Gần 1 tuần nay, trên mạng xã hội Facebook liên tục xuất hiện hình ảnh về hiện tượng “2 mặt trời” xuất hiện cùng một lúc. Lần thứ nhất vào ngày 11/3, theo phản ánh trên mạng xã hội, một người dân đã ghi lại cảnh 2 mặt trời cùng lúc xuất hiện trên bầu trời ở Hồ Tây (Hà Nội). Theo hình ảnh ghi lại, một mặt trời lớn to tròn và sáng hơn nằm phía trên cùng, một mặt trời nhỏ hơn, tròn và kém sáng ẩn dưới những đám mây.
Lần thứ 2 vào ngày 14/3 tại TP.Quảng Ngãi, theo phản ánh, người dân ghi nhận hình ảnh “2 mặt trời” bằng điện thoại vào lúc buổi sáng sớm, khoảng từ 5 giờ 30 – 6 giờ 30. Thậm chí, người đăng tải hình ảnh còn khẳng định hình ảnh này có thể nhìn bằng mắt thường.
Thời điểm đó, anh L.V.T, trú thành phố Quảng Ngãi, ghi lại và đăng tải trên Facebook cá nhân cho hay, nhận thấy mặt trời khá to, rõ nét. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một quầng sáng mờ giống mặt trời thứ 2. Quầng sáng này nhỏ và mờ hơn.
Có ý kiến cho rằng, hiện tượng này do ống kính camera bị khúc xạ, hoặc dính bẩn gây ra. Anh T khẳng định, anh đã nhìn thấy hiện tượng này bằng mắt thường, thấy lạ nên sau đó đã dùng điện thoại ghi lại.
Liên quan đến hiện tượng trên, ngày 15/3, ông Vũ Thế Hoàng, Chủ nhiệm CLB Thiên văn Hà Nội (HAS), nhận định cả 2 lần “2 mặt trời” xuất hiện khả năng không phải là hiện tượng thiên nhiên mà do người chụp sử dụng chức năng flare (lóe sáng) máy ảnh.
Ông Hoàng giải thích, hiện tượng 2 hay nhiều mặt trời xảy ra khá nhiều và do 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất là hiện tượng tự nhiên do sự khúc xạ, phản xạ ánh sáng trong những điều kiện thời tiết, vị trí, môi trường đặc biệt dưới các lớp mây, băng tinh thể…
“Các hiện tượng đó có thể kể đến như sun dog (mặt trời giả). Nếu xuất hiện hiện tượng này, người dân có thể nhìn thấy 2 – 3 mặt trời giả xung quanh mặt trời thật bằng mắt thường. Thứ hai là do chủ thể chụp ảnh có ống kính máy ảnh hoặc camera của máy điện thoại với chất lượng quang học không tốt bị phản xạ qua nhiều lớp lăng kính hoặc hình ảnh quay chụp qua các môi trường bị phản xạ ánh sáng khác dẫn đến tình trạng xuất hiện 2 mặt trời.
Trường hợp này xảy ra rất nhiều. Không chỉ riêng Việt Nam, trên các trang mạng xã hội quốc tế người dân cũng đăng tải rất nhiều hình ảnh. Những hình ảnh 2 mặt trời cũng chỉ xuất hiện một góc nên theo suy đoán của tôi, hiện tượng này khả năng cao là do camera của người chụp”, ông Hoàng nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho hay: “Hình ảnh này thì trời có vẻ rất ít mây nên khả năng là ảnh thật của mặt trời là rất thấp. Đây gần như chắc chắn chỉ là hiệu ứng quang học khi ánh sáng đi qua ống kính của camera thôi”.