Không chỉ trẻ em mà một số người lớn khi ngủ cũng thường xuyên gặp phải tình trạng bị chảy nước dãi. Vậy việc này có bình thường không? Có gây ảnh hưởng đến sức khoẻ không? Có phải là dấu hiệu của căn bệnh nguy hiểm nào không? Liệu có cách nào giúp cải thiện không?
Hãy cùng tìm câu trả lời cho vấn đề này thông qua chia sẻ của một bác sĩ trưởng Khoa ngoại thần kinh nhé!
Loại trừ lý do bạn mơ thấy đồ ăn ngon thì khả năng bạn bị chảy dãi khi ngủ lâu ngày có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:
1. Ngủ sai tư thế:
Nằm dài trên bàn học/bàn làm việc hoặc nằm nghiêng một bên đều có thể dẫn đến tình trạng chảy dãi khi ngủ. Bạn không cần lo lắng về điều này và chỉ cần thay đổi tư thế ngủ là có thể cải thiện.
2. Thở bằng miệng khi ngủ:
Trong trường hợp này, bạn cần thay đổi thói quen thở bằng miệng khi ngủ để tránh bị chảy dãi. Nếu đang bị cảm, viêm mũi hay mắc những bệnh lý đặc biệt khác, bạn có thể cân nhắc sử dụng miếng dán thông mũi để làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi và hạn chế thở bằng miệng trong lúc ngủ.
3. Bệnh về răng miệng:
Cặn thức ăn rất dễ tích tụ trong các kẽ răng, đồng thời nhiệt độ và độ ẩm trong miệng con người rất thích hợp để vi khuẩn sinh sôi. Nếu không chú ý vệ sinh răng miệng thường ngày thì có thể gây viêm nha chu, khiến bạn bị chảy dãi khi ngủ.
Ngoài ra, nếu trong miệng của bạn xuất hiện vết loét, cơn đau cũng sẽ kích thích tiết nhiều nước bọt khi bạn ngủ.
4. Rối loạn hệ thần kinh thực vật:
Nếu trước khi ngủ mà cơ thể bạn ở trong tình trạng quá hưng phấn, bạn phải sử dụng não quá độ hoặc vận động quá sức thì hệ thống thần kinh giao cảm của bạn có thể bị rối loạn, bị kích thích quá mức. Lúc này não của bạn sẽ phát ra tín hiệu sai, dẫn đến tình trạng gia tăng tiết nước bọt khi ngủ.
5. Viêm, đau nhức dây thần kinh mặt:
Khi mặt bạn bị gió thổi lâu hoặc bị lạnh thì các dây thần kinh mặt có thể bị viêm, đau nhức, gây chảy dãi khi ngủ.
6. Đột quỵ:
Xơ vữa động mạch não có thể gây tai biến mạch máu não, đột quỵ, những triệu chứng đi kèm bao gồm miệng bị lệch dẫn đến chảy nước dãi khi ngủ, tình trạng này chủ yếu xảy ra ở người cao tuổi.
Ngoài ra, khả năng điều khiển hoạt động của miệng ở người cao tuổi cũng bị suy giảm nên nếu để ý thấy người già bị chảy nước dãi khi ngủ thì phải đặc biệt cảnh giác.
NẾU BẠN PHÁT HIỆN BẢN THÂN BỊ CHẢY DÃI KHI NGỦ THÌ HÃY ÁP DỤNG NHỮNG BIỆN PHÁP GIÚP HẠN CHẾ TÌNH TRẠNG NÀY NHƯ:
– Giữ gìn vệ sinh và chú ý sức khoẻ răng miệng:
Tập thói quen đánh răng vào mỗi buổi sáng thức dậy, buổi tối trước khi ngủ và nhớ súc miệng sau bữa ăn. Sau khi đánh răng, hãy súc miệng bằng nước súc miệng để đảm bảo không còn cặn thức ăn trong miệng.
Nếu mắc các bệnh lý về răng miệng như viêm nha chu, viêm loét miệng thì phải chủ động đi khám và điều trị.
– Ngủ ở những tư thế đúng, hợp lý:
Tốt nhất bạn nên nằm ngửa khi ngủ và cố gắng duy trì những tư thế có lợi cho sức khoẻ. Đừng nằm sấp, nằm nghiêng hoặc dựa vào ghế ngủ.
– Điều chỉnh thói quen sống:
Không nên đi ngủ ngay sau khi ăn, nên vận động vừa phải trước khi ngủ. Tốt nhất không nên ăn thức ăn quá nhiều dầu mỡ hay những loại đồ ăn gây kích thích dạ dày vào bữa tối.
– Nhờ đến sự giúp đỡ chuyên nghiệp:
Nếu triệu chứng chảy nước dãi khi ngủ của bạn đã xuất hiện nhiều năm và khó loại bỏ hoàn toàn thì hãy đến bệnh viện để được nha sĩ giúp đỡ một cách chuyên nghiệp.