THƯ GỬI CON DÂU TƯƠNG LAI!

Một ngày nào đó, đọc được bức thư này, con sẽ hiểu vì sao mẹ lại đối xử với con như đối với một người đặc biệt như vậy. Từ những trải nghiệm và thực tế xung quanh, mẹ đã rút ra bài học, mà mẹ cho rằng: nếu tất cả các bà mẹ chồng trên đất nước này, ai cũng đồng tình và thực hành tốt, thì mối quan hệ “mẹ chồng nàng dâu” sẽ tốt đẹp hơn biết mấy. 

Bức thư này mẹ gửi cho con, nhưng thật ra chính là để tự dặn mình: cố gắng không làm rạn nứt mối quan hệ mà mình cần thiết phải vun đắp.

Có lẽ con đang tò mò muốn biết vì sao mẹ lại trân quý mối quan hệ này như vậy?… Tất cả những lý do mà con có thể nghĩ đến, đều có thể không sai. Nhưng với mẹ, đơn giản chỉ có một điều: con là cô gái đã dũng cảm chấp nhận rời xa gia đình, để đến với gia đình của mẹ, đặt niềm tin và hạnh phúc vào bàn tay con trai mẹ. Là người sẽ thay mẹ chăm sóc và yêu thương đứa con trai của mình và mang đến cho gia đình thêm thành viên mới. Chỉ cần lý do này thôi, mẹ đã thấy con xứng đáng được gia đình chồng yêu thương và đối đãi như những người ruột thịt!

Nhưng trên thực tế thì, có biết bao cặp vợ chồng đứt gánh giữa đường, mà nguyên nhân dẫn đến đổ vỡ lại từ chính những bà mẹ chồng, cô em chồng hay gia đình chồng – những người đã coi và đối xử với con dâu như những “kẻ khác máu tanh lòng”. 

Bởi vậy, ngay từ khi Gấu Con của mẹ còn nhỏ, mẹ đã nghĩ rằng, cần thiết phải có những tư duy và quan điểm phù hợp. Phải xác định ngay từ đầu:

1. Không quy trách nhiệm báo hiếu (nếu cần) hay phục vụ bố mẹ/gia đình chồng cho con. Trách nhiệm này thuộc về những người chịu ơn sinh thành, dưỡng dục từ bố mẹ. Trách nhiệm của con là chăm lo cho gia đình nhỏ của mình, con chỉ cần làm tốt việc này thôi là được.

2. Không quy trách nhiệm thờ cúng ông bà tổ tiên cho con. Mẹ là con dâu của ông bà, nên mẹ là người chịu trách nhiệm hỗ trợ bố chồng con làm việc đó khi sinh thời. 

Khi mẹ không còn nữa thì con trai/ con gái thừa tự và đời sau nữa thì, cháu trai/ cháu gái thừa tự của bố mẹ chịu trách nhiệm này. Con chỉ đóng vai trò hỗ trợ con trai/ cháu nội hoàn thành phận sự (nếu có). 

Mục đích của việc thờ cúng, là để tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn với liệt tổ, liệt tông, để ghi nhớ rằng: có những người đó thì mới có mình. Nên trách nhiệm đó phải được thực hiện bởi những người cùng huyết thống. 

Có một câu chuyện thế này: ở gia đình nọ, gia đình ông chú chồng là người thừa kế nhà cửa của ông bà, cũng là người chịu trách nhiệm thờ cúng. Song, gia đình họ lại nghĩ đó là việc của cô cháu dâu ở cùng bố mẹ chồng ngay nhà bên cạnh (dù nhà bố mẹ chồng không thờ ông bà, chồng cũng không phải cháu đích tôn). 

Ngày giỗ ông bà, con ruột, con dâu và các cháu ruột của ông bà, người thì bận đi công tác, kẻ bận kinh doanh, đứa thì vắng mặt không cần lý do. Cháu thừa tự, ăn lộc của ông bà, con cháu ruột thịt cũng rất “thờ ơ” với công việc của nhà mình. Cô cháu dâu cứ auto hết dọn rồi rửa, đau gãy cả lưng, cũng chẳng được ai ghi nhận, chẳng ai xót thương. Cô hy sinh cả đám giỗ bên ngoại để làm giỗ cho bên nội nhưng cũng chẳng ai quan tâm. 

