Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Síp 1974.

Thổ Nhĩ Kỳ xâm lược Síp 1974.

Ngày nay, có một quốc gia bị chia cắt nhưng rất ít người nhắc tới. Đó chính là Đảo Síp – quốc gia với 1/3 lãnh thổ phía Bắc của người Thổ Nhĩ Kỳ – là một nhà nước ít được công nhận. Phần còn lại là của Cộng đồng Hy Lạp, là phần được chúng ta biết tới rộng rãi qua đời sống thường ngày.

Nằm trên vùng biển giữa 2 nước thù địch không đội trời chung – Síp từ lâu đã bị chia sẻ giữa 2 cộng đồng Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng không giống như mối thù địch giữa 2 chính quốc, 2 cộng đồng ở đây sống bên nhau rất yên ấm trong nhiều thế kỷ. Lý do được giải thích là vì, giới tinh hoa của cả 2 dân tộc trên đảo Síp đều coi mình chung một chủ nghĩa thế tục tiến bộ hơn so với cả 2 chính quốc sùng đạo và nhiều biến động.

Tuy nhiên, vào đầu những năm 60s, người Anh trao trả độc lập cho Síp, giữ lại 2 căn cứ quân sự. Một nhóm dân tộc cực đoan của người Hy Lạp tên ''EOKA'' bất ngờ nổi lên, công khai thù địch với cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 1963, nhóm này gây ra một vụ bạo động lớn nhất trong lịch sử Síp, phá hoại các làng mạc phía Bắc của người Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn 100 ngôi làng bị đốt phá, 1000 người bị giết hại và hơn 30.000 người Thổ Nhĩ Kỳ phải di tản về nước. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ dù rất phẫn nộ, nhưng cuối cùng những nguyên nhân khách quan khiến họ đã phải nuốt nước mắt đứng ngoài. Các lý do đó là sự bất ổn sau đảo chính quân sự năm 1960, khủng hoảng kinh tế kéo dài, khủng hoảng tên lửa căng thẳng với Liên Xô, và sự áp đặt của các cường quốc. Cụ thể, tổng thống Mỹ Johnson đầu năm 1964 đã có bức thư nhắn tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rằng ''Liên Xô có thể lợi dụng một cuộc xâm lược cúa Thổ Nhĩ Kỳ vào Síp để khơi mào chiến tranh. Nếu điều đó xảy ra thì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải tự chịu trận, Mỹ không giúp''.

Tuy nhiên, đến năm 1974, sức mạnh của Thổ Nhĩ Kỳ đã phục hồi và khủng hoảng với Liên Xô đã kết thúc với việc Thổ Nhĩ Kỳ rút tên lửa của Mỹ khỏi lãnh thổ. Lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ mạnh lên sẽ ảnh hưởng đến cộng đồng của họ ở Síp, nhưng không tin Thổ Nhĩ Kỳ dám xâm lược, mùa xuân năm 1974 một nhóm quân nhân Hy Lạp làm đảo chính chiếm quyền lực, thành lập chế độ độc tài quân sự ở Síp. Chính quyền quân sự Hy Lạp lên đã bãi bỏ các quyền tự do, dân chủ, đồng thời tước đoạt nhiều quyền lợi của cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã bị áp bức từ lâu.

Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi các cường quốc can thiệp để đưa Síp ''ít nhất về lại trung lập''. Nhưng ngoại trưởng Mỹ Kissinger không bận tâm, còn Anh bác bỏ yêu cầu của Thổ cho phép dùng căn cứ quân sự của Anh. Thất vọng bị 2 đồng minh quay mặt, quân Thổ quyết định bí mật hành động. Rạng sáng thứ 7 ngày 20/7/1974, không ồn ào, không tiếng súng, không báo trước, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ âm thầm đổ bộ lên Đảo Síp. Bị bất ngờ, quân đội người Hy Lạp thua trận và xin ngừng bắn sau 3 ngày. Nhưng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt chân lên Síp và được phép ở lại.

Các lệnh ngừng bắn bị vi phạm và đàm phán thất bại đã khiến đến ngày 16/8/1974, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở cuộc tấn công lớn thứ 2. Lần này Hy Lạp thua hoàn toàn, chấp nhận để Thổ Nhĩ Kỳ chiếm 37% lãnh thổ ở Bắc Síp. Sau đó, 150.000 người Hy Lạp ở Bắc Síp và 50.000 người Thổ ở Nam Síp đã phải di dời. Hàng trăm dân thường thiệt mạng cùng nhiều di sản văn hóa của cả 2 dân tộc đã bị phá hủy trong thời gian cuộc xâm lược.

Kết thúc cuộc xâm lược, Thổ Nhĩ Kỳ đã chiến thắng. Họ chiếm được 1/3 lãnh thổ Síp, thành lập nhà nước Bắc Síp nhưng ít được công nhận. Ngày nay nước Síp, bao gồm cả thủ đô Nicosia vẫn bị chia cắt, và thủ đô Nicosia là thủ đô duy nhất trên thế giới bị chia cắt. Tuy vậy, sự chia cắt Síp này rất ít khi được nói tới. Có lẽ là trong hàng chục năm qua, sự chia cắt này không dẫn đến căng thẳng và đối đầu, và Síp vẫn là một quốc gia ổn định, phát triển cao trong Liên minh châu Âu, phát triển về du lịch, giáo dục.

Mặc dù vậy, đôi lúc vẫn có những việc như tên lửa Syria bắn trượt rơi xuống Síp, lâu lâu Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp tranh một khu phát hiện khí đốt, và một số việc khác để nhắc mọi người Síp là nước nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *