thu-tuong-chinh-phu-pham-minh-chinh-dang-ky-hien-tang-mo,-tang

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng

Phát biểu phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hiến mô, tạng là một trong những món quà quý giá nhất mà một người có thể trao tặng cho người khác.

Ở Việt Nam, đã có hàng nghìn người đã được ghép tạng thành công, được cứu sống nhờ sự sẻ chia, nhân ái của những tấm lòng cao đẹp.

Thủ tướng nhận định, đoàn kết, tương thân, tương ái, trọng tình nghĩa, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người khác là truyền thống quý báu của dân tộc ta, được các thế hệ người Việt Nam ta xây dựng, gìn giữ, vun đắp và phát huy từ ngàn đời nay.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ phát động ‘Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi’. Ảnh BYT

Truyền thống quý báu đó được thể hiện rõ nét qua những câu chuyện ấm áp tình người, những tấm lòng thiện nguyện giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ đồng bào giữa thiên tai khắc nghiệt, khốn khó chồng chất khi gặp bão lũ, khi dịch bệnh.

Truyền thống quý báu đó được thể hiện qua hàng triệu người hiến máu tình nguyện hỗ trợ, cứu giúp đồng bào giành lại cuộc sống giữa ranh giới sinh tử mong manh.

Đặc biệt, truyền thống quý báu đó còn được minh chứng bằng nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người với tinh thần “cho đi là còn mãi” của hàng nghìn người trên khắp mọi miền Tổ quốc trong những năm qua.

Thủ tướng cũng đánh giá, trong hơn 30 năm qua, lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam đã đạt được sự tiến bộ vượt bậc đó chính là nhờ 3 nhân tố chủ yếu: Thứ nhất: chủ trương, đường lối, chính sách khuyến khích của Đảng, Nhà nước; thứ hai: Sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế; thứ ba: đặc biệt là sự hy sinh cao cả của những người hiến tạng, gia đình người hiến tạng và sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân.

Tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đăng ký hiến tặng mô, tạng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng- Ảnh 2.

Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; “Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác”. Ảnh BYT

Chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi” do Bộ Y tế, Trung ương Hội chữ Thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam thực hiện.

Chương trình nhằm chuyển tải sâu rộng hơn ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của việc hiến tặng mô, tạng cứu người như một nghĩa cử cao đẹp, một biểu tượng sáng chói của lòng nhân ái vì con người trong cộng đồng.

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội vận động hiến tặng mô, Bộ phận cơ thể người Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, chia sẻ, ghép tạng là cứu cánh cuối cùng để dành lại sự sống cho những bệnh nhân mà không có lựa chọn nào khác.

Thực tế tại Việt Nam và trên thế giới hiện có nhiều người đang khắc khoải sống hàng giờ, hàng ngày chờ được ghép tạng để giành lại sự sống.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng- Ảnh 3.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa đăng ký hiến tặng mô tạng. Ảnh BYT

Theo PGS Tiến, nhu cầu ghép tạng trên thế giới và của Việt Nam là rất lớn và ngày càng tăng. Thế giới có dân số khoảng 7,6 tỷ người, hàng năm có 59 triệu người chết do mọi nguyên nhân, nhu cầu cần có ít nhất là 1 triệu người hiến tạng/năm, tuy năm 2023 có 39357 người hiến tạng (đạt 3,9%) và có 164.840 người bệnh được ghép tạng.

Ở nước ta có số người đăng ký hiến tạng và số người hiến tạng sau chết vào loại thấp nhất thế giới, đạt 0,1 người/ 1 triệu dân, trong khi ở Tây Ban Nha là 50 người/1 triệu dân. Nhiều nước, ở Âu Mỹ, luật pháp quy định khi công dân đăng ký thẻ căn cước thì cũng là đăng ký hiến tạng, trừ một số lí do đặc biệt thì mới có đơn xin không đăng ký.

Ngoài quy định hiến tạng sau chết não, luật còn quy định hiến tạng sau chết tim và tuổi hiến tạng của nhiều nước là trên 60 tuổi, có nhiều trường hợp hiến tạng trên 80 tuổi (Việt Nam luật quy định dưới 60 tuổi). Vì thế số người hiến tạng sau chết não ở các nước Âu Mỹ rất cao.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đăng ký hiến tặng mô, tạng- Ảnh 4.

Đông đảo người dân tham gia đăng ký hiến tạng ngay tại buổi lễ. Ảnh BYT

PGS Tiến kêu gọi người dân nên đăng ký hiến tạng để nếu chẳng may bị tai nạn hay bệnh nặng chết não, mọi người vẫn có thể cứu sống thêm nhiều cuộc đời, làm việc thiện kể cả khi chúng ta không còn nữa.

“Thật lãng phí khi chúng ta chôn vùi vào lòng đất thay thiêu đốt những nguồn mô tạng quý giá. Khi hiến tạng, gia đình của người mất vẫn còn nghe thấy tiếng tim đập đầy yêu thương của người thân, cảm thấy hơi thở của người thân qua lá phổi để lại…

Người hiến tạng đã làm được việc có ích nhất sau khi từ giã cõi đời là cứu sống người khác, chắc họ cũng hài lòng và sẽ được tái sinh ở cõi giới phúc lạc hơn trong vòng sinh tử luân hồi như quan niệm của Phật giáo”, PGS Tiến chia sẻ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *