“Thực dân Cham-pa”

“Thực dân Cham-pa”

Xem suy nghĩ của người Kơ Ho về người Chăm (Prum) qua các Sử Thi:

– Coi người Prum là người khôn ngoan, tài giỏi… về mọi mặt, mà mọi người Kơ Ho phải học đòi noi gương. Câu mở đầu cho Sử thi Gơ Plom Kòn-Yồi đồng hóa người Prum với chính sự khôn ngoan. Prum có nghĩa là khôn ngoan. Câu này còn có một nội dung sâu xa hơn thế nữa: Chính Thần linh cũng muốn cho người Kơ Ho học sự khôn ngoan của người Prum.

– Coi người Prum là hạng người chuyên lọc lừa đểu cáng. Đặc biệt có nhiều mánh khóe để dụ người Kơ Ho. Các tiên tổ Kơ Ho đã suy nghĩ và sáng tác ra nhiều câu văn vần dễ nhớ, vừa để chê bai người Prum, vừa để cảnh giác con cháu mình. Ngay trong chỉ một Sử thi Gơ Plom Kòn-Yồi, nếu lọc ra thì cũng có tới gần chục bài.

Sử thi Kơ Ho cũng nhắc nhở nhiều lần tới một thời kỳ nào đó trước kia, không xác định, là dân tộc Kơ Ho nói chung bị cái cảnh xâm lăng, xâm lấn, xâm chiếm hay xâm thực cách nào đó bởi dân tộc Prum. Trước đó, Kơ Ho là một dân tộc hoàn toàn độc lập và tự lập. Rồi sau đó họ phải nộp sưu thuế, làm nô dịch cho Prum.

Ít dòng trích trong tác phẩm Phác Họa Chân Dung Dân Tộc Kơ Ho – chuyên đề Một Sử Thi Tiêu Biểu Gơ Plom Kòn-Yồi, của tác giả Linh Mục Đa Minh Nguyễn Huy Trọng (NXB Phương Đông 2017) đã phần nào phát họa một góc nhìn khác những gì ta thấy hiện nay về dân tộc Chăm. Nói đúng hơn, đó là người của vương quốc Cham-pa xưa, được hiển hiện là những tay thực dân đi xâm chiếm rồi đô hộ trực tiếp (Trung Tây Nguyên) hay gián tiếp (Nam Tây Nguyên).

Đọc đến đây, Mỗ nhớ lại một “công trình” của giáo sư Pièrre Bernard Lafont, đó là Vương quốc Champa: Ðịa Dư, Dân Cư và Lịch Sử (2007). Tác phẩm này có những cách nhìn về Cham-pa mang tính đổi mới so với Vương quốc của Maspero 1903 / 1928. Nhưng thật đáng tiếc là trong đó có những luận chứng kỳ lạ vô căn cứ, phản lịch sử. Cụ thể là một nội dung mà những người “hoài Cham-pa” rất thích thú, đó là (đại loại) Cham-pa là dân tộc hiền hòa, lãnh thổ được xác định bởi thần linh, nên không bao giờ đi xâm chiếm đất đai của ai, chỉ đánh rồi rút về. Họ không biết xâm lăng mà chỉ bị người khác xâm lăng, đó là cuộc Nam Tiến của người Việt làm cho họ vong quốc (sic).

– Đọc Gơ Plom Kòn-Yồi, nghiên cứu thêm các tác phẩm sử thi của các dân tộc bản địa Tây Nguyên khác, thì sẽ hiểu thêm được Cham-pa không như Pièrre Bernard Lafont nói. Vốn được phái “hoài Cham-pa” tin như điếu đổ.

– Nhìn bản đồ phân vùng ngôn ngữ khu vực miền Trung và Tây Nguyên cũng thấy được “vết dầu loang” (G. Coedes, 1944) của thực dân Cham-pa đã lan đến tận đâu.

Vài dòng chia sẻ, hầu mong giúp cho “người cần” có thêm những thông tin về Cham-pa mà ít được công trình, tác phẩm nào, nhắc đến. Để rồi người ta cứ mơ hồ, và bị “dẫn dắt” trong cách hiểu về Cham-pa, về lịch sử Việt Nam.

* Lưu ý thêm: những ai đọc Pièrre Bernard Lafont thì phải hết sức cẩn thận khi dùng lại (có thể tải bản tiếng Việt của sách này từ nhiều nguồn trên mạng)

Phiên An thành, 13.09.2020.

Mỗ NQT.

#Chàm_Ám

#ChampaObsession




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *