Thứ năm, ngày 10/04/2025 11:17 GMT+7
Tiền lương theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức sẽ khác gì so với nhân viên khu vực tư?
Nguyệt Tạ Thứ năm, ngày 10/04/2025 11:17 GMT+7
Trong Dự thảo luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ đề xuất quy định vị trí việc làm của công chức và tiến tới trả tiền lương theo vị trí việc làm đó.
Tiền lương theo vị trí việc làm của cán bộ, công chức: Phải sắp xếp, kiện toàn lại
Song song với việc tích cực triển khai giải pháp để thực hiện sáp nhập, tinh giản đơn vị hành chính trong cả nước, Bộ Nội vụ cũng hoàn tất xây dựng các dự thảo nhằm kiện toàn, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức trong thời gian tới.
Mới đây, trong Dự thảo luật Cán bộ, công chức sửa đổi bộ này cũng đề xuất cán bộ, công chức được hưởng tiền lương, tiền thưởng theo vị trí việc làm đảm nhận, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước.
Dự thảo cũng đề nghị trong 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.
Dự thảo cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới việc tuyển dụng, chọn lọc, quản lý, trả lương với cán bộ, công chức như thế nào để đáp ứng được yêu cầu công việc mới nói cách khác là vị trí việc làm. Đương nhiên khi công chức thay đổi vị trí việc làm thì được hưởng tiền lương và các chế độ liên quan theo vị trí việc làm mới.

Như vậy, so với luật cũ thì Bộ Nội vụ đề xuất bỏ toàn bộ quy định về ngạch lương, bậc lương của công chức trong luật hiện hành, thay vào đó Chính phủ sẽ quản lý theo vị trí việc làm và trả lương theo vị trí việc làm.
Chương III, của Dự thảo luật Cán bộ, công chức sửa đổi quy định về Vị trí việc làm. Theo đó, chương này cũng quy định rõ về căn cứ xác định vị trí việc làm của công chức. Đề xuất Chính phủ quy định chi tiết về vị trí việc làm.
Tại Chương III, dự thảo cũng quy định có 4 loại vị trí việc làm gồm: Vị trí việc làm cán bộ; Vị trí việc làm cho cấp lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ; và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Đối với vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ thì cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động để thực hiện.
Cơ quan quản lý công chức có thể ký kết hợp đồng lao động đối với những người có tài năng, chuyên gia, nhà khoa học để thực hiện một số công việc chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị…
Tiền lương theo vị trí việc làm được tính như thế nào?
Trong hồ sơ xây dựng dự luật sửa đổi, Bộ Nội vụ đã tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia về tiền lương của công chức và đưa ra một số đề xuất.
Theo đó, các quốc gia xây dựng cơ cấu tiền lương cho công chức gồm tiền lương, thưởng, phụ cấp đi lại, cư trú, khu vực… không có phụ cấp chức vụ do trả lương theo vị trí việc làm.
Ngoài chế độ tiền lương, Bộ Nội vụ cũng đề xuất bố trí nhà ở công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức phải đi làm xa. Thực hiện chế độ làm việc từ xa, tại nhà cho công chức có nhà ở xa, hay đang phải nuôi con nhỏ, nuôi bố mẹ già…. miễn đảm bảo được hiệu quả công việc.
Tiền lương được xây dựng tính theo mức trung bình của xã hội và khu vực tư nhân. Vì vậy, bộ này đề xuất cần trả lương theo vị trí việc làm. Cơ sở để trả lương phải được tính bình quân theo khu vực tư nhân trả cho người lao động. Bộ Nội vụ cho rằng có như vậy mới giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác và góp phần hạn chế tình trạng tiêu cực, phòng chống tham nhũng và “chảy máu chất xám”.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Phạm Minh Huân – Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH (nay là Bộ Nội vụ) cho rằng làm chính sách tiền lương của khu vực công phức tạp hơn nhiều so với khu vực tư.
Về cơ bản, ông đồng ý với nguyên tắc phải trả lương cho cán bộ, công chức khu vực công theo vị trí việc làm, chức danh, công việc như tại khu vực tư. Tuy nhiên, cần có đề án cụ thể, tính toán mức tiền lương cho từng vị trí việc làm đảm bảo tính công bằng, khách quan, động viên khuyến khích công chức cống hiến.

“Từ lâu, khu vực doanh nghiệp đã trả lương theo vị trí việc làm. Cần sớm bỏ tiền lương theo ngạch, bậc và sắp xếp tiền lương theo vị trí việc làm cho phù hợp nhằm tăng hiệu quả công việc trong khu vực công”, ông Huân nói.
Tuy nhiên, ông Huân cũng nêu ra một số băn khoăn: “Liệu khi xây dựng vị trí việc làm, anh có khuyến khích người ta ở lâu 1 vị trí không?”. Nếu không khuyến khích thì khi chuyển vị trí việc làm khác tiền lương sẽ được tính thế nào? Có tính đến thâm niên, kinh nghiệm không?… Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt trong cách làm lương theo vị trí việc làm của công chức và lương theo vị trí việc làm của 1 nhân viên ở doanh nghiệp.
Theo ông Huân, hiện nay bức tranh tiền lương của khu vực công khá lẫn lộn, chưa khoa học. Tiền lương trả cho lãnh đạo là lương chuyên môn cộng với phụ cấp là chủ yếu, chỉ một số ít là trả lương theo vị trí việc làm. Điều này dẫn tới thực tế là có những vị trí việc làm giống nhau nhưng mức lương trả thì khác nhau, phụ cấp thì lại giống nhau.
Ông Huân kiến nghị: Nếu sắp tới xây dựng xong vị trí việc làm, xác định trả lương theo vị trí việc làm thì mỗi vị trí việc làm chỉ nên có 1 đến 2 mức lương.
“Tiền lương trả cho cán bộ, công chức phải theo mặt bằng chung, đảm bảo sự cân đối giữa khu vực công – tư, nhưng cũng phải thống nhất. Nhà nước phải quyết định hệ thống lương, trả lương gắn với hiệu quả công việc nhưng cũng cần quy định mức khung cứng làm căn cứ để có thể dẫn dắt cả tiền lương khu vực tư”, ông Huân phân tích thêm.