Tiền bạc hay thời gian quan trọng hơn: Câu trả lời là cái nào mua được thứ còn lại thì cái đó đáng giá hơn

Khi phải lựa chọn giữa việc có nhiều thời gian hơn hay nhiều tiền bạc hơn, bạn sẽ chọn cái nào? Chẳng hạn như, trong một kỳ nghỉ, bạn có sẵn lòng trả thêm tiền để bay thẳng đến bãi biển và có thêm vài giờ đồng hồ nằm duỗi chân thoải mái trên bãi cát mịn hay không? Hay bạn có chấp nhận một công việc đòi hỏi phải làm đêm ở cơ quan để đổi lấy mức lương cao hơn hay không?

Trên trang Quora.com, đứng trước câu hỏi, thời gian hay tiền bạc quan trọng hơn, Anshul Gupta, một sinh viên đang theo học tại Sri Sathya Sai Vidhya Vihar Indore (Ấn Độ) đã có câu trả lời khá ấn tượng, thu hút khoảng 2.800 lượt xem. Anh cho rằng: “Hỏi một ông lão giàu sang đang nằm trên giường chờ chết, ông ấy sẽ mang hết gia sản để có thêm thời gian sống trên thế giới này. Tuy nhiên, với một người đàn ông khánh kiệt, đang cận kề cái chết, ông ấy sẽ không nài nỉ thần linh hay đấng tối cao nào đó để có thêm chút thời gian. Điều ông ấy cần là một số tiền đủ giúp cho gia đình nghèo khổ của ông có được một cuộc sống thoải mái”.

Anh tiếp tục câu trả lời của mình như sau: “Một thanh niên giàu có sẽ trả lời ngay mà chẳng cần suy nghĩ: thời gian. Nhưng khi hỏi câu này với một thanh niên nghèo kiết xác thì anh ta sẽ đáp rằng, anh rất cần tiền”. Từ hai dẫn chứng nêu trên, anh đi đến kết luận rằng, không ai có thể khẳng định như “đinh đóng cột” thứ gì quan trọng hơn. Cái nào quan trọng hơn thường phụ thuộc vào từng cá nhân và hoàn cảnh họ đang sống.

Đồng tình với quan điểm của Anshul Gupta, một người dùng Quora.com tên là Alberto trả lời rằng: “Thời gian là thứ quý giá nhất bạn đang có và nó đang đếm ngược, chính vì thế, bạn hãy dùng thời gian vào những công việc tuyệt vời bạn muốn làm”.

 

Sự lựa chọn nào khiến bạn hạnh phúc hơn: tiền bạc hay thời gian?

 

Để tìm ra lời giải xác đáng cho câu hỏi: “Tiền hay thời gian quan trọng hơn”, một nhóm các nhà khoa học tại Trường Quản lý Anderson, trực thuộc Trường Đại học California, bang Los Angeles (Mỹ) đã tiến hành một dự án nghiên cứu thú vị.

Họ đã đưa ra câu hỏi này với hơn 4.000 người Mỹ ở những độ tuổi, thu nhập, nghề nghiệp, tình trạng hôn nhân, gia đình khác nhau. Sau khi hoàn thành một bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Tâm lý và Tính cách xã hội, họ đã phát hiện ra rằng, hầu hết mọi người đều coi trọng tiền bạc hơn thời gian. Trải qua 5 cuộc điều tra, 64% trong số 4.415 người được hỏi đều chọn tiền bạc.

Liệu tiền bạc có phải là lựa chọn đúng đắn? Các nhà khoa học cũng hỏi những người tham gia khảo sát về mức độ hạnh phúc, sự hài lòng của họ và nhận thấy rằng, những ai chọn thời gian nhìn chung đều hạnh phúc, hài lòng với cuộc sống hơn so với những người chọn tiền bạc.

Qua đó, có thể thấy, tiền bạc có vẻ là một lựa chọn sai lầm.

Không những vậy, kết quả này lại chỉ ra rằng, những ai chọn tiền bạc dường như lại phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ về mặt tài chính và vì vậy, họ lại càng bất hạnh hơn.

Để kiểm tra mức độ chuẩn xác của nhận định này, nhóm nghiên cứu cũng yêu cầu người tham gia gửi báo cáo thu nhập hàng năm của gia đình cùng với số giờ họ làm việc mỗi tuần. Sau quá trình nghiên cứu, họ nhận ra rằng, ngay cả những người ở cùng độ tuổi, cùng giới tính, tình trạng hôn nhân, hoàn cảnh gia đình, lượng tài sản tiết kiệm thì những người xem thời gian quan trọng hơn tiền bạc vẫn hạnh phúc hơn. Chính vì vậy, nếu bạn gặp hai người bất kỳ, một người cho rằng, thời gian quý báu hơn tiền bạc thì người đó sẽ hạnh phúc hơn người nghĩ tiền bạc đáng giá hơn thời gian.

Nghiên cứu này không khẳng định việc sở hữu nhiều tài sản hơn sẽ khiến con người cảm thấy cuộc sống của họ tốt hơn hay tồi tệ hơn.

Một nghiên cứu khác xem xét đến mối quan hệ giữa giàu sang và hạnh phúc chỉ ra rằng, thu nhập cao hơn có liên quan trực tiếp đến cảm giác hạnh phúc (chẳng hạn như, ở Mỹ, nếu thu nhập của bạn là 75.000 USD thì bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn) và rằng, sự hài lòng với cuộc sống tiếp tục tăng lên khi mức thu nhập tăng lên theo nhưng cũng chỉ đến một dấu mốc nhất định mà thôi.

Tuy nhiên, dựa trên suy nghĩ của từng cá nhân về việc tiền hay thời gian đáng trân trọng hơn, các nhà khoa học có thể dự đoán được mức độ hạnh phúc của họ.

Bạn có thể đang đặt ra câu hỏi tại sao? Những người chọn thời gian quan trọng hơn tiền bạc nghĩ về những nguồn lực theo nhiều hướng khác nhau và có vô vàn dự định về cách họ sử dụng thời gian và số tiền kiếm được. Không giống như những người nghiêng về lựa chọn tiền bạc, những người yêu quý thời gian lại tập trung nhiều hơn vào cách phân bổ thời gian, lên kế hoạch “tiêu xài” thời gian vào những việc họ muốn làm chứ không phải vào những việc họ bắt buộc phải làm (chẳng hạn như, họ dành thời gian nuôi dưỡng một sở thích nào đó hơn là phải làm những việc lặt vặt trong nhà) và họ thường dành thì giờ cho người khác hơn là cho chính bản thân mình.

Trước câu hỏi mở được đưa ra ngay từ ban đầu: Bạn chọn thời gian hay tiền bạc, nếu bạn chọn tiền bạc thì bạn cũng đừng lo lắng. Các nhà khoa học cho rằng, đây là một lựa chọn dễ thấy và hoàn toàn có thể thay đổi được. Sau một năm tiến hành khảo sát, các nhà khoa học đã tiến hành hỏi lại nhóm tình nguyện viên tham gia dự án nghiên cứu.

Kết quả là, 25% trong số họ đã thay đổi cách suy nghĩ. Ngoài ra, khi các nhà khoa học tiến hành một thí nghiệm yêu cầu mọi người tập trung vào sự quý giá của thời gian (bằng cách liệt kê một loạt lý do vì sao họ lại cần có nhiều thời gian hơn), cuối cùng thì họ cũng cảm thấy hạnh phúc hơn những người được hướng dẫn hãy tập trung vào việc gia tăng thu nhập (bằng cách nêu ra vô số lý do khiến họ cần tiền hơn bao giờ hết).

Trong quá trình theo đuổi hạnh phúc, chúng ta không ngừng đối mặt với những quyết định vừa lớn lao nhưng cũng vừa nhỏ bé, buộc chúng ta phải đưa lên bàn cân hai thứ thời gian và tiền bạc. Đương nhiên, đôi khi, đó không chỉ là sự lựa chọn: Chúng ta phải gia tăng thu nhập để đáp ứng các nhu cầu của cuộc sống nhưng khi phải chọn một thứ, việc đứng về phía thời gian lại là một dấu hiệu tốt, chứng tỏ bạn sẽ tận hưởng niềm hạnh phúc mà bạn vẫn đang kiếm tìm.

Giáo sư Hershfield, một trong những người thuộc nhóm nghiên cứu, gần đây đã phải đối mặt với lựa chọn thời gian hay tiền bạc. Anh được mời đến giảng bài tại một cuộc hội thảo. Nhưng anh lại có con gái 12 tuần tuổi ở nhà. Khoản thù lao anh nhận được đủ sức giúp anh chi trả cho việc thuê vú em nhưng công việc này đòi hỏi người đó phải chăm sóc, cưng nựng con gái anh trong hai ngày.

Mọi người đều có thể dễ dàng đo đếm được giá trị của tiền bạc. Nhưng ai cũng cảm thấy khó khăn khi xem xét đến sự quý giá của quãng thời gian mà lẽ ra họ nên dành cho gia đình. Anh nhẩm tính rằng, phải mất 222 ngày nữa thì con gái anh mới có thể đến trường mẫu giáo. Và trong suốt quãng thời gian đó, anh phải từ bỏ thú vui tụ tập cùng đám bạn trên một chiếc xe hơi và rong ruổi đến nhà nhau.

Liệu Giáo sư Hershfield sẽ lên đường và kiếm thêm tiền chi trả cho việc chăm sóc con gái hay ở nhà để có nhiều thời gian hơn bên con gái yêu? Có thể thấy, anh đã được hưởng lợi từ cuộc nghiên cứu của mình và anh đã chọn ở nhà.

 

Vì sao tiền bạc lại kém quan trọng hơn thời gian?

 

Hầu hết mọi người đều nhìn vào các tài khoản ngân hàng của mình với nhiều dự định tiêu xài, đầu tư hay bố thí ra sao… Ấy vậy mà chúng ta lại thường không làm như vậy với thời gian để rồi lãng phí nguồn tài nguyên quan trọng bậc nhất này. Thực tế, thời gian có giá trị lớn hơn nhiều tiền bạc bởi vì chúng ta phải tận dụng thời gian để kiếm tiền nhưng lại không thể dùng tiền để mua lại quãng thời gian đã trôi qua.

Mỗi ngày chỉ có 24 giờ đồng hồ và không ai có nhiều hơn ai dù chỉ là một giây. Mọi người, từ nhà thơ đến tổng thống, đều lấp đầy khoảng thời gian đó bằng nhiều lựa chọn khác nhau. Mỗi phút trôi qua là duy nhất và một khi đã qua thì không bảo giờ lấy lại được.

Khi bạn quan sát ai đó hoàn thành được rất nhiều mục tiêu, bạn có thể chắc chắn rằng, anh ấy hay cô ấy đã dành một khoảng thời gian đáng kể để làm chủ những kỹ năng đó, phủ kín thời gian của họ bằng quá trình lao động miệt mài. Chúng ta nhìn vào thành tựu của những người khác và nói rằng, “Tôi từng có ý tưởng giống như vậy” hoặc “Tôi lẽ ra đã làm được như vậy”. Nhưng ý tưởng thì có giá trị thấp và dự định thì cũng thế. Nếu bạn không cống hiến thời gian cần thiết để đạt được những mục tiêu đó thì thứ bạn có được vẫn chỉ là những tham vọng trống rỗng.

Ai cũng nói, “Tôi không có thời gian để…” Bạn có thể điền vào dấu ba chấm bất cứ điều gì bạn muốn làm: tập thể thao, nấu bữa tối, viết sách, thành lập một doanh nghiệp… Điều gì khiến mọi người nghĩ rằng, mình có ít thời gian hơn người khác? Đương nhiên, thời gian một ngày của họ chẳng hề ít hơn ai hết.

Chúng ta cùng có 24 giờ một ngày và đưa ra các quyết định thực tế về cách sử dụng quỹ thời gian đó. Nếu bạn muốn có thân hình hoàn hảo thì bạn cần dành thời gian luyện tập. Nếu bạn muốn viết sách thì bạn hãy cầm bút lên và bắt đầu sáng tác ngay đi thôi. Mọi việc sẽ không trở thành hiện thực nếu bạn suốt ngày lên kế hoạch xem các chương trình truyền hình được yêu thích nhất hoặc dành hàng giờ đồng hồ lướt facebook chỉ để giải trí. Những việc làm vô bổ ấy sẽ gặm nhấm số thời gian “một đi không trở lại” của bạn.

Lâu nay, chúng ta đã quá quen với câu nói: “Thời gian là tiền bạc”. Bạn có thể giải thích rằng, thời gian là một loại tiền quý giá. Thực tế, cứ mỗi ngày trôi qua, bạn lại có thêm 24 giờ trong “tài khoản ngân hàng thời gian” của mình. Chúng ta chỉ có một cơ hội để quyết định xem nên làm gì trong những tiếng đồng hồ ấy. Chúng ta hãy đưa ra quyết định đúng đắn, chúng ta sẽ giành bao nhiều thời gian để đầu tư cho tương lai. Lựa chọn đáng tiếc nhất là chúng ta đã để thời gian trôi đi một cách vô nghĩa.

Minh Phương

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *