(Kim Thoa Nguyen)
Giờ, ông và bà đều gần bảy mươi. Ông thì tai nghễnh ngãng, mắt lơ mơ, tay chân run rẩy, nên chỉ ở nhà. Bà thì vẫn đi khiêu vũ được.
Và giờ, hàng tháng bà đi lĩnh lương hưu cho ông, ông nhận, đếm, và cất.
Từ khi lấy ông, rồi có 2 đứa con, ông chưa bao giờ đưa tiền lương của ông cho bà. Bà hỏi, ông bảo : Bà cầm tiền làm gì, khi nào cần, tôi sẽ đưa.
Nghe ông bảo thế, bà xoay xở đủ kiểu để nuôi con, và cả chồng nữa chứ. Chả nhẽ ông ấy không ăn không mặc à.
Nhưng vẫn chưa được coi là CẦN, nên ông vẫn không đưa.
Khi bọn trẻ lớn hơn, biết ít nhiều, chúng nói với mẹ: Bố không bao giờ đưa tiền cho mẹ, thế mà mẹ cũng sống được với bố ?
Mẹ ứa nước mắt, nhưng mỉm cười, đáp: Tao không sống được với bố mày thì làm sao có được chúng mày ?
Khi bọn trẻ đều học đại học, tốn nhiều tiền, bà trao đổi với ông để ông trợ giúp.
Ông hỏi: Một tháng mất bao nhiêu?
Sáu triệu, bà trả lời.
Ông phán: Tôi góp một nửa, còn lại bà lo.
Rồi các con cũng ra trường, có công ăn việc làm, lương khá giả, lấy vợ lấy chồng, hàng tháng đưa mẹ tiền tiêu thoải mái.
Thấy bà dùng điện thoại xịn, ông hỏi: Tiền đâu mà bà mua điện thoại đắt tiền thế?
Bà trả lời: Con nó cho.
Ông nói với các con: Sao chúng mày không mua điện thoai như mẹ mày cho bố?
Nó bình thản: Bố có tiền mà.
Khi bà ốm đau, các con xúm vào săn sóc lo lắng, thuốc nào tốt nhất thì mua cho mẹ.
Khi bố ốm, chúng vẫn thăm non tử tế, nhưng mỗi khi cần mua thêm thuốc ngoài phạm vi bảo hiểm, chẳng đứa nào chịu mua ngay.
Bố cáu kỉnh: Sao chúng mày không mua thuốc cho tao?
Thằng con nói: Bố nửa tiền, chúng con một nửa, bố có tiền mà.
Nói vây, nhưng cuối cùng chúng nó cũng mua.
Bố nghĩ gì, bố có bao nhiêu tiền, cả mấy mẹ con chẳng ai buồn quan tâm.
Cho đến tận lúc này, ông vẫn một đồng không chi, một xu không rời. Bà nửa đùa nửa thật: Ông không đưa tiền, vậy ông ăn bằng gì?
Ông xẵng giọng: Tôi ăn gạo là chính, có đáng bao nhiêu mà bà phải tính toán ghê thế…
Bà chỉ cười. !!!