Thời kỳ bạo lực Bersiap ở Indonesia.

Thời kỳ bạo lực Bersiap ở Indonesia

Ảnh: thanh niên Indonesia với giáo mác tự chế và súng trường Nhật Bản trong thời kỳ bạo lực Bersiap từ năm 1945 đến hết 1946 ở nước này.
”Bersiap” – khẩu ngữ của tiếng Indonesia có nghĩa là ”sẵn sàng” – cũng là từ để chỉ giai đoạn bạo lực đẫm máu thời đầu cuộc chiến giành độc lập của nước này. Diễn ra trong hơn 1 năm từ cuối năm 1945 đến đầu năm 1947, thời kỳ Bersiap ghi dấu bởi các hành động bạo lực chống lại dân thường đến từ các 2 phía: quân Đồng Minh châu Âu và quân kháng chiến Indonesia. Điều đặc biệt nhất tạo nên sự khác biệt giữa Bersiap và phần còn lại của cuộc kháng chiến sau đó là nó không có sự tham gia của lực lượng Hà Lan – nước chính quốc cai trị Indonesia, mà vai trò lớn nhất thuộc về quân đội Anh và Nhật Bản.
1/ Bối cảnh sau độc lập Indonesia.
Khác với ở Việt Nam, nếu lực lượng Pháp đã sớm triển khai trở lại xâm lược ngay cuối năm 1945, thì ở Indonesia quân đội Hà Lan phải mất hơn 1 năm trời để hoàn tất quá trình chuẩn bị. Do Hà Lan có quốc lực nhỏ hơn Pháp rất nhiều, không thể sớm phục hồi như Pháp sau thế chiến, nên quá trình xây dựng lại của Hà Lan diễn ra chậm và phụ thuộc nhiều vào viện trợ của Mỹ trong chương trình Marshall. Tuy vậy, chính quyền Hà Lan vẫn dành ưu tiên đặc biệt cho ý định trở lại thuộc địa cũ: Indonesia. Dù chậm chập, nhưng Hà Lan vẫn tỏ quyết tâm xây dựng lại quân đội mạnh để quay lại Indonesia. Thậm chí khi nhận viện trợ Marshall của Mỹ, họ tuyên bố rõ ràng rằng: ”một phần viện trợ Marshall sẽ được dùng hoàn toàn cho cuộc chiến ở Đông Nam Á”. Cuối cùng, mất hơn 1 năm chuẩn bị, đến cuối năm 1946, quân đội Hà Lan đã đổ bộ trở lại Indonesia.
Trong khi đó, ở Indonesia lúc này vừa mới tuyên bố độc lập khỏi Nhật Bản. Indonesia chính là tài sản quý nhất của Đế quốc Nhật ở Đông Nam Á. Trong thời gian chiếm đóng Indonesia, đế quốc Nhật đã vơ vét lượng tài nguyên khổng lồ, đưa 4 triệu người Indonesia đi làm lao động nô lệ, và cũng khiến 2,4 người trên đảo Java chết đói cuối năm 1944 (hôm trước ông nào bảo Indonesia không khổ bằng Việt Nam thì bỏ ngay đi nhá). Vào lúc Nhật đầu hàng, trên đảo còn 250.000 lính Nhật và các lực lượng Đồng Minh của họ (lính Ấn đào ngũ, lính Miến Điện, lính Philippines,…) cùng lực lượng người Indonesia phục vụ Đế quốc Nhật.
Do nhận thấy tình hình quân đội chưa thể quay lại sớm, trong khi lính Nhật còn đông, Hà Lan đã đề nghị với quân đồng minh thay họ vào tiếp quản Indonesia, tận dụng lực lượng lính Nhật tại chỗ, cốt để đàn áp phong trào độc lập của Indonesia, tạo điều kiện để Hà Lan quay lại. Đồng ý với yêu cầu này, bộ chỉ huy của quân Anh đã quyết định phái lực lượng lớn với 5 vạn quân Anh và Ấn Độ vào Indonesia cuối năm 1945 dưới danh nghĩa ”tiếp quản Nhật đầu hàng”, thực chất là để tước khí giới quân Indonesia và thuyết phục quân Nhật phục vụ họ. Bằng cách nào đó thì quân Anh đã thuyết phục thành công hàng vạn lính Nhật ở lại phục vụ cho họ, chống lại phong trào độc lập của người Indonesia.
Phẫn nộ với hành động của quân đồng minh, người Indonesia đã tự vũ trang và tiến hành các vụ tấn công trả thù vào binh lính cũng như dân thường châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc,… mở đầu cho thời kỳ bạo lực Bersiap kéo dài đến năm 1947.
2/ Bạo lực với dân thường trong thời kỳ Bersiap.
Thực chất không chỉ có người Indonesia phẫn nộ với hành động phản bội của phe Đồng Minh. Hàng nghìn lính Nhật có tư tưởng ”Đại Đông Á” – coi châu Âu là kẻ thù chung – đã nộp mình cho lực lượng kháng chiến Indonesia và cũng là nguồn cung cấp súng đạn chủ yếu cho quân Indonesia thời này. Điều này có được là bởi các tướng cao cấp của Nhật Bản – như chuẩn đô đốc Tadashi Maeda là người ủng hộ phong trào độc lập của Indonesia. Trước khi đầu hàng, quân Nhật ở nhiều nơi đã mở kho vũ khí cho những người kháng chiến Indonesia vào lấy. Cũng như thế, trong lực lượng Ấn Độ cũng có 600 lính Hồi giáo đào ngũ để về phía kháng chiến Indonesia – những người mà sau này chết mất 525, chỉ còn sống 75.
Để thực hiện các vụ trả thù, Indonesia đã lập ra các lực lượng gọi là ”Pemuda – thanh niên Cộng hòa”, vũ trang bởi gậy gộc, dao kiếm, gạch đá,… để sẵn sàng tấn công các khu vực có dân thường châu Âu sinh sống. Trước mỗi cuộc tấn công, họ thường hô lên ”Bersiap – sẵn sàng” trước khi lao vào tấn công đối phương. Sự nhiệt thành cách mạng của Pemuda thậm chí còn cáo buộc các lãnh đạo độc lập Indonesia như Sukarno và Hatta là ”tay sai Đế quốc Nhật” khi họ kêu gọi dân chúng bình tĩnh, tránh bạo lực với dân thường.
Quân đội Anh đổ bộ lên đảo Sumatra vào tháng 9 năm 1945, cố gắng tránh đảo Java – nơi chính quyền Indonesia vừa mới thành lập. Tuy vậy, điều này chẳng có ý nghĩa gì. Sau khi quân Anh đổ bộ, các hành động tấn công dân thường đã nổ ra đồng loạt trên khắp nước Indonesia, đầu tiên nhằm vào người Nhật. Ở nhiều nơi quân Nhật đã nổ súng tấn công quân Cộng hòa Indonesia để chiếm chính quyền giao cho quân Anh. Ở thành phố Semarang, tây Java, 500 lính Nhật bị giết trong khi giết 2.000 dân Indonesia. Nhưng tiêu biểu nhất là vụ việc tại thành phố Bandung – nơi có cộng đồng người Hoa sống đông đúc. Tháng 3 năm 1946, khi quân Nhật và Anh chuẩn bị chiếm thành phố, các đám đông giận giữ Indonesia đã giết hơn 1.200 dân thường châu Âu và Trung Quốc, sau đó thiêu rụi thành phố và di tản để thành phố không còn ý nghĩa về quân sự cho kẻ chiếm đóng. Sự kiện đi vào lịch sử với tên gọi ”Biển lửa Bandung” – đã thiêu rụi toàn bộ phía Nam thành phố đông đúc này, khiến dân số từ 40 vạn người xuống còn có… 16.000 người. Sự kiện thiêu hủy thành phố Bandung sau đó trở thành biểu tượng cho lòng quyết tâm kháng chiến của người Indonesia, bất chấp sự tàn khốc của nó.
Bạo lực với dân thường sau đó lan rộng ở các khu vực có người châu Âu sinh sống với sự tàn bạo mà man rợ được báo cáo khá thường xuyên. Một hình thức phổ biến là chặt đầu công khai. Các thanh niên cộng hòa Pemuda sau khi tràn vào khu vực người châu Âu sẽ bắt những nạn nhân của họ trước một đám đông. Sau khi được hỏi nên làm gì với ”kẻ thù nhân dân” (Musuh) – đám đông hô lên “Bunuh!” (giết!) và nạn nhân bị giết bởi nhát chém của đao phủ. Sau đó thi thể tiếp tục bị đám đông nhục mạ, trong khi thi thể phụ nữ có thể bị đâm bộ phận sinh dục bởi giáo tre (Bambu runcing).
Ước tính các hành động tàn bạo nhằm vào người châu Âu trong thời kỳ Bersiap đã giết chết 3.800 người. Đây là số mà quân đội Hà Lan sau đó đã tìm thấy trong các mộ tập thể. Còn con số 20.000 dân thường châu Âu mất tích không thể tìm thấy đã không được tính vào số người thiệt mạng.
Dù ghi dấu bởi bạo lực tàn khốc, một thực tế rằng thời kỳ Bersiap bạo lực diễn ra chủ yếu ở Tây Java, trong khi không lan mạnh ở các đảo khác. Tuy nhiên, trên các đảo đó lại xảy ra tình trạng tàn bạo ngược lại với dân thường Indonesia gây ra bởi quân đồng minh. Giai đoạn tháng 10 đến 11 năm 1945 được coi là giai đoạn đẫm máu nhất của thời kỳ Bersiap, với các cuộc giao tranh đẫm máu làm hàng vạn binh lính dân thường thiệt mạng. Trong các trận chiến này, trận Trận Surabaya tháng 10 đến tháng 11 năm 1945 là trận chiến nổi tiếng nhất trong toàn bộ thời kỳ kháng chiến ban đầu của người Indonesia. Sau này, người Indonesia đã chọn ngày 10/11 hàng năm làm Ngày Anh hùng (Hari Pahlawan) để tưởng nhớ 3 vạn người Indonesia chết trận ở Surabaya tháng 11 năm 1945.
Trận Surabaya bắt đầu từ ngày 27/10/1945, khi quân Anh tiến vào thành phố để giải giáp quân Nhật nhưng cũng để tước khí giới quân kháng chiến Indonesia. Tướng Nhật Bản – Phó Đô đốc Shibata Yaichiro trước khi đầu hàng đã giao toàn bộ vũ khí của mình cho những người Cộng hòa Indonesia. Khi quân Anh tiến vào giải giáp lính Nhật, những người Cộng hòa Indonesia từ chối hạ vũ khí. Quân Anh dùng máy bay thả truyền đơn kêu gọi quân kháng chiến Indonesia đầu hàng, nhưng ngày 30/10/1945, một quả bom nổ giết chết tướng Anh Aubertin Mallaby ở Surabaya. Điều này khiến quân Anh tức giận, và tháng 11/1945, 30.000 quân Anh được cử đến Surabaya tấn công quân kháng chiến Indonesia trong thành phố.
Lực lượng Indonesia, với 20.000 người được vũ trang từ kho vũ khí của Nhật, cùng hơn 100.000 thanh niên Cộng hòa Pemuda trang bị thô sơ, đã chiến đấu kiên cường với quân Anh trong 1 tháng. Trận chiến ở Surabaya qua lời kể của các nhân chứng diễn ra vô cùng ác liệt, ”xác chết chồng chất đường phố”,… Quân Anh đã cho máy bay ném bom và pháo từ tàu biển bắn san bằng thành phố. Đến ngày 29/11/1945, với sự vượt trội vũ khí, quân Anh chinh phục thành công Surabaya, nhưng thành phố đã tan nát.
295 lính Anh đã chết ở Surabaya. Trong khi những trận bom và pháo kích đã giết 16.000 binh sĩ Indonesia và khiến hàng vạn dân thường thương vong. Hơn 200.000 người mất nhà cửa do thành phố bị san bằng. Số dân thường chết ở Surabaya cũng chiếm phần lớn số dân thường Indonesia thiệt mạng trong thời kỳ bạo lực Bersiap. Nhưng trận Surabaya cũng là biểu tượng cho tinh thần kháng chiến kiên cường của người Indonesia. Để tưởng niệm những người hy sinh ở Surabaya, sau này Indonesia đã chọn ngày 10/11 hàng năm làm ngày Anh hùng quốc gia (Hari Pahlawan).
