THỪA NHẬN TỔN THƯƠNG LÀ BƯỚC ĐẦU TIÊN CỦA QUÁ TRÌNH CHỮA LÀNH

Junseo vốn “kiếp độc thân”, chưa từng có mảnh tình vắt vai và lần đầu tiên có quan hệ với bạn gái cách đây không lâu. Nhưng ngày hôm sau, cậu bị rối loạn cả thể chất lẫn tinh thần đến mức không thể sinh hoạt như bình thường. Khi tới phòng tham vấn, cậu ấy đã kể về bí mật giấu trong lòng bấy lâu rằng năm cậu ấy 6 tuổi, đang ngủ thì bị tỉnh giấc và chứng kiến cảnh bố ngoại tình ngay trong nhà. Cậu bé Junseo đã ôm ấp bí mật đó và không thể kể với ai cho đến khi là một chàng trai 28 tuổi. Câu chuyện quá khứ tưởng chừng đã trôi qua nhưng khi trưởng thành và qua đêm với bạn gái, tổn thương của quá khứ mà cậu ấy giấu tận trong tim bị khơi dậy. Thay vì cảm thấy phấn khích, cậu ấy cảm thấy hổ thẹn, tội lỗi cực độ. Trên thực tế, sự đánh tráo cảm xúc đã diễn ra, đó là những gì bố Junseo nên cảm thấy chứ không phải cậu ấy.

Con người không phải lúc nào cũng tức giận vì bị tổn thương. Nhưng cách giải quyết vấn đề phụ thuộc nhiều vào quá trình “suy ngẫm” và xem xét” vấn đề đó. Tổn thương giống như vận mệnh chúng ta phải trải qua trong đời. Không ai muốn bị tổn thương nhưng rồi vẫn bị tổn thương. Chúng ta không chỉ đau đớn lúc bị tổn thương mà còn phải cân não xem nên xử lý như thế nào với tình huống đó.

Junseo đã có thể quên một phần nào đó nhờ nỗ lực để quên đi những gì bản thân đã trải qua. Nhưng ngày cậu qua đêm cùng bạn gái đã để lộ vết thương gốc rễ vốn không nhìn thấy. Các triệu chứng về mặt thể chất như bất an hay mất ngủ là do cảm giác hổ thẹn và tự trách quá mức sau quá trình suy ngẫm và xem xét vấn đề.

Trong mối quan hệ và cuộc sống phức tạp, tránh né tổn thương là điều không thể. Chữa lành tổn thương cho đứa trẻ bên trong suy cho cùng tùy thuộc vào bản thân mỗi người. Lúc chuẩn bị mở nhà kho của tổn thương, Junseo đột nhiên ngừng khóc và hỏi: “Nhất định phải xử lý chuyện này sao? Cứ sống như vậy không được sao?”

Tất nhiên cậu ấy có thể sống như bấy lâu, nhưng trái tim cũng giống như nhà kho chật hẹp, khi nó quá đầy, không thể chứa thêm được nữa, tất cả những tổn thương cất giữ bấy lâu sẽ trào ra. Việc chữa lành là điều cần thiết cho những người đã bị tổn thương.

Nếu nhìn lại và xem xét trong cả cuộc đời, khoảng thời gian đau đớn này là một cơ hội quý giá để bắt đầu chữa lành, là cơ hội hiếm để khám phá lại những khả năng mới. Thông qua quá trình thành thật thể hiện những diện mạo khác nhau của bản thân, chúng ta có cơ hội tìm thấy “cái tôi thực sự” trong mỗi con người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *