THUYỀN TRƯỞNG TÀU NGẦM LIÊN XÔ ANH HÙNG ALEXANDER MARINESKO VÀ SỰ KIỆN ĐÁNH CHÌM TÀU CHỞ KHÁCH WILHELM GUSTLOFT
Vụ đắm tàu Titanic có thể là thảm họa hàng hải nổi tiếng nhất trong lịch sử nhưng với số tử vong khoảng 1.500 người, sự kiện chìm tàu Tintanic bị lấn át hoàn toàn bởi những gì xảy ra với Wilhelm Gustloff, một tàu biển của Đức đã bị một tàu ngầm Xô Viết đánh đắm vào ngày 30/1/1945, giết chết 9.343 người tị nạn chiến tranh, trong đó có khoảng 5.000 trẻ em.
Tháng 1 năm 1945 quân Liên Xô đang tràn ngập mặt trận phía đông của Đức, sự sụp đổ của Đệ tam Đế chế vào thời điểm này là không thể tránh khỏi; Berlin sẽ tất thủ chỉ trong vòng vài tháng. Những câu chuyện về hãm hiếp và giết người của các lực lượng Xô Viết báo thù đã lan rộng khắp nơi thúc đẩy nhiều người phải từ bỏ nhà cửa tìm kiếm sự an toàn. Người Đức đã thiết lập một kế hoạch gọi là chiến dịch Hannibal, một nỗ lực sơ tán vĩ đại để đưa thường dân, binh lính và trang thiết bị trở lại Đức thông qua biển Baltic. Những thường dân Đức trong cơn hoảng loạn tìm cách trốn thoát khỏi những người Xô Viết đã hội tụ tại thành phố cảng Gotenhafen (nay là Gdynia, Ba Lan ), nơi con tàu Wilhelm Gustloff đã cập cảng. Đối với nhiều người tị nạn, Gotenhafen là niềm hy vọng cuối cùng bởi vì trong thành phố này không chỉ có các tàu chiến lớn mà còn có các tàu lớn, mỗi tàu có khả năng tiếp nhận hàng ngàn người tị nạn. Những người mới đến tràn ngập thành phố và không có đường cho họ quay trở lại. Nếu họ có thể đến bến tàu và lên tàu thì họ sẽ thoát khỏi Đông Phổ đang bị kẻ thù bao vây.
Cuộc trốn thoát dân sự qua biển Baltic thuộc về một chương ấn tượng nhất trong lịch sử quân sự của Đức. Các nhà sử học đã ước tính rằng khoảng 2,5 triệu người đã được giải cứu bằng tàu ra khỏi khu vực phía đông nước Đức. Một trong những sĩ quan chính tổ chức chiến dịch là Đô đốc Karl Dönitz, người sẽ kế nhiệm Hitler sau vụ tự sát của Führer trong một boongke ở Berlin khi chiến tranh kết thúc.
Ban đầu các quan chức Đức đã phát hành và kiểm tra vé, nhưng dưới áp lực của sự hỗn loạn, cái lạnh, kiệt sức, đói khát và tâm trạng càng ngày càng tuyệt vọng, cuối cùng họ đã nhồi nhét người tỵ nạn vào bất kỳ không gian nào có thể. Kết quả là khoảng 10.582 người đã chật cứng lên một chiếc tàu du lịch chỉ có sức chứa khoảng 1.900 người. Nếu không có bảng kê khai hành khách đáng tin cậy, số người chính xác trên tàu trong vụ chìm sẽ không bao giờ được biết.
Chẳng bao lâu sau khi Wilhelm Gustloff ra khơi, tàu ngầm Liên Xô S-13, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Alexander Marinesko (1913-1963), người đang căng thẳng với các chỉ huy của mình vì thói nghiện rượu, phát hiện ra con tàu lớn nhờ ánh đèn của nó. Một mục tiêu dễ dàng cho một chỉ huy tàu ngầm có thể tiêu diệt và góp phần tăng cường danh tiếng của mình.
Tàu ngầm S-13, thuộc loại S (Stalinets), dưới sự chỉ huy của Alexander Marinesko, lúc 9h tối đã bắn trúng tàu chở người tị nạn Wilhelm Gustloff với ba quả ngư lôi mà tiếng gầm chết chóc của chúng được những người sống sót mô tả cứ như bị thiên thạch đâm trúng. Nạn nhân sống sót Horst Woit, khi đó chỉ mới 10 tuổi đã nhìn thấy mọi người hoảng loạn, nhiều người trong số đó là trẻ em bị giẫm đạp đến chết trong nỗ lực đi lên cầu thang và lên một chiếc xuồng cứu sinh có sẵn (con tàu bị nghiêng về một bên, vì vậy xuồng cứu sinh ở phía mạn phải không thể hạ thủy được). Chỉ hơn một giờ sau khi bị 3 quả ngư lôi từ tàu ngầm S-13 bắn trúng, Wilhelm Gustloff đã chìm xuống biển.
Đến sáng hôm sau, vùng nước xung quanh Wilhelm Gustloff chứa đầy xác người, nhiều thi thể trong số đó à những đứa trẻ có áo phao khiến chúng nổi lộn ngược. Chỉ có một người sống sót từ nghĩa địa nổi trên biển băng này, một đứa trẻ sơ sinh được quấn chặt trong chăn trên xuồng cứu sinh, bao quanh bởi những hành khách đã chết.
Có bao nhiêu người sống sót sau thảm họa khủng khiếp đó? 1239 người, một nửa trong số đó, 528 người, là thành viên của thủy thủ đoàn, ngoài ra còn có các thực tập sinh cũng như 123 nữ trợ lý hải quân, 86 binh sĩ bị thương, 83 nhân viên thủy thủ và chỉ có 419 người tị nạn. Tổng kết lại, chỉ 5% người tị nạn sống sót.
Có bao nhiêu người sống sót sau thảm họa khủng khiếp đó? 1239 người, một nửa trong số đó, 528 người, là thành viên của thủy thủ đoàn, ngoài ra còn có các thực tập sinh cũng như 123 nữ trợ lý hải quân, 86 binh sĩ bị thương, 83 nhân viên thủy thủ và chỉ có 419 người tị nạn. Tổng kết lại, chỉ 5% người tị nạn sống sót.
Trong số các nạn nhân của thảm kịch hàng hải tồi tệ nhất trong lịch sử nhân loại không chỉ có người Đức mà còn cả người Litva, người Latvia, người Ba Lan, người Estonia.
Vậy tại sao rất ít người biết về Wilhelm Gustloff ? Đầu tiên, chế độ Đức Quốc xã đã tích cực cố gắng che giấu sự thật. Họ đã ở giữa một cuộc di tản và họ không muốn nó ảnh hưởng đến tinh thần. Họ cũng đang cố gắng che giấu sự thật rằng họ đang thua cuộc chiến.
Sau hậu quả của cuộc chiến, người Đức đã do dự khi cho rằng họ là nạn nhân chiến tranh dưới bất kỳ hình thức nào, vì vậy họ không muốn thảo luận về những gì đã xảy ra với Wilhelm Gustloff .
Wilhelm Gustloff không phải là nạn nhân duy nhất của Marinesko. Ngày 10 tháng 2 năm 1945, tàu ngầm S-13 tiếp tục bắn ngư lôi và đánh chìm tàu General von Steuben ngoài khơi Stolpe, biển Baltic. Tàu chở hàng 14.600 tấn General von Steuben của hãng tàu Nord German Lloyd, đi từ Pillau trong vịnh Danzig, điểm đến là Swinemunde. Trên tàu có 2.800 thương binh, 320 y tá và 30 bác sĩ cũng như hơn 1.500 người tị nạn và 165 thủy thủ đoàn. Ngay sau nửa đêm, ngư lôi từ tàu ngầm của Marinesko đã bắn trúng Steuben. Tàu chìm trong bảy phút, những thương binh nằm bất lực, tay chân bị trói vào cáng thương của họ. Trong bảy phút đó, khoảng 3.608 người đã chết, khoảng 659 người may mắn được đưa kịp lên tàu hộ tống.
Sau khi tàu Steuben bị đắm, thủy thủ đoàn huyền thoại của tàu ngầm S-13 đã quay trở lại căn cứ cảng Baltic của họ vào ngày 15 tháng 2, sau hơn một tháng hoạt động chiến đấu anh hùng trong mùa đông Baltic đầy bão tố.
Ngày nay, người Nga tự hào về Alexander Marinesko và coi ông như một anh hùng dân tộc. Một tượng đài dành riêng cho ông đã được dựng lên ở thành phố Kaliningrad trong khi tên của ông đã được đặt cho Bảo tàng Lực lượng tàu ngầm Nga tại St Petersburg. Ông cũng đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1990.
Nguồn tổng hợp từ bài viết của Francine Uenuma trên Smithsonianmag ngày 29/1/2020, Sarah Begley trên Time ngày 29/1/2016 và Elena Studeva trên interaffairs.ru ngày 23/1/2013