Giữa tháng 5 các vườn vải bắt đầu hối hả thu hoạch vải đầu mùa. Trong đó, vườn vải Thái Bình cũng đang trĩu quả.
Anh Nguyễn Trọng Cung (sinh năm 1992, ở Thái Bình) – một thợ ảnh, cho biết, rặng vải dọc hai bên bờ sông Minh Hồng, thuộc thôn Thượng Xá, xã Quỳnh Minh, huyện Quỳnh Phụ, nhiều cây có tuổi đời trên 20 năm. Khi vải chín đỏ soi bóng xuống lòng sông tạo khung cảnh mơ màng, thanh bình mang dáng dấp miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Bạn có thể thêm vào địa điểm tham quan du lịch nếu có dịp ghé thăm Thái Bình.
Hiện tại, vải đang chín đều, người dân thu hoạch bằng cách trèo lên thang sắt cao hoặc di chuyển bằng thuyền để hái vải. Nếu tới vườn vải thời điểm này, bạn có thể trải nghiệm cảnh nông dân tất bật thu hoạch vải bán cho thương lái, hoặc vận chuyển vải tới các đầu mối thu mua nông sản.
Theo anh Cung, vải nơi đây là vải trứng, khi chín có kích cỡ to bằng quả trứng, cho sản lượng nhiều, vị ngọt hơi chua nhẹ, dày cơm. Ghé thăm vườn vải mùa vải chín, bạn có thể mua được những chùm vải hái từ trên cây xuống, vừa tươi vừa ngon mà giá thành lại khá rẻ (30.000 đồng/kg).
Chia sẻ về việc thực hiện bộ ảnh, anh Cung phải đi lại vài lần để chụp được sắc màu vải từ lúc còn xanh tới khi chín đỏ. Hơn nữa, khung cảnh sẽ ấn tượng khi trong cảnh có hoạt động của con người, nên nhiếp ảnh gia trẻ quê lúa sẽ canh chừng để tới đúng thời điểm người dân bẻ vải lúc sáng sớm hoặc lúc chiều, để ảnh có sự chuyến biến về ánh sáng mặt trời.
Đặc biệt, có lúc anh còn chụp được khoảnh khắc siêu đẹp và sinh động khi người dân chèo thuyền đánh cá ven sông, hai bên là những chùm vải trĩu cành, chín đỏ rủ bóng xuống lòng sông.
Chia sẻ thêm với PV Dân Việt, nhiếp ảnh gia quê lúa cho biết, khoảng 5-6 năm nay, năm nào anh cũng chụp một bộ ảnh vườn vải Thái Bình, để nhìn lại sự tiến bộ của mình trong kỹ thuật chụp. Bên cạnh đó, anh cũng muốn góp công sức nhỏ bé của mình để lan toả những hình đẹp của tỉnh, bởi Thái Bình vốn không phải là vùng đất mạnh về du lịch, cũng không có nhiều cảnh đẹp đặc sắc như các tỉnh thành khác để thu hút du khách.