Thơ có ích gì cho chúng ta?

TS Nguyễn Thanh Tâm cho rằng dù là truyền thống hay cách tân, thơ đều thể hiện thế giới tinh thần của con người. Nó là nơi nương náu, nuôi dưỡng nhân tính và tìm thấy sự bình an.

Ngày thơ Việt Nam là lễ hội văn hóa được tổ chức hàng năm vào rằm tháng giêng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội). Do tình hình dịch bệnh, 3 năm trở lại đây, ngày thơ không thể diễn ra theo hình thức truyền thống.

 Trên nhiều trang mạng xã hội, các nhà thơ và độc giả vẫn tìm được cách bày tỏ tình yêu với thi ca theo cách riêng. Tối 14/2, “Đêm thơ Nguyên tiêu online” được tổ chức trực tuyến với chủ đề “Thơ ích gì cho chúng ta?”, thu hút sự tham gia của hàng trăm nhà phê bình văn học, nhà thơ, nhà văn và bạn đọc.

Hình ảnh tại Ngày thơ Việt Nam năm 2017. Ảnh: Quỳnh Trang

Thơ là hiện tượng văn hóa xã hội

Tính chất công việc và niềm yêu thích văn chương khiến nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm phải đọc thơ của nhiều tác giả. Anh cho rằng đằng sau mỗi văn bản là một con người. Sự gặp gỡ với thơ cũng là cuộc hội ngộ với con người, giúp ta được tự do trong thế giới của câu chữ.

Theo anh, thơ có 4 “ích dụng”. Thứ nhất, nó là một hiện tượng văn hóa xã hội. Xét trên bình diện đó, ta đã mở ra một hướng đi cho văn học và chính chúng ta.

Thứ hai, nếu nhìn thơ đương đại với sự đa dạng, ta thấy mảng lớn nhất vẫn là trữ tình, truyền thống, hướng tới cái đẹp, giá trị thẩm mỹ, bày tỏ tư tưởng, tình cảm của con người.

“Ở thơ đương đại, ta thấy được tâm tính của người Việt. Họ muốn biểu đạt trạng thái, tâm tư của mình qua các loại hình giàu vần điệu, con chữ mang đầy nhạc tính như thơ ca”, TS Nguyễn Thanh Tâm nói.

Có thể thấy một trong những xu hướng của các “Facebooker” hiện nay là trích dẫn một vài câu thơ để nói lên dòng trạng thái của mình. Điều đó cho thấy người Việt vẫn ưa sự nhịp nhàng, hài hòa.

Thứ ba, thơ cho ta thấy văn hóa, môi trường và thế giới ngôn ngữ. TS Nguyễn Thanh Tâm lấy ví dụ thơ ca của một số cây bút cách tân như Lê Đạt, Nguyễn Thị Thúy Hạnh, Trần Dần… và đánh giá rằng bản thân thơ là một hiện tượng. Ở đó, ngôn ngữ được chêm xen thêm nhiều lớp nghĩa.

“Xét cho cùng, mọi ý nghĩ của con người sẽ luôn quy về các trạng thái biểu đạt bằng ký hiệu, ngôn từ”, TS Nguyễn Thanh Tâm nêu quan điểm.

Người yêu văn chương luôn đòi hỏi thơ phải hay, đáp ứng nhu cầu nghệ thuật, nhân sinh, thẩm mỹ. Song, ở điểm thứ tư này, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cho rằng cần đặt câu hỏi: Ta chất vấn thơ nhiều, nhưng có khi nào thơ chất vấn lại chúng ta? Người đọc có thực sự hiểu được thơ hay chưa?

“Một số người nói thơ là vô ích, chẳng qua họ chưa hiểu được thơ. Có những bài thơ ‘khó’, rất cần một bộ phận độc giả nhận ra giá trị của nó. Bởi dù là truyền thống hay cách tân, thơ đều thể hiện được thế giới tinh thần của con người. Trong sự bất an, thơ là nơi con người có thể nương náu, nuôi dưỡng nhân tính và tìm thấy sự bình an”, ông Tâm bày tỏ.

Ảnh: TS Nguyễn Thanh Tâm.

Dòng chảy của thi ca

Trao đổi tại tọa đàm, TS Đinh Minh Hằng nói trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy và tìm hiểu về thơ hiện đại, đôi khi chị cảm thấy mình ở trong đó: “Giữa dòng đời tấp nập, ta có lúc hoài nghi về cõi sống. Khi ấy, thơ mang lại cảm xúc về sự đồng điệu”.

Sau năm 1986, thơ ca có sự chuyển mình, không chỉ đi vào những điều to lớn, vĩ đại, mà đi sâu vào những thứ bình dị hơn. “Đây là một sự thay đổi lớn của nghệ thuật vì đã biết tiếp nhận những sự vật thông thường, nhỏ bé”, TS Đinh Minh Hằng nói.

TS Trần Ngọc Hiếu cũng nhận định có những trạng thái mà con người không thể diễn tả một cách trọn vẹn và chỉ trong thơ, ta mới có thể sống thật với chính cảm xúc của mình.

“Có nhiều hình thức biểu đạt thế giới nội tâm. Nhiều người chọn thơ vì nó mang đến khoái cảm vô tư, thuần khiết về ngôn từ. Có những cảm xúc cần được biểu đạt bằng thứ ngôn ngữ như thế, người nghe mới thấy sướng, thấy đã”, TS Trần Ngọc Hiếu lý giải.

Anh cũng lấy dẫn chứng rằng hai năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự lên ngôi của thể loại “rap”. Ở góc độ nào đó, sự hấp dẫn của “rap” rất gần với sự hấp dẫn của thơ. Chúng cùng chứa ngôn từ, vần, nhịp điệu và gây được sự chú ý.

Bàn về lịch sử của thi ca, TS Hà Thanh Vân nói thơ là thể loại văn học ra đời sớm nhất, cách đây khoảng hơn 5.000 năm. Theo thời gian, tác dụng của thơ sẽ tăng thêm bởi con người đã làm cho nó có thêm nhiều lớp nghĩa.

Ở thời trung đại, thơ là một thể văn chương có tính chất thể chế. Thời này, nhà thơ còn ít. Sang thế kỷ 20, thơ phổ biến hơn nhờ sự thay đổi của kỹ thuật in ấn, chữ quốc ngữ và sự phát triển của tiếng Việt.

TS Hà Thanh Vân cho rằng thơ phải được đặt trong bối cảnh xã hội: “Với mỗi người, thơ có ý nghĩa riêng, tùy thuộc suy nghĩ, thời điểm. Nhiều người làm thơ không mưu cầu sự nổi tiếng, mà chỉ coi đó là nơi trút tâm tư. Cùng sự phát triển của mạng xã hội, thơ càng trở nên phổ biến”.

“Đêm thơ Nguyên tiêu online” thu hút sự tham gia của hàng trăm khách mời và độc giả.

Thơ song hành cùng nỗi xúc động của con người

Với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, thơ có nhiều giá trị. Ông dẫn bài Thơ là gì? do chính ông sáng tác để thấy được những giá trị đó:

“ Thật ra, thơ có là gì? 

Thơ là ngọn khói vô vi bên chùa 

Mái chùa chợt hửng nắng trưa 

Thơ là ngọn nắng người xưa kiếm tìm 

Thật tình, thơ vốn lặng im 

Vô thanh chữ nghĩa dọc miền ca dao 

… Cõi u mê chạm cõi tình 

Thơ vào cõi ấy xem mình yêu nhau 

Thật lòng, tới cõi khổ đau 

Thơ là ngọn nến nhiệm màu xót xa.”

Trong khi đó, nhà thơ Đỗ Anh Vũ bày tỏ rằng thơ luôn phải đặt trong mối tương quan với văn học vì bản thân nó có vị trí quan trọng trong khu rừng này.

Theo TS Đỗ Anh Vũ, thơ có sự trau chuốt, cô đọng về mặt ngôn ngữ. Nó song hành cùng nỗi xúc động của con người. Con chữ trong thơ đánh vào cảm xúc rất mạnh về mặt hình tượng.

Nghiên cứu về thơ đương đại, TS Nguyễn Thanh Tâm nhận thấy hiện nay, “thơ nhiều, nhưng lại ít thi phẩm”. Anh cho rằng với một thi sĩ, có 3 yếu tố cần cân nhắc trước khi làm thơ: Trách nhiệm với cộng đồng, với thể loại thơ và với chính bản thân.

“Với đời sống, thơ ca giúp kiến tạo cộng đồng, môi trường sinh tồn nhân văn hơn. Gốc rễ của thơ vẫn là nhịp điệu, âm vần. Phần khổ thơ có thể mất đi, thay vào đó là âu lo, bất an của đời sống. Nhưng nếu không có nhịp điệu, thơ ca sẽ không còn nữa”, TS Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ.

 Theo Zing News

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *