thuong-toa-thich-thanh-huan:-“dung-nghi-dot-nhieu-vang-ma-mua-vu-lan-la-bao-hieu-cha-me,-to-tien”

Thượng toạ Thích Thanh Huân: “Đừng nghĩ đốt nhiều vàng mã mùa Vu Lan là báo hiếu cha mẹ, tổ tiên”

“Đừng nghĩ đốt nhiều vàng mã mùa Vu Lan là báo hiếu cha mẹ, tổ tiên”

Vào những ngày này, trên khắp cả nước, các gia đình đều thành kính chuẩn bị ngày lễ Vu Lan. Với nhiều gia đình, đây là ngày lễ lớn thứ 2 trong năm sau Tết Nguyên Đán, bởi đây là ngày xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu cha mẹ.

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Hình ảnh người dân đốt vàng mã ở nghĩa trang dịp lễ Vu Lan báo hiếu. Ảnh: Gia Khiêm

Cũng vào dịp này, người người nhà nhà mua vàng mã về đốt. Ở các hè phố, khu dân cư dễ dàng thấy hình ảnh người dân đốt vàng mã. Nhiều người luôn quan niệm rằng “trần sao, âm vậy” nên đốt nhà lầu, xe hơi, quần áo, tiền vàng…

Trao đổi với PV Dân Việt về vấn đề này, Thượng toạ Thích Thanh Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, dịp lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, trong đó có tục đốt vàng mã. 

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Thượng toạ Thích Thanh Huân, Phó chánh Văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh: NVCC

Các cụ có câu, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Việc tín ngưỡng thờ cúng không chỉ thể hiện bạn tin vào tâm linh, tin vào một thế giới song song với thế giới mà chúng ta đang sống, mà đó còn là một nền văn hóa, một cách thể hiện sự tri ân đến những thế hệ đi trước, đến tổ tiên nguồn cội. Và “hóa vàng” là một trong những cách thể hiện điều đó.

“Việc đốt vàng mã đã đi sâu vào trong tiềm thức mọi nhà. Ở nhà chùa lâu nay luôn vận động người dân không đốt vàng mã. Việc này ở chùa cũng đã giảm thiểu được, tuy nhiên tại các gia đình, các nơi vẫn đốt. Hiện nay còn mặt trái nữa là một số người đi xem ông đồng bà cốt, xem bói toán nói phải đốt hết đồ vàng mã này đến đồ kia… Đừng nghĩ đốt nhiều vàng mã mùa Vu Lan là báo hiếu cha mẹ, tổ tiên”, Thượng toạ Thích Thanh Huân chia sẻ. 

Người đã khuất có được hưởng những thứ ở trần gian?

Đồng quan điểm trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS. TS Lê Quý Đức – nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, việc đốt vàng mã là vấn đề tâm linh, thực tế phản ánh đời sống xã hội. Trước đây không có nhà lầu, xe hơi… mọi người đốt kiểu khác, giờ đời sống kinh tế xã hội phát triển nhiều người đốt vàng mã nhà lầu xe, ngân hàng, đô la, cây ATM… với thái độ trần sao âm vậy cũng là một quan điểm. 

Thượng toạ Thích Thanh Huân:

Hình ảnh người dân đốt vàng mã trên đường phố Hà Nội. Ảnh: Ngọc Hải

“Việc đốt vàng mã phản ánh đời sống thế tục trên trần gian, việc đó về mặt nhận thức có tính chất duy tâm, tưởng tượng trần sao âm vậy. Quan điểm đó không xấu, đốt một tí không sao đừng lạm dụng việc đốt vàng mã. Nếu chúng ta đã nghĩ trần sao âm vậy thì hiện nay có phong trào bảo vệ môi trường, tiết kiệm tránh lãng phí. Nếu người âm có hồn vía, phách tồn tại cũng phải biết bảo vệ môi trường. Việc đốt vàng mã phải tiêu tốn bao nhiêu gỗ, nứa… làm ra giấy, vàng mã…”, ông Đức nói. 

Bên cạnh đó, theo ông Đức chưa kể, việc đốt vàng mã gây ra không ít hoả hoạn có người tử vong, ô nhiễm môi trường do khói bụi. 

“Những gì ở đời sống hiện thực tuyên truyền vận động bảo vệ môi trường thì chúng ta hãy ý thức. Ngoài ra, thay vì tiêu tốn nhiều tiền mua vàng mã đốt gây lãng phí chúng ta có thể dùng số tiền đó làm từ thiện, mua sách vở cho học sinh khu vực khó khăn, ủng hộ người nghèo khó…”, ông Đức chia sẻ.

Thượng toạ Thích Thanh Huân cho rằng, việc tuyên truyền người dân hạn chế hoặc xoá bỏ việc đốt vàng mã là trách nhiệm của xã hội. Đó là tập tục, niềm tin không trong sáng và không chính đáng sẽ không soi sáng sự hiểu biết, trí tuệ… Đó là mê tín. 

“Chúng ta thay vì đốt vàng mã có thể thay thế bằng hoa tươi hay hoa nhựa, hoa giấy cũng được. Mọi người có thể cúng hoa quả, đồ ngũ cốc dâng lên cha mẹ, tổ tiên, những người đã khuất, đó là sự trân quý sản phẩm của đất trời nuôi sống mình và dâng lên tổ tiên để tưởng nhớ. Nếu mọi người nghĩ đốt mà người âm nhận được là sai lầm.

Nếu có vàng mã chỉ là tượng trưng mà thôi. Tôi cho rằng để làm được điều này cần phổ cập tới mọi người ngay từ trường tiểu học trở lên. Các cơ quan văn hoá thời nào cũng thế phải xây dựng nếp sống văn hoá trong đời sống xã hội người dân. Từ ứng xử cộng đồng phải có quy chuẩn văn hoá, giáo dục của mình lấy đạo đức, ý thức để tu dưỡng ngay các cấp tiểu học”, Thượng toạ Thích Thanh Huân bày tỏ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *