“Thông minh”, “tư duy” hay “suy nghĩ” nên được hiểu như thế nào?

Liệu chỉ với việc rèn luyện, chúng ta có thể khiến đầu óc mình trở nên thông minh hơn hay không? Lý do tôi muốn làm sáng tỏ điều này là bởi tôi luôn lấy hoạt động giáo dục, đào tạo làm cốt lõi trong công việc của mình.

Khi mới bắt đầu công việc, tôi nhận thấy hầu hết chương trình đào tạo đều đã định sẵn một tiền đề: Chỉ cần dạy cùng một nội dung cho những người học (học sinh) có cùng mức độ hiểu biết như nhau, thì sẽ thu được thành quả giống nhau. Thực tế lại không phải vậy. Mỗi người có một trình độ hiểu biết cũng như khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau.

Có những học sinh nghe một hiểu mười, có thể tự học theo cách của riêng mình mà không cần đến sự hướng dẫn của giáo viên. Trái lại, có những người dù đã được giảng giải nhiều lần vẫn không hiểu, nói mười nhưng chỉ hiểu được một. Sự khác biệt đó là do lối suy nghĩ và cách xử lý thông tin của họ chênh lệch nhau quá lớn.

Nhiều người cứ khăng khăng rằng ai cũng có khả năng tiếp thu như nhau, nhưng đến khi không đạt được kết quả như ý thì lại đổ thừa do mình chưa cố gắng hết sức, hoặc do không có hứng làm việc, mà không nghĩ rằng mấu chốt nằm ở cách tư duy. Điều này dễ khiến chúng ta liên tưởng đến giáo dục trong trường học mà đối tượng hướng đến là trẻ em.

Ngay cả người lớn khi đã đi làm thì hoàn cảnh giáo dục vẫn tương tự như trẻ con. Cùng nghe một bài giảng, cùng đọc một cuốn sách kinh doanh, có người sẽ biết cách ứng dụng để thành công, nhưng cũng có người không tích lũy được gì cho mình. Sự khác biệt đó là do tư duy và cách xử lý thông tin. Thế nhưng, nhiều người còn mang trong mình định kiến rằng sự thông minh ở mỗi người là bẩm sinh, là thứ không thể thay đổi được.

Thực tế, trong quá trình dạy học cho trẻ em và làm cố vấn cho các doanh nghiệp, tôi đã rút ra được một kết luận từ kết quả phân tích giữa “người thông minh” và “người không thông minh”: “Người thông minh” là người có sự khác biệt về cách suy nghĩ và lối tư duy. Họ có thể tự thay đổi bất kỳ lúc nào họ muốn.

Đương nhiên, lối tư duy cũng chính là cá tính. Bạn chẳng cần phải thay đổi nếu thấy điều đó không cần thiết. Tốc độ di chuyển của mỗi người là khác nhau, có người đi nhanh, có người đi chậm. Nếu không gặp trở ngại hay khó khăn gì thì cứ giữ nguyên tốc độ như thế cũng được. Chỉ có điều, nếu muốn chạy nhanh, bạn cần học cách làm thế nào để chạy nhanh và rèn luyện nó.

Tương tự như vậy, nếu muốn trở nên thông minh, bạn phải học phương pháp và rèn luyện trí thông minh. Một khi đã muốn thì bất kỳ ai, vào bất cứ lúc nào, cũng có thể trở nên thông minh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *