Thợ săn vượt suối, trèo cây cao vút giữa rừng già để “ăn” mật ong rừng tại Phú Thọ
Thứ năm, ngày 05/09/2024 15:03 PM (GMT+7)
Nhiều năm nay, nghề săn mật ong gắn liền với cuộc sống, mang lại thu nhập khá giả cho những người nông dân ở huyện Tân Sơn (Phú Thọ) dưới tán rừng già xanh thăm thẳm.
Vườn quốc gia Xuân Sơn nằm trên địa phận huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đây cũng là vườn quốc gia duy nhất có rừng nguyên sinh, có hệ động, thực vật phong phú trên núi đá vôi với diện tích hơn 2.400 ha, độ cao từ 700 m – 1.300 m. Và đó cũng chính là nơi những người nông dân chăm chỉ lao động, sản xuất gắn bó mật thiết với phát triển kinh tế nông nghiệp dưới tán rừng.
Đội “Ong rừng Tân Sơn” được thành lập từ năm 2020 với 5 thành viên, đến từ các xã Xuân Đài, Kim Thượng, Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn). Đây là những người nông dân dấn thân, tiên phong trong việc liên kết với nhau để cùng vào những cánh rừng già, rành rẽ một nghề rất mới ở huyện miền núi Tân Sơn – nghề săn mật ong rừng.
Mùa mật ong rừng bắt đầu từ đầu năm đến khoảng tháng 10. Nhiều năm nay, các thành viên trong đội “Ong rừng Tân Sơn” cứ đến mùa mật ong rừng lại chuẩn bị đồ dùng, dụng cụ rủ nhau lên rừng săn mật ong. Nghề săn mật ong rừng tuy nhiều gian nan, vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng đã đem lại nguồn thu nhập khá cho nhiều gia đình nơi đây. Nhóm đi lấy mật ong rừng không chỉ lấy mật ở những cánh rừng huyện Tân Sơn, họ còn đi lấy mật rừng tại nhiều tỉnh khác như Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái…
Xác định săn mật ong rừng là một nghề mang lại thu nhập trang trải cho cuộc sống, đội Ong rừng Tân Sơn đã có sự tìm hiểu tỉ mỉ, từ đó các thành viên nắm rất rõ cách tổ chức của đàn ong. Mật ong rừng thường có các loại: Ong ruồi, ong mật, ong khoái. Trong đó, săn nhiều và thường xuyên, công phu nhất là mật ong khoái. Ong khoái là loài ong thiên nhiên thuộc loại hung dữ, đến nay vẫn chưa thuần hóa được. Trong khi đi lấy mật ong rừng, thợ săn mật phải đối diện với sự tấn công của đàn ong.
Ong khoái gồm ong chúa, ong đực và ong thợ. Con ong khoái rất siêng năng, có thể bay trong tầm chục cây số để lấy mật, phấn hoa. Nhưng nó chỉ bay tầm thấp để tránh thiên địch là các loài chim hay các loài ong to lớn hơn như ong vò vẽ. Hay nhất vẫn là tính tổ chức, con nào đi lấy mật thì đi, con nào gác cửa thì gác cửa, còn ong chúa chỉ sinh sản. Con đi lấy mật về mà không có mật thì con ong gác cửa cũng không cho vào. Mỗi lần chuẩn bị sinh sản, con ong chúa bay nhanh lên cao, con ong đực nào bay theo kịp, mạnh nhất mới được giao phối.
Xem tổ ong đang bu làm mật cũng biết con ong đang dữ hay đang hiền. Thấy con ong đang nằm đều có nề nếp, khi nghe động mà nó chỉ chớp cánh từng lớp đều đặn là ong hiền. Còn khi quan sát tổ ong đã đủ mật, con ong bò lộn xộn dồn xuống phía dưới dạ tàng, tạo ra sự hỗn loạn thì là tổ ong dữ. Biết ong dữ, ong hiền thì mới chuẩn bị cách để ăn ong cho gọn mà không bị chúng vây đánh.
Ong khoái thường làm tổ trên những ngọn cây cao, có những tổ ong khoái làm tổ trên cây cách mặt đất chừng 85m, có những cây có tới 5 tổ và nhiều hơn thế nhưng để lấy được rất vất vả và nguy hiểm. Theo kinh nghiệm của những người thợ lành nghề, thông thường vào mùa khô từ tháng 3 đến tháng 5 là chất lượng mật ong tốt nhất vì trời khô ráo, mật ong không thấm nước. Vào mùa mưa, hàm lượng nước trong mật nhiều hơn, nên mật loãng hơn. Không chỉ có vậy, con ong vào mùa mưa thường hay hung dữ hơn.
Để lấy được mật ong rừng thì không phải ai cũng làm được bởi nghề này đòi hỏi những người tham gia phải có sức khỏe tốt, lòng gan dạ, trèo cây giỏi, có tinh thần đoàn kết trong nhóm. Hành trình thu được những lít mật ong rừng nguyên chất từ rừng già, nhóm thợ đội Ong rừng Tân Sơn phải trải qua rất nhiều công đoạn vất vả, nguy hiểm như tìm ong, lấy tổ ong, vắt mật… Trong ảnh: Các thành viên đội “Ong rừng Tân Sơn” thăm dò tổ ong trước khi lấy mật.
Để tìm được nơi ong làm tổ, thành viên đội Ong rừng Tân Sơn thường đi theo các con suối ở trong rừng để quan sát đàn ong xuống lấy nước. Sau khi lấy nước nhìn theo hướng ong bay để tìm tổ của chúng. Những con ong già thường rất khôn ngoan, chúng bay vòng vèo để đánh lạc hướng, còn những con ong non sẽ bay thẳng về tổ nên sẽ dễ tìm hơn. Khi phát hiện tổ ong, các thành viên sẽ nhìn vào cách ong bám vào tổ để biết thời gian lấy mật sao cho không để mật quá già hoặc quá non.
Trong giới thợ săn ong rừng, Bùi Văn Thọ (SN 1993, nhà tại khu Muỗi Bòng, xã Xuân Đài, Tân Sơn) là tay cừ khôi, nhiều kinh nghiệm nhất. Thọ cũng chính là đội trưởng của Đội Ong rừng Tân Sơn. Theo lời kể của Thọ, một ngày của những người đi rừng lấy mật ong bắt đầu từ khi con gà rừng còn chưa cất tiếng gáy chào bình minh và trở về khi trời đã tối muộn, mục tiêu là tìm được những bầu ong tự nhiên trong rừng để lấy mật… Bên cạnh những yếu tố như địa hình hiểm trở, những nguy hiểm khi trèo lên cây cao, trong khi đi lấy mật ong rừng, nếu gặp đàn ong dữ, thợ săn mật có thể bị tấn công dồn dập và hứng mũi đốt chí mạng, nhất là khi tay đã đặt vào tổ ong, cơ thể dính mật lại càng thu hút đàn ong đuổi theo tấn công.
Bên cạnh những yếu tố như địa hình hiểm trở, những nguy hiểm khi trèo lên cây cao, theo Bùi Văn Thọ, trong khi đi lấy mật ong rừng, nếu gặp đàn ong dữ, thợ săn mật có thể bị tấn công dồn dập và hứng mũi đốt chí mạng, nhất là khi tay đã đặt vào tổ ong, cơ thể dính mật lại càng thu hút đàn ong đuổi theo tấn công.
Hà Văn Toàn – thành viên trong đội “Ong rừng Tân Sơn” cho biết, dụng cụ được mang theo khi đi lấy mật ong thường có: Quần áo bảo hộ, xô nhựa, túi ni lông đựng mật, dao, bật lửa, dây thừng, búa, đinh… Bên cạnh đó là gạo, nước uống, lương khô…
Tùy vào độ cao, kích thước của thân cây nơi đàn ong làm tổ mà thợ lấy mật dùng nhiều cách khác nhau để leo lên như: Đu dây cây sống, đóng móng vào thân cây hay làm thang vòng qua những gốc cây. Thông thường, mỗi lần đi lấy mật sẽ có từ 2 – 3 người hỗ trợ nhau. Trong đó, một người có nhiệm vụ trèo lên cây lấy mật, người còn lại sẽ ở bên dưới giúp vận chuyển các đồ dùng, dụng cụ hoặc đỡ đón khi mật được lấy xong.
Trong quá trình đi lấy mật ong rừng, các thành viên trong đội Ong rừng Tân Sơn luôn tâm niệm: Mật ong là “lộc rừng”, vì vậy, người đi lấy mật cần phải có lương tâm, trách nhiệm và nguyên tắc hành nghề. Khai thác mật nhưng không tận diệt đàn ong, bởi tận thu gây ảnh hưởng đến cân bằng sinh thái cũng chính là tận diệt nguồn sống của chính mình.
Người thợ lấy mật nhìn những mảng sáp vàng óng để đánh giá lượng mật, tổ nhiều mật thì khai thác luôn, tổ mới làm, ít mật sẽ để dành khai thác sau. Khi lấy mật, tuyệt đối không được phá tổ, mở cho ong đường sống để tiếp tục sinh sôi, nảy nở, cho mật ngọt những mùa sau. Tôn trọng bầy ong cũng chính là cách tôn trọng nghề săn mật ong rừng, những người thợ vừa được thụ hưởng vừa bảo tồn tinh hoa quý giá của núi rừng. Trong ảnh: Một tổ ong có bầu mật lớn, nặng đến vài chục kg được đội thợ Ong rừng Tân Sơn thu hoạch được.
Nụ cười tươi rói của thành viên đội Ong rừng Tân Sơn sau một ngày vào rừng già thu hoạch được những tổ mật ong rừng tự nhiên chất lượng.
Mỗi lần đi rừng, các thành viên trong đội Ong rừng Tân Sơn săn được từ 1 đến 3, 4 tổ ong có mật. Tiền bán mật ong giúp mọi người trang trải cuộc sống, đồng thời có thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình trồng rừng, nuôi thêm lợn, trâu…
Mật ong rừng mang hương thơm tự nhiên đặc trưng, giọt mật trong, màu vàng như nước trà, đậm đặc, sóng sánh. Khi vắt lấy mật theo kiểu tự nhiên, mật ong thật thường còn sáp ong nổi lên trên mặt, để lâu không bị hư.
Sản phẩm mật ong của Đội Ong rừng Tân Sơn hiện được người tiêu dùng, thị trường rất ưa thích, đón nhận, cứ có hàng là bạn hàng khắp mọi miền nhanh chóng đặt mua sạch sẽ. Thời gian tới, các thành viên Đội Ong rừng Tân Sơn tập trung hướng đến khai thác mật ong rừng ngày càng chuyên nghiệp hơn; chú trọng đến khâu sau thu hoạch như đóng chai, từng bước xây dựng làm nhãn hiệu uy tín để góp phần giới thiệu thêm sản vật rừng Quốc gia Xuân Sơn; xúc tiến giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm mật ong rừng trên các nền tảng xã hội…, nhằm nâng cao giá trị cho mật ong rừng, không ngừng nâng cao thu nhập, đời sống cho các thành viên…
Hoan Nguyễn – Vĩnh Hà
Post Views: 9