thong-tu-29-“siet”-day-them,-nhieu-giao-vien-lac-quan:-“biet-dau-duyen-den-muon-mang!”

Thông tư 29 “siết” dạy thêm, nhiều giáo viên lạc quan: “Biết đâu duyên đến muộn màng!”

Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm: Nhiều giáo viên lạc quan

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho hay: “Thời gian đầu khi nghe thông tin về Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm, nhiều giáo viên như tôi lo lắng lắm. Tuy nhiên, bây giờ tôi thấy đây là cơ hội để tôi nhìn lại công việc và cuộc sống”.

Theo cô giáo này, trước đây mỗi ngày cô dành thời gian ở trường từ 7h30-17h, điều đó có nghĩa cô phải ra khỏi nhà lúc gần 7h và về nhà lúc gần 18h. Nhưng trong tuần cô có 3 buổi dạy thêm sau giờ học chính khóa, 1 buổi dạy vào sáng thứ 7 nên buổi tối ít có thời gian ăn cơm cùng gia đình và khá mệt mỏi. 

“Từ ngày 14/2, tôi cho học sinh tạm nghỉ học theo Thông tư 29. Thời gian này dù hơi nghèo hơn nhưng tôi thấy thoải mái hơn, chăm lo cho gia đình, bản thân và bài giảng cho ngày hôm sau”, cô giáo chia sẻ.

Thông tư 29

Nhiều giáo viên đồng tình với Thông tư 29. Ảnh minh họa: Tào Nga

Đây cũng không phải ý kiến duy nhất về việc siết dạy thêm học thêm. Trên mạng xã hội nhiều giáo viên cũng bày tỏ lạc quan. 

“Mình cũng là giáo viên cấp 3 nhưng cảm thấy không có quá nhiều trăn trở về Thông tư 29. Cuộc sống vẫn diễn ra, chỉ là giảm đi vài triệu tiền dạy thêm trong trường (dù lương mình không cao). Thời gian dư ra, mình tập tành làm thêm việc khác. Biết đâu duyên đến muộn màng, mình lại tìm được 1 nghề tay trái đúng sở thích và mang lại thu nhập khá hơn. 

Thương học sinh thì mình chăm chút hơn cho bài giảng chính khoá, hỗ trợ học sinh trong khả năng. Gia đình học sinh sẽ tự đưa ra quyết định việc cho con học ở đâu, học văn hoá hay học kỹ năng sống, cho nghỉ ngơi rong chơi hay cho lao động… Còn lại ngành giáo dục và xã hội sẽ lo. Giáo viên tốt nhất làm theo đúng quy định, đừng lách luật, cũng đừng than thở làm gì, kẻo xã hội lại nghĩ xấu cho thầy cô”.

Cô Trần Huyền, từng là giáo viên và hiện vẫn làm song song 2 nghề nêu ý kiến: “Có rất nhiều cách để trang trải cuộc sống, có thể mình vất vả hơn nhưng không bị mất đi phẩm hạnh của chính mình.

Mình dạy học ở trường phổ thông 10 năm ở một tỉnh sau đó chuyển sang làm công chức ở một cơ quan nhà nước ở Trung ương 14 năm nay. Nhớ nghề, đam mê với nghề, yêu trẻ, mình đi làm 8 tiếng ở cơ quan, về đến nhà là mình lại dạy thêm tiếng Anh cơ bản cho học sinh phổ thông từ lớp 6 đến lớp 12 cho học sinh quen biết. Mình cũng phải thường xuyên thức khuya đến 1-2 giờ sáng soạn và cập nhật giáo trình. Làm việc song song hai nghề nhưng không có nghĩa là mình xao nhãng việc cơ quan hay tranh thủ ăn bớt giờ của cơ quan.

Là người đã từng công tác trong ngành giáo dục, mình chỉ nêu góc nhìn cá nhân của mình về việc dạy thêm và học thêm. Với học sinh, thời mình đi học, mặc dù mẹ mình dạy tiếng Anh nhưng do mẹ mình bận dạy ở trường và dạy cho các công ty suốt ngày, 3 chị em mình cũng toàn tự học và cũng toàn được giải Học sinh giỏi và học trường điểm hay THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định nên mình khuyến khích các con tự học. Khi dạy, mình áp dụng đúng phương pháp của Bộ GDĐT là gợi mở kiến thức cho học sinh còn trò phải chủ động, chăm chỉ học. Và nhiều học sinh của mình cũng thay đổi cách học tiếng Anh một cách đáng kể.

Với giáo viên, mình nghĩ nếu thu nhập hiện tại chưa phù hợp với yêu cầu cuộc sống của mình hoặc đam mê với nghề nào đó, giáo viên cũng có thể làm thêm nghề tay trái một cách chính đáng. Mong các thầy cô luôn sống tích cực, đam mê với nghề và thành công”.

Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm: Những kỳ vọng cần thực hiện đồng bộ

Liên quan đến những nội dung đang gây tranh cãi thời gian qua của ngành giáo dục, cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội, chia sẻ những tâm tư, kỳ vọng của một nhà giáo có nhiều năm kinh nghiệm.

Theo cô Lan, đảm bảo giáo viên được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của ngành giáo dục và nhà nước một cách kịp thời, bao gồm: mức lương, phụ cấp, khen thưởng, chế độ dạy thừa giờ (nhiều năm nay chưa trả), chế độ dạy học sinh khuyết tật (nhiều năm chưa trả) và các quyền lợi khác, nhằm giúp giáo viên yên tâm công tác. Gần đây nhất là Nghị định 73 của Chính phủ và Nghị quyết 46 của HĐND Hà Nội.

Thông tư 29

Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên Trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: NVCC

Việc quản lý dạy thêm một cách chặt chẽ và hợp lý sẽ đảm bảo quyền lợi cho học sinh, phụ huynh và giáo viên, tránh những hệ lụy tiêu cực từ việc cấm dạy thêm một cách toàn diện.

Kêu gọi phụ huynh chủ động hơn trong việc đồng hành với con em mình, hỗ trợ nhà trường trong công tác giáo dục để tạo nền tảng vững chắc cho các em cả về tri thức lẫn nhân cách vì hiện nay rất nhiều sự cám dỗ vây quanh các em học sinh.

Đề xuất tổ chức các buổi tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề để rèn luyện cho học sinh những giá trị nhân văn như lòng nhân ái, lòng biết ơn, tình yêu đất nước, nhằm định hướng cho các em về ý nghĩa của việc học tập và rèn luyện vì nhiều học sinh đang bị ảnh hưởng của mạng xã hội định hướng.

Nhấn mạnh mục tiêu giáo dục không chỉ dừng lại ở việc truyền đạt tri thức mà còn phải giúp học sinh hình thành nhân cách, phát triển tư duy sáng tạo và lòng yêu nước để trở thành những công dân có ích, góp phần xây dựng đất nước. Giúp học sinh định hướng học tập và rèn luyện để trở thành người có trí tuệ người, có giá trị,….

Những kỳ vọng này nếu được thực hiện đồng bộ sẽ góp phần tạo nên một nền giáo dục phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu của xã hội và tương lai đất nước.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *