Giá trị lớn của việc hạn chế dạy thêm
Trước tranh cãi về quy định dạy thêm, học thêm, trao đổi với PV báo Dân Việt, chuyên gia giáo dục Đào Ngọc Cường nêu quan điểm: “Việc hạn chế dạy thêm, học thêm tại trường có những mặt rất tích cực bởi lẽ như trước đây dù học sinh không có nhu cầu cũng vẫn phải đi học. Điều này ai cũng phải thừa nhận chắc chắn đúng. Vì sao lại dùng từ phải? Nếu mới đọc có người nghĩ rằng do giáo viên ép hay dọa… nhưng thực tế chỉ là 1 số lượng rất nhỏ như vậy. Người ép học sinh đi học thêm chính là cha mẹ. Vì cha mẹ sợ con mình không bằng con người ta, sợ con không đi học sẽ không thể hiểu sâu, thi cử điểm sẽ thấp…
Điều này dẫn đến số học sinh muốn đi học thêm cực thấp vì tâm lý con người rất ngại phải làm điều mình không muốn. Do vậy hiệu quả của việc học thêm cũng hạn chế. Nhưng được ít còn hơn không nên vẫn cứ phải đi vì bố mẹ không muốn con ở nhà lại chơi điện tử,…
Nhưng tôi muốn nói ở góc độ tích cực: Trước đây chỉ đua nhau đi học văn hóa mà kỹ năng gần như bỏ ngõ hoặc có cho vui. Trong khi kỹ năng quyết định 26% và thái độ 70% kiến thức chỉ 4%. Vậy mà lâu nay đa số chúng ta chỉ tập trung vào 4%. Học sinh thành gà công nghiệp, học lý thuyết không áp dụng được thực tế. Điểm giáo dục công dân tổng kết 10 điểm mà học sinh chưa chuẩn mực.
Theo tôi từ 14/2/2025 cấm dạy thêm văn hóa ở trường là cơ hội để giúp học sinh học thêm kỹ năng. Các trường cần chọn ra giáo viên nào có năng lực thực tiễn, năng khiếu, tố chất… để cho học thêm chứng chỉ kỹ năng sống, giá trị sống. Tất nhiên học để lấy chứng chỉ là mặt pháp lý còn cần học thêm nhiều khóa phát triển bản thân của các chuyên gia dạy thực tế. Giáo viên hoàn toàn có thể dạy kỹ năng sống cho học sinh tuần 2 buổi. Thu tiền từ phụ huynh theo đăng ký tự nguyện điều này đảm bảo cả về pháp lý, giá trị, nhu cầu thật.
Rất mong các hiệu trưởng sẽ linh hoạt và dám nghĩ dám làm dám đổi mới. Đây là con đường rất đúng đắn, phù hợp và cần thiết. Tôi tin chắc rất nhiều phụ huynh sẽ ủng hộ. Sẽ là thực tế và có tính thuyết phục cao nhất mà không cần mang danh kỹ năng sống lúc đầu rồi sau dạy văn hóa”.
Các trường trăn trở về dạy thêm, học thêm
Theo thầy Nguyễn Minh Phi, Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, năm 2024, Hà Nội tăng 5 bậc tại kỳ thi tốt nghiệp THPT (từ vị trí 16 lên vị trí 11). Kết quả này là rất đáng ghi nhận, thể hiện sự cố lực, cố gắng vượt bậc của toàn ngành nói chung và các trường THPT nói riêng. Phát huy thành quả đó, đơn vị đang thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch năm học nhưng sau khi nhận được Thông tư 29, nhà trường bắt đầu cho cho dừng toàn bộ hoạt động dạy thêm, học thêm trong nhà trường.
“Có một điều chúng tôi rất trăn trở đó là, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, điều này dẫn đến bỡ ngỡ cho cả thầy và trò. Với học sinh, nếu không có quá trình chuẩn bị và ôn tập kỹ thì kết quả thi tốt nghiệp THPT khó có thể đạt như kỳ vọng”, thầy Phi chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Đặng Xá, huyện Gia Lâm đặt câu hỏi: “Các nhà trường triển khai mô hình dạy 2 buổi/ngày có vi phạm Thông tư 29 không vì liên quan việc thu kinh phí dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Thông tư quy định về việc chỉ được dạy thêm trong nhà trường với 3 đối tượng (học sinh giỏi, học sinh kém, học sinh cuối cấp) và không thu phí nhưng lại có điều mục “kinh phí tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”. Vậy khoản thu nào là khoản thu hợp pháp? Ngoài ra, việc triển khai dạy bổ trợ tiếng Anh hay hoạt động liên quan dạy các môn học khác bằng tiếng Anh, các môn ngoại ngữ 2 (tiếng Nhật, tiếng Hàn) có vi phạm quy định dạy thêm – học thêm không?”.
Trong khi đó, thầy Cấn Văn Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Dị Nậu, huyện Thạch Thất, cho biết: các cơ sở giáo dục băn khoăn vì quy định quản lý dạy thêm, thêm học thêm, đặc biệt với vùng nông thôn và vùng kinh tế còn khó khăn.
“Dạy thêm trong nhà trường có ưu điểm là mức giá thấp, được triển khai nhiều năm, có nền nếp, góp phần nâng cao chất lượng dạy – học và hoàn toàn tự nguyện. Nay cấm dạy thêm, học thêm trong nhà trường (có thu phí) thì học sinh có nhu cầu học thêm sẽ phải tự tìm đến các cơ sở giáo dục ngoài nhà trường với giá cao hơn mà chất lượng chưa được kiểm định. Cơ sở vật chất, nền nếp dạy học tại các cơ sở ngoài nhà trường, nhất là khu nông thôn khó đáp ứng yêu cầu. Phần lớn phụ huynh đi làm cả ngày và có nguyện vọng cho học thêm tại trường, ngoài việc được học kiến thức, các con còn được quản lý và bảo đảm an toàn.
Không những vậy, Thông tư 29 có hiệu lực vào đầu học kỳ II, tức là giữa năm học 2024 – 2025; trong khi đó các nhà trường đã xây dựng và được phê duyệt kế hoạch dạy học ngay từ đầu năm học (bao gồm cả dạy thêm học thêm) thì nay lại phải điều chỉnh, tạo khoảng trống hụt hẫng với giáo viên, nhà trường…”, thầy Bình bày tỏ.