki/Alexandros_Đại_đế#Tính_cách



Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *