“thu-pham”-khien-gan-380-nguoi-nhap-vien-o-vung-tau-nguy-hiem-the-nao?

“Thủ phạm” khiến gần 380 người nhập viện ở Vũng Tàu nguy hiểm thế nào?

Liên tiếp các vụ ngộ độc tập thể quy mô lớn

Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, kết quả thử nghiệm mẫu thịt heo, pate heo, chả lụa, rau sống ăn kèm, nước sốt thịt của tiệm bánh mì – xôi Cô Ba Bến Đình (phường 7, TP Vũng Tàu) được lấy vào ngày 26/11 đều không đạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm.

Cụ thể, các mẫu thịt heo và chả lụa có E.coli và Salmonella, pate heo có Salmonella, nước sốt thịt heo có Salmonella. Riêng trong rau sống ăn kèm (hành lá, ngò rí), có E.coli và Salmonella và vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus).

Đến chiều 30/11, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ghi nhận tổng số bệnh nhân đến nhập viện điều trị tại Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsovpetro là 379 người do ngộ độc sau khi ăn bánh mì tại tiệm bánh mì – xôi Cô Ba Bến Đình, trong đó có 1 người tử vong.

img

Nhiều loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn salmonella bởi quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh.

Ở vụ ngộ độc này tìm thấy cả vi khuẩn E.coli là những vi khuẩn ký sinh, bình thường có ở ruột, nên gặp điều kiện thuận lợi nó sẽ gây bệnh. Sự có mặt của E.coli ở ngoại cảnh và trong thức ăn chứng tỏ có sự nhiễm bẩn do phân. Khi chúng xâm nhập vào các cơ quan trong cơ thể có khả năng gây bệnh tiêu chảy.

Còn Salmonella là 1 trong 4 nguyên nhân chính gây ra bệnh tiêu chảy trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới, tiêu chảy là bệnh phổ biến nhất do thực phẩm không an toàn, có khoảng 550 triệu người mắc bệnh tiêu chảy liên quan đến thực phẩm mỗi năm, trong đó có 220 triệu trẻ em dưới 5 tuổi. Vi khuẩn Salmonella cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm tập thể trong thời gian qua ở Việt Nam, trong đó có nhiều vụ ngộ độc bánh mì với số người nhập viện lớn.

Vào tháng 5/2024, hơn 500 người ăn bánh mì Cô Băng (phường Xuân Bình, TP Long Khánh, Đồng Nai) đã phải nhập viện điều trị do ngộ độc thực phẩm. Sở Y tế Đồng Nai đã kết luận nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc thực phẩm trên có liên quan đến vi khuẩn Salmonella. Trong đó, có 16/29 mẫu dương tính đồng thời với 2 chủng vi khuẩn Salmonella và E.coli, 9/29 mẫu dương tính với vi khuẩn E.coli.

Kết quả kiểm nghiệm mẫu thực phẩm lấy tại cơ sở bánh mì nêu trên khi vụ ngộ độc xảy ra do Viện Y tế công cộng TP Hồ Chí Minh thực hiện ghi nhận 4/8 mẫu thực phẩm như: patê, thịt heo đã qua chế biến, chả lụa, dưa muối chua, có kết quả phát hiện vi khuẩn Salmonella.

Vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Tháp vào đầu tháng 8/2024 khiến 149 người nhập viện, với các triệu chứng điển hình như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Các trường hợp này đều ăn bánh mì thịt do Cơ sở sản xuất bánh mì – Hồng Ngọc 12 cung cấp.

Kết quả điều tra của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp sau đó xác định pate gan do cơ sở này sản xuất có vi khuẩn Salmonella.

Vào năm 2023, vụ ngộ độc sau khi ăn bánh mì Cô Phượng ở Hội An khiến 313 người ngộ cũng được kết luận “thủ phạm” là do vi khuẩn Salmonella có trong thịt heo xíu, rau xà lách, hành, rau răm, dưa leo.

Vi khuẩn Salmonella là vi khuẩn nguy hiểm trong số các vi khuẩn đường ruột gây ngộ độc thực phẩm. Nó có thể gây nhiễm trùng nặng và nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em hoặc người cao tuổi và những người có hệ miễn dịch kém.

img

Phải rửa sạch các bề mặt, dụng cụ chế biến thức ăn trước và sau khi sử dụng.

Ngoài việc gây khó chịu như đau bụng, nôn, tiêu chảy, mất nước điện giải, còn có thể gây nhiễm trùng nặng nhiều hơn và tử vong. Tuy nhiên, con vi khuẩn này cũng khá đặc biệt là một số trường hợp, nó vào được máu gây nhiễm trùng nặng, có thể gây biểu hiện về thần kinh như co giật, thờ ơ ở một số bệnh nhân. Đây cũng là thách thức cho việc xử trí, tiên lượng của bác sĩ.

Vi khuẩn nguy hiểm chết người có thể phòng ngừa

Vậy nguyên nhân nhiễm vi khuẩn Salmonella là do đâu? Theo BSCKI Hoàng Đình Thành, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, vi khuẩn Salmonella sống trong ruột người, động vật và chim. Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước ô nhiễm có chứa phân.

Cụ thể, phân có thể dính vào thịt gia cầm trong quá trình giết mổ, hải sản cũng có thể chứa nguồn lây khi sống trong môi trường nước ô nhiễm.

Sữa và các sản phẩm sữa chưa tiệt trùng có thể bị nhiễm khuẩn salmonella. Trong khi đó, quá trình thanh trùng có thể loại bỏ vi khuẩn có hại, bao gồm cả Salmonella.

Rau củ quả tươi, đặc biệt là giống nhập khẩu có thể bị nhiễm khuẩn Salmonella trong quá trình chăm bón hoặc sơ chế làm sạch bằng nước.

Trứng sống hoặc nấu chưa chín mặc dù lớp vỏ trứng có khả năng bảo vệ phần bên trong khỏi sự nhiễm bẩn nhưng gia cầm nhiễm bệnh vẫn có thể đẻ ra trứng chứa vi khuẩn Salmonella (tồn tại trước khi vỏ được hình thành). Đây chính là nguồn lây khi con người ăn phải.

Nhiều loại thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn Salmonella bởi quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh, chủ yếu là do không rửa tay kỹ trước khi thực hiện.

img

Trứng sống hoặc nấu chưa chín cũng có thể bị nhiễm vi khuẩn Salmonella.

Bên cạnh đó, các loại động vật nói chung, bao gồm cả vật nuôi, đặc biệt là chim và bò sát có thể mang vi khuẩn Salmonella trên lông, da và phân của chúng. Do đó, đây cũng là nguồn lây nhiễm nên lưu ý.

Bệnh do nhiễm khuẩn Salmonella thường có các triệu chứng được đặc trưng là sốt, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và đôi khi nôn mửa. Các triệu chứng bệnh bắt đầu xuất hiện từ 6–72h (thường là 12–36h) sau khi ăn phải Salmonella và bệnh thường kéo dài 2–7 ngày.

Để phòng ngộ độc Salmonella, BS Thành khuyến cáo người dân không nên chế biến thực phẩm cho người khác khi bản thân đang bị bệnh; luôn rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh; rửa tay kỹ trước và sau khi chế biến thức ăn hoặc ăn uống. Rửa sạch các bề mặt, dụng cụ chế biến thức ăn trước và sau khi sử dụng. Đảm bảo thực phẩm được nấu chín đến nhiệt độ an toàn trước khi ăn.

Không xử lý bất kỳ loại thực phẩm nào khác trong khi đang sơ chế, chế biến thịt sống, thịt gia cầm, hải sản hoặc trứng. Làm lạnh hoặc đông lạnh thịt gia súc, gia cầm và hải sản càng sớm càng tốt nếu chưa sử dụng đến.

Không uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa được tiệt trùng. Không uống nước chưa được xử lý hoặc ăn thức ăn được chế biến từ nước chưa được xử lý

Theo các chuyên gia, phòng ốc và dụng cụ chế biến thực phẩm như dao, thớt, vật dụng chứa đựng (khay, hộp), bề mặt chế biến, nguồn gốc thực phẩm, bàn tay, sức khỏe người chế biến, côn trùng, chuột, nhà vệ sinh…không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vi khuẩn từ nguyên liệu thực phẩm, từ các môi trường chế biến như trên, hoặc từ người chế biến mang mầm bệnh vào bữa ăn.

Các loại thịt xay, nghiền, băm nhỏ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn này phát triển. Thực phẩm nguội hoặc thực phẩm chế biến trước khi ăn quá lâu, khi ăn không đun lại cũng có nguy cơ ngộ độc thực phẩm do Salmonella.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *