Ngày 16/5/1966, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua một bản “Thông cáo chính trị”. Vì được thông qua vào ngày 16 tháng 5, nên sau này lịch sử gọi là “Thông cáo 16 tháng 5”.
Các nhà sử học TQ đã coi ngày thông qua thông cáo, ngày 16 tháng 5 năm 1966, là ngày bắt đầu “Cách mạng văn hóa” long trời lở đất trong lịch sử Trung Hoa.
Ban đầu, Thông cáo 16/5 thật ra chỉ đơn giản là để phủ định, thay thế 1 văn kiện khác của ĐCS TQ – Đề cương Tháng hai – do Tổ Cách mạng văn hóa (cũ) soạn thảo. Tổ này được thành lập tháng 7/1964 theo chỉ thị của Mao Trạch Đông, phụ trách chỉ đạo việc phê phán học thuật đang triển khai lúc đó. Tổ này gồm 5 người là Bành Chân, Lục Định Nhất, Khang Sinh, Chu Dương, Ngô Lãnh Tây. Tổ do Bành Chân đứng đầu. Lúc đó Bành Chân là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thường trực TW ĐCSTQ kiêm Bí thư Thành ủy Bắc Kinh kiêm Thị trưởng, là nhân vật đứng thứ 6 chi xếp sau 5 Ủy viên thường vụ Bộ chính trị là Mao (chủ tịch đảng), Chu Ân Lai, Chu Đức, Trần Vân (3 phó chủ tịch), Đặng Tiểu Bình (Tổng bí thư).
Nguồn gốc ra đời của “Đề cương Tháng hai” là để kìm hãm phong trào phê phán quá mức các tác phẩm văn học nghệ thuật và cố ý gắn yếu tố chính trị vào văn học nghệ thuật. Điển hình là cao trào phê phán vở kịch “Hải Thủy bãi quan” nhằm mục tiêu tấn công nhà văn Ngô Hàm – Phó Thị trưởng Bắc Kinh
Rất nhiều văn nghệ sỹ trở thành nạn nhân của các đợt công kích, đấu tố vì những tác phẩm nghệ thuật của họ hoặc họ có tham gia. Thông qua đó, cũng có nhiều người “tích cực” tham gia những đợt đấu tố này, mà thăng tiến, sau đó trở thành những thủ lĩnh của cuộc Cách mạng văn hóa, như Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Trần Bá Đạt, Diêu Văn Nguyên …
Bành Chân, với ý định ngăn chặn làn sóng tả khuynh quá ghê gớm đó, trên tư cách Tổ trưởng Tổ CMVH (cũ), đã chủ trì soạn “Đề Cương Tháng Hai”.
Nội dung của “Đề cương tháng Hai” gồm một loạt ý kiến có tính chính sách nhằm vào sự hỗn loạn trong tư tưởng do bài bình “Hải Thụy bãi quan” của Diêu Văn Nguyên dẫn đến. Đề nghị các ý kiến phê phán cần kiên trì thực sự cầu thị, và nguyên tắc “trước chân lý mọi người đều bình đẳng”, phải dùng lý lẽ để thuyết phục người khác, không nên vũ đoán lấy thế để áp chế người khác như học phiệt, cần phải thận trọng trong việc công khai chỉ tên phê phán trọng điểm trên báo chí…
Gần như cũng cùng thời gian đó, để phản công, Giang Thanh xuống Thượng Hải để tổ chức soạn thảo “Kỷ yếu về công tác văn nghệ trong quân đội”. (Do Bành Chân đã kiểm soát Bắc Kinh nên phe Giang Thanh chọn Thượng Hải để lập căn cứ).
Cần lưu ý rằng lúc đó Giang Thanh ngoài thân phận là phu nhân Mao chủ tịch ra thì bà không có bất cứ chức vụ gì trong đảng lẫn trong chính quyền, không phải là ủy viên TW. Để hợp thức hóa cho bà vợ, Mao Trạch Đông nghĩ ra sáng kiến là nhờ Nguyên soái Lâm Bưu (Bộ trưởng quốc phòng) ủy thác cho Giang Thanh. Vì vậy Kỷ yếu trở thành ““Kỷ yếu về công tác văn nghệ trong quân đội do đồng chí Lâm Bưu ủy thác cho đồng chí Giang Thanh”.
Tháng 2 năm 1966, đêm trước của trận bão táp. Khi Giang Thanh và 5 người trong đó có Trương Xuân Kiều (Trưởng ban tuyên truyền Thành ủy Thượng Hải), Lưu Chí Kiên (Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị), …, tổ chức “tọa đàm” ở Khách sạn Cẩm Giang Thượng Hải, thì ở Điếu Ngư Đài Bắc Kinh cũng có 5 người của nhóm Bành Chân họp.
Hội nghị 5 người ở Thượng Hải họp vào ngày 2 tháng 2 còn Hội nghị 5 người ở Bắc Kinh họp vào ngày 3 tháng 2.
“Cuộc tọa đàm” của Giang Thanh ở Thượng Hải đã viết ra “Kỷ yếu” , còn Hội nghị của nhóm Bành Chân ở Bắc Kinh đã viết ra “Đề cương”.
“Đề cương” và “Kỷ yếu” đối chọi với nhau.
Ngày 5 tháng 2 năm 1966, Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị tại Bắc Kinh do Lưu Thiếu Kỳ chủ trì đã thảo luận và thông qua “Đề cương tháng Hai”.
Ngày 8 tháng 2, Bành Chân, Lục Định Nhất (Trưởng ban tuyên truyền TW), Hứa Lập Quần đặc biệt đến Vũ Xương để báo cáo với Mao Trạch Đông về “Đề cương tháng Hai”, Mao Trạch Đông đã hỏi một số vấn đề, nhưng không nói là không đồng ý công bố.
Thế là ngày 12 tháng 2, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc in và phát bản “Đề cương tháng Hai” cho toàn Đảng.
Để đập lại “Đề cương Tháng Hai”, Giang Thanh đã đẩy nhanh tiến độ hoàn thành “Kỷ yếu”, Đích thân Mao đọc duyệt và sửa chữa Kỷ yếu cho bà vợ, sau đó chuyển cho Lâm Bưu phê duyệt.
Khang Sinh (“Beria của TQ”) vốn là một thành viên của tổ 5 người trong nhóm Bành Chân, giỏi quyền thuật, lựa gió chèo thuyền, lúc này trở giáo, tiến công Bành Chân, phê phán “Đề cương tháng Hai”.
Ngày 28, 29 tháng 3 năm 1966, Mao Trạch Đông nói chuyện với Khang Sinh hai lần ở Hàng Châu. Mao Trạch Đông phê bình gay gắt Thành ủy Bắc Kinh và Ban Tuyên truyền Trung ương (Tổ trưởng và tổ phó Tổ CMVH cũ là Bành Chân và Lục Định Nhất vốn là Bí thư thứ nhất Thành ủy Bắc Kinh và Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương), bảo Bành và Lục bao che cho kẻ xấu, không ủng hộ phái tả, rằng “đề cương báo cáo của tổ 5 người là xáo trộn giới hạn giai cấp, không phân phải trái, là sai lầm; Ban tuyên truyền Trung ương là “Điện Diêm vương”, phải đánh đổ Diêm vương giải phóng bọn tiểu yêu…
Những lời nói ấy của Mao Trạch Đông, đã phê phán “Đề cương tháng Hai”, làm cho sự sụp đổ của Bành Chân và Lục Định Nhất là không thể tránh khỏi.
Ngày 30 tháng 3 năm 1966, Lưu Chí Kiên (Phó Cục trưởng Cục văn hóa, thuộc nhóm soạn “Kỷ yếu” cho Giang Thanh) khởi tháo báo cáo thỉnh thị của Quân ủy gửi Trung ương và Mao Trạch Đông.
Mao Trạch Đông không ở Bắc Kinh, bản báo cáo này đáng lý ra phải đưa cho Đặng Tiểu Bình Tổng bí thư Trung ương Đảng. Nhưng Đặng Tiểu Bình cũng không ở Bắc Kinh. Thế là lại được đưa tới tay Bành Chân – lúc ấy Bành Chân là Bí thư thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Ngày 1 tháng 4, Bành Chân chuyển các bản “Kỷ yếu” và lời phê duyệt của Trung ương dưới dạng thông báo đến Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai, Chu Đức, Đặng Tiểu Bình v.v… cùng các ủy viên Trung ương Đảng.
Ngày 10 tháng 4 năm 1966, “Kỷ yếu” được in và phát cho toàn Đảng CS TQ.
Đối với Giang Thanh mà nói, ngày 10 tháng 4 năm 1966 là ngày “lịch sử” , với tiêu đề “Kỷ yếu cuộc tọa đàm về công tác văn nghệ của quân đội đo đồng chí Lâm Bưu ủy thác cho đồng chí Giang Thanh triệu tập”, được in nổi bật trên văn kiện Trung ương Đảng.
Cần nhắc lại là lúc đó Giang Thanh vẫn chưa phải là ủy viên TW, chức vụ thua cả 1 thứ trưởng, thế mà tác phẩm của Giang Thanh lại được trở thành văn kiện phát cho toàn đảng. 1 điều không thể xảy ra nếu Giang Thanh không phải là vợ Mao Trạch Đông.
Đầu tháng 4 năm 1966, Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình (đang công tác ở Thiểm Tây) đáp máy bay về Bắc Kinh, triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị. Trong cuộc họp, Khang Sinh truyền đạt nội dung ba lần nói chuyện của Mao Trạch Đông với ông ta ở Hàng Châu vào cuối tháng 3. Đã là ý kiến của Mao Trạch Đông thì Đặng Tiểu Bình phải làm theo, cho khởi thảo một bản thông cáo hủy bỏ “Đề Cương Tháng Hai”.
Hội nghị Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua “Thông cáo” này, rồi đưa cho Mao Trạch Đông phê duyệt. Mao Trạch Đông xem xong từ chối duyệt, bảo phải khởi thảo lại.
Mao Trạch Đông chỉ định Trần Bá Đạt phụ trách khởi thảo lại. Trần Bá Đạt và Vương Lực đã viết bản “Thông cáo” thứ hai. Bộ Chính trị lại họp để thảo luận, Bành Chân cũng có mặt. Khang Sinh đề xuất: “Phải thêm một câu: “Đề cương tháng Hai” là một văn kiện xét lại trăm phần trăm!” .
“Thông cáo” sau khi sửa chữa, lại gửi đi Hàng Châu. Mao Trạch Đông xem vẫn thấy không vừa ý, cho rằng quá giản đơn. Mao Trạch Đông đề nghị, tổ chức tổ khởi thảo văn kiện, lại khởi thảo lần nữa ở Thượng Hải. Mao Trạch Đông nêu đích danh Trần Bá Đạt làm tổ trưởng, tổ gồm 10 thành viên: Khang Sinh, Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Vương Lực, Quan Phong, Thích Bản Vũ, Ngô Lãnh Tây, Doãn Đạt, Mục Hân, Trần Á Đinh.
Ngày 16 tháng 4. Mao Trạch Đông triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng ở Hàng Châu thảo luận vấn đề của Bành Chân, quyết định giải tán “Tổ Cách mạng văn hóa 5 người”. Thành lập lại Tổ Cách mạng văn hóa.
Cũng đúng hôm đó, tại Thượng Hải, thành viên tổ khởi thảo tề tựu ở khách sạn Cẩm Giang. Tổ trưởng Trần Bá Đạt và tổ viên Khang Sinh đi họp ở Hàng Châu, tổ do Giang Thanh chủ trì.
Văn kiện do tổ này khỏi thảo cũng chính là “Thông cáo”, đây không phải là “Thông cáo” bình thường, mà sau này trở thành “Thông cáo 16 tháng 5”.
Ngày 24 tháng 4, Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị mở rộng đã cơ bản thông qua dự thảo “Thông cáo” quyết định giao cho Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng thảo luận.
Ngày 4 tháng 5, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng được triệu tập ở Bắc Kinh. Tham gia Hội nghị có các thành viên Bộ Chính trị cùng những người phụ trách hữu quan gồm 76 người. Giang Thanh đã xuất hiện tại Hội nghị cao cấp chủ chốt của Đảng Cộng sản Trung Quốc mặc dù đến chức ủy viên Trung ương bà ta cũng không phải !
Bành Chân, Lục Định Nhất trở thành mục tiêu chủ yếu để hội nghị công kích.
Ngày 9 tháng 5, “Giải phóng quân báo” đăng bài viết của Giang Thanh ký tên là “Cao Cự” với tiêu đề: “Nổ súng vào sợi chỉ đen chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội” đồng thời “Quang Minh nhật báo” đăng bài của Quan Phong, ký tên là “Hà Minh” với tiêu đề “Lau mắt cho sáng, nhận rõ thật giả”.
Ngày 10 tháng 5, “Giải phóng quân báo” và “Văn hối báo” ở Thượng Hải, đồng thời đăng bài viết dài của Diêu Văn Nguyên có tựa đề “Bình “Thôn ba nhà””.
Ngày 11 tháng 5, Tạp chí “Hồng kỳ” đăng bài “bình lập trường tư sản của báo “Tiền tuyến” và “Bắc Kinh nhật báo”” của Thích Bản Vũ.
Ngày 14 tháng 5, “Nhân dân nhật báo” đăng bài “Vạch trần bộ mặt chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội của Đặng Thác”.
Báo chí TQ nồng nặc mùi thuốc súng.
Bánh xe lịch sử, cuối cùng đã cuốn vào ngày hôm ấy, ngày 16 tháng 5 năm 1966, Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua “Thông cáo”. Vì được thông qua vào ngày 16 tháng 5, nên mọi người gọi là “Thông cáo 16 tháng 5”.
“Thông báo 16 tháng 5” là được xem tuyên ngôn của “cách mạng văn hóa”, là cương lĩnh để tiến hành “cách mạng văn hóa”. Các nhà sử học đã coi ngày thông qua thông cáo ngày 16 tháng 5 năm 1966, là ngày bắt đầu “Cách mạng văn hóa”.
Đây là 1 đoạn trong Thông cáo 16 tháng 5:
““Giương cao ngọn cờ vĩ đại của cách mạng văn hóa vô sản, vạch trần triệt để lập trường phản động tư sản của cái gọi là “quyền uy học thuật” chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội, phê phán triệt để tư tưởng phản động tư sản của giới học thuật, giới giáo dục, giới báo chí, giới văn nghệ, giới xuất bản, giành lại quyền lãnh đạo trong các lĩnh vực văn hóa này. Nhưng muốn làm được điều này thì phải đồng thời phê phán những nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản đã trà trộn trong Đảng, trong chính quyền, trong quân đội và trong các giới thuộc lĩnh vực văn hóa, gạt sạch những người này và cần phải thay đổi chức vụ của một số người.
“Những nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản trà trộn trong Đảng, trong chính quyền, trong quân đội và trong các giới văn hóa, là bọn xét lại phản cách mạng, hễ thời cơ chín muồi, là chúng sẽ cướp chính quyền, từ chuyên chính vô sản biến thành chuyên chính tư sản. Những nhân vật này, có một số đã bị chúng ta nhận ra, có một số vẫn chưa nhận ra, có một số đang được chúng ta tin dùng, được bồi dưỡng làm người kế tục của chũng ta, chính là những nhân vật Khơ-rút-sốp đang ngủ bên cạnh chúng ta, Đảng ủy các cấp cần phải chủ ý đầy đủ điều này”.
Thông cáo 16 tháng 5 cũng bãi bỏ Tổ Cách mạng văn hóa (cũ) của Bành Chân, và thành lập Tổ Cách mạng văn hóa mới, do Trần Bá Đạt (Thư ký của Mao) làm Tổ trưởng, trùm mật vụ Khang Sinh là Cố vấn, các Tổ phó gồm Giang Thanh, Vương Nhậm Trọng, Lưu Chí Kiên, Trương Xuân Kiều.
Từ đó đã dẫn đến 10 năm động loạn trên đât Thần Châu.
Mười năm Cách mạng văn hoá, theo lời Nguyên soái Diệp Kiếm Anh tại lễ bế mạc Hội nghị công tác trung ương ngày 30-12-1978, đã có 100 triệu người bị đấu tố, 20 triệu người chết !
Hình: Đại tướng La Thụy Khanh (Tổng Tham Mưu Trưởng) bị tàn phế (do nhảy lầu tự sát không thành) vẫn bị Hồng vệ binh cho vô cái cần xé để mang đi đấu tố trong thời gian cao trào của cuộc “Cách mạng văn hóa”.
