Thủy chiến và kĩ thuật hàng hải trong lịch sử Trung Quốc trong bối cảnh giữa và cuối triều Thanh

Thủy chiến và kĩ thuật hàng hải trong lịch sử Trung Quốc trong bối cảnh giữa và cuối triều Thanh.
Một điều rất mỉa mai trong các vấn đề không may mà nhà Thanh gặp phải trước năm 1895 (Sau chiến tranh Thanh – Nhật) đó là thực ra từ thời Tống (960 – 1280) Trung Quốc đã từng là một cường quốc về hải quân và có kĩ thuật hàng hải tiên tiến, quân Mông Cổ từng sử dụng hạm đội thuyền chiến rất lớn để tiến hành cuộc xâm lược Nhật Bản vào năm 1274 – 1281 sau đó lại tấn công quần đảo Java vào năm 1293.
Sau này tới thời nhà Minh (1368 – 1644), hạm đội thuyền hùng hậu dưới quyền chỉ huy của Trịnh Hòa – 鄭和(1371-1433) đã tiến hành chuyến thám hiểm vĩ đại tới các quốc gia Nam Á và vùng biển Ấn Độ Dương từ năm 1403 tới năm 1434, các chuyến thám hiểm này chỉ kết thúc khi triều đình Minh Anh Tông giải tán lực lượng hải quân và từ bỏ chính sách hàng hải vào năm 1460 để dồn tiềm lực chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại lực lượng của bộ tộc Ngõa Lạt Mông Cổ (Sau này là nguyên nhân gây ra sự biến Thổ Mộc Bảo).
Lực lượng hải quân ven biển của nhà Minh vào giữa thế kỷ 16 từng được trang bị pháo và hỏa khí tiên tiến nhất thời đó nhằm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bờ biển Trung Hoa khỏi cướp biển Nhật Bản (Oa Khấu), thời gian đầu thì chưa có hiệu quả nhưng càng về sau nó càng phát huy tác dụng tốt và xóa bỏ dần nạn Oa Khấu. Lực lượng hải quân nhà Minh còn tiếp tục tiến xa hơn khi lực lượng thủy quân nhà Minh còn giúp nhà Triều tiên chặn đứng cuộc xâm lược của Nhật Bản do Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát) chỉ huy trong chiến tranh Nhâm Thìn (1592-1598). Trong tiếng Trung người ta gọi nó là Chiến dịch Vạn Lịch Triều Tiên ( Vạn Lịch Triều Tiên chi dịch – 萬曆朝鮮之役).
Trong thời Minh mạt – Thanh sơ những lực lượng còn trung thành với nhà Minh ( Vương quốc Đông Ninh – 東寧王國) đã lấy các khu vực trọng yếu trên biển và duyên hải ven biển thuộc tỉnh Phúc Kiến làm căn cứ địa chống lại nhà Thanh , cùng hạm đội thủy quân tinh nhuệ vốn có, trong đó nổi bật là của Trịnh Thành Công. Ban đầu các lực lượng chống Thanh đã tỏ ra áp đảo so với các chiến binh du mục tới từ thảo nguyên.
Sau đó lực lượng tàn dư này lại tiếp tục di chuyển ra Đài Loan thành lập một công quốc riêng biệt với chính sách triệt để chống lại “Mãn di”, trong gần 30 năm với địa thế biệt lập và sức mạnh thủy quân , Đài Loan nằm ngoài vùng kiểm soát của nhà Thanh. Tới năm 1683, dưới triều vua Khang Hi, lực lượng thủy quân nhà Thanh sau một thời gian dài chuẩn bị đã tiến hành chiến dịch thu phục Đài Loan để hoàn thành mục tiêu thống nhất lãnh thổ và tiêu diệt các kẻ thù chống đối. Trong chiến dịch này nhà Thanh đã huy động gần 800 chiến thuyền và 12 vạn quân thủy, đây là chiến dịch trên biển lớn nhất trong lịch sử của triều đại này với đỉnh cao là chiến thắng trong trận Bành Hồ (Bành Hồ Hải chiến – 澎湖海战). Có thể nói cho tới thời điểm đó thì kỹ thuật hàng hải và thủy chiến của Trung Hoa chưa hề thua kém thế giới.
Sau đó Trung Hoa mà cụ thể là nhà Thanh vẫn phát triển các lọai thuyền buồn cỡ lớn (Sailing vessel) giống như loại tàu vận tải kiểu Chiết Giang được làm lần đầu tiên vào năm 1699 để phục vụ cho tuyến đường buôn trên biển Ninh Ba – Nagasaki giữa Trung Hoa đại lục và Nhật Bản. Sự suy thoái của hải quân và kĩ thuật hàng hải của Trung Hoa chỉ bắt đầu từ giữa thế kỷ 18 dưới thời Càn Long.

Khi đó nhà Thanh đã hoàn thành việc đánh dẹp các bộ lạc du mục miền Tây Á cộng với việc bản thân vương triều này cũng xuất thân là 1 bộ lạc du mục miền Đông Bắc Á nên mối lo hàng ngàn năm về các giống “Nhung”, “Di” quấy nhiễu Trung Hoa vĩnh viễn chấm dứt. Trước đó thì Đài Loan đã được thu hồi, Mông Cổ bị sát nhập, làm lãnh thổ triều Thanh trở nên lớn hơn cả Trung Quốc thế kỷ 21, tới lúc này thì không còn bất kì một kẻ thù đáng kể nào đe dọa được họ nữa. Nhưng sự phát triển và bành trướng đến đỉnh cao lại dẫn tới việc Trung Hoa ngủ quên và dần tự đóng cửa trên nhiều mặt trong đó có cả hàng hải.

Triều đình nhà Thanh chỉ nhận ra sự suy đồi của lực lượng hải quân đế quốc Đại Thanh vào những năm 1860 sau khi thua trận trong chiến tranh Nha Phiến (1840 -1860) và đã có một số động thái nhất định với mục tiêu khôi phục lại vinh quang xưa của hải quân Trung Hoa những thế kỷ 15 – 16 -17. Tuy nhiên nỗ lực này lại thành công cốc, mà thay vào đó hải quân nhà Thanh cuối cùng lại trở thành một đối tượng bị chế nhạo sau năm 1895. Những lực lượng phản Thanh đã lấy hình tượng các hạm đội vĩ đại một thời của Trịnh Hòa làm thứ để chế nhạo sự suy yếu của hải quân đương thời.

Hơn thế nữa, sau chiến tranh Thanh – Nhật (1894 – 1895) với sự thất bại nặng nề của Hạm đội Bắc Dương thì sự lớn mạnh từng ngày của Nhật Bản trong khoa học – công nghệ cũng như sự lạc hậu của nhà Thanh đã hiện ra rất rõ. Uy tín chính trị của nhà Thanh đã không thể vớt vát lại được sau khi thua trước nước Nhật và Hải quân đế quốc Nhật Bản cũng xác lập thế thống trị khu vực biển Châu Á tới sau năm 1945.





Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *