THÔNG GIA và TRANH ĐOẠT

Có lẽ, câu chuyện lợi dụng tình thông gia để hãm hại đối phương trong sử Việt nổi tiếng nhất là giữa hai gia đình Thục Phán và Triệu Đà. Nàng Mị Châu ngơ ngác trở thành tội đồ của dân tộc. An Dương Vương mất nước vô cùng cay đắng.

Ngoài ra, trong sử Việt cũng có câu chuyện tình thông gia bi đát không kém. Đó là sự kiện diễn ra dưới thời nhà nước Vạn Xuân giữa Triệu Quang Phục và Lý Phật Tử. Điểm lại những biến cố lịch sử lúc bấy giờ. Mùa xuân năm 542, Lý Bí phất cờ nổi dậy. Khởi nghĩa thành công nhanh chóng. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, nghĩa quân đã chiếm được hầu hết các quận, huyện. Thứ sử Tiêu Tư run sợ, vội vã bỏ thành Long Biên (Yên Phong – Bắc Ninh) rút chạy về Trung Quốc. Lý Bí đem quân vào Long Biên, ổn định tình hình mọi mặt. Được tin Long Biên thất thủ, vua Lương lập tức hạ lệnh cho quân phản công chiếm lại. Bọn xâm lược vừa kéo sang đã bị Lý Bí cho quân mai phục đánh tan.

Mùa xuân năm 544, sau khi đánh đuổi được quân đô hộ và đánh lùi hai lần phản công xâm lược của nhà Lương, Lý Bí tự xưng hoàng đế tức Lý Nam Đế. Lý Nam Đế lấy tên nước là Vạn Xuân, đặt kinh đô ở miền cửa sông Tô Lịch (Hà Nội)

Tháng 5 năm 545, vua Lương lại phái quân sang đánh Vạn Xuân. Bấy giờ, nhà Lương vừa đàn áp được những cuộc nổi dậy của nông dân Trung Quốc, đã dồn sức vào cuộc tấn công xâm lược lần thứ ba này. Dương Phiêu được cử làm thứ sử châu Giao cùng với Trần Bá Tiên, một viên tướng rất hiếu chiến, tổ chức cuộc xâm lược. Địch chia hai đường thủy, bộ phối hợp cùng tiến sâu vào nước ta.

Sau nhiều lần thất thủ trước sức mạnh quân thù, Lý Nam Đế lại phải lui vào động Khuất Lão (Tam Nông, Vĩnh Phúc). Anh vua là Lý Thiên Bảo, cùng Lý Phật Tử (một người trong họ và là tướng của Lý Nam Đế) đem một cánh quân lui vào Thanh Hóa. Vua trao quyền cho Triệu Quang Phục tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương.

Triệu Quang Phục là người kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế. Ông là người huyện Chu Diên, là con của Triệu Túc, một thủ lĩnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Sử chép ông là người “uy hùng sức mạnh”.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, từ Lý Nam Đế qua Triệu Việt Vương đã có sự chuyển hướng chiến lược, thay đổi địa bàn và cách đánh. Lập căn cứ kháng chiến ở đồng bằng, đó là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng suốt của Triệu Quang Phục. Đưa quân xuống đồng bằng, Triệu Quang Phục không áp dụng phương thức tác chiến phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch. Kế sách của ông nói theo ngôn ngữ quân sự hiện đại, là đánh lâu dài và đánh tiêu hao, đánh kỳ lập làm phương thức tác chiến chủ yếu.

Qua gần 4 năm chiến tranh (547-550) cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh, địch càng đánh càng suy yếu. Viên tướng giỏi của địch là Trần Bá Tiên đã trở về Châu Quảng từ năm 547, làm Thái thú Cao Yên. Năm 548, bên triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh (548-552). Viên hàng tướng này đã cướp kinh sư, số đông quý tộc nhà Lương bị giết chết, bọn cường hào địa phương nổi dậy khắp nơi.

Chớp thời cơ đó. Triệu Quang Phục, từ căn cứ Dạ Trạch, đã tung quân ra mở một loạt cuộc tiến công lớn vào quân giặc giết tướng giặc là Dương Sàn thu lại châu thành Long Biên, đuổi giặc ngoại xâm, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước.

Về phần của Lý Phật Tử như sau. Năm 555, Đào Lang Vương Lý Thiên Bảo qua đời, không có con nối dõi, một vị tướng khác, người cùng họ với Lý Bí là Lý Phật Tử được đưa lên nối nghiệp. Bấy giờ, Triệu Quang Phục đã đánh đuổi được quân nhà Lương và xưng là Triệu Việt Vương, đóng trong thành Long Biên.

Năm 557, Lý Phật Tử liền đem quân đánh Triệu Việt Vương. Sự kiện đau xót này được sách Đại Việt sử kí toàn thư chép lại như sau: “Lý Phật Tử đem quân xuống vùng Đông Bắc, đánh nhau với Nhà vua (chỉ Triệu Việt Vương) tại Thái Bình, năm trận liền vẫn chưa phân thắng bại. Quân của Lý Phật Tử hơi nao núng, ngờ là Nhà vua có phép thuật lạ, bèn xin giảng hòa, thề thân thiện với nhau. Nhà vua nghĩ rằng, Lý Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế, cho nên, không nỡ cự tuyệt, bàn lấy bãi Quân Thần ở hai xã Thượng Cát và Hạ Cát của huyện Từ Liêm (ngoại thành Hà Nội) làm địa giới. Từ đó trở về phía Tây thì nhường cho Lý Phật Tử. Lý Phật Tử dời về đóng tại thành Ô Diên (xã Hạ Mỗ, Từ Liêm có đền thờ Bát Lang, tức là đền thờ Nhã Lang vậy) Sau, Lý Phật Tử có con trai là Nhã Lang. Nhã Lang xin cưới con gái của Nhà vua là Cảo Nương làm vợ. Nhà vua bằng lòng. Từ đó, hai bên thành thông gia. Nhà vua rất yêu quý Cảo Nương, bèn cho Nhã Lang được ở rể”.

Nhã Lang ở rể vừa được ba năm thì biến cố lớn đã xảy ra, mà với biến cố này, Nhã Lang vừa là thủ phạm, lại cũng vừa là nạn nhân. Đại Việt sử ký toàn thư khi chép chuyện năm Canh Dần (570) cho biết như sau:

“Nhã Lang nói với vợ rằng:

– Trước kia, cả hai vua cha cùng thù oán nhau, vậy mà nay lại kết nghĩa thông gia, sự thể quả là rất hay. Nhưng, vua cha của nàng có thuật gì hay mà đẩy lùi được quân của vua cha ta?

Cảo Nương không hề hay biết ẩn ý của chồng, bèn bí mật lấy mũ đâu mâu có gắn móng rồng cho chồng xem. Nhã Lang nhân đó, tráo cái móng rồng ấy, rồi nói với Cảo Nương rằng:

– Ta nghĩ, ơn sâu của cha mẹ lớn kể như trời đất. Nay, vợ chồng yêu quý nhau, không nỡ xa cách, nhưng ta cũng quyết phải tạm dứt tình để về thăm cha mẹ.

Nhã Lang trở về, cùng với cha, bàn mưu đánh chiếm nước của Triệu Việt Vương”.

Lý Phật Tử phụ lời thề ước, đem quân đánh úp và tiêu diệt Triệu Việt Vương.

          Có những thắng lợi không hề đem lại vinh quang, ngược lại còn bị sử sách nghiêm phê nữa. Thắng lợi của Lý Phật Tử thuộc loại này. Xin dẫn hai lời nghiêm phê của Ngô Sĩ Liên để thấy rõ hơn sự công minh của sử thần thuở trước. Cả hai lời nghiêm phê này đều được sách Đại Việt sử kí toàn thư ghi lại.

Lời thứ nhất : “Con gái lấy chồng thì gọi là quy, vậy, nhà chồng tức là nhà mình vậy. Con gái của Nhà vua đã gả cho Nhã Lang, thì hà cớ gì không cho về nhà chồng mà lại bắt chước theo tục ở rể của nhà Doanh Tần để đến nỗi bại vong”

Lời thứ hai : “Lấy thuật tranh bá mà xét thì Hậu Lý Nam Đế (tức Lý Phật Tử) đánh Triệu Việt Vương là đắc kế, song, lấy đạo của bậc làm Vua mà xét thì việc ấy không bằng cả lũ chó, heo. Vì sao? Khi Tiền Lý Nam Đế (chỉ Lý Bí) ở động Khuất Lão đã đem các việc quân quốc ủy cho Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thu nhặt tàn quân, bám giữ đất hiểm là đầm Dạ Trạch bùn lầy nước đọng để đương đầu với người hùng một thời là Trần Bá Tiên, cuối cùng bắt được tướng của hắn là Dương Sàn, người phương Bắc buộc phải lui quân. Khi ấy, Vua (chỉ Lý Phật Tử) trốn trong đất Di Lão, chỉ cầu mong thoát khỏi miệng hùm mà thôi. May được Trần Bá Tiên về Bắc, Lý Thiên Bảo qua đời, Vua mới có cơ hội đem quân đi đánh Triệu Việt Vương, gian trá dùng mưu xin hòa và kết mối thông gia để hại người. Triệu Việt Vương đã lấy lòng thành mà đối đãi, lại còn cắt đất cho mà ở, như thế, mọi việc đều chính nghĩa, giao hảo rất phải đạo, thăm viếng cũng phải thời, đó há chẳng là đạo trị yên lâu bền hay sao? Thế mà Lý Phật Tử lại dùng mưu gian của Nhã Lang, vứt bỏ cả nhân luân chính đạo, tham lợi mà vong ân, tuy đánh cướp được nước nhưng Nhã Lang thì phải chết còn thân mình thì sau phải vào tù (chỉ việc Lý Phật Tử bị nhà Tùy bắt năm 602), phỏng có ích gì đâu”.

Hoa Anh Đào

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *