tien-luong-tang,-cong-nhan-van-“than”-doi-song-khong-tang

Tiền lương tăng, công nhân vẫn “than” đời sống không tăng

Tiền lương công nhân, lao động khu vực tư ít thay đổi

Ngoài khu vực công, Chính phủ cũng quyết định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% (khoảng 200-300 nghìn đồng/tháng, tùy vùng). Tăng lương tối thiểu vùng mặc dù không làm tác động mạnh tới bức tranh tiền lương của công nhân, lao động nhưng cơ bản làm tăng nền tiền lương đóng BHXH của người lao động. Điều này sẽ khiến cho tiền lương hưu của lao động sau này tăng theo.

Chị Nguyễn Thị Minh – Công nhân công ty May Đài Loan tại Khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: “Nghe tin Chính phủ tăng lương tôi rất vui mừng nhưng thực tế tiền lương của chúng tôi cũng không tăng nhiều vì hiện nay mức lương cơ bản đã tăng hơn cả mức lương tối thiểu vùng mà chính phủ đang quy định”.

Cũng theo chị Minh, định kỳ hàng năm công ty chị thực hiện tăng lương vào quý I. Mức tiền lương cơ bản của công nhân ở công ty chị vào khoảng 5-6 triệu đồng (tùy thâm niên, và trình độ). Ngoài tiền lương cơ bản còn có các khoản tiền phụ cấp, tiền tăng ca, tăng kíp.

Tiền lương tăng, công nhân vẫn

Tiền lương tối thiểu vùng tăng nhưng công nhân lao động lo sẽ không tăng đời sống. Ảnh: N.T (Công nhân thuê trọ tại Khu công nghiệp Thăng Long)

Còn theo anh Lê Duy Nam, mỗi lần nghe Chính phủ nói tăng lương anh đều rất phấn khởi, tuy nhiên thực tế tiền lương của anh cũng như các đồng nghiệp tại công ty hầu như không có gì thay đổi.

“Lương tăng nhưng tổng thu nhập của chúng tôi không đổi, đôi khi các khoản phụ cấp còn bị cắt hoặc giảm hơn so với trước. Điều chúng tôi lo nhất chính là lương tăng giá cả tăng theo”, anh Nam nói.

Hiện nay, tiền lương của anh Nam là 5,6 triệu đồng/tháng. Cộng thêm phụ cấp xăng xe, phụ cấp ăn trưa, phụ cấp chuyên cần được thêm khoảng 800 nghìn đồng vào khoảng 6,4 triệu đồng/tháng. Một tháng nếu anh tăng ca liên tục mỗi ngày 1 tiếng thì anh nhận thêm khoảng 1,5 triệu đồng nữa. Tổng thu nhập của anh vào khoảng gần 8 triệu đồng/tháng. Nếu tháng nào tăng ca nhiều hơn thì được khoảng 9-10 triệu đồng/tháng.

“Từ 1/7, tiền lương tối thiểu vùng tăng lên thêm 6%, tương đương khoảng 200-280 nghìn đồng/tháng. Tiền lương tối thiểu vùng tăng sẽ làm tăng nền tiền đóng BHXH”.

“Sống ở Hà Nội tổng thu nhập chỉ vào khoảng 9-10 triệu đồng/người, 2 vợ chồng tháng cũng chỉ được tầm 18-20 triệu đồng. Tiền lương thấp, vợ chồng tôi vừa phải thuê nhà vừa phải nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống cực kỳ khó khăn. Giờ lương tăng 1 đồng mà giá tăng 2-3 đồng thì cũng chẳng vui vẻ gì, nhất là khi lương tăng nhưng thực chất thu nhập của tôi cũng chẳng tăng chỉ tăng phần tiền lương đóng BHXH”, anh Nam chia sẻ.

Theo ghi nhận của PV báo Dân Việt, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đã có sự tăng nhẹ từ cách đây 2-3 tháng, tới thời điểm này (tháng 7/2024) giá một số mặt hàng đã được đẩy lên cao hơn.

Ví dụ: Giá thịt ba chỉ, thịt mông ở chợ đầu mối đã tăng từ 100 nghìn đồng/1 kg lên 130 nghìn đồng/1 kg; giá gạo loại thấp nhất cách đây 2 tháng chỉ vào khoảng 120 nghìn đồng/1 kg giờ đã lên 160 nghìn đồng/kg; cá nục trạch tăng từ 25-30 nghìn đồng/1 kg lên tới 60 nghìn đồng/1 kg; giá rau củ cũng tăng từ 5-6 nghìn đồng/mớ lên 8-10 nghìn đồng/mớ… Nhiều mặt hàng không thiết yếu như đường sữa, nước giặt… cũng tăng giá nhẹ.

Doanh nghiệp “than” tiền lương tối thiểu vùng 2024 tăng, doanh nghiệp chịu áp lực không nhỏ

Ông Trịnh Thanh Định – Chủ tịch Công đoàn của Công ty Tân Đệ (Thái Bình) cho biết, hiện nay công ty có quy mô gần 16 nghìn lao động. Công ty tuân thủ pháp lệnh về người lao động, hàng năm đều thực hiện tăng tiền lương cho lao động từ đầu tháng.

“Hiện nay lương của công nhân, lao động công ty đã tăng cao hơn rất nhiều so với mức lương tối thiểu vùng ở Thái Bình (Vùng II và vùng III, mức lương hơn 3,2 – hơn 3,6 triệu đồng/tháng), ông Định nói.

Tuy không làm thay đổi nhiều cơ cấu tiền lương thực trả cho người lao động, nhưng việc tăng lương tối thiểu vùng lại gây áp lực lớn cho doanh nghiệp khi nền tiền lương đóng BHXH cũng tăng lên.

Ông Định cho biết, theo ban lãnh đạo công ty, đợt tăng lương này sẽ làm quỹ lương tăng thêm gần 1 tỷ đồng tiền lương mỗi tháng, chủ yếu do tăng tiền lương nền (tăng lương tối thiểu vùng) làm căn cứ đóng BHXH.

Tiền lương tăng, công nhân vẫn

Lương tối thiểu vùng tăng sẽ tạo thêm sức ép cho các doanh nghiệp. Ảnh: N.Trang

Cùng chung tâm tư, ông Mai Xuân Dương – Chủ tịch hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên, Phó chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho rằng: Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, các đơn hàng của doanh nghiệp về chưa đều thì việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ gây áp lực nhiều cho các doanh nghiệp.

“Tăng lương tối thiểu vùng sẽ làm tăng tiền lương nền để đóng BHXH, làm phát sinh chi phí tại doanh nghiệp. Vì vậy, gây rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp, nhất doanh nghiệp sử dụng đông lao động như may mặc”, ông Dương nói.

Để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, theo ông Dương nhiều doanh nghiệp may mặc đã phải đầu tư công nghệ, tuy nhiên việc này có thể gây ra làn sóng cắt giảm lao động. Điều này tác động không tốt trong việc duy trì việc làm cho người lao động.

“Tuy gặp khó khăn khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng nhưng các doanh nghiệp vẫn chấp hành quy định, đồng thời thực hiện tốt công việc chăm sóc quyền lợi cho người lao động”, ông Dương nói.

Hiện nay Luật BHXH quy định, người lao động chỉ phải đóng 8% tiền lương, còn lại người sử dụng lao động cũng phải đóng cho lao động với tỷ lệ 14%, để đạt mức tổng 22% mà người lao động được hưởng sau này. Về bản chất, đây cũng là tiền dành cho người lao động.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *