THỨ PHI PHƯƠNG BẮC BÙI MỘNG ĐIỆP – NGƯỜI PHỤ NỮ KHÔN KHÉO VÀ BẢN LĨNH

Nhà tư tưởng Voltaire đã từng nói rằng: “Những sự yếu hèn của người đàn ông đã làm nên sức mạnh cho người đàn bà”. Câu chuyện gia đình của vị vua cuối cùng ở Việt Nam – vua Bảo Đại là điển hình cho câu nói ấy. Mặc dù khi bàn về ông, người ta chỉ nhắc về sự không thành công trên lĩnh vực chính trị, nhưng sẽ là sự thiếu sót khi không nhắc đến sự bản lĩnh của những người phụ nữ gắn liền với cuộc đời của ông. Cái may mắn của Bảo Đại là bên cạnh ông luôn luôn có những người phụ nữ tài sắc vẹn toàn. Nếu Nam Phương hoàng hậu đại diện cho vẻ đẹp “nghiêng nước nghiêng thành” thì thứ phi phương Bắc Mộng Điệp lại là nét đẹp tiêu biểu của người con gái xứ Kinh Bắc. Thông qua việc tìm hiểu và nhìn nhận về những sự kiện trong cuộc đời bà, chúng ta càng thêm tôn trọng và đánh giá cao những đóng góp của người phụ nữ này đối với lịch sử Việt Nam.

Thứ phi phương Bắc Mộng Điệp tên thật là Bùi Mộng Điệp, sinh năm 1924 tại tỉnh Bắc Ninh. Xuất thân trong một gia đình bình dân trong xã hội lúc bấy giờ với cha làm về ngành đường sắt. Từ nhỏ, bà chủ yếu sống cùng với bà nội, sau đó được một người thân đưa lên học tập và định cư tại Hà Nội vào năm 17 tuổi.

Trước khi gặp và đem lòng cảm mến vua Bảo Đại, bà từng có một cuộc hôn nhân với bác sĩ Phạm Văn Phán, một vị bác sĩ tốt nghiệp trường Y Sĩ Đông Dương có cả tiếng tăm và địa vị trong xã hội. Năm 1944, hai người có với nhau một người con trai. Tuy nhiên, vì xung đột về vấn đề tôn giáo trong đời sống gia đình,, hai người đã chia tay. Bà Mộng Điệp đã cắt đứt mọi liên hệ với ông Phán và tự mình nuôi con. 

Sau mấy ngày ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ, vua Bảo Đại được một trí thức Hà Nội là ông Nguyễn Đình Liên sắp xếp một cuộc gặp gỡ với bà Mộng Điệp tại một sân tennis. Với nhan sắc thu hút của mình, bà nhanh chóng tạo ra ấn tượng tốt đẹp và lọt vào mắt xanh của Cựu hoàng để rồi sau đó trở thành “thứ phi”. Có thể nói, đây là một cuộc gặp gỡ định mệnh tạo nên mối tình ‘trái ngang’ giữa hai người. Cũng vì cuộc tình muộn màng này mà lời “thề non hẹn biển” của vua Bảo Đại với bà Nam Phương cũng bị phá vỡ. Bà là một người vợ hết lòng vì chồng và có trách nhiệm với gia đình. Biết Bảo Đại thích cưỡi voi và săn bắn, bà ra sức sắp xếp và tổ chức cho ông khi còn ở Buôn Mê Thuột. Nhờ có tài cưỡi voi, tháo vát và lo lắng mọi thứ chu toàn nên bà được Bảo Đại hết lòng yêu thương. Không những vậy, biết chồng mình có một tâm hồn rất nghệ sĩ và lãng mạn nên thay vì lối tiếp xúc trang trọng xa cách, bà rất biết cách tạo không khí thân mật và ấm áp khi ở bên cạnh ông. 

Không lâu sau đó, bà về sinh sống cùng vua Bảo Đại tại căn biệt thự số 51 Trần Hưng Đạo. Năm 1946, bà sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Phương Thảo, sau đó, bà có với Cựu hoàng hai Hoàng nam nữa là Bảo Hoàng và Bảo Sơn. Dù không được sắc phong một cách chính thức hay tổ chức lễ cưới hỏi, nhưng bà rất được lòng Đức Từ cung Thái hậu và tất cả mọi người. Điều này xuất phát từ cách cư xử và ăn nói khéo léo, cũng như sự hết lòng chăm lo cho việc thờ cúng tổ tiên của hoàng tộc rất chu đáo của bà. Chính vì vậy, bà còn được ban áo mũ để thay mặt Hoàng hậu Nam Phương trong các cuộc tế lễ quan trọng của nhà Nguyễn. 

Tháng 3 -1946, ông Bảo Đại được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang Trùng Khánh thăm viếng Trung Hoa. Sau khi sinh Hoàng nữ Phương Thảo xong, bà Mộng Điệp được Chính phủ cho đi cùng với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đem tiền, vàng sang Hồng Kông cho Cựu hoàng.  

Đến năm 1948, Cựu hoàng Bảo Đại trở lại bắt tay với Pháp, đảm nhiệm chức vụ Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia. Sau đó, ông đón bà Mộng Điệp lên Đà Lạt sinh sống. Năm 1950, bà Mộng Điệp được cử lên Buôn Mê Thuột giúp Cựu hoàng giữ đất Tây Nguyên – nơi được mệnh danh là “Hoàng triều cương thổ”. Có thể nói, đây là khoảng thời gian hạnh phúc nhất mà bà có được trong mối tình với vua Bảo Đại. Năm 1953, do tình hình chiến tranh ác liệt ở Việt Nam, bà Mộng Điệp được Bảo Đại giao cho nhiệm vụ mang cặp ấn kiếm và một số vật báu của triều Nguyễn sang Pháp để giao cho Nam Phương Hoàng hậu. Sau đó, vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau mà bà ở luôn lại Pháp. Trong thời gian sinh sống tại Pháp, mặc dù bị Cựu hoàng lạnh nhạt, bà vẫn hết lòng lo lắng cho ông, nhiều lần chu cấp tiền bạc và quan tâm đến chồng. Dù sau này không còn sống cùng Bảo Đại nhưng bà Mộng Điệp vẫn chăm lo việc thờ cúng tổ tiên nhà Nguyễn, đúng với phận sự của một vương phi thực sự. Mặc dù sống trong hoàn cảnh khó khăn và có thể nhờ vào sự giúp đỡ của người Pháp bất kỳ lúc nào, nhưng bà chưa từng ỷ lại vào bất kì một sự giúp đỡ nào, ngược lại, bà hoàn toàn tự lực chăm lo cho cuộc sống của mình và các con. Tuy không được học rộng, học cao nhưng bà Mộng Điệp lại có tố chất thông minh, nhanh nhẹn, và tài kinh doanh bất động sản, bà đã trở thành người giàu có ở Pháp, trang trải mọi chi phí gia đình lúc đó, và trở thành chỗ dựa vững chắc về mặt tinh thần cho Cựu hoàng. 

Những tưởng nắng hoàng hôn là nắng đẹp nhất, tình sau cùng là tình bền lâu, thế nhưng nào ngờ hoàng hôn mau lụi, mà uyên ương lại nhanh lẻ bầy: những năm tháng cuối đời mình, bà Mộng Điệp sống trong cô quạnh. Sau cái chết của hai người con trai, thứ phi Mộng Điệp trở nên sống khép kín hơn trong một ngôi nhà ở Paris.  Ngày 26 tháng 6 năm 2011, bà Mộng Điệp đã trải qua một ca phẫu thuật do chấn thương ở vùng cổ. Không may, bà đã không qua khỏi ca phẫu thuật và qua đời. Những năm cuối đời, thứ phi Mộng Điệp vẫn gìn giữ tất cả những tư liệu về cựu hoàng Bảo Đại với mong muốn sẽ gửi về Việt Nam. Từ những tư liệu và ý kiến bà cung cấp, nhiều nhà sử học có thể nghiên cứu và đánh giá một cách sâu sắc hơn về cuộc đời cựu hoàng Bảo Đại. Không những vậy, bà còn ra sức vận động tài chính của các tổ chức với mục đích giúp Cố đô Huế trùng tu Văn Thánh và các di tích khác, bà cũng đã vận động các tổ chức tài chính của Tây Ban Nha sẽ giúp sửa sang một số di tích ở Phố cổ Hội An. Sau đó, con gái của bà là Phương Thảo vẫn tiếp tục duy trì những công việc này.

Than ôi, dẫu biết rằng đế vương vốn dĩ đa tình, nhưng phận nữ nhi khi thấy Hồng Loan chiếu rọi sao có thể còn so sánh thiệt hơn? Thiệt hơn âu cũng chỉ ở nhân tâm. Bùi Mộng Điệp tuy chỉ là thứ phi, nhưng vẫn giữ tròn đạo nghĩa, những đức tính và cách cư xử cao đẹp của bà Mộng Điệp được mọi người hết sức kính nể và tôn trọng. Có thể nói, bà đóng vai trò hết sức quan trọng trong cuộc đời của vua Bảo Đại. Theo đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, so với Nam Phương Hoàng Hậu, Mộng Điệp có phần khéo léo hơn và khá có uy với ông cựu hoàng. Chính nhờ những đóng góp của bà đối với lịch sử Việt Nam mà những thế hệ sau đã có được cơ hội tìm hiểu và đánh giá về vị vua cuối cùng của triều Nguyễn dưới nhiều khía cạnh khác nhau, cũng như có cơ hội trải nghiệm những bảo vật lịch sử được lưu truyền từ thế kỷ trước. Do đó, cũng không ngoa khi nhà sử học Trần Trọng Kim đã viết: “… bà Bùi Mộng Điệp, là một người biết đường khinh trọng, biết lời phải chăng”.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *