I-CHÊNH LỆCH THUẾ THỰC THU GIỮA MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM:
Khác với hình dung của nhiều người, thời nhà Nguyễn miền Bắc vẫn là nơi cung cấp thuế chính, dù Minh Mạng đã có rất nhiều nỗ lực khai hoang (được 1 triệu mẫu ruộng trong 20 năm) thì diện tích đất Đàng Ngoài vẫn gấp 3.6 lần đàng Trong, thuế thóc gấp 2.65 , số quan tiền thuế gấp 1.7 lần, số lạng bạc thuế gấp 2.25 lần, duy có số lượng vàng chỉ bằng 0.11 lần (chứng tỏ vùng Quảng Nam, Bình Định xưa rất nhiều vàng, vùng phía Bắc lượng vàng đã sụt giảm sau Lý, Trần)
Quy về cùng đơn vị thóc, vàng thì đàng Ngoài vẫn gấp 2.65 lần về thóc, 1.4 lần về thuế (vàng, bạc, đồng).
Ngoài ra thấy được, mảnh đất Thanh- Nghệ- Tĩnh, dù thiên nhiên khắc nghiệt, sản lượng thấp, nhưng với lịch sử lâu đời, diện tích trồng trọt vẫn khá lớn kéo theo nguồn lợi tương đối, giải thích 1 phần tại sao nhiều triều đại vẫn lấy đây làm căn bản.
Cho đến đời Tự Đức, toàn Nam Kỳ chỉ có khoảng 600.000 mẫu ruộng so với 2,5 triệu mẫu ở đồng bằng sông Hồng. Nói như vậy để thấy được, vào cuối thời nhà Nguyễn, Bắc Hà vẫn là xương sống kinh tế của cả nước không khác gì cách đó vài trăm năm dù rằng đây là nơi nhà Nguyễn quản lý rất tệ hại và dân chúng nổi loạn liên tục.
Lý giải sự chênh lệch về thuế má của miền Bắc và miền Nam thì kỳ thực rất đơn giàn: Miền Nam dân số thưa thớt hơn nhiều so với Bắc Hà. Theo số liệu do Li Tana thu thập và phỏng đoán thì vào đầu thế kỷ 19, 11 đạo ở miền Bắc có tổng cộng là 9.445 xã 578.400 suất đinh, dân số miền Bắc ước lượng là 5 đến 6 triệu người trong khi dân số toàn miền Nam chỉ non 1 triệu.
Nhân lực thiếu thốn khiến việc khai phá miền Nam gặp nhiều khó khăn, còn rất nhiều đất đai bị phèn chua, ngập mặn mà không thể xử lý với công nghệ thời đó của nhà Nguyễn, mâu thuẫn giữa những dòng di dân và dân bản địa cũng là một lý do.
II- TỔNG THUẾ VÀ QUY MÔ KINH TẾ
Nếu muốn nhận xét một chút về quy mô, thì tổng thuế cả nước thời Minh Mạng chỉ có 80.437 tấn thóc, 65000 lạng vàng (gần 1.5 triệu piastre hay khoảng 300 ngàn bảng Anh). 300 ngàn bảng khi đó chỉ mua được 1, may ra tằn tiện vua ăn rau chấm muối thì mua được 2 con tàu chiến bọc sắt lớp Warrior (1860) là hết nhẵn, chưa kể chi phí nuôi quân đội.
Theo quy chuẩn trung bình 100 kg thóc xay ra được 70 kg gạo, nghĩa là thuế thóc đó thu được vào khoảng 56.306 tấn gạo, mỗi lính ăn trung bình 0.75 kg 1 ngày (căn cứ theo tiêu chuẩn hiện đại chưa tính rau và thịt) thì số gạo đó chỉ nuôi được gần 21 vạn lính 1 năm (Trong trường hợp vua quan lại quý tộc nhịn đói để nuôi quân).
Cho nên nếu tính một cách thực tế, trừ lương ăn nuôi vua quan cũng như thâm hụt do tham nhũng thì còn một nửa để phục vụ quân đội là đã rất may mắn. Do đó nhà Nguyễn nuôi đến gần 13 vạn quân (Ở năm 1847) là đã rất gắng sức. Sự bạc nhược của quân đội cuối thời Nguyễn nguyên nhân quan trọng là do suy sụp về kinh tế.
III- NÔNG NGHIỆP – PHÂN PHỐI RUỘNG ĐẤT VÀ THUẾ MÁ
Thời nhà Nguyễn thương nghiệp thủ công nghiệp không có thành tựu gì đáng kể nếu không muốn nói là còn thui chột hơn so với những thời kỳ trước đây, việc buôn bán với các nước xung quanh chỉ nổi bật mấy vụ buôn gạo đổi thuốc phiện về bán kiếm lời của thương nhân người Hoa cho nên xương sống của kinh tế cả nước vẫn là nông nghiệp, nhưng kể cả như vậy việc phát triển nông nghiệp cũng không có thành tựu gì đáng kể.
Lý do khách quan có thể kể đến là do thiên tai: từ năm 1802 – 1858 cả nước chịu 38 lần mưa bão, lụt lội, 16 lần vỡ đê, nhà Nguyễn cũng bất lực trong việc trị thủy và đắp đê, nhất là ở khu vực Bắc Hà.
Ngoài lý do khách quan và yếu kém về vấn đề trị thủy thì không thể không nói đến lý do của việc phân phối ruộng đất cũng như ngạch thuế bất hợp lý thời Nguyễn.
Năm 1803, Gia Long cho làm địa bạ cả nước. Đến năm 1820, thì kiểm kê được 3.076.300 mẫu, 26750 khoảnh. Đến năm 1836 báo lên, tổng là 4.063.892 mẫu. Trong đó ruộng công chỉ có 580.363 mẫu, chiếm 17%, còn ruộng tư chiếm 83% ! Có nơi 6-7000 mẫu công thì có đến 70.000 mẫu tư. Nam Kỳ vốn nhiều ruộng tư, nhưng Bắc Kỳ sau chiến tranh, nội loạn liên tục, nhiều xã thậm chí không có hoặc rất ít ruộng công.
Ruộng công đầu tiên đem chia cho quý tộc, vương tôn, quan lại, lính tráng từ 18,15 phần, rồi nhỏ dần… Cuối cùng thì chia đều do dân đen. Như thế ruộng công đã ít, về tay dân nghèo còn ít nữa.
Chưa kể, địa chủ cường hào lại tích cực lấn chiếm ruộng công, hà hiếp dân nghèo “nhà hào phú kiêm tính 1-200 mẫu, người nghèo không 1 thước, 1 tấc, đến nỗi phải làm đầy tớ “
Đặng Văn Thiêm tâu với Tự Đức :”Lúc trước đặt lệ quân điền, cứ 10 mẫu thì 5 mẫu làm công, 5 mẫu làm tư. Nhưng ruộng công mẫu mỡ thì cường hào cưỡng chiếm, còn thừa chỗ nào thì hương lý bao chiếm, dân chỉ được phần xương xẩu mà thôi”
Về thuế thì nhà Nguyễn chia làm 3 vùng thuế: Bắc Hà (Vùng II), Quảng Trị – Khánh Hòa (Vùng I), Bình Thuận đến Nam Kỳ (vùng III). Thuế mỗi vùng chia làm 3 ngạch theo mức thu hoạch tốt, xấu.
– Vùng I cả ruộng công lẫn tư, mức thuế 3 hạng lần lượt là 40,30,20 (thăng thóc/ mẫu)
– Vùng II-Bắc Hà, ruộng công (dân nghèo) đánh thuế gần gấp đôi so với vùng I – 80,56,33 nhưng ruộng tư lại đánh thuế bằng 1/3 ruộng công – 26,20,13.
– Vùng III – dù sản lượng cao hơn nhưng mức đánh thuế lại thấp hơn hẳn 2 vùng (có thể nhằm khuyến khích khai khẩn)- cả công lẫn tư có 2 mức thuế là 26,23 thăng thóc/mẫu
Có nghĩa là: Dân nghèo vừa không có ruộng hoặc chiếm phần ruộng xương xẩu nhất nhưng lại phải đóng thuế cao nhất.
Điều này cho thấy rằng Nhà Nguyễn bất lực trong việc đối phó với tầng lớp địa chủ ở Bắc Hà, và cả nước nói chung, nên dẫn đến sự nhượng bộ bất hợp lý như vậy.
Sự bất hợp lý trong phân phối ruộng đất cũng như thuế má là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến miền Bắc nổi dậy và loạn lạc triền miên từ thời Gia Long cho đến tận khi Pháp đến.
======================================
Bài viết sử dụng tư liệu tổng hợp của Phach Ho Nguyen về số thuế thu thời Minh Mạng trong Đại Nam nhất thống chí và nhiều nguồn khác.
Bài viết tổng hợp lại bài của bạn Van Cao Nguyen trong Nhóm Hội những người thích tìm hiểu Lịch sử.