Ngoài ra, trận Surabaya được coi là có tác động với chính sách của quân Anh. Nhân chứng sống cho trận chiến này là bà K’tut Tantri – một người Mỹ gốc Scotland sống ở Surabaya – trong trận Surabaya đã làm phát thanh viên cho quân kháng chiến Indonesia, đọc những bài phản chiến nhằm đến quân Anh. Các quốc gia có đại diện ngoại giao ở Surabaya là Liên Xô, Đan Mạch, Thụy Điển và Thụy Sĩ, thông qua phát thanh của bà K’tut Tantri đã gửi những thông điệp phản đối tới quân Anh. Theo lời kể của nhân chứng, quân Anh ở nhiều nơi đã từ chối chiến đấu. Bà nói rằng quân Anh đã rất phẫn nộ với người Hà Lan khi người Hà Lan lừa dối họ rằng ”quân kháng chiến Indonesia là tay sai của Nhật”.
Sau cùng, rõ ràng trận Surabaya đã khiến bộ chỉ huy quân Anh nhận ra rằng họ đang chống lại những người Indonesia thực sự chiến đấu cho đất nước. Họ cũng nhận ra rằng sẽ rất khó cho quân Anh đã duy trì một cuộc chiến kéo dài ở Đông Nam Á. Vì vậy sau đó quân Anh cơ bản đã tránh xa khỏi các xung đột với quân kháng chiến Indonesia, đến cuối năm 1946 họ rút đi để quân Hà Lan vào tiếp quản. Ít lâu sau đó, chính phủ Anh đã coi những người Cộng hòa ở Indonesia là chính nghĩa, công khai ủng hộ Indonesia và trở thành nước đi đầu lên án chống lại Hà Lan ở Liên Hợp quốc, gây khó khăn đáng kể cho cuộc chiến của Hà Lan ở Indonesia.
3/ Kết thúc và hậu quả của thời kỳ Bersiap.
Cuối năm 1946, lực lượng Hà Lan đổ bộ vào Indonesia, mở đầu cuộc chiến mới. Lúc này lực lượng kháng chiến Indonesia đã có thời gian tổ chức, thành lập được Quân đội Cộng hòa chính quy. Thời kỳ bạo lực Bersiap kết thúc, nhường chỗ cho cuộc chiến tranh chính quy trực diện giữa quân đội Hà Lan và quân đội Cộng hòa Indonesia. Sau 4 năm chiến tranh với hơn 200.000 người Indonesia thiệt mạng, Hà Lan phải chịu thua, chấp nhận nền độc lập của Indonesia.
Sau khi kết thúc thời kỳ Bersiap, quân đội Hà Lan đã cố gắng tìm kiếm thi thể của các nạn nhân. Họ tìm được 3.800 thi thể dân thường bị người Indonesia sát hại, còn hơn 20.000 người không thể tìm thấy. Trong khi đó, cũng có hơn 20.000 dân thường Indonesia thiệt mạng, một phần lớn trong số đó là trong trận Surabaya với quân Anh. Về phía quân Anh, 1.200 lính Anh cũng chết ở Indonesia từ năm 1945 đến 1946.
Ngoài ra, người Nhật cũng có ghi chép khá cụ thể về mình. Theo đó, riêng tại thành phố Bandung đã có 1.057 người Nhật chết khi Indonesia thiêu rụi thành phố. Các con số ở nơi khác ít được đề cập tới. Trong khi đó, cũng có 531 người Nhật chết trong hàng ngũ quân kháng chiến Indonesia. Còn 600 lính Ấn Hồi giáo đào ngũ sang Indonesia, chỉ có 75 người sống sót, 525 người đã hy sinh.
Ngày nay, giai đoạn bạo lực Bersiap thường được nói tới ở các nước phương Tây: Hà Lan, Anh, Úc,… Hà Lan đến ngày nay vẫn nỗ lực tìm các thi thể nạn nhân châu Âu bị sát hại trong thời kỳ Bersiap ở Indonesia. Trong khi đó, vì nhiều lý do, bạo lực với dân thường trong thời kỳ này thường bị chính phủ Indonesia né tránh, tương tự như các vụ đàn áp Đảng Cộng sản Indonesia năm 1965. Indonesia ngày nay thường chú trọng vào cuộc kháng chiến anh dũng của họ trước quân Anh những năm 1945.
Tuy vậy, ở nhiều địa phương Indonesia, vẫn có những tượng đài tưởng niệm những người bị giết trong thời kỳ Bersiap 1945-1946, không phân biệt người Indonesia hay người Hà Lan, Nhật Bản, Ấn Độ,…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *