Liên quan đến bài “Cận cảnh công trình xây dựng bờ kè “nhấn chìm” chợ nổi Cái Răng” được Dân Việt phản ánh về việc công trình xây dựng bờ kè sông làm phá vỡ cấu trúc “trên bến dưới thuyền”, sáng 15/6, theo ghi nhận của phóng viên, việc vận chuyển hàng hóa của thương hồ chợ nổi Cái Răng lên trên bờ hoặc ngược lại gặp rất nhiều khó khăn.
Vận chuyển hàng hóa từ chợ nổi Cái Răng lên bờ gặp rất nhiều khó khăn. Video: Huỳnh Xây
Do bờ kè sông được xây dựng rất cao nên thương hồ phải bê vác hàng hóa bằng tay đi qua những cây cầu dài được bắt tạm bợ. Có vị trí, thương hồ phải trèo thang để được lên bờ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, ông Nguyễn Quốc Cường – Chủ tịch UBND quận Cái Răng đã có ý kiến đối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ. Theo đó, ông mong muốn Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bổ sung danh mục đầu tư các công trình phụ trợ tại công trình xây dựng bờ kè nói trên.
Cụ thể là xây thêm cầu (bắt từ bờ kè xuống sông) và làm kè dạng tam cấp để thuận lợi cho thương hồ chợ nổi Cái Răng lên xuống hàng hóa.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho biết, từ năm 2020, trước khi công trình bờ kè sông được triển khai xây dựng tại chợ nổi, ông đã có ý kiến.
“Lúc đó, tôi có ý kiến là chợ nổi không đơn thuần chỉ ở trên sông mà tồn tại theo không gian, cấu trúc trên bến dưới thuyền. Do đó, nếu làm bờ kè phải làm sao không phá vỡ không gian, cấu trúc này cũng như không cản trở hoạt động mua bán, báo hiệu sự tan rã. Tuy ý kiến được ghi nhận nhưng sau này lại làm khác” – ông Nhâm Hùng nói.
Theo ông Nhâm Hùng, nhiều nhà dân (có vai trò như vựa) – nơi trung chuyển hàng hóa giữa thương hồ ở chợ nổi Cái Răng với các địa phương khác và ngược lại đã phải dời đi nơi khác, còn công trình xây dựng bờ kè thì quá cao, thương hồ rất khó vận chuyển hàng lên bờ. Cũng có nghĩa là công trình xây dựng bờ kè sông đã phá vỡ không gian, cấu trúc trên bến dưới thuyền của chợ nổi Cái Răng.
“Bây giờ bờ kè sông vẫn có thể sửa chữa được theo điều kiện thích nghi của chợ nổi. Do đó, theo tôi cần xử lý bờ kè cho nhanh” – ông Nhâm Hùng nói.
Để tìm hiểu thêm về vụ việc, phóng viên đã có cuộc trao đổi với chị Nguyễn Thùy Trang – một người dân có nhà bị di dời bởi công trình xây dựng bờ kè cạnh chợ nổi Cái Răng.
Chị Trang cho biết, gia đình được bồi thường thỏa đáng. Tuy nhiên, không được hỗ trợ, sắp xếp chỗ để đưa hàng hóa từ chợ nổi Cái Răng lên bờ như lời hứa mà ngành chức năng đưa ra khi đi vận động di dời, trong khi đó bờ kè sông được xây dựng quá cao, rất khó khăn khi vận chuyển hàng.
Chị Trang cho biết, phía UBND phường có nói sẽ cho 1 vị trí để làm cầu (bắt từ bờ kè xuống sông) nhưng gia đình chị phải bỏ tiền túi ra làm và chỉ cho vận chuyển hàng trong 1 năm. Do thời hạn chỉ có 1 năm nên gia đình chị không đồng ý.
Trước đây, nhà chị Trang có vai trò như vựa nằm trên bến của chợ nổi Cái Răng, mỗi khi hàng hóa về sẽ vận chuyển lên nhà rồi đưa lên xe chở đi giao tại Đà Lạt, Bạc Liêu, Cà Mau, Hậu Giang.
Do hiện nay, nhà đã dời đi, khâu vận chuyển hàng từ chợ nổi Cái Răng lên bờ rất khó khăn nên hiện chỉ chở được 1 xe hàng hóa đến Hậu Giang.
Như Dân Việt đã thông tin, UBND quận Cái Răng vừa có báo cáo trình lãnh đạo UBND TP Cần Thơ về công tác bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng.
Trong báo cáo trên nêu rõ, chợ nổi Cái Răng bị tác động mạnh bởi công trình xây dựng bờ kè sông. Công trình kè này làm phá vỡ cấu trúc “trên bến dưới thuyền”, triệt tiêu tiểu thương trên bến, phân tán thương hồ.
Do đó, theo UBND quận Cái Răng, thương hồ ở chợ nổi Cái Răng giảm đáng kể, cảnh mua bán không còn nhộn nhịp như trước.
Hiện chợ nổi Cái Răng chỉ còn từ 200-250 ghe tàu, trong khi đó, cách đây vài năm có từ 500-600 ghe tàu, tức giảm từ 50-60%.
Theo phóng viên tìm hiểu, công trình xây dựng bờ kè nói trên thuộc dự án kè bờ sông, ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ODA do Cơ quan Phát triển Pháp tài trợ và vốn đối ứng ngân sách của thành phố với thời gian thực hiện từ năm 2016-2023.