Dù không thừa tự, không ruột già, nhưng cô cháu dâu này, hễ cứ vắng mặt, dù là với bất cứ lý do gì thì cũng bị cho là vô trách nhiệm, vô dụng, trốn việc.. 

Như vậy, có phải là quá bất công với con dâu hay không? Chẳng phải là “kẻ chuyên ăn lộc, người chuyên quét chùa” hay sao?

3. Không ngăn cản việc con về nhà ngoại thường xuyên, bao gồm dịp Tết… Vì quanh năm con đã ở nhà chồng, vài ba ngày con ở với bố mẹ đẻ, những người có công sinh thành dưỡng dục với con, nào có thấm tháp gì. Vài đồng lễ hỏi bèo bọt, không bao giờ đủ để “mua đứt bán đoạn” con về hẳn nhà chồng.

4. Khuyến khích con chăm lo, báo hiếu bố mẹ đẻ. Vì báo hiếu là việc thiện có giá trị nhất trong các việc thiện. Con làm tốt việc này thì cháu mẹ hưởng lộc, con trai mẹ được nhờ.

5. Mẹ sẽ để con sống theo một cách hồn nhiên và vô tư nhất có thể. Vì nếu mẹ cứ xét nét từng câu chữ, từng hành động của con thì hẳn là con sẽ cảm thấy rất khó thở. “Nhân vô thập toàn”, cuộc sống của mẹ cũng sẽ khó chịu biết mấy khi tự nhiên lại có “đối thủ”, xăm soi ngược lại từng lời nói, việc làm của mẹ.

6. Có điều gì không bằng lòng, mẹ sẽ cởi mở, góp ý với con một cách chân thành và tế nhị. Vì nếu áp đặt quan điểm, bằng mặt nhưng không bằng lòng, sưng xỉa vô cớ, hay nói mỉa nói xéo.. thì con sẽ không hiểu mẹ muốn gì, con sai ở đâu, và vì thế, chắc chắn con sẽ không phục. 

Mẹ cũng không dùng hạ sách nói xấu sau lưng. Vì làm vậy, người xấu mặt đầu tiên là chồng con và gia đình mẹ. Vạch áo cho kẻ xấu xem lưng, họ sẽ công kích để gia đình mình thêm chao đảo vì mâu thuẫn. 

7. Nếu xảy ra bất đồng, mẹ sẽ trao đổi với con trực tiếp trên tinh thần tôn trọng con, tôn trọng sự thật, lắng nghe và cả cầu thị. Nếu vì “cái tôi” và “sự hiếu thắng” của mình mà mẹ nói sai, nói dối thì chắc hẳn mẹ sẽ bị con coi thường. Nếu không cầu thị, mẹ nói sẽ chẳng ai nghe.

Mẹ sẽ “gạn đục, khơi trong”, khoan dung với những thiếu xót của con, ghi nhận những mặt tích cực của con. 

Mẹ tin rằng, với tình yêu thương, sự công tâm, chân thành và vị tha, mọi mâu thuẫn đều được giải quyết. 

Và đương nhiên, mẹ sẽ không góp ý với con những điều mà mẹ hay gia đình nhà chồng con còn làm chưa tốt. Vì nếu không làm gương thì sẽ không nói được người khác.

8. Trách nhiệm của bố mẹ là chỉ bảo, hướng dẫn, giúp con hoà nhập với gia đình. Nếu con có khúc mắc với bất cứ thành viên nào trong gia đình/ họ mạc, mẹ sẽ là cầu nối, gắn kết hai bên, chứ không bằng cách này hay cách khác, gây chia rẽ hay khiến mọi người cô lập con. Vì mỗi người một lăng kính, một góc nhìn. Quan trọng là, con là người trong nhà, sau này già yếu, mẹ nhờ các con, chứ không nhờ họ mạc. Gia đình mình cưới con về để có thêm người, chứ không phải để bớt đi. 

9. Nếu con phải sống chung với em/ chị chồng, mẹ sẽ dạy con mình thương lấy chị/ em dâu, chứ không chỉ dạy con phải thương con gái mẹ. Vì dù con có thương mà em/ chị chồng không biết điều, đành hanh đành hói, làm em nhưng lại hay xét nét, cư xử theo cách muốn làm “mẹ” chị dâu.. thì sớm hay muộn, các con cũng không đội trời chung. Đây là điều bất lợi, đặc biệt là khi bố mẹ không còn nữa. 

Mâu thuẫn giữa chị em con, bố mẹ sẽ đứng ra giải quyết, trên cơ sở công bằng, lắng nghe, tôn trọng và bình đẳng với cả hai bên. Nếu thiên vị con gái hay té nước theo mưa, con dâu sẽ có cảm giác: mình đúng là “người dưng” trong gia đình mà thôi. 

10. Không giữ quan niệm xưa cũ “thuyền theo lái, gái theo chồng”, “nhập gia tuỳ tục” cổ hủ. Nếu con có ý hay, bố mẹ và cả nhà sẽ cùng học hỏi để gia đình có nếp sống tốt hơn.

11. Dù con hay chồng con là trụ cột tài chính trong gia đình thì con vẫn là người quan trọng. Nếu không kiếm ra tiền, con sẽ giúp chồng quản lý tài chính, chăm sóc con cái, vun vén nhà cửa, là hậu phương cho chồng con toàn tâm toàn ý kiếm tiền. 

Còn nếu con là người lo tài chính, thì mẹ càng thương và trân trọng con hơn. Vì con đã phải làm thay vai trò của một người đàn ông trong gia đình, thêm việc bếp núc nhà cửa nữa, là gánh vác cả hai vai một lúc. 

12. Mẹ sẽ không dạy con trai: “việc bếp núc, việc nhà là việc của phụ nữ.”. Chưa nói đến sự bình đẳng theo Luật Hôn nhân và Gia đình, cuộc sống hôn nhân mà thiếu đi sự cảm thông, chia sẻ, cùng gánh vác.. Nghĩa vụ đè hết lên vai chỉ một người, thì đến siêu nhân cũng cảm thấy đuối, rồi cũng có lúc sẽ phải buông tay.

13. Nếu còn sức khoẻ, mẹ sẽ đỡ đần các con việc nhà khi con bận (một cách vui vẻ, không miễn cưỡng). Nếu cần con san sẻ, mẹ sẽ trao đổi trực tiếp. Việc của mẹ, không có con, mẹ vẫn phải làm. Cơm không thể không nấu, nhà không thể không dọn… Có như vậy, sau này mẹ đau yếu, con phải phục vụ mẹ thì mẹ cũng đỡ áy náy.

14. Dù con đã là người nhà với mẹ, nhưng mẹ vẫn tôn trọng quyền riêng tư của con. Không hiếu kỳ cuộc sống riêng của con. Đồ của con mang về, mẹ sẽ không tự ý sử dụng.

15. Khi con sinh nở, mẹ sẽ hỗ trợ con những việc có thể (một cách vui vẻ, không miễn cưỡng) để con có thời gian chăm con cho tốt. Mẹ sẽ tạo không khí vui vẻ để tinh thần con luôn thoải mái, cho con có nhiều sữa để cháu bà được nhờ. Đời con chắc cũng chỉ nhờ bố mẹ khúc này thôi mà. 

Con là người sẵn lòng đứng trước “cửa mả” để sinh con đẻ cháu cho gia đình chồng, hà cớ gì trách nhiệm hỗ trợ con, mẹ lại muốn đẩy cho nhà ngoại? 

16. Mẹ sẽ không can dự, gièm pha việc các con nuôi, dạy con cái. Vì mỗi thời mỗi khác, và chẳng có ai muốn tốt hơn cho gia đình, cho con bằng người mẹ. Nếu thất bại, mẹ tin là con sẽ tự biết bắt đầu lại từ đâu. 

17. Mẹ sẽ không so sánh con với “con dâu nhà người ta”, vì chắc gì mẹ đã đối xử với con được tốt như “người ta” đối xử với con dâu của họ. Mọi sự so sánh trên đời đều khập khiễng. 

“NHÌN CÂY SỬA ĐẤT, NHÌN CON SỬA MÌNH”. Việc mẹ cần làm là làm tròn vai của mẹ, làm tấm gương sáng để con soi vào mà thôi. 

18. Nếu có điều kiện, bố mẹ sẽ để các con ở riêng ngay từ đầu. Bởi khác biệt về tuổi tác, lối sống và quan điểm sẽ dẫn đến nhiều mâu thuẫn. Nếu hai mẹ con mình không khéo cư xử, con trai mẹ sẽ là người khổ nhất.

19. Là phụ nữ vốn đã khổ lắm rồi, không nên gây đau khổ cho nhau thêm nữa.

Khái niệm về hạnh phúc, đối với mẹ cũng đơn giản lắm: “Hạnh phúc của một gia đình chỉ có được khi và chỉ khi mọi thành viên trong gia đình đều đối xử với nhau như những người ruột thịt”.

Nguồn: Jenny Ubi

Chỉ mong rằng sau này chị có con dâu c sẽ vẫn nhớ và làm được như bài viết này c nhé. Hy vọng thế hệ mẹ chồng sau này sẽ văn minh hơn, vì chỉ cần nghĩ đơn giản rằng thương dâu, tốt với con dâu thì con dâu sẽ bớt đi gánh nặng mang tên “mẹ chồng- nàng dâu”, con trai mình sẽ bớt đc gánh nặng đứng giữa “mẹ ruột và vợ”, chúng nó sẽ có nhiều thời gian chăm sóc nhau, yêu thương, vun vén hp GĐ, con cái, sự nghiệp…thay vì mệt tâm vì mẹ chồng hay GĐ chồng. Nếu ko giúp được thì mong rằng đừng vì sự ích kỷ, hẹp hòi của mẹ chồng và GĐ chồng mà làm con cái phải lục đục cãi cọ, thậm chí là ly hôn. Mình vẫn luôn nói mẹ đẻ mình, nếu mẹ giận chị dâu hoặc ko vưa lòng cái gì, mẹ thử nghĩ lại 1 chút nếu đó là con hay chị gái con làm, nói như thế thì mẹ có giận ko đã, tại sao với con gái thì có thể bỏ qua mà với con dâu thì chấp nhặt từng tí một được. Còn bố mẹ mình thì chỉ nói 1 câu luc anh trai mình lấy vợ là mấy ce sẽ tự biết cách cư xử “đã lấy anh trai mình thì là chị dâu mình, dù có là chó là mèo cũng là chị, 1 tiếng chị , 2 tiếng cũng phải chị (vì c gái minh bằng tuổi c dâu nhưng ko được kêu ngang), nếu cãi cọ, xung đột chưa cần biết đúng sai ra sao thì lỗi là do đứa em mất nết trước”, vì thế c dâu mình có tới 3 đứa em chồng luôn nhưng ko đứa nào dám mất nết đành hành chị hết, dù ko thân thiết tình cảm đc như ce ruột nhưng cũng ko bjo có xung đột cãi vã, đành hanh giữa em ck-chị dâu. Bởi vậy, ta nói “muốn con cái hòa thuận, cha mẹ phải công bằng”, công bằng ơ đây ko phải la chia tài sản hay gì cả, mà là trong cách đối xử hàng ngày thôi, đứa nào sai phải biết dạy chứ đừng đổ lỗi hết cho con dâu chỉ vì nó là “người ngoài”, muốn dạy anh chị thương em thì phải dạy em tôn trọng lễ phép với ac là điều căn bản nhất.

Các bà mẹ chồng Ko mất công sinh thành dưỡng dục, mà tự dưng có thêm đứa con gái, nó đến và yêu thương con trai mình, sinh ra cho gia đình những thiên thần đáng yêu. Vậy nên hãy yêu thương nó vô điều kiện, giống như yêu thương những người con ruột của mình (mất công đẻ, mất công nuôi), để rồi có thêm một người con gái để yêu thương, sẻ chia và chăm sóc mẹ chồng khi về già, mỗi khi trái gió trở trời. Cuộc sống đơn giản vậy thôi, cho đi yêu thương thì mới mong nhận lại yêu thương!!!

Giải pháp để không xảy ra vấn đề mẹ chồng – nàng dâu là Ở RIÊNG ☺️Chớ mình đọc tới đoạn mẹ sẽ nói em ck hoặc chị ck mà ở chung vs nhau mà tôn trọng, hiểu nhau yêu thương nhau thì thấy hơi làm khó đôi bên nếu như đã ko hoà hợp từ đầu thì mãi mãi về sau dù có làm gì cũng ko hoà hợp đc. Cho nên giải pháp cho mọi giải pháp vẫn là câu “ Gần thúi – Xa thơm, Cơm ai nấy ăn – Nhà ai nấy ở, việc ai nấy làm”Lâu lâu gặp lại có khi lại quý nhau

Mình đã làm mẹ chồng và luôn đứng về phía con dâu nhưng đọc lời văn này mình thấy đây là bà mẹ chồng tuyệt vời nhìn thấu đáo và sâu sắc trên cuộc đời này ai thật là may mắn được bước chán vào gia đình của em 👍👍👍

